Nếu bạn hay bị bạn bè trêu là “sợ vợ” thì hãy đọc câu chuyện này về Phòng Huyền Linh, vị tể tướng tài giỏi nhưng sợ vợ nhất lịch sử phong kiến Trung Hoa để thấy rằng mình vẫn còn may mắn!
Vị tể tướng tài giỏi và chung tình…
Phòng Huyền Linh được gọi là “Gia Cát Lượng triều Đường”. Ông là người phụng sự vị hoàng đế được đánh giá là xuất chúng nhất lịch sử Trung Hoa, tạo nên thời đại được gọi là “Đại Đường thịnh thế”: Đường Thái Tông Lý Thế Dân.
Phòng Huyền Linh là mẫu người xuất thân nghèo khổ, nhưng thông minh, chịu khó và ham học hỏi. Ông có một người vợ rất xinh đẹp, chăm chồng chu đáo tên là Lư Thị.
Trước khi một người đàn ông chí lớn làm nên được thành tựu, thì đều đi qua gian nan khổ ải, và Phòng Huyền Linh cũng không ngoại lệ. Khi ông ốm nặng, tưởng như sắp chết, nhìn thấy vợ vẫn trẻ trung xinh đẹp, ông liền nói vợ rằng mình sắp chết, và khuyên nàng bỏ đi mà cưới người khác. Lư Thị nghe xong, khóc nức nở rồi vào trong phòng móc mắt của mình ra. Bà muốn nói cho ông biết, dù ông có ra sao thì bà vẫn ở bên, và bà cũng không thể đi bước nữa vì giờ đã là người tàn tật.
Hình ảnh bi tráng ấy làm lay động trời đất. Phòng Huyền Linh sau đó khỏi bệnh, về dưới trướng Lý Thế Dân khi ấy đang là Tần Vương. Ông cùng với Đỗ Như Hối là hai mưu sĩ quan trọng nhất, sắp đặt mưu kế cho Lý Thế Dân giành thiên hạ. Rồi vươn cao trong con đường danh vọng, trở thành tể tướng dưới thời Lý Thế Dân, khi này đã là Đường Thái Tông.
Dù nghèo khổ hay giàu sang, Phòng Huyền Linh vẫn chỉ có duy nhất một người phụ nữ trong đời là người vợ Lư Thị. Vâng, ở vào cái thời đại phong kiến năm thê bảy thiếp, thì tể tướng Đường triều vẫn chỉ có duy nhất một người vợ.
… nhưng sợ vợ
Vua Đường Thái Tông thấy tình cảnh của Phòng Huyền Linh liền ban cho ông mấy mỹ nữ về làm tì thiếp. Đêm đó ông mang về, kết quả phủ tể tướng loạn nguyên đêm, sáng mai thấy ông đem trả. Đường Thái Tông một đời anh hùng đánh đông dẹp bắc, nay đứng trước cái chuyện bị chống đối như thế, liền triệu Lư Thị vào, chỉ vào cái chén để bên cạnh và nói “Trẫm không trị ngươi tội kháng chỉ mà cho ngươi hai sự lựa chọn. Hoặc người đem 2 nữ nhân này về nhà, hoặc ngươi uống chén thuốc độc này”. Nào ngờ Lư Thị chẳng ngần ngại cầm chén thuốc độc uống hết.
Hóa ra đó chỉ là chén giấm, Đường Thái Tông muốn thử Lư Thị mà thôi. Khái niệm “uống giấm” chỉ sự ghen tuông mà bạn thỉnh thoảng gặp trong văn học đại chúng Trung Quốc chính là từ đây mà ra.
Phòng tể tướng ôm lấy vợ mà khóc, còn Đường Thái Tông từ sau việc đó cũng phải khâm phục và nể sợ luôn Lư Thị. Đúng kiểu “Vợ tôi thì cả làng còn sợ nói gì đến tôi.”
Một ngày khi tan triều, Đường Thái Tông Lý Thế Dân thấy tể tướng Phòng Huyền Linh vẫn đứng yên tại chỗ. Đường Thái Tông hỏi có việc mật muốn tấu hay sao? Phòng Huyền Linh lắc đầu. Đường Thái Tông hỏi vậy sao vẫn không chịu về? Lúc ấy Phòng Huyền Linh mới quỳ xuống và nói “Vợ thần đuổi thần ra khỏi nhà, mong hoàng thượng cho một chiếu chỉ phải để Tể tướng hồi gia”. Đường Thái Tông ngẩn ra, vừa buồn cười vừa sửng sốt, liền cho một chiếu chỉ để tể tướng được về nhà.
Phòng Huyền Linh thọ 70 tuổi, có 5 con, cả đời chỉ có một phối ngẫu duy nhất là Lư Thị, sống đời hạnh phúc, điều hiếm thấy trong thời đại đấu tranh chính trị ấy.
Nếu bạn nghĩ người sợ vợ là người nhút nhát và thiếu định kiến thì không phải. Phòng Huyền Linh cùng với Trưởng Tôn Vô Kỵ, Đỗ Như Hối chính là người đã chủ trương trong sự biến đẫm máu Huyền Vũ Môn, địa điểm nơi Lý Thế Dân đã cùng thuộc hạ giết anh trai Lý Kiến Thành và em trai Lý Nguyên Cát để lấy ngôi báu. Là người dám căn ngăn Lý Thế Dân tấn công Cao Ly. Ông còn là chủ biên của quyến Tấn thư – một trong 24 bộ chính sử Trung Hoa.
Xem thêm:
- Vẻ đẹp quyền quý của Nam Phương Hoàng hậu lúc sinh thời
- Chuyện ngoại tình và nỗi “oan Thị Màu” của đàn ông
- Phong cách tán gái của các tác giả kiếm hiệp
–
MENBACK.COM