Từng bị Deschamps loại khỏi đội tuyển sáu năm và chỉ trở lại từ Euro 2021, Karim Benzema vẫn thể hiện đẳng cấp của mình và là cầu thủ duy nhất con sót lại trong “Thế hệ 87” của Pháp sẽ tỏa sáng tại sân chơi World Cup 2022
Về mặt toán học mà nói thì, nước Pháp trông gần giống như một hình lục giác, và hình lục giác là một trong những hình phẳng đẹp, vững chắc và hoàn hảo nhất! Về mặt bóng đá mà nói đội hình xứ sở lục lăng chỉ có thể đẹp, vững chắc và hoàn hảo nhất khi có Karim Benzema trong đội hình để chinh phục một lần nữa cúp vàng thế giới World Cup 2022 – giải đấu mà do chính họ nghĩ ra.
Đội tuyển vô địch thế giới World Cup 2018 giống như chiếc vương miện của nhà vua rất đẹp nhưng lại thiếu một viên ngọc để chiếc vương miện ấy lấp lánh và uy quyền hơn – Viên ngọc còn thiếu trên chiếc vương miện ấy hiện tại mang tên Karim Benzema.
2004 – trận chung kết U17 EURO giữa Pháp và Tây Ban Nha.
Nếu như Pique, Fabregas trải qua thanh xuân cuộc đời cầu thủ với vị đắng thì Karim Benzema, Ben Arfa, Nasri là vị ngọt đôi môi sau chiến tích đánh bại đội U17 Tây Ban Nha của những Pique, Fabregas, Mario Suarez, Adan… để vô địch giải U17 châu Âu năm 2004 ngay trên sân nhà . “Thế hệ 1987” ấy đã từng là một bầu trời đầy sao của người Pháp. Nhưng những “viên ngọc thô” năm xưa như Nasri, Hatem Ben Arfa giờ đây đã chỉ còn là nuối tiếc.
Nốt thăng và nốt trầm…
Quay lại năm 2004, Tây Ban Nha và Pháp đều sở hữu lứa cầu thủ tài năng “Thế hệ 1987”. Để rồi sau trận chung kết U17 thế giới ấy, lứa cầu thủ 1987 năm nào của Pháp và Tây Ban Nha lại là hai nốt nhạc khác nhau trong cung đàn bóng đá.
“Thế hệ 1987” Tây Ban Nha – Nốt thăng cao vút…
Lứa cầu thủ 1987 Tây Ban Nha với Pique, Fabregas… chính là nốt thăng để lại những giai điệu đẹp cho bộ môn thể thao nhưng cũng đầy chất nghệ thuật- Bóng đá. Cùng với Messi và Pique, Cesc Fabregas là một trong những đại diện tiêu biểu cho cái gọi là “Thế hệ 1987” mà lò đào tạo nổi tiếng La Masia nói riêng và Xứ Sở bò tót nói chung sản sinh ra được và sau thất bại đầu đời tại một trận chung kết giải trẻ U17 trước Pháp năm 2004, “Thế hệ 1987” của Tây Ban Nha với đại diện Pique, Fabregas đã không gục gã mà cùng nhau họ đã trải qua hành trình diệu kỳ vô địch World Cup 2010 và EURO 2012.
“Thế hệ 1987” của Tây Ban Nha, những chàng trai bại trận năm xưa giờ đây khi nhìn ngắm lại có thể Pique và Fabregas thầm cảm ơn những thất bại giải U17 năm nào để rồi từ giải đấu đó Pique, Fabregas đã đặt những dấu chân đẹp nhất trên những sân bóng và những giải đấu đã chinh chiến.
Lịch sử bóng thế giới ghi nhận Tây Ban Nha cùng Pháp là hai đội tuyển hiếm hoi trong lịch sử bóng đá thế giới lập được kỳ tích vô địch World Cup và EURO liền nhau. Với Pháp là danh hiệu vô địch World Cup 1998 và EURO 2000 còn Tây Ban Nha là chuỗi thành công sau đó 10 năm với chức vô địch World Cup 2010, EURO 2008 và 2012. Trong chuỗi thành công đó luôn có dấu ấn của “Thế hệ 1987” – Tây Ban Nha.
“Thế hệ 87” Pháp – Nốt trầm buồn…!
Nhận định về “Thế hệ 87” trong Đội tuyển Pháp cùng tham dự EURO 2012, HLV Laurent Blanc đã nói: “Họ là những cầu thủ có phẩm chất tuyệt vời. Chúng tôi may mắn khi được sở hữu một thế hệ tài năng đến như vậy”.
Với những cầu thủ Thế hệ 1987 của Pháp sau những niềm vui đầu đời giờ đây chỉ còn những tiếng thở dài. Những nốt trầm mang âm hưởng buồn vì sự bốc đồng của tuổi trẻ đã biến những cầu thủ tài năng “ Thế hệ 87” của Pháp dần chìm trong lãng quên sau trận thua trước Tây Ban Nha ngày 24-6-2012 tại tứ kết EURO 2012 và những chuyện ồn ào trong phòng thay đồ mùa EURO năm đó. Với “Thế hệ 1987” Tây Ban Nha của Pique, Fabregas đã giành chiến thắng 2 – 0 trước đội tuyển Pháp của Nasri, K.Benzema…
2021 – Trận chung kết Nation League
Sóng gió phủ đời trai…
Đời cầu thủ có 2 lần chết, một lần khi giải nghệ chia tay sân cỏ và một lần chết theo quy luật cuộc sống. Riêng với Benzema, anh có 3 lần chết trong cuộc đời. Ngoài 2 lần nói trên thì còn một lần chết lâm sàng chính là việc không được khoác màu áo lam – đội tuyển Pháp.
Huấn luyện viên đội tuyển Pháp lúc này làm Didier Déchamps (D. Deschamps) mâu thuẫn với K. Benzema sau vụ tiền đạo Real tống tiền đồng đội Mathieu Valbuena năm 2015. K. Benzema cáo buộc D. Deschamps cúi đầu trước sức ép chính trị để phân biệt chủng tộc với anh. Vì điều này, D. Deschamps đối mặt với áp lực dư luận và sự quấy rối của những cổ động viên quá khích trong thời gian dài.
Hồi tháng 3/2021, nhà cầm quân Pháp khẳng định “tới chết cũng không tha thứ cho Benzema”.
34 tuổi, 1/2 đời người, những ồn ào của tuổi trẻ đã qua đi “ Thế hệ 87” giờ đây chiêm nghiệm lại cuộc sống những năm qua, sẽ cảm thấy hối tiếc điều gì? Chắc hẳn với Karim Bezema chính là màu áo xanh diệu vợi, rất gần nhưng cũng xa vô cùng tận. Mơ ước được khoác chiếc áo xanh lam một lần nữa, cùng chạy và cháy cho màu áo xanh lam lần nữa những tưởng chỉ là ao ước. Những cổ động viên Pháp và những người hâm mộ đội tuyển Pháp sau men say 2018 cũng chẳng còn nhớ tới Karim Benzema hay “Thế hệ 87” năm nào.
May mắn thay, trong số lứa cầu thủ tài năng “Thế hệ 87” của Pháp vẫn còn sót Karim Benzama biết hồi sinh từ đống tro tàn.
“Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.
…Tương lai tại tuyển Pháp.
Trận chung kết Nation League, Pháp ngược dòng hạ Tây Ban Nha 1-2 ở chung kết giải Nations League, tối 10/10. Phút 66 Karim Benzema ( K. Benzema) nhận bóng từ chân đồng đội, anh thực hiện pha cứa lòng về góc xa tuyệt đẹp, dù thủ môn Simon dù chạm tay vào bóng nhưng cũng không thể cứu thua.
Thời gian thấm thoát trôi người hâm mộ xứ lục lăng theo dõi trận chung kết Nation League 2021 tối 10/10 bất chợt nhớ về “Thế hệ 87” tài năng năm xưa vẫn còn đó một tài năng.
Quay ngược lại ngày 18/5/2021, HLV D. Deschamps quyết định gọi lại K. Benzema sau sáu năm bỏ rơi chân sút này.
Chia sẻ trên Twitter về việc được gọi lại đội tuyển Pháp cùng các đồng đội dự Euro 2020, Benzema viết: “Tôi rất tự hào được trở lại tuyển Pháp và những niềm tin họ dành cho tôi. Cảm ơn gia đình của tôi, CLB của tôi, bạn bè tôi và tất cả những người đã ủng hộ và ban cho tôi sức mạnh mỗi ngày”.
Vì sao HLV D. Deschamps gạt bỏ sĩ khí cái tôi của mình để gọi lại K. Benzema vào đội tuyển Pháp sau ngần ấy năm?
Theo dõi hành trình chinh phục vinh quang tại World Cup 2018 đoàn quân của HLV D. Deschamps chúng ta thấy đội hình ấy rất tốt nhưng chưa phải là tốt nhất. Ở đội hình vô địch World Cup 2018 từ người hâm mộ đến cả những chuyên gia đều nhìn thấy để đạt được vị trí đỉnh của chóp trong tương lai đội tuyển màu áo xanh lam xứ sở lục lăng vẫn thiếu một viên ngọc trên chiếc vương miện. Đó chính là vị trí tiền đạo. Khi được hỏi về cậu học trò của mình có phải tiền đạo xuất sắc nhất lịch sử nước Pháp, Zidane không ngần ngại:
“Với tôi là đúng. Với những gì Benzema đã làm, đã thể hiện, đặc biệt là trong một thời gian rất dài ở Real Madrid thì anh ấy quá xuất sắc. Hơn 500 trận, với tất cả những bàn thắng và kỷ lục đó, những gì anh ấy đã làm đã tự nói lên nhiều điều. Với tôi, Benzema là cầu thủ xuất sắc nhất mà nước Pháp từng sản sinh, mọi thứ rất rõ ràng”.
Benzema từng có quãng thời gian dài sống dưới cái bóng của Cristiano Ronaldo tại Santiago Bernabeu. Cùng Gareth Bale, tam tấu BBC đã tạo nên kỉ nguyên thành công nhất trong lịch sử Real Madrid hiện đại với 3 danh hiệu UEFA Champions League liên tiếp.
Benzema tiếp tục hoàn thiện bản thân trở thành một tiền đạo toàn năng với khả năng làm bóng kiến tạo thượng hạng. Ba mùa giải gần nhất, cầu thủ người Pháp luôn là chân kiến tạo bàn thắng số 1 của Real Madrid trên mọi đấu trường. Những tình huống chạm bóng của Benzema khiến người hâm mộ Real Madrid phải cảm thấy ngất ngây và ngả mũ thán phục trước màn trình diễn của cầu thủ này. Tiền đạo người Pháp đã thu hút sự chú ý của hàng phòng ngự đối phương, trước khi ghi bàn hoặc chuyền bóng cho các đồng đội ở khoảng trống.
Từng bị Deschamps loại khỏi đội tuyển sáu năm và chỉ trở lại từ Euro 2021, chân sút của Real vẫn thể hiện đẳng cấp – cầu thủ duy nhất con sót lại trong “Thế hệ 87” của Pháp sẽ tỏa sáng tại sân chơi World Cup 2022 để cùng đội hình xứ sở lục lăng bảo vệ thành công cúp vàng thế giới 2018 qua đó trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công cúp vàng trong thế giới bóng đá hiện đại thế kỷ XXI (và là đội thứ hai sau Italia đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công ngôi vô địch với hai lần liên tiếp vào các năm 1934 và 1938).
Với Karim Benzema đây là lúc cuộc đời cầu thủ của anh rực rỡ như “Ánh bình minh” hạnh phúc và vẹn tròn nhất.
“Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.
Một bài viết của tác giả Thai Nguyen gửi về cho Menback.
Xem thêm:
- Thomas Muller – Khi khoảng trống là thứ vũ khí lợi hại nhất
- Son Heung Min – Khi danh hiệu là thứ duy nhất còn thiếu
- Messi và Ramos: khi thiên thần và nghệ sĩ hắc ám cùng trở thành hoàng tử
–
MENBACK.COM