Bạn không còn bị bó buộc bởi khoảng cách địa lý để có thể mua sắm những xu hướng hay món đồ mình yêu thích ngay lập tức.
Đại dịch COVID không chỉ đưa trải nghiệm mua sắm thời trang online thành một thói quen hàng ngày, mà còn thay đổi cách chúng ta trải nghiệm thời trang nói chung. Khi mà các tuần lễ thời trang bị đóng cửa hay không còn là ưu tiên số 1 của các thương hiệu, chúng ta nhìn thấy sự lên ngôi của những show diễn digital, ví dụ như Gucci Fest vào năm ngoái. Câu hỏi đặt ra là, liệu ngành công nghiệp thời trang chỉ dừng lại ở những show diễn hay website mua sắm online hay còn hơn thế nữa?
Hơn cả một show diễn online
Khi các tuần lễ thời trang buộc phải đóng cửa hoặc lùi lại mùa xuân năm 2020, các thương hiệu đã nhanh chóng đưa show diễn của mình online. Chanel hay Dior chọn cách biến sàn diễn thời trang thành những social-distancing show, nơi mà người mẫu trình diễn ở sàn runway không có khán giả và được thu hình trước khi chiếu live trên Youtube hoặc website của họ. Thay vì những ngôi sao hạng A ngồi ở hàng ghế đầu, họ mời tất cả người xem lên hàng ghế đầu và thưởng thức thời trang ngay trên ghế sofa tại nhà.
Tháng 5/2020, NTK Anifa Mvuemba, một nhà thiết kế gốc Phi, cho ra mắt show trình diễn của thương hiệu Hanifa của mình với những bộ quần áo hoàn toàn được thiết kế 3D. Như bạn có thể thấy trong video trên, không cần khán giả, không cần sàn diễn, không cần vải vóc và cũng không cần người mẫu, thời trang hiện hữu và được trải nghiệm trong không gian ảo 100%. Và quan trọng hơn nữa, nếu Hanifa có thể “may” quần áo bằng công nghệ 3D, thì sau này liệu những nhà atelier có còn tồn tại? NTK có còn cần phải lên mẫu rập, mẫu mộc, có cần đi chọn vải, nhuộm vải, cắt may gì không hay chỉ cần click chuột để tạo ra sản phẩm mới?
Tháng 11/2020, Gucci tiến xa thêm một bước với #GucciFest, một series phim ngắn ra mắt vào tháng 11/2020, trong đó những người mẫu diện BST mới nhất của Gucci cùng các ngôi sao như Harry Styles và Billie Eilish. Yếu tố phim ảnh tiếp tục theo đuổi Gucci với bộ phim ra mắt BST #GucciAria kỷ niệm 100 năm ngày thành lập hãng.
Louis Vuitton cũng không hề kém cạnh khi ra mắt BST Thu Đông 2021 với bộ phim dài 10 phút phối hợp cũng đại sứ toàn cầu của hãng, nhóm nhạc BTS. Show thời trang được biến thành một trải nghiệm điện ảnh mãn nhãn với những thành viên BTS trong trang phục Louis Vuitton bước đi trong khung cảnh siêu thực.
Balenciaga cũng tham dự cuộc chạy đua digital khi ra mắt BST Thu Đông 2021/2022 dưới dạng một trò chơi. H&M x Simone Rocha thì biến lookbook của mình thành một trải nghiệm thực tế ảo (augmented reality). Louis Vuitton cho ra mắt trò chơi Louis The Game với những NFT [NFT là gì?] và cửa hàng ảo mà người chơi có thể mua đồ nhân kỷ niệm 200 năm sinh nhật của nhà sáng lập hãng. Gucci thì đã giới thiệu đôi giày ảo đầu tiên của thương hiệu, The Virtual 25, một đôi giày bạn không thể sờ đến hay đi lại mà chỉ hiện hữu trong điện thoại của bạn.
Nói như đại diện của Dimension Studio, nơi đã thiết kế nên game ảo của Balenciaga và H&M: “Đây là một bình minh mới trong thời trang.”
Chỉ là trò chơi hay là tương lai thời trang?
Có thể bạn nghĩ, đây chỉ là những gimmick của các thương hiệu nhằm kéo tương tác trong thời điểm dịch bệnh và tạo ra một cái gì đó để mọi người bàn tán mà thôi. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn, đây là một thay đổi về bản chất cách chúng ta trải nghiệm thời trang và xa hơn nữa là tương tác xã hội và thể hiện bản thân trong tương lai gần.
Và những thay đổi đó đã xảy ra ngay lúc này rồi. Những người chơi Fortnite hoặc League of Legends đã có thể mua quần áo (hay chính xác hơn là skins) hàng hiệu cho nhân vật của mình, đến từ những thương hiệu cao cấp như Louis Vuitton.
Một số thương hiệu thời trang ảo đã ra đời. Rtfkt Studios và The Fabricant là hai cái tên được nhắc đến khá nhiều trong năm vừa qua, đây là hai thương hiệu hoàn toàn sản xuất thời trang ảo – những món đồ chỉ hiện hữu trong thế giới số. Tháng 3 vừa rồi, Rtfkt bán ra hơn 600 đôi sneakers ảo dưới dạng NFT, thu về 3.1 triệu USD. Những chiếc móc khoá ảo của họ cũng được bán với giá $1,500/cái, và đã có người bán lại với giá $5,000.
“Logic của họ rất đơn giản: thay vì tiêu tiền vào những bộ váy mà đằng nào bạn cũng chỉ mặc 1 lần để khoe trên Instagram, hãy đầu tư vào một món đồ thời trang ảo mà bạn có thể mua đi bán lại và thậm chí kiếm lời.”
Không chỉ có giới trẻ hoặc những hypebeasts mới quan tâm đến thời trang ảo. Tháng 6 vừa rồi, The Fabricant cho ra mắt một ứng dụng có tên Digi_Couture, cho phép người dùng thử lên những bộ váy couture được thiết kế Toni Maticevski. Một trải nghiệm thường chỉ có giới siêu giàu mới được tham gia, thì giờ đây ai cũng có thể truy cập nếu bạn có internet. Công ty này cũng vừa bán một chiếc váy ảo dưới định dạng NFT với già $12,600. Thậm chí, sàn thương mại điện tử cho thời trang ảo cũng đã ra đời. Một website ở Hong Kong có tên là BNV đang có tham vọng trở thành một Farfetch của thế giới ảo bằng cách tạo ra trải nghiệm shopping NFT hoàn toàn cao cấp.
Nếu bạn cảm thấy thực sự hoang mang khi người ta đang tiêu hàng ngàn, trăm ngàn đô la vào quần áo hay giày dép không thể mặc lên người, thì hãy nhìn xung quanh bạn trong thời gian giãn cách xã hội này. Khi mà con người càng ngày càng làm nhiều thứ mà không cần ra khỏi nhà hay gặp nhau (từ làm việc cho đến họp hành hay hẹn hò), khi mà giá trị của mỗi cá nhân dường như phụ thuộc vào số like họ nhận được trên mạng xã hội thay vì một thành tựu cụ thể, thì tại sao bạn cần phải mua quần áo hiệu để mặc lên người? Không tiện hơn sao nếu bạn có thể khoe bộ sưu tập NFT Louis Vuitton hay Gucci của mình với tất cả mọi người trên thế giới này (và cũng không sợ bị mua phải hàng nhái, hàng rởm?).
Và khi trải nghiệm thời trang không còn gắn với một địa danh hay thời gian cụ thể, có nghĩa là giới hạn cũng biến mất. Các nhà thiết kế có thể thực hiện BẤT CỨ mẫu thiết kế nào họ nghĩ ra trong đầu mà không bị giới hạn về vải, kỹ thuật may hay kinh phí. Một ví dụ nhỏ cho bộ sưu tập Couture mới nhất Iris van Harpen cho mùa Xuân Hè 2021. Kỹ thuật in 3D đã cho phép bộ sưu tập này mang đến chất liệu và silhouette đẹp đến phi thực tế. Hãy tưởng tượng vậy nếu chỉ hiện hữu trong không gian digital thì những NTK Couture còn nghĩ ra những ý tưởng điên rồ đến đâu?
Với tư cách là người tiêu dùng thời trang thì bạn không còn bị bó buộc bởi khoảng cách địa lý để có thể mua sắm những xu hướng hay món đồ mình yêu thích ngay lập tức. Bạn không cần phải lo lắng về việc tủ quần áo ở nhà đang chực nổ tung hay vứt bỏ quần áo có hại cho môi trường ra sao, vì tất cả đều là ảo. Và quan trọng nhất, bạn có thể chọn quần áo để trở thành bất kỳ ai, dù là giới tính hay chủng tộc hay cơ thể nào. Một level hoàn toàn mới của thể hiện bản thân qua thời trang.
Vậy tóm lại là, chúng ta có đang sống trong một Ma Trận hay không?
Xem thêm:
- Xu hướng thời trang nam Xuân/Hè 2022: đề cao ứng dụng cuộc sống
- Lịch sử thương hiệu Gucci: từ xưởng vali đến bi kịch ám sát gia tộc
- Câu chuyện của kính mắt trong thế giới thời trang
- Thời kỳ ăn diện của các ngôi sao thể thao
- Bàn về trang phục trong phim Squid Game (Trò chơi con mực)