5 trận đấu quan trọng với ĐTQG Việt Nam trong năm 2019 đã trôi qua với một thành tích đáng ngưỡng mộ. Dẫn đầu bảng đấu có Thái Lan, UAE, Malaysia, Indonesia với thành tích bất bại, có 3 chiến thắng và 2 trận hòa ở vòng loại thứ hai World Cup 2022 là một bước đệm vững chắc để HLV Park Hang-seo và các cộng sự của mình tiếp tục đi trên con đường vươn tầm để tạo nên một trong những đội bóng khó chơi nhất trong khu vực châu Á.
Hãy cùng điểm lại những điểm nhấn chính trong cách xây dựng đội hình của HLV người Hàn Quốc.
Cách xây dựng đội hình ĐTQG Việt Nam của Park Hang-seo
Chiến lược gia người Hàn Quốc sau quãng thời gian hơn 2 năm làm việc tại Việt Nam đã xây dựng được cho mình một bộ khung đội hình cố định, và hiếm khi có những sự thay đổi đột biến.
Hàng thủ
Những trung vệ luôn là vị trí được HLV Park quan tâm hàng đầu. Với việc không nhiều đội bóng tại V.League sử dụng sơ đồ 3 trung vệ, cơ hội cho tất cả các cầu thủ đều là tương đối rộng mở.
Tuy nhiên, những cầu thủ nằm trong tầm lựa chọn của HLV người Hàn Quốc đều là những trung vệ có cường độ tranh chấp rất cao và sẵn sàng tạo ra các pha tranh chấp quyết liệt. Một yếu tố khác cũng được tính đến là kĩ năng chuyền bóng. Không cần phải là một cầu thủ sở hữu sự tính toán quá nhiều ở các đường chuyền, nhưng đó phải là người tạo ra sự ổn định trong những đường chuyền mang tính đặc thù.
Bởi đặc thù của sơ đồ 3 trung vệ, một yếu tố đáng để cân nhắc là sự hòa hợp và ăn ý trong lối chơi của nhóm các cầu thủ. Vì thế, có thể hiểu được cho những phương án nhân sự thường xuyên được HLV Park lựa chọn.
Ở vị trí chơi biên, yêu cầu về cường độ hoạt động với các cầu thủ là đặc biệt quan trọng. Vừa phải là người có được sức mạnh về khả năng tranh chấp, nhưng đó cũng vừa phải là người có thể hỗ trợ tấn công đủ tốt, một người có thể tạo ra những phương án chuyền bóng nguy hiểm khi có mặt ở 1/3 sân cuối cùng.
Phương án tối ưu nhất vào lúc này với ĐTQG ở hàng phòng ngự là: Trọng Hoàng, Duy Mạnh, Ngọc Hải, Tiến Dũng, Văn Hậu. Với những cầu thủ dự bị đáng nói tới như Thành Chung, Văn Thanh…
Hàng tiền vệ
Vị trí tiền vệ trung tâm có thể được xem là đặc trưng trong việc lựa chọn nhân sự của HLV Park Hang-seo. Nếu không có một trường hợp thực sự ngoại lệ, những tiền vệ trung tâm được lựa chọn sẽ cần phải là các cầu thủ có khả năng bao quát một không gian đủ lớn, một người có thể không quá mạnh ở bất cứ kĩ năng nào, nhưng cần làm được mọi thứ. Từ tranh chấp, thu hồi bóng, tới dải chuyền bóng và khả năng xuất hiện ở 1/3 sân cuối cùng.
Không ít tiền vệ trung tâm tại V.League có tố chất kĩ thuật hoặc dải chuyền bóng ấn tượng, nhưng cũng không có cơ hội được triệu tập ở ĐTQG, nơi yêu cầu về tính thể chất và mặt thể lực của HLV Park là rất cao.
Phương án tối ưu nhất vào lúc này với ĐTQG ở vị trí tiền vệ trung tâm là: Hùng Dũng và Tuấn Anh. Với cầu thủ dự bị đáng nói tới như Đức Huy, người thậm chí không có suất đá chính ở hàng tiền vệ trong màu áo CLB.
Hàng tấn công
Có hai tiêu chí rất cơ bản cho một cầu thủ tiền vệ tấn công trong đội hình của ông Park, dựa trên một yêu cầu cao nhất, là tốc độ. Đó hoặc là một cầu thủ sở hữu tốc độ thể chất rất cao, hoặc là một cầu thủ có tốc độ trong những tình huống xử lý quyết định với bóng rất cao.
Xem thêm: Park Hang-seo – hơn cả huấn luận viên, ông là một nhà lãnh đạo
Với vị trí tiền đạo, ông Park trên thực tế không có quá nhiều lựa chọn chất lượng từ V.League, nên các cầu thủ chơi tiền đạo dưới sự huấn luyện của HLV người Hàn Quốc cũng cần buộc phải thích ứng với cách chơi của toàn đội. Tuy nhiên, đó cũng cần phải là một người tạo ra đủ sự áp đảo trong các tình huống tranh chấp, một cầu thủ tâm điểm trong các tình huống chuyển bóng, hơn là một tiền đạo có xu hướng hoạt động rộng.
Phương án tối ưu nhất vào lúc này với ĐTQG ở hàng tấn công là: Quang Hải, Văn Toàn và Tiến Linh. Sự kết hợp giữa một cầu thủ có tốc độ xử lý trái bóng rất cao, một cầu thủ có tốc độ thể chất rất cao, và một trung phong toàn diện ở các kĩ năng.
Trong những lựa chọn nhân sự của HLV Park, sẽ luôn có nhiều hơn một cầu thủ có thể chơi ở nhiều hơn một vị trí chiến thuật, bên cạnh những gương mặt đã được đóng đinh cho một vai trò, điều hỗ trợ trực tiếp cho những tính toán chiến thuật có phần tương đối chi tiết của vị HLV này.
Sơ đồ chiến thuật của ĐTQG Việt Nam
Sự linh hoạt giữa 3-4-2-1 và 3-5-2
Có hai sơ đồ chiến thuật được HLV Park sử dụng cho ĐTQG Việt Nam, đó là 3-4-2-1 và 3-5-2. Cả hai sơ đồ ấy, đều được dựa trên nền tảng là hệ thống gồm có 3 trung vệ. Những sự thay đổi linh hoạt ở vị trí tiền vệ và tiền đạo, sẽ nhằm mục đích tạo ra sự khác biệt trong những phương án chiến thuật khác nhau, mà phần đa là phục vụ mục đích tiếp cận khu vực vòng cấm địa của đối phương.
Nếu như 3-4-2-1 thường được sử dụng hơn, để mang đến sự chắc chắn và khả năng kiểm soát không gian, thì 3-5-2 sẽ là sơ đồ tạo ra một thế trận tấn công chủ động hơn với ĐT Việt Nam, khi hai tiền vệ trung tâm chơi phía trên tiền vệ trụ có được sự tự do hơn ở mỗi hành lang trong mình có mặt.
Định hướng chiến thuật
Việc lựa chọn sơ đồ 3 trung vệ cũng phục vụ trực tiếp cho định hướng chiến thuật mà HLV Park Hang-seo lựa chọn cho ĐT Việt Nam. Không còn là một đội bóng muốn sở hữu bóng và triển khai tấn công một cách chân phương như các thời HLV nội trước kia, ĐT Việt Nam ở thời điểm hiện tại đã hoàn thiện lối chơi của một đội bóng chủ động nhường lại thế trận cho đối thủ, chơi chắc chắn ở phần sân nhà và chờ đợi thời cơ ghi bàn trong những tình huống chuyển trạng thái chủ động.
Đáng chú ý, sơ đồ chiến thuật của ĐTQG Việt Nam không được bất cứ một CLB nào tại V.League lựa chọn một cách kiên định. Tuy nhiên, đây có thể coi là một định hướng có phần hợp lý với tư chất chơi bóng của các cầu thủ. Những ĐTQG Việt Nam trước đây thường có một phương án bố trí đội hình tương đối chân phương, đặc biệt là khi kiểm soát bóng, điều dẫn tới những tình huống mà hàng phòng ngự không thể kiểm soát tốt trong các pha bóng đối thủ có cơ hội tấn công nhanh. Ưu tiên số một của HLV Park, là sự chắc chắn ở hàng thủ.
Xem thêm: Việt Nam 1-0 UAE: sở trường của Park Hang-Seo
Với một cường độ hoạt động lớn của các tiền vệ trung tâm, và sự chủ động trong việc dâng cao áp sát – bọc lót của các trung vệ, điều vốn là một lợi thế lớn của sơ đồ chiến thuật này, ĐT Việt Nam có thể duy trì một thế trận phòng ngự tương đối chủ động trước bất cứ đối thủ nào. Sơ đồ 5-4-1 khi không có bóng đảm bảo được cự ly đủ tốt theo cả chiều ngang và chiều dọc sân, ĐT Việt Nam có thể hạn chế khả năng triển khai bóng ở trung lộ của đối thủ với việc một trong ba trung vệ sẵn sàng dâng cao để khỏa lấp đi khoảng trống để lại phía sau lưng hàng tiền vệ, mà không gặp vấn đề ở khoảng trống phía sau lưng, khi đã có đồng đội bọc lót.
Nếu đối thủ có xu hướng triển khai bóng ở các hành lang cánh, ĐT Việt Nam sẽ là những người luôn có được lợi thế về mặt quân số với 4 đến 5 cầu thủ ở mỗi biên, luôn tạo ra một cấu trúc đội hình đủ tốt trước đối thủ.
Đội bóng của HLV Park Hang-seo sẽ đặc biệt nguy hiểm trong những tình huống chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, với những cầu thủ phía trên mạnh ở tốc độ. Như đã nói, đó có thể là tốc độ về mặt thể chất, hoặc tốc độ ở khả năng xử lý bóng. Cách phản công của ĐT Việt Nam cũng là tương đối đa dạng, đó có thể là những pha bóng chơi trực diện tận dụng khoảng trống ở hai hành lang cánh, đó cũng có thể là các tình huống phối hợp nhóm ở trung lộ có tốc độ cao để nhanh chóng đưa bóng tới khu vực nguy hiểm. Tất cả đều dựa trên bộ kĩ năng tương đối đặc thù của các cầu thủ ở phía trên và lựa chọn của HLV người Hàn Quốc cho từng trận đấu.
Những thay đổi trong trận đấu
Chính bởi định hướng chơi của HLV Park Hang-seo dựa nhiều vào sự chắc chắn ở khối đội hình khi phòng ngự và sự bùng nổ về tốc độ của các cầu thủ trên hàng công, nên ĐT Việt Nam cũng thường chứng kiến những sự thay đổi tương đối đặc trưng trong khi trận đấu đang diễn ra.
Sự thay đổi thường được chứng kiến nhiều nhất xoay quanh vai trò chơi bóng của Nguyễn Quang Hải, cầu thủ chủ chốt trong định hướng chiến thuật của HLV Park. Quang Hải là mẫu tiền vệ tấn công có thể trở thành điểm nhận bóng ở khu vực tấn công và đưa ra các quyết định xử lý dứt khoát và đầy tốc độ, bên cạnh đó, cầu thủ trẻ của Hà Nội cũng sở hữu dải chuyền bóng đa dạng và ấn tượng, điều được HLV Park đánh giá cao cho vị trí lùi sâu hơn trong đội hình. Trong một trận đấu, tùy theo ý đồ muốn chơi chủ động phòng ngự, chủ động đẩy nhanh tốc độ, hay kiểm soát nhịp độ, HLV Park sẽ sử dụng Quang Hải như một tiền vệ tấn công trong sơ đồ 3-4-2-1, một tiền vệ trung tâm lệch trái trong sơ đồ 3-5-2, hay một tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 3-4-2-1.
Một tổ hợp thay đổi khác đến từ vị trí của các tiền vệ tấn công. HLV Park thường có nhiều hơn một phương án thay đổi trên hàng công cho cả vai trò tiền vệ công và trung phong. Và sẽ luôn có những ý tưởng khác nhau dựa trên bộ kĩ năng đa dạng của nhóm các cầu thủ kể trên. Đó hoặc có thể là một cầu thủ giàu tốc độ và sức càn lướt, hoặc có thể là một cầu thủ quyết đoán ở những tình huống dứt điểm cuối cùng, hoặc có thể là một người có khả năng đi bóng cá nhân và duy trì lại quyền kiểm soát bóng cho ĐT Việt Nam.
Nhìn chung, dựa trên nền tảng chắc chắn của hàng thủ, HLV Park là một người có xu hướng tạo ra những sự thay đổi theo tình thế của trận đấu một cách rất nhanh nhạy, và sẵn sàng thay đổi chỉ trong một quãng thời gian ngắn của trận đấu. Nếu thành công và mang đến kết quả cụ thể, sẽ là một tín hiệu tốt, còn nếu không thành công và HLV Park cảm thấy mất đi sự cân bằng, ngay lập tức sẽ là một sự thay đổi khác để sữa sai cho quyết định chưa thực sự hợp lý.
Xem thêm: ‘Tù trưởng’ Văn Quyết hay người hùng thầm lặng của bóng đá Việt Nam
Điểm mạnh của đội tuyển Việt Nam
Hàng phòng ngự
sự chắc chắn của hàng thủ là một trong những yếu tố đặc trưng cho ĐT Việt Nam. Nó đến phần lớn từ quyết định sử dụng sơ đồ 3 trung vệ của HLV Park, nhưng không thể phủ nhận sự tập trung và phát triển một cách ấn tượng của những cầu thủ phòng ngự. Các cầu thủ hiểu được vai trò của mình trong đội bóng, hiểu được cách để duy trì một cự ly đội hình chắc chắn và gắn kết, hiểu được thời điểm cần phải di chuyển lên phía trước và bứt ra khỏi hàng ngang phòng ngự, hiểu được sức mạnh của bản thân trong những tình huống tranh chấp, và hiểu mình luôn có được sự bọc lót đủ tin tưởng của những người đồng đội. Các tiền vệ trung tâm có tầm hoạt động và bao quát lớn cũng giúp sức lớn cho ĐT Việt Nam ở các pha đoạt bóng hai và tranh chấp ở trung lộ, bên cạnh sự kỉ luật về chiến thuật của hai tiền vệ tấn công ở mỗi biên.
Hơn cả những điều đó, tất cả các cầu thủ đội tuyển Việt Nam đều hiểu mình đang vận hành sơ đồ chiến thuật nào, biết được những dấu hiệu để đẩy cao cường độ áp sát ở đâu, biết được khi nào phải dâng cao đội hình, biết được mình có lợi thế ra sao ở từng khu vực nhất định và hướng đến việc hạn chế tối đa không gian chơi bóng của đối thủ, cũng như đoạt lại bóng.
Khả năng chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công
Đây là một yếu tố có thể gây bất ngờ nhưng thực chất là không có gì quá đặc biệt với các cầu thủ Việt Nam. Tốc độ, sự lắt léo là thứ có ở không ít những tiền vệ tấn công xuất sắc mà bóng đá Việt Nam sở hữu không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn trong quá khứ. Luôn có một tư tưởng rằng các ĐT Việt Nam cần phải chơi thứ bóng đá kiểm soát, nhỏ, nhuyễn, nhưng sự thật là họ mạnh hơn ở các quyết định xử lý cá nhân, ít chạm và nhiều khoảng trống.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất mà HLV Park đã khai thác được ở các tiền vệ tấn công Việt Nam. Tốc độ, sức càn lướt là điều đã giúp ĐT Việt Nam trở nên đáng sợ như thế ở khả năng chuyển trạng thái.
Các tình huống cố định
Những tình huống cố định luôn là một ngón đòn quan trọng với bất cứ đội bóng nào, mà đặc biệt là một tập thể không quá chủ động trong việc triển khai bóng như ĐT Việt Nam. Vũ khí này càng được phát huy với những chân đá phạt chất lượng, cùng ít nhất 3-4 cầu thủ có khả năng dứt điểm và tranh chấp trên không đủ tốt, điều không chỉ có lợi ở các pha bóng một, mà còn là các tình huống bóng hai, bóng ba sau đó.
ĐT Việt Nam, cho đến lúc này, đã hoàn thiện được hình ảnh của một tập thể được tổ chức tốt, chắc chắn dựa trên nền tảng sơ đồ 3 trung vệ, và chớp nhoáng trong các tình huống chuyển trạng thái tấn công. Một hình ảnh xù xì, nhưng tiềm ẩn sự trực diện và nguy hiểm.
Điểm yếu của đội tuyển quốc gia Việt Nam
Cấu trúc đội hình khi kiểm soát bóng
Có một điều ĐT Việt Nam có tiềm năng để thực hiện, nhưng trên thực tế chưa được khai thác quá nhiều bởi HLV Park, đó là cấu trúc đội hình khi kiểm soát bóng.
Với sơ đồ 3-4-2-1, sơ đồ vốn dĩ là một biến thể trực tiếp từ hệ thống 4-3-3, một đội bóng hoàn toàn có thể triển khai một cách trơn tru từ tuyến dưới. Hệ thống 3 trung vệ luôn là nền tảng tốt nhất để thoát khỏi khả năng pressing của đối thủ. Trong khi việc sử dụng đủ tốt khả năng phân phối bóng của hai tiền vệ trung tâm, cùng các trung vệ lệch biên, sẽ giúp ĐT Việt Nam tạo được các nhóm phối hợp đủ ổn định ở hai hành lang cánh, với tối đa 4 cầu thủ tạo thành một cấu trúc hình thoi hợp lý, không chỉ ở từng hành lang cánh, mà còn là nền tảng cho việc chuyển hướng tấn công một cách liền mạch.
Tuy nhiên, ĐT Việt Nam vẫn dựa nhiều vào các tình huống chuyền dài có ý đồ theo trục dọc, đưa trái bóng ra sau lưng hàng thủ đối phương, và nhắm đến các vị trí giữa hậu vệ biên và trung vệ của đối thủ, nhằm tận dụng tốc độ và sự đột biến của các cầu thủ tấn công.
Khả năng pressing tầm cao
Một điểm tồn tại khác, có thể được xem là tồn tại cố hữu của sơ đồ 3 trung vệ, là việc ĐT Việt Nam khó lòng có thể tạo ra các nỗ lực pressing một cách có tổ chức, đồng bộ và có khả năng áp đảo về quân số trước đối phương. Lí do là bởi, nếu hai tiền vệ trung tâm bị giữ lại bởi các tiền vệ trung tâm đối phương, ĐT Việt Nam gần như sẽ chỉ có 3 cầu thủ cho nỗ lực áp sát tầm cao của đối thủ, điều có thể dễ dàng bị vượt qua nếu đối thủ kiên định và sử dụng thêm một nhân sự để cùng thủ môn và hai trung vệ tạo ra tình huống 4 đánh 3.
Vì thế, lựa chọn của ĐT Việt Nam trong hầu hết các trận đấu là pressing ở 1/3 giữa sân hoặc lùi toàn bộ đội hình về phần sân nhà và thiết lập một hệ thống phòng ngự chủ động, để rồi từ đó chờ đợi các cơ hội phản công.
Thế trận ấy có thể dẫn tới tình huống đối thủ mới là người kiểm soát trận đấu tốt hơn, và chủ động hơn trong việc bố trí một đội hình vừa có thể tạo điều kiện cho việc đoạt bóng ngay khi để mất quyền kiểm soát, vừa hạn chế không gian cho các pha bóng chuyển trạng thái của ĐT Việt Nam. Đó là chưa kể tới một điểm quan trọng, nếu đối thủ có thể mắc sai lầm khi kiểm soát bóng, thì ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể bị chậm hơn trong một tình huống di chuyển đồng bộ khối đội hình, và để lộ ra những khoảng trống ở khu vực tấn công, trong một giây phút mất tập trung nào đó.
ĐT Việt Nam có thể có được một tâm lý chủ động, nhưng xét cho cùng, những người kiểm soát trái bóng mới thường là những người có được tâm thế thoải mái hơn.
Xem thêm: Thầy Park và sự lệch pha với những áp đặt của mạng xã hội
Khả năng bao quát không gian của hàng tiền vệ
ĐT Việt Nam ở thời điểm này, hay nói chính xác hơn là bóng đá Việt Nam ở thời điểm này không thực sự sở hữu một cầu thủ thu hồi bóng và đánh chặn hạng nặng, vì thế, sự kết hợp giữa hai cầu thủ tiền vệ trung tâm ở giữa sân trong khả năng bao quát không gian vốn dĩ là rất quan trọng.
Sự bất lợi của việc chỉ có hai tiền vệ trung tâm đến ở chỗ chúng ta hoàn toàn có thể bị đối phương áp đảo quân số ở trung lộ, ở một phạm vi mà các trung vệ không thể can thiệp, loại bỏ ít nhất một tiền vệ trung tâm, trước khi đưa trái bóng trực diện tới khu vực trước vòng cấm địa và tạo ra các thời cơ tấn công.
Đây không phải là điều mới mẻ với ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park. Vấn đề là, đẳng cấp chơi bóng để chủ động tạo ra sự áp đảo ở trung lộ và lôi kéo tiền vệ trung tâm đối thủ ra khỏi vị trí thì không nhiều đối thủ cho tới lúc này của ĐT Việt Nam có thể thực hiện một cách quá thuần thục. Tuy nhiên, xem những trận đấu của ĐT Việt Nam trước những đối thủ có tầm cỡ châu lục, những tình huống như thế không phải là hiếm.
Xét một cách tổng quan, ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo vào lúc này đang tạo ra một cảm giác tin tưởng nhất định. Sự kết hợp giữa một định hướng chiến thuật hợp lý, với một thế hệ cầu thủ đầy chất lượng và sở hữu tư duy chơi bóng hiện đại đang là kim chỉ nam cho những thành công của HLV người Hàn Quốc, trong quãng thời gian làm việc tại Việt Nam của mình.
Có thể nội dung của bài viết này không mới, nhưng nhân dịp trận đấu cuối cùng của ĐTQG Việt Nam trong năm 2019 vừa khép lại, đây có thể xem là một dịp thích hợp để nhìn lại tình hình của đội bóng, dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo.
Nguồn: Raumdeuter 13