Một chiếc quần jeans được hình thành qua nhiều bước nhưng những ngày cuối cùng của nó có thể kết thúc tại bãi rác.
Theo dõi vòng đời của một chiếc quần jeans từ trang trại đến bãi rác có thể khiến nhiều người đọc phải sửng sốt. Đó là bình luận của cây bút từ SCMP sau khi nghe lời kể lời của Maxine Bédat – tác giả cuốn sách nói về câu chuyện kinh dị của thời trang nhanh.
Bédat là giám đốc của New Standard Institute – tổ chức phi lợi nhuận làm việc với các nhà khoa học và người dân để giúp ngành công nghiệp thời trang trở nên bền vững, đạo đức và bình đẳng hơn.
Bãi rác – nơi yên nghỉ của những chiếc quần jeans
Mỗi khi Marie Kondo – tác giả sách từ Nhật Bản, có biệt danh “thánh nữ dọn nhà” – tung ra tập mới, cô lại thúc đẩy việc “thanh trừng” quần áo trở nên nhộn nhịp hơn.
Sau loạt phim năm 2019 của Kondo, người Mỹ đã xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng để mua sắm quần áo. Theo Maxine Bédat, 18 tháng ròng rã liên quan đến đại dịch càng khiến những chiếc tủ quần áo căng phồng.
Cô nói rằng việc dọn dẹp có thể mang đến sự hưng phấn và khiến nhiều người nghĩ mình hành động vì mục đích cao hơn. Tuy nhiên, thực tế thường khác.
Những túi quần áo vứt bên ngoài trung tâm quyên góp rất có thể cuối cùng sẽ được đưa vào các bãi rác. Bédat muốn nhấn mạnh thị hiếu thời trang nhanh của mọi người không bền vững.
Cuốn sách của cô kể về hành trình của một chiếc quần jeans, từ sợi vải đến lúc bốc khói. Nơi an nghỉ của nó là những núi rác quần áo.
“Những bộ quần áo cũ được gửi từ châu Âu và châu Á được bán tại thị trường ở Accra, Ghana. Những thứ không bán được sẽ được chuyển đến nơi như bãi rác Kpone. Tôi chứng kiến áo cao cổ Puma, H&M, túi Versace nhái. Tất cả bốc cháy trước mắt.
Nếu chi tiết đó vẫn không làm bạn nhăn mũi, các con số sẽ chứng minh. 1,25 tỷ chiếc quần jeans được bán mỗi năm và phụ nữ ở Mỹ sở hữu trung bình 7 chiếc. Một người Mỹ cũng thải bỏ hơn 36 kg hàng dệt mỗi năm. Phần lớn chúng đến từ Trung Quốc. Quốc gia này năm 2015 đã xuất khẩu hàng dệt may trị giá 284 tỷ USD, chiếm 43% thị trường toàn cầu”, Bédat đưa ra dẫn chứng.
Sự thật khiến giới trẻ phải suy ngẫm
Bédat giải thích rằng các giai đoạn đầu của chu trình sản xuất dệt may gây thiệt hại môi trường cao nhất và chiếm 75% lượng khí thải carbon ngày càng tăng của ngành công nghiệp quần áo. Cô cho rằng sản xuất ở Trung Quốc rẻ một phần vì họ sử dụng năng lượng rẻ.
Là người từng có trải nghiệm tại một công ty dệt, in và nhuộm ở Quảng Đông (Trung Quốc), cô nhìn thấy công nhân không đeo bảo hộ kỹ càng tiếp xúc với thuốc tím – chất làm phai màu denim. Bước ra từ nhà máy, một chất màu đen xanh lấp lánh như vết dầu loang phun ra con sông gần đó. Nước của nó tưới tiêu cho các trang trại liền kề.
Bédat cũng đi đến các thị trường mới nổi – nơi có chi phí cắt may thấp hơn ở Trung Quốc. Ở Bangladesh và Sri Lanka, cô gặp những phụ nữ làm việc như máy móc. Một số người được trả lương quá thấp, họ buộc phải kiếm sống bằng cách buôn bán tình dục.
Đằng sau những chiếc thẻ “sản xuất tại Trung Quốc” gắn trên quần jeans còn thiếu xuất xứ của vải. Ngoài ra, nó còn thiếu cả những chất phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, khí thải carbon và nhiều hóa chất hơn được sử dụng để sản xuất cũng như hoàn thiện vải.
“Tệ hơn nữa là bản thân các công ty thời trang hiếm khi biết được câu chuyện đầy đủ về sản phẩm của họ”, Bédat nhấn mạnh.
Theo SCMP, việc làm sáng tỏ vấn đề nhức nhối này của Bédat có thể sẽ khiến lương tâm nhiều người day dứt. Thông điệp của nó sẽ văng vẳng bên tai bạn rất lâu sau khi đọc.
“Chỉ riêng hành trình của chiếc quần jeans sẽ có tác dụng như cuộc luận chiến chống người tiêu dùng hiệu quả. Điều này chẳng khác gì việc đẩy các tấm biểu ngữ vào mặt độc giả. Nó có thể gây mệt mỏi. Tuy nhiên, mọi thứ được phơi bày khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về những món đồ bỏ đi trên đường phố.
Thật sự ớn lạnh khi biết những người tiêu dùng trẻ tuổi thấy áp lực khi bị chụp ảnh nhiều lần trong cùng một bộ trang phục”, SCMP nhận định.
Theo trích dẫn báo cáo của tổ chức từ thiện Ellen MacArthur có trụ sở tại Anh, Bédat nói thêm rằng nếu chúng ta không làm gì, vào năm 2050 “quần áo sẽ tiêu tốn hơn 1/4 toàn bộ ngân sách carbon thế giới”.
Khi đó, Marie Kondo chắc sẽ không còn niềm vui để tiếp tục công cuộc dọn dẹp của mình.
Xem thêm: [18+] Những bộ ảnh thời trang gây tranh cãi nhất trên thế giới