Luật Beckham – Ngày 11 tháng 01 năm 2007, bóng đá thế giới chứng kiến một cú sốc khi LA Galaxy hoàn tất bản hợp đồng chiêu mộ David Beckham từ Real Madrid.
Rất nhiều ý kiến cho rằng đây giống như một quyết định “nghỉ hưu sớm” của Becks, đồng thời cũng là bước đệm để anh phát triển sự nghiệp kinh doanh sau khi giải nghệ. Tuy nhiên sự xuất hiện của tiền vệ Anh quốc còn mở đường cho một trào lưu mới trên đất Mỹ.
Luật Beckham và sự đổi mình của Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS)
Mức lương 6,5 triệu đô/năm của Becks vượt quá mức trần lương tại Giải bóng đá nhà nghề Mỹ (MLS). Chính vì thế, “Luật tuyển chọn cầu thủ” hay còn được gọi là “Luật Beckham” đã được thông qua.
Theo đó, các đội bóng tại MLS được phép sở hữu 2-3 cầu thủ có mức lương “thủng trần”. Ước tính số tiền cho mỗi cầu thủ thuộc dạng này gấp khoảng… vài chục lần số tiền lương của các cầu thủ bản địa. Ban tổ chức giải cũng sẽ hỗ trợ một phần lương cho các cầu thủ này.
Chính sự ra đời của “Luật Beckham” đã tạo ra một làn sóng di cư ồ ạt từ châu Âu. Rất nhiều ngôi sao như Robbie Keane, Kaka, Giovinco, Drogba, Gerrard, Lampard, Villa hay Pirlo đã lần lượt cập bến MLS, giúp cho chất lượng giải đấu tăng lên đáng kể.
Hơn 4 năm kể từ khi David Beckham chơi trận cuối cùng trong màu áo LA Galaxy, nhưng bộ luật mang tên anh vẫn đang có ảnh hưởng rất lớn tới cục diện của bóng đá xứ cờ hoa.
David Beckham
Fun fact: Ở Tây Ban Nha cũng từng có “Luật Beckham“. Nhưng khác với ở Mỹ, đây là chính sách giảm thuế từ 43% xuống 24% cho các cầu thủ bên ngoài Tây Ban Nha, nhằm giúp La Liga thu hút các ngôi sao. Sở dĩ luật này có tên là “Luật Beckham” vì nó được thông qua đúng vào thời điểm tiền vệ người Anh tới Real Madrid. Tuy nhiên, luật này đã bị bãi bỏ từ năm 2010.
Nguồn: Trên Đường Pitch