Có thể nói Asian Cup 2019 chính là giai đoạn thành công nhất của lứa thế hệ vàng Đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo. Và trận đấu với Đội tuyển Nhật Bản vào ngày 25/01/2019 ấy cũng chính là cột mốc cao nhất trong biểu đồ phong độ của lứa cầu thủ tài năng này.
Nhìn vào đội hình ra sân của Đội tuyển Việt Nam trước Nhật Bản vào trận đấu hơn 2 năm về trước, chúng ta có thể nhìn thấy một loạt những cái tên xuất sắc bậc nhất của bóng đá nước nhà lúc bây giờ.
Chính những con người ấy chỉ mới cách đó tầm một tháng thôi, đã bước lên ngôi vị cao nhất của bóng đá ĐNÁ với chức vô địch AFF Cup 2018. Để rồi giờ đây họ lại tiếp tục làm nên kỳ tích khi đưa Việt Nam lần thứ 2 trong lịch sử đặt chân vào tứ kết của một kỳ Asian Cup. Họ cũng chỉ chịu dừng bước tại giải đấu năm ấy sau khi có một màn trình diễn đầy ấn tượng và quả cảm trước một Nhật Bản hùng mạnh.
Hơn 2 năm sau, chúng ta lại một lần nữa có cơ hội đối đầu Nhật Bản, lần này là tại một sân chơi còn “lịch sử” hơn rất nhiều lần – vòng loại thứ 3 World Cup. Tuy vậy ở lần tái ngộ này, có cảm giác Đội tuyển Việt Nam đã không còn mạnh như xưa, nếu không muốn nói là thụt lùi so với chính chúng ta ở giai đoạn đỉnh cao ấy. Vậy, tại sao lại có bước thụt lùi này?
Trước hết, phải kể đến những vấn đề về mặt lực lượng. Nhìn vào đội hình ra sân trước Nhật Bản vào trận đấu năm ấy, với lực lượng của Đội tuyển Việt Nam hiện tại, chúng ta mất gần một nửa đội hình vì nhiều lý do khác nhau.
Văn Lâm, Trọng Hoàng thì vừa dính chấn thương gần đây, Hùng Dũng gặp phải một chấn thương nghiêm trọng hồi đầu năm, Văn Hậu thì cũng liên tục phải nằm viện và chưa hẹn ngày trở lại, trong khi Huy Hùng thì đã từ lâu không còn được triệu tập do yếu tố phong độ.
Đó là về sự sứt mẻ trong lực lượng, khi những cái tên trong đội hình chính năm xưa không thể góp mặt. Còn với những cầu thủ cũng từng tham dự giải đấu tại UAE năm ấy, sau 2 năm, phong độ của họ giờ ra sao. Những Văn Đức, Xuân Trường, Minh Vương hay Duy Mạnh đều đã phải trải qua một lần nằm viện dài hạn vì đứt dây chằng đầu gối.
Trong số đó giờ đây chỉ có mỗi Duy Mạnh là ít nhiều vẫn giữ được phong độ ổn định. Những cái tên khác may mắn hơn, ít gặp phải chấn thương hơn thì cũng chỉ có một số ít phần nào giữ được điểm rơi phong độ.
Có nhiều lý do có thể giải thích cho những vấn đề về mặt lực lượng và phong độ này. Đó có thể là việc V – League tạm hoãn do dịch, khiến phong độ và thể lực của các cầu thủ bị ảnh hưởng. Hoặc đó cũng có thể là do lứa cầu thủ này đã bị ép chín và phải cày ải quá nhiều trong suốt những năm đã qua.
Tuy vậy, theo tôi nguyên nhân chính dẫn đến những vấn về sứt mẻ lực lượng và phong độ nơi các cầu thủ, lại là sự tổng hòa của cả 2 lý do kể trên – đó là chúng ta thiếu đi, hoặc đúng hơn là chưa tạo đủ điều kiện cọ xát để có được một lớp kế cận đủ chất lượng.
Đại dịch khiến V – League phải tạm hoãn. Điều này khiến HLV Park gặp rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn ra những cái tên mới mẻ cho lực lượng của đội tuyển.
Tuy vậy, cũng phải nói đến chính thầy Park cùng BLĐ Bóng đá Việt Nam khi đã quá quan trọng về mặt thành tích mà e dè trong việc tạo điều kiện cho những cái tên mới được ra sân tại cấp độ U23, trong khi lứa cầu thủ nòng cốt lại phải cày ải quá nhiều dẫn đến những chấn thương triền miên.
Nói như vậy không phải là để trách cứ hay quy trách nhiệm cho bất kỳ ai. Có chăng chỉ là do chúng ta cảm thấy tiếc nuối.
Tiếc vì nếu như bóng đá Việt Nam có những sự tính toán và có một lộ trình phát triển dài hơi hơn cho các cầu thủ trẻ, thay vì chạy theo tiếng gọi thành tích, chúng ta đã không bị chững lại như ở thời điểm hiện tại.
Nếu nhưng những giải đấu cấp độ trẻ, chúng ta chịu tạo điều kiện nhiều hơn cho lứa thế hệ sau, thay vì bắt những Đình Trọng, Văn Hậu hay Quang Hải phải tiếp tục xuống lứa U để cày ải, thì có lẽ giờ đây chúng ta đã có nhiều hơn những cầu thủ nòng cốt hoặc những sự lựa chọn mới mẻ hơn cho vòng loại thứ 3 này.
Và biết đâu được những kết quả thi đấu cũng sẽ tốt hơn so với thời điểm hiện tại.
Thôi thì trở lại với thực tại, chúng ta sẽ lại tái ngộ Nhật Bản sau hơn 2 năm. Không còn là một Đội tuyển Việt Nam đang ở đỉnh cao phong độ như ở giải đấu tại UAE năm nào.
Tuy vậy, cũng không phải là không có hy vọng về một điều gì đó bất ngờ. Hy vọng rằng các cầu thủ sẽ vẫn giữ được sự quyết tâm cao độ cũng như chuẩn bị thật tốt về mặt chuyên môn.
Biết đâu chúng ta sẽ lại có được một màn trình diễn tốt, như chính cái cách đội tuyển đã từng chơi bóng sòng phẳng và đầy quả cảm trước những người Nhật trong trận đấu lịch sử năm ấy.
Xem thêm:
- Đoàn Văn Hậu và cái giá phải trả cho sự “ép chín quá đà”
- Phân tích chiến lược xây dựng ĐTQG Việt Nam của Park Hang-seo
- ‘Tù trưởng’ Văn Quyết hay người hùng thầm lặng của bóng đá Việt Nam