Bài viêt Câu chuyện của ngành thời trang giữa cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung (tiêu đề do người biên tập đặt) thể hiện quan điểm của tác giả, độc giả tham khảo để có một góc nhìn về ngành hàng thời trang ở tầm vĩ mô, giữa cuộc chiến thương mại hiện nay.
Câu chuyện của ngành thời trang giữa cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
1992: Một thằng bé Việt Nam (là mình) lơ ngơ, hoa mắt bước vào gian điện máy của Lechmere, chuỗi department stores lớn nhất Boston mua TV. Có đến cả 100 lựa chọn. Sony, Toshiba, Panasonic, Sanyo … Hầu hết đều sản xuất tại TQ hoặc Malaysia.
Để bán được hàng, các chuỗi bán lẻ lúc đó có chiến dịch đồng thanh nhấn mạnh thông điệp value for money (giá rẻ, chất lượng tốt), tung hô: hàng sx ở TQ nhưng là made by Sony, made by Japan, made by abcd… nên tốt lắm. Và có hiệu quả.
Thông điệp người tiêu dùng Mỹ thấm dần qua các năm là: hàng sản xuất tại Tàu chất lượng rất tốt. Để rồi sau này, khi cầm cái Iphone trong tay, họ chẳng mảy may quan tâm đến dòng chữ made in China.
Haier, thương hiệu mà năm 1992 đó còn khiêm tốn ẩn mình phía sau các đồng nghiệp Nhật bản, giờ đã là 1 đối trọng đáng gờm toàn cầu!
1999: Teri Agins cho ra đời “Cái chết của thời trang”, 1 cuốn sách rất hay cho những ai quan tâm đến thời trang và kinh doanh.
Cái chết của thời trang – Teri Agins
Cuốn sách phơi bày mặt trái của ngành kinh doanh thời trang, với 1 thông điệp rõ ràng: trong công cuộc chạy theo lợi nhuận, các nhãn hàng cao cấp thực hiện chiến lược “dân chủ hóa” thời trang, tham vọng đưa “cao cấp/ luxury” đến tay người tiêu dùng mọi cấp trên toàn cầu để mở rộng thị trường, để tăng trưởng và thu lợi từ cái bánh to hơn!
Designer cao cấp bán mình, trở thành người làm thuê cho các ông chủ nhiều tiền, để hoàn thành giấc mơ toàn cầu và giàu có.
Lại xuất hiện khẩu hiệu Made by Chinese in Milan! Bạn có thể gặp cả 1 nhà máy toàn công nhân TQ ở Ý, may những cái áo, làm những cái túi sẽ lan tràn trên mọi đường phố, với mẫu mã ngày càng giống nhau, với chi phí sx rất “hiệu quả” vì lương Tàu, mỗi năm lại thêm 1 dòng sản phẩm “thấp cấp” hơn để hợp túi tiền đám đông lớn hơn, để có tăng trưởng.
Xung đột giữa người sáng tạo, bộ mặt của nhãn hàng, với các CEO, vốn chỉ có 1 KPI duy nhất là lợi nhuận để lương cao và giữ ghế, là không thể tránh khỏi. Calvin Klein, Donna Karan và rất nhiều người khác không bao giờ nghĩ có ngày đứa con của mình lại mass như hiện nay!
2014: Mr. M, giám đốc sáng tạo người Mỹ rất thanh lịch và thời trang của 1 tập đoàn mà bà xã mình làm việc cùng, lúc nào cũng chỉ mặc 1 nhãn áo sơ mi ông thích. Bình thường là 200 usd 1 cái. Có khi cao hơn. Giờ ông bảo: tao vừa mua cái áo này giá 18 usd, với vẻ mặt đượm buồn, không chút gì phớ lớ vì món hời!!!
Trào lưu “dân chủ hóa” thời trang cao cấp để thu lợi to hơn, làm người mua bị “hỏng” vì được “cưng chiều quá mức” – cái nào cũng hấp dẫn như vừa lấy từ catwalk xuống, với mức giá ngày càng “hợp túi tiền”.
Nhưng thế cũng chưa đủ với họ.
Vì họ biết chưa mua hôm nay thì tháng sau nó vẫn còn đó để họ được mua sales bằng 50, thậm chí 70% giá cũ. Cái kết của chủ cửa hàng là đại hạ giá!
2019: Hôm qua, chuỗi Topshop của tỷ phú Philip Green của nước Anh, người được mệnh danh cứ 1 usd được chi cho high street fasshion (thời trang cao cấp bình dân) ở nước Anh thì hơn 70 cents là rơi vào túi ông này, đã tuyên bố phá sản và đóng cửa ở Mỹ.
Chỉ 10 năm trước, khai trương cửa hàng flagship của Topshop ở NY được coi là sự kiện thèm muốn của cả giới thời trang lẫn tài chính Mỹ.
Siêu mẫu Kate Moss (bộ mặt của nhãn trong nhiều năm) và túi tiền của quí ông Green cũng không lật ngược lại được sự thờ ơ của người tiêu dùng với nhãn hàng đình đám này ở Mỹ vì thị trường đã quá bão hòa, và không còn chic hay hợp trend!!!
Trong guồng máy luôn đòi hỏi sản phẩm mới, nhanh, rẻ, đẹp, hợp thời …. thì để cạnh tranh và tăng trưởng, supply chain trở thành yếu tố rất quyết định.
Just in Time (JIT), sáng tạo của người Nhật, giờ được các hãng áp dụng rộng rãi, để có thể thay đổi nhanh mẫu mã, tránh tồn kho, tránh hạ giá, buộc người mua phải thích là nhích luôn vì số lượng chỉ có hạn. Trong thời đại digital và thế hệ tiêu dùng millenials, tên của trò chơi là: luôn mới, rẻ, chic, nhanh, kịp thời, liên tục không ngừng nghỉ.
Ai sẽ đáp ứng được guồng chạy điên cuồng đó! Tất nhiên chỉ có “công xưởng thế giới”, mà người Việt hay mỉa mai gọi là Chẩu Quang !!!
Thời trang bây giờ phải cao cấp, mẫu mã thay đổi liên tục và giá phải mềm
Nhà báo uy tín Friedman vừa viết bài Trung quốc đáng bị có Trump (China deserves Trump).
Trump có cái hay là không dân túy, lại to mồm, nên vạch thẳng cho thế giới thấy cái mớ bòng bong mà thế giới đã tự tạo ra cho mình, và với tư cách thủ lĩnh của nước Mỹ, ông ấy làm điều nghĩ mình phải làm hòng để đưa giá trị Mỹ về đúng vạch của nó vì cuộc chạy đua nói trên làm giá trị thực của hàng hóa bị bóp méo, và 1 số nhà kinh tế học phát triển còn rất vocal tranh luận rằng: chính vì nó mà 1 thợ may ở VN hay ở Bangladesh hay Kenya …. sẽ mãi bị kẹt ở mức lương tối thiểu!
Chẳng biết Trump có thắng hay không (vì mình không đủ trình để phán) nhưng mình tự hỏi liệu cái gọi là ROI của đồng vốn trên toàn bộ chuỗi suply chain toàn cầu và các ông chủ của nó (và cả chúng ta) có chịu hợp tác với Trump!
Chúng ta, từ ông chủ quĩ đầu tư, đến bà CEO, từ nghèo đến giàu, từ cổ trắng đến cổ xanh, từ đông sang tây, có mấy ai chịu từ chối hưởng lợi từ cái guồng đó? Mình cứ tự hỏi: liệu bạn (có thể là bất cứ ai) có biết 70% cái quần bạn đang che thân là từ Tàu, lương bạn có thể đang được trả bởi 1 lão chủ chuyên mua hàng Tàu về bán, cái xe bạn đi có khi có tới 10 linh kiện từ Tàu vv và vv. Và bạn thực lòng nói KHÔNG với nó?
Phải chăng chúng ta đáng bị có ….. (thôi, chẳng nói không lại bị chụp mũ…!!!).
Bài viết này khởi sự từ 1 lần bị cà phê quá liều, lấy ngành thời trang và tiêu dùng làm ví dụ cho gần gũi, chỉ để bạn bè cùng suy ngẫm nếu có cà phê quá liều. Chẳng có đúng sai, ai rút ra điều gì cho mình cũng tùy, nên mong các bạn “nhẹ bàn phím”!!!
Tác giả: Trần Vũ Hoài