Bài viết Manchester United – thất bại đã được dự báo trước (gốc: cái chết đã được dự báo trước) của tác giả Jason Ke, Menback chia sẻ lại cùng độc giả.
Manchester United – thất bại đã được dự báo trước
Di sản Ferguson
Sir Alex Ferguson là một chiến lược gia tài năng của thế giới. Cũng không quá lời khi nói đế chế Manchester United hiện giờ toàn bộ di sản là do một tay Sir Alex gây nên. Số lượng danh hiệu dưới triều đại của mình chiếm đến gần 80% tổng số danh hiệu trong lịch sử của CLB. Ông cũng là một trong những nhà quản lý tiên phong trong tư tưởng gây dựng CLB trở thành một đế chế, một doanh nghiệp và một thương hiệu toàn cầu. Và những năm đầu thế kỷ 21, cùng với quá trình phẳng hóa của thế giới, Man Utd đã vượt qua Real Madrid và Barcelona, trở thành thương hiệu bóng đá đắt giá nhất hành tinh.
Thành tựu và những di sản của Sir Alex không chỉ nằm gói gọn trong thành tích trên sân cỏ. Ông còn là một chiến lược gia, quản trị gia đại tài. Thủ tướng Tony Blair lúc đương chức cũng đã từng đàm đạo với Sir Alex khá nhiều về những kiến thức và kinh nghiệm quản trị.
Khi Tony Blair hỏi: “Làm thế nào để xử lý những nhân viên cứng đầu”, ngài Máy Sấy Tóc chỉ trả lời ngắn gọn; “Đá đít chúng đi thôi”
Vĩ đại là vậy, nhưng cũng chính bản thân ông là người đã đẩy Man Utd vào quãng thời gian tăm tối của Man Utd sau sự nghỉ hưu của mình một cách vô tình. Ông để lại một kế hoạch Champions League dang dở, một niềm tin mù quáng cho người hâm mộ, và sự tự mãn cho các học trò. Sir Alex che đi những vấn đề, những lỗ hổng chết người của CLB cả trong và ngoài sân cỏ bằng sự xoay xở tài tình của mình. Để rồi chính những người kế vị ông phải sống trong cái vũng bùn ảo tưởng do chính bản thân mình gây nên.
- Đọc thêm: Manchester United – Tinh thần của Quỷ
Chẳng ai có thể trách ông sau những gì đã cống hiến và gây dựng. Và với những người hiểu rõ áp lực, những vấn đề sức khỏe, mối ràng buộc trách nhiệm và khó khăn từ gia đình, họ càng chẳng thể trách. Họ chỉ tiếc, giá như họ có thêm thời gian, chí ít là hai đến ba năm nữa, thì có lẽ sự chuyển giao sẽ mượt mà hơn rất nhiều.
Đã 6 năm kể từ ngày thoái vị, có lẽ chăng chúng ta nên ngừng nhắc đến những thứ như Tinh Thần United, văn hóa CLB, dòng máu Quỷ. Bấu víu quá khứ để bao biện cho hiện tại chỉ khiến nỗi đau thêm dài.
Ed Woodward
Giai đoạn hậu Ferguson, người nắm quyền lực tối cao nhất tại Man Utd, nực cười thay, là một nhân vật không hề có kiến thức hay kinh nghiệm gì về thể thao. Sau 6 năm vùng vẫy trong vũng bùn ảo tưởng, với những quyết định, tầm nhìn và chiến lược không thể sai lầm hơn. Chiến dịch ăn xổi với những tên tuổi lớn cả trên sân cỏ và trên băng ghế huấn luyện đã thất bại thảm hại cùng với sự thâm hụt ngân quỹ tồi tệ và sức hút chuyên môn bị hủy hoại nghiêm trọng.
Quyết định bổ nhiệm Ole Gunnar Solskjaer, vốn dĩ không phải là quá tệ trong tình thế dở dang và chẳng có một ứng viên sáng giá nào khác. Thế nhưng những quyết định kế tiếp, có thể dự đoán Ed Woodward đang cố gắng mang văn hóa và truyền thống CLB trở lại với những cái tên đã từng làm việc lâu năm, hoặc là những công thần trong quá khứ của CLB. Những người danh tiếng có, nhưng trình độ quản lý chuyên môn thì phải xét lại. Một canh bạc đầy rủi ro khác của vị cựu kế toán và nhân viên đầu tư ngân hàng đáng kính. Đến bao giờ Ed Woodward mới nhận ra, tình trạng thượng bất tuân hạ tất loạn đang xảy ra, lỗi lớn chính là từ ông ta đây.
Đã 6 năm kể từ ngày Sir Alex thoái vị, có lẽ chăng chúng ta nên ngừng bấu víu vào những thứ như Tinh Thần United, văn hóa CLB, dòng máu Quỷ. Dùng cội nguồn của vấn đề để đưa ra phương án giải quyết vấn đề là một câu trả lời tốt, trong hoàn cảnh của 6 năm trước đây chứ không phải bây giờ.
Solsa là một lựa chọn không tệ đối với Manchester United
Giải pháp?
Ed Woodward vẫn tiếp tục loay hoay trong vũng bùn hậu Ferguson. Nhiều khả năng Ed và đoàn tàu Man Utd sẽ lại tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng với những chính sách không hợp lý của mình. Vậy đâu là giải pháp hợp lý.
Với tình thế hiện tại, một kế hoạch dài hơi và dũng cảm với mục đích tẩy sạch Di Sản Ferguson từ thượng tầng và hạ tầng, cả vô hình và hữu hình là một điều cực kỳ quan trọng ngay lúc này. Thượng bất tuân hạ tất loạn. Ed Woodward nên chấp nhận những hạn chế của mình về tư duy chuyên môn trong lĩnh vực thể thao, từ đó bỏ đi ước vọng một tay che trời. San sẻ quyền lực với một người khác có chuyên môn hơn và bản thân mình nên tập trung vào công việc quản lý tài chính và các đối tác thay vì nhúng tay quá sâu vào chuyên môn như hiện tại. Đó cũng là mô hình dẫn đến thành công của Liverpool và Man City, hai kình địch lớn nhất của Man Utd ở nước Anh. Họ có cả một ekip với kinh nghiệm và chuyên môn rất cao, quan trọng là có sự thống nhất về tầm nhìn và chiến lược.
Bên cạnh đó, những điều chỉnh trong nhân sự chuyên môn và chuyển nhượng cũng sẽ được ảnh hưởng tích cực nếu có một chiến lược tốt. Điều quan trọng trong mùa hè tới không phải là mua được ai, mà bán bớt được ai. Nếu tiếp tục vung tiền không hợp lý, thì tiền đồ của Man Utd chắc cũng sáng tương đương *m hộ của chị Dậu, và đầu óc của Ed Woodward chắc cũng chỉ sánh ngang với đám fan bán áo bù tiền chuyển nhượng thôi.
Cứ yên tâm rằng, một quả bom chuyển nhượng nữa nổ mùa hè tới, một ngôi sao nữa cập bến Old Trafford, là ngày tàn của màu áo Đỏ sẽ được xác định mà không cần biết là tiền ở đâu dù cho có bán được cả Pogba và De Gea đi nữa.
Manchester United 2018/2019 brief analysis
65 bàn thắng/ 38 trận: một con số không quá tệ trên thống kê, chỉ kém mỗi Man City và Liverpool, và same same Tottenham (67 bàn).
Nhưng thực tế, thành tích ghi bàn và hiệu quả tấn công của ManUtd cực kỳ đáng lo ngại mùa giải vừa rồi. Có đến 28/65 bàn thắng, chiếm tỷ lệ hơn 43%, được ghi bởi những tình huống:
– Mang nặng tính tự phát hoặc may mắn: lập bập bóng 2, những siêu nỗ lực cá nhân mang tính đơn lẻ, một mình dẫn bóng đột phá hoặc sút xa, hay tận dụng lỗi tự phát của đối phương.
– Hoặc những tình huống cố định từ penalty hoặc đá phạt.
Bên cạnh đó, chỉ có khoảng 14/65 (21.5%) bàn đánh giá là thực sự có bài bản phối hợp và ý tưởng rõ ràng.
Những con số trên là hệ quả của hệ thống quá tĩnh và bị động của Mourinho, chả có bài bản và phương án tấn công gì nổi bật và hiệu quả. Nếu không có chuỗi 10 trận trăng mật của Ole, hẳn ManUtd sẽ phải rơi xuống giữa BXH với một mớ thông số tồi tệ hơn rất nhiều.
54 bàn thua/ 38 trận: một con số cực kỳ khủng khiếp, thủng lưới nhiều hơn những đối thủ cạnh tranh top 4 trực tiếp xấp xỉ 20 bàn, và trong top 10. Chỉ có West Ham là có hàng phòng ngự tệ hơn với 55 bàn thua. Cũng chẳng lạ, khi các ông từ hậu vệ đến thủ môn cứ thi nhau lần lượt tấu hài, Giai đoạn đầu thì De Gea gánh tụt quần hàng phòng ngự ngáo đá, đến giai đoạn sau thì các đồng đội đá chắc chắn hơn rất nhiều thì Thánh Tôn lại lên cơn. Cạn lời.
Công tệ mà thủ chắc thì thôi tạm chấp nhận. Nhưng đây công thì cùn thủ thì toang. Thượng tầng thì rối như mớ bòng bong.
Manchester United 2019/2020 prediction:
Với tình hình nhân sự hiện tại, có lẽ Ole vẫn sẽ áp dụng sơ đồ 4-3-3 cho mùa giải tới, đây là một sơ đồ tương đối cân bằng linh hoạt, cung cấp khả năng thay đổi tức thì nhanh chóng. Lối đá phản công, chuyển trạng thái nhanh kết hợp pressing tầm cao như chuỗi 10 trận thăng hoa vẫn sẽ là một lựa chọn tốt. Nhưng đây là lối đá rất tốn thể lực, và sự xuống sức rõ rệt đã thể hiện rõ ràng bằng chuỗi kết quả tệ cuối mùa giải khiến cho ManUtd hụt hơi trong cuộc đua top 4.
Tuy nhiên, Ole vẫn sẽ phải nghiêm túc có cho mình phương án dự phòng hữu hiệu. Cách tiếp cận trên rất hiệu quả khi đá với big match, nhưng trong những trận đấu mà đối phương chủ động cầm chừng nhịp độ hoặc tử thủ, sự bế tắc thể hiện rõ ràng trên sân. Và Ole chưa hề có một phương án điều chỉnh tình huống nào đáng lưu ý. Cũng chẳng trách được ông ở thời điểm đó, thế nhưng nếu sang mùa giải mới với cả một mùa chuyển nhượng và pre-season mà chúng ta vẫn nhìn thấy vấn đề tương tự thì đây là một điều rất đáng lo ngại.
- Đọc thêm: Liverpool vs Roma: khi Salah là vô đối
Chuyển nhượng:
Nhân sự hiện tại đang ở tình trạng thừa thì rất thừa, nhưng thiếu thì lại rất thiếu, trong khi quỹ lương thì đang phình to một cách mất kiểm soát, đứng đầu PL và các bạn có thể tự so sánh với quỹ lương của những đội bóng khác thông qua những thống kê đính kèm.
Ngoài Pogba, và De Gea, không còn ai có thể đặt niềm tin. Những nhân tố khác như Shaw, Lindelof, Bailly, Matic, Rashford, Martial, Lingard thuộc diện có thể dùng được. Phần còn lại cần phải bán càng nhanh càng tốt để giải phóng quỹ lương.
Mùa giải tới, ManUtd cần bổ sung 3-4 vị trí thiết yếu để hoàn thiện hệ thống và giữ cho mục tiêu Top 4 khả thi.
– RB: 2-3 năm r MU không có một RB đúng nghĩa, Dalot chỉ thuộc dạng tiềm năng và có lẽ cũng sẽ chẳng tiến xa được, một bản hợp đồng mới trẻ khỏe, quan trọng là nhanh và biết tạt là quan trọng nhất thời điểm hiện tại.
– Winger: một cầu thủ chạy cánh nhanh, khéo và khỏe. Martial thì một màu cut inside, Lingard không phải mẫu chạy cánh, Mata và Sanchez thì một ông viết blog nhiều quá ngu cả người, một ông thì chuyển nghề làm nghệ sĩ rồi.
– Một MC, trong bối cảnh Herrera đã sang PSG, ManUtd cần thêm ít nhất một tiền vệ mới ngay lập tức nếu muốn giữ Pogba lại sân OTF chí ít 1-2 mùa giải nữa.
– Vị trí còn lại có thể là 1 CB, tuy nhiên cần bổ sung 3 vị trí trên trước nhất.
Đã có rất nhiều tin đồn liên quan đến ManUtd gần đây, nhưng nói thật là chưa thấy có bản hợp đồng tiềm năng nào khả dĩ về chuyên môn, chứ đừng nói đến kinh tế. ManUtd hiện giờ không còn là đội bóng có sức hút mạnh về chuyên môn nữa, nên việc bắt buộc phải có một kế hoạch tái thiết từ từ trong 2-3 năm tới. Chứ nếu tiếp tục dùng tiền đè chết người ngắn hạn để mua sắm, thì MNSĐ sẽ còn chui hang dài. Thậm chí tương lai và thương hiệu của đội bóng cũng sẽ bị đe dọa.
Tác giả: Jason Ke