Nhìn nhận một chút về trận cầu vừa qua giữa Ả Rập Xê Út và Việt Nam tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022. Trước một đối thủ vượt trội về mọi mặt từ thể chất, kỹ thuật tới cả yếu tố lợi thế sân nhà, màn trình diễn của Đội tuyển Việt Nam vào đêm qua hoàn toàn có thể được đánh giá cao.
Tuy vậy, để nhìn nhận một cách khách quan, bên cạnh tinh thần chiến đấu quả cảm cùng đấu pháp khá hợp lý từ phía ban huấn luyện, vẫn còn khá nhiều điều chúng ta cần cải thiện nếu muốn vươn đến tầm đẳng cấp cao hơn. Menback gửi tới các bạn bài viết từ WIF – What If Footbal, hãy chia sẻ cảm nghĩ của các bạn cùng chúng tôi nhé.
Những điều đội tuyển Việt Nam đã làm tốt trước người Ả Rập
Chúng ta có một đấu pháp có thể xem là hợp lý đối với tâm thế của một đội chiếu dưới. Phủ đầu trong vài phút đầu mỗi hiệp đấu, sau đó lùi về phòng ngự để bảo toàn cách biệt. Về sự hợp lý của cách đá này thì tôi sẽ nhắc đến ở phần dưới, còn nếu nhìn vào màn trình diễn trong hiệp 1 và khoảng thời gian trước tình huống quả penalty được thổi, Việt Nam đã làm rất tốt. Ngoài ra, trong thế trận phòng ngự và phản công vào đêm qua, có 3 cái tên mà tôi thật sự ấn tượng.
Thứ nhất đương nhiên phải là thủ thành Bùi Tấn Trường. Phản xạ nhạy bén, thi đấu tập trung cùng khả năng ra vào hợp lý giúp “ông hoàng livestream” từ chối gần như mọi cơ hội của các cầu thủ chủ nhà trong hiệp 1. 3 bàn thua trong hiệp 2 cũng không hề có lỗi của thủ thành quê Đồng Tháp, trong đó có đến 2 bàn đến từ các quả 11m.
Bên cạnh Tấn Trường, cái tên thứ 2 xứng đáng là MVP của Việt Nam trong trận này chắc chắn phải là Đỗ Duy Mạnh. Nếu như không tính tình huống để bóng chạm tay dẫn đến quả phạt 11m, Duy Mạnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng ngự của mình trong trận này. Trong suốt cả hiệp 1, Mạnh “gắt” có không dưới 2 lần cứu nguy cho khung thành của Tấn Trường khỏi những tình huống nhồi bóng nguy hiểm từ phía đối phương. Chọn điểm rơi tốt, phán đoán chính xác cùng những pha chơi bóng lăn xả của Mạnh thật sự đã giúp đỡ hàng thủ Đội tuyển Việt Nam rất nhiều trong một ngày đội trưởng Quế Ngọc Hải chơi có phần bị “cóng”.
Khác với 2 người trên, cái tên thứ 3 lại được rất ít người nhắc đến vào ngày hôm nay. Đó là Nguyễn Hoàng Đức. Không phải tôi không đánh giá cao Quang Hải hay Tuấn Anh ở trận này vì trên thực tế cả hai cái tên kể trên đều đã hoàn thành từ tốt đến tròn vai nhiệm vụ của mình ở trận này. Tuy vậy, nếu phải nói đến người đã tỏa sáng hơn cả nơi tuyến tiền vệ của tuyển Việt Nam thì đó phải là Hoàng Đức. Trong một thế trận bị dồn ép, nhiệm vụ quan trọng nhất của các tiền vệ đó là đánh chặn, cố gắng giữ bóng đồng thời thoát pressing để tìm ra những hướng triển khai bóng lên phía trên.
Ở trận đấu đêm qua, Hoàng Đức có thể chưa thể hiện tốt ở vai trò đánh chặn, tuy vậy trong nhiệm vụ giữ bóng và thoát pressing thì ngôi sao đang thuộc biên chế Viettel đã hoàn thành một cách xuất sắc. Thậm chí đôi lúc, tôi cảm thấy ngoài những đường chuyền dài cầu âu lên cho Tiến Linh thì Hoàng Đức chính là cái tên duy nhất có thể kéo được quả bóng ra xa khỏi khung thành của Tấn Trường để giúp Việt Nam tổ chức phản công.
Đội tuyển Việt Nam cần cải thiện những gì?
Đó là về những điểm tích cực, còn về những mặt hạn chế, trận đấu đêm qua cũng mang đến cho thầy Park khá nhiều điểm cần phải lưu tâm.
Đầu tiên, như tôi có nói ở trên, đấu pháp phủ đầu và lui về tử thủ trông có vẻ phù hợp với một đội bóng chiếu dưới, tuy vậy nó cũng như một con dao hai lưỡi có thể khiến cho đội bóng đó rơi vào trạng thái bị dồn ép liên tục trong những phút còn lại. Đồng ý là việc phòng ngự khi đã có bàn dẫn trước là chính xác. Tuy vậy việc chúng ta để cho cự ly đội hình quá thấp khiến cho các tình huống tổ chức phản công của đội không thể được thực hiện một cách hoàn hảo nhất.
Việt Nam trong trận này phòng ngự với khối 5-4-1, tức là một khối 9 người giăng ngang và chỉ cắm một mình Tiến Linh ở phía trên. Hệ quả đó là việc chúng ta hầu như rất khó có thể tổ chức phản công sau khi đoạt lại được bóng do ở phía trên không hề có đủ quân số. Trong khi đó, khối 5-2-3 hoặc 5-3-2 sẽ tạo ra nhiều ý tưởng phản công hơn, dù cho nó cũng có thể đánh đổi bằng việc 2 hành lang cánh sẽ có nhiều hơn những khoảng trống.
Một điểm nữa cần lưu ý, đó là các cầu thủ của chúng ta đôi khi thiếu đi sự bình tĩnh cần thiết trong các pha tổ chức phản công hoặc trong những tình huống thoát pressing bên phần sân nhà. Đơn cử như một vài tình huống Quế Ngọc Hải hay Thành Chung thường chọn phá bóng thẳng lên trong khi xung quanh vẫn còn có những phương án để phối hợp thoát pressing. Điều này vô hình chung sẽ làm mất đi những cơ hội hiếm hoi để đưa bóng lên phía trên và biết đâu trong số đó chúng ta sẽ có thêm cho mình 1 bàn thắng để nhân đôi cách biệt.
Bài viết này chúng tôi sẽ không bàn quá nhiều về tính đúng sai của quả penalty, dù rằng sẽ có đôi chút tiếc nuối rằng nếu không có tình huống thổi phạt ấy cùng tấm thẻ đỏ có phần nặng tay đối với Duy Mạnh, kết quả có thể đã khác hơn rất nhiều. Tôi cũng sẽ không nêu ra những cái tên đã chơi dưới sức vì với một đối thủ trên cơ hoàn toàn, cộng với việc phải đá thiếu người việc mắc sai lầm hoàn toàn có thể dễ hiểu.
Một trận đấu lịch sử, một bàn thắng lịch sử và sau đó là một quyết định vẫn còn đang gây tranh cãi khắp các MXH cả trong và ngoài nước. Sau tất cả thì chúng ta cũng đã thua, nhưng quan trọng hơn cả đó là trận thua này giúp Việt Nam học được nhiều điều hơn và mong rằng các cầu thủ sẽ không nản chí sau thất bại này vì được bước ra sân thi đấu trong vòng loại thứ 3 này đã là một vinh dự mà từ xưa đến nay Việt Nam chưa một thế hệ nào có thể làm được.
Khám phá: Phân tích chiến lược xây dựng ĐTQG Việt Nam của Park Hang-seo
–
MENBACK.COM