Những “cái dớp” trong bóng đá có thể gây ra những sự trùng hợp khó hiểu, từ đó khiến nhiều đội bóng luôn bị những nỗi ám ảnh của chúng đeo bám trong suốt nhiều năm trời. Mùa hè năm 2021, có những cái dớp đó đã bị phá bỏ, nhưng cũng vẫn còn đó những sự đeo bám khác.
Menback đăng lại bài viết từ WIF – What If Football để độc giả cùng theo dõi sau một mùa hè sôi động của bóng đá thế giới.
Trong bóng đá, bên cạnh các yếu tố kỹ – chiến thuật cùng những tình huống bóng diễn ra trên sân, những câu chuyện… “tâm linh không đùa được đâu” có lẽ cũng là một phần không thể thiếu. Trải qua thời gian, dẫu cho các yếu tố thuần chuyên môn như phong độ, tương quan lực lượng hay chiến thuật của các HLV có ngày càng được phát triển vượt trội đến mấy, thì những yếu tố như “dớp” hay “lời nguyền” trong bóng đá vẫn luôn là một cái gì đó rất khó có thể lý giải được. Trong một ngày đẹp trời, khi những “cái dớp” hay “lời nguyền” này nắm quyền chi phối trận đấu, nhiều khi các yếu tố thuần chuyên môn như phong độ hay chiến thuật kể trên cũng hoàn toàn có thể trở nên vô nghĩa.
Mùa hè bóng đá năm nay chứng kiến rất nhiều những “cái dớp”, với đủ loại quy mô lớn nhỏ khác nhau bị phá bỏ hoặc vẫn còn tồn tại một cách đầy “ám ảnh”. Bắt đầu với những kẻ chiến bại đêm qua, Đội tuyển Anh. Đội bóng này có một cái duyên… không mấy vui vẻ gì với những người Ý. Trong tất cả những cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai đội tại các vòng chung kết World Cup hay Euro, nếu tính luôn cả trận chung kết đêm qua, Tam Sư chưa một lần vượt qua những người Ý. 5 Lần gặp nhau tại các giải đấu lớn, thua 3, hòa 2, thế nhưng cả 2 trận hòa trong 90p ấy, người Anh đều để thua trong các loạt luân lưu 11m. Nhắc đến những loạt luân lưu 11m, một lần nữa những chú “mèo” Anh lại phải được xướng tên. Tại các kỳ đại hội lớn như Euro hay World Cup, Đội tuyển Anh đã phải trải qua cả thảy 9 loạt đấu súng cân não. Đó là những loạt luân lưu tại các vòng chung kết World Cup 90, 98, 2006, 2018 và tại các kỳ Euro 96 (2 lần), 2004, 2012 và 2020. Kết quả là gì, họ thắng 2, và có đến 7 lần thất bại. Trong số đó, thất bại tại 2 kỳ Euro gần nhất trên chấm 11m của Tam Sư đều là trước người Ý. Trong khi đó, màn đấu súng năm 96 của họ trước những người Đức cũng có kết cục bi thảm tương tự, với người sút hỏng quả quyết định không ai khác chính là vị HLV đương nhiệm, quý ngài “Cửa Nam”.
Những người Anh vào thời điểm hiện tại chắc hẳn là những người buồn nhất Thế Giới. Họ vừa thua, khi chiếc cúp tưởng chừng như đã ở “ngay tại nhà” rồi. Tuy vậy, có lẽ các CĐV Tam Sư đã không để ý đến một “cái dớp” kỳ lạ khác, đó là việc chưa một đội chủ nhà nào ngoại trừ Tây Ban Nha vào năm 1964 có thể giành được chiến thắng trong trận đấu cuối cùng tại một kỳ Euro. Nếu như tại các kỳ World Cup, người ta đã được chứng kiến những Uruguay, Ý, Tây Đức, Pháp và chính… Anh lên ngôi ngay tại sân nhà của mình. Thì tại các kỳ Euro diễn ra trong thế kỷ 21 này, cứ hễ đội nào bước vào chung kết với tư cách chủ nhà, đội bóng ấy gần như cầm chắc chiếc huy chương bạc trên tay. Những ví dụ tiêu biểu cho các đội “chủ nhà” xui xẻo này là Bồ Đào Nha (2004), Pháp (2016) và chính những người Anh (2020). Đó là còn chưa kể đến câu hát “It’s coming home” đầy hy vọng của những người Anh, câu hát mang theo nỗi khát khao về một danh hiệu lớn được mang về quê hương của bóng đá kể từ lần cuối cùng họ có được điều đó cách đây 55 năm. Và rồi, họ sẽ phải tiếp tục hát vang câu hát ấy trong nỗi chờ đợi khắc khoải, ít nhất là thêm 1 năm nữa.
Tuy khó có thể lý giải là vậy, thế nhưng không phải bất cứ “lời nguyền” ám ảnh nào cũng là không thể bị phá bỏ. Khi những người Italia vượt qua Tây Ban Nha tại vòng bán kết sau loạt đấu súng cân não, nhiều CĐV Anh cũng đã cảm thấy hy vọng tràn trề. Nhiều người còn cho rằng, Anh chỉ cần đưa trận chung kết vào loạt đấu súng là họ sẽ chắc chắn giành chiến thắng. Có điều này là bởi từ trước đến nay trong lịch sử các kỳ Euro, chưa một đội bóng nào có được thắng lợi tại 2 loạt luân lưu liên tiếp. Và đến kỳ Euro lần này, “cái dớp” ấy đã bị phá bỏ, bởi những con người lì lợm và bản lĩnh nhất trên chấm đá này. Di chuyển một chút đến vùng đất Nam Mỹ xa xôi, chúng ta cũng có một nhà vua tuy cũ mà mới khác – Argentina cùng thiên tài trăm năm có một Lionel Messi. Nói tuy cũ mà mới là vì, lần gần nhất Argentina lên ngôi tại một giải đấu lớn đã cách đây tận 28 năm, vào kỳ Copa America 1993. Không những vậy, đội bóng xứ sở Tango còn phải đối mặt với một sự vô duyên đến kỳ lạ trong màu áo ĐTQG của đầu tàu Messi. Trải qua 4 trận chung kết, 1 tại World Cup và 3 tại các kỳ Copa, Messi đều không thể giúp Albiceleste nâng cao chiếc cúp vô địch. Thế nhưng ở lần này, bằng phong độ chói sáng của Leo, cùng sự đoàn kết đến từ một tập thể Argentina có sự đồng đều của cả sức trẻ và kinh nghiệm, Argentina đã có được hưởng niềm vui chiến thắng sau cùng.
Những “cái dớp” trong bóng đá có thể gây ra những sự trùng hợp khó hiểu, từ đó khiến nhiều đội bóng luôn bị những nỗi ám ảnh của chúng đeo bám trong suốt nhiều năm trời. Thế nhưng, tại mùa hè năm nay, những tập thể như Italia hay Argentina đã chứng minh cho chúng ta thấy 1 điều, rằng những “lời nguyền” vốn được sinh ra chỉ là để bị phá bỏ mà thôi. Họ có thể vượt qua được những “cái dớp” kỳ lạ ấy, âu cũng xuất phát từ sự đoàn kết, kinh nghiệm già dơ, cùng bản lĩnh không chấp nhận đầu hàng sau những thất bại đầy cay đắng trong quá khứ. Người Ý vô địch Euro, mở ra một tương lai tương sáng sau màn mây đen mịt mờ vào kỳ World Cup 2018 mà họ không thể vượt qua vòng loại. Người Argentina vô địch Copa, mang đến một “cái kết”, có thể tạm gọi như vậy dành cho Leo Messi, sau biết bao lần vinh quang trong màu áo đội tuyển như thể lảng tránh anh.
Cảm ơn những Italia, Argentina – Messi, những đội Á quân đầy tiếc nuối: Brazil hay Tam Sư cũng xuất sắc không kém, cùng tất cả những ĐTQG khác đã tạo nên mùa hè bóng đá tuyệt vời này. Cùng nhau, họ và bóng đá đã kéo cả Thế Giới lại gần nhau hơn, xua tan đi sự ảm đạm trong một thời điểm mà tôi tin chắc chẳng một ai dám… đứng gần nhau cả. Xin chào và hẹn gặp lại tất cả vào mùa hè năm sau, tại một đấu trường lớn hơn cả, kỳ World Cup 2022 tại Qatar.
Xem thêm:
- Trận chung kết gây tức giận của đội tuyển Anh
- 10 kỷ lục ấn tượng trong lịch sử các vòng chung kết Euro
- Cristiano Ronaldo – từ thanh niên ‘mít ướt’ đến chân sút vĩ đại nhất Euro
–
TẠP CHÍ MENBACK