Thông qua cuốn sách Trí Thông Minh Cảm Xúc For Dummies (dịch giả Thảo Hạnh) của Tiến sĩ Steven J.Stein – bạn đọc có thể tìm ra nhiều câu trả lời đáng ngạc nhiên về “hạnh phúc”
Review Sách: Trí Thông Minh Cảm Xúc For Dummies
Để đánh giá năng lực của con người bên cạnh những thành tích, địa vị xã hội, của cải vật chất, đôi khi chúng ta còn quan tâm đến câu hỏi: “Liệu họ có đang hạnh phúc hay không? Nếu không thì tại sao?”. Thông qua cuốn sách Trí Thông Minh Cảm Xúc For Dummies (dịch giả Thảo Hạnh) của Tiến sĩ Steven J.Stein – nhà tâm lý học lâm sàng kiêm Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý học Ontario (Canada), bạn đọc có thể tìm ra nhiều câu trả lời đáng ngạc nhiên.
Xem chi tiết và mua sách: Tại Đây
Phần 1: Một loại thông minh mới xuất hiện
Giống như cách tiếp cận các kiến thức khoa học bằng phương pháp dễ hiểu của series sách For Dummies, phần đầu tiên của cuốn sách trình bày khái niệm cơ bản về trí thông minh cảm xúc. Cần phân biệt một cách tương đối giữa trí thông minh lý trí IQ (Intelligence Quotient) và trí thông minh cảm xúc (Emotional Quotient). Sự hiểu biết mới mà không mới này cần người tìm hiểu có sự kiên nhẫn. Bởi sự thực là họ đang tiến sâu vào phần cốt lõi nhất cũng như cách thực hành Đắc nhân tâm không chỉ bằng các phương pháp được hướng dẫn mà còn bằng cả sự hiểu biết cũng như tự tạo nên các lựa chọn phù hợp trong nhiều tình huống khác nhau.
Trong các bài kiểm tra đánh giá năng lực để phân loại học sinh, tuyển dụng việc làm, quyết định thăng chức, chỉ số IQ được sử dụng làm thước đo chính. Qua các bài kiểm tra IQ, kết quả cuối cùng sẽ cho thấy khả năng tư duy logic, đánh giá và giải quyết vấn đề, sự hoạt động lý trí ở mức độ nào. Toán học là ví dụ điển hình trong lĩnh vực này này và người giỏi vận dụng khả năng tính toán hay suy luận logic được coi như có chỉ số IQ cao. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của tâm lý học, giờ đây IQ đã mất đi ví trí độc tôn của mình và ánh đèn trên sân khấu khoa học đang rọi đến một khái niệm mới đó là EQ.
Một người có EQ cao được mô tả là thực lực ở mức trung bình nhưng lại tìm ra cách làm hài lòng tất cả mọi người để bản thân luôn cảm thấy hào hứng khi vui sống đời thuận lợi, bình an (theo suy nghĩ cá nhân của người review, thì người có EQ cao biết mình cần làm gì và làm như thế nào vào đúng lúc). Ngoài ra, sách có ưu điểm là cung cấp những bài tập kèm theo nội dung của từng chương để giúp bạn đọc nhận diện đồng thời nâng cao trí thông minh cảm xúc.
Phần 2: Bản chất của trí thông minh cảm xúc
Bản chất của trí thông minh cảm xúc là sự đồng cảm chân thành. Khác với tính mạch lạc, rõ ràng trong tư duy lý tính, tư duy cảm xúc thiên về sự cảm nhận. Sự cảm nhận trong tư duy cảm xúc đôi khi đến từ sự bẩm sinh, thông qua tu hành, thiền định, kinh nghiệm hoặc đến từ sự rèn luyện.
Tư duy cảm xúc không chú trọng việc đọc suy nghĩ của người khác mà đi tìm nguồn cội cảm xúc của họ, giải mã những cảm xúc ấy rồi tìm ra cách tác động phù hợp để mọi thứ trở nên tích cực hơn. Để hiểu rồi tiến tới vận dụng trí thông minh cảm xúc, trước hết cần nhận diện rõ được cảm xúc của bản thân. Đây là điều không được phép bỏ qua, bởi nếu chúng ta không thể hiểu chính cảm xúc của bản thân mình thì mọi có gắng giải mã cảm xúc của người khác đều là vô nghĩa.
Gọi tên những cảm xúc của bản thân trong vòng một giờ đồng hồ là trải nghiệm thú vị: Chúng có rất nhiều, đan xen nhau và mơ hồ. Dưới áp lực của suy nghĩ, con người quan tâm hơn đến tình huống, các chi tiết hơn là cảm nhận đến những tình cảm đang diễn ra bên trong mình, chúng tự đến và đi theo bản năng do đó khi cần thiết kiểm soát chúng, ta không thể nào đánh giá rõ được (bạn đọc có thể liên tưởng đến một rạp chiếu phim mở của tự do, sau khi hết phim, khản giả đi theo những hướng khác nhau và người bán vé lúc ấy mới đi tìm những ai đã vào xem phim để thu vé).
Mặc dù đơn giản nhưng quá trình ấy diễn ra hàng ngày với tốc độ nhanh chóng nên nhận biết được bản thân đang cảm thấy thế nào cần đến sự tinh tế của tâm hồn, nếu có đời sống nội tâm sâu sắc thì khả năng này dễ trở nên mạnh mẽ hơn.
Phần 3: Đưa trí thông minh cảm xúc vào công việc
Trí thông minh cảm xúc rất cần thiết, chừng nào xã hội còn tồn tại thì trí thông minh cảm xúc lại càng cần thiết hơn. Bởi trong xã hội, không có cá nhân tồn tại độc lập tuyệt đối mà không có mối liên kết theo dạng này hay dạng khác với cộng đồng. Ở giới động vật bậc thấp thì điều này tỏ ra ít thuần túy hơn, quan hệ bầy đàn dựa trên mặt tập tính sinh tồn không tồn tại những cảm xúc cần được giải quyết thông qua đối thoại lời nói (cũng vì không có ngôn ngữ mà trí thông minh cảm xúc ở loài vật kém phát triển hơn dẫn đến tư duy của chúng bị bó chặt vào bản năng, dĩ nhiên động vật bậc thấp không cảm thấy phiền toái lắm về điều này).
Thế nhưng ở xã hội loài người điều đó diễn ra theo một cách khác, chúng ta cảm thấy: Vui mừng, buồn bã, lo lắng, tức giận, sợ hãi, yêu thương, chán nản, hạnh phúc, đau khổ, hy vọng, tuyệt vọng v.v… và khi chúng ta cảm thấy như vậy, thì hành động của chúng ta sẽ nương theo những cảm xúc đó (điều đáng lưu ý ở đây là con người thường nói theo lý trí nhưng lại hành động theo cảm xúc).
Từ đó xuất hiện những tình huống như: Cha mẹ muốn cho con những điều tốt (thông qua việc trách mắng hoặc lờ đi những lời giải thích) khiến cho trẻ cảm thấy tổn thương, cấp trên muốn nhân viên hoàn thành công việc (thông qua khiển trách với giọng điệu gay gắt) khiến nhân viên cảm thấy bị xúc phạm, người vợ muốn chồng hoàn thành tốt hơn trách nhiệm với gia đình (thông qua việc so sánh tiền lương với người đàn ông khác) khiến người chồng cảm thấy chán nản v.v… Rất nhiều ví dụ để chứng minh trí thông minh cảm xúc giúp chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề phức tạp ở môi trường làm việc và đời sống gia đình theo cách đơn giản, hòa hợp hơn.
Sự thực là nếu những bậc cha mẹ muốn những điều tốt thì cần cách truyền đạt tốt, những vị lãnh đạo muốn quản lý tốt thì cần có lý có tình, các bà vợ muốn khích lệ người chồng của mình cố gắng thì cần “lạt mềm buộc chặt”.
Phần 4: Sử dụng trí thông minh cảm xúc trong gia đình
Một khía cạnh ứng dụng cụ thể của trí thông minh cảm xúc đó chính là các mối quan hệ gia đình. Không ai có thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của gia đình đối với chất lượng cuộc sống của bản thân, hơn thế nữa đó còn là câu chuyện về tương lai của những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình ấy. Các vấn đề trong gia đình đôi khi bị xem nhẹ hoặc lảng tránh hay trì hoãn cho đến khi thời điểm xung đột lớn xảy ra. Điều này mang lại tác động xấu đến tâm lý của các thành viên.
Lý do của hiện tượng này đó là những cảm xúc bị kìm nén hoặc thói quen sinh hoạt khiến các thành viên trong gia đình dần mất đi năng lực đánh giá sự hợp lý hay bất hợp lý trong hoàn cảnh, bên cạnh đó việc dành thời gian cho nhau ngày càng ít dẫn đến sự đồng cảm trở thành yếu tố xa xỉ. Quỹ thời gian những cặp vợ chồng trẻ dành cho nhau, cha mẹ dành cho con cái đang ngày càng trở nên eo hẹp. Mặc dù eo hẹp vậy nhưng những chiếc Smartphone hay máy tính bảng được thiết kế mỏng vẫn có thể lách vừa vào, khiến cho thời gian các thành viên trong gia đình ở bên nhau thiếu đi sự tương tác, giao lưu thực sự.
Để lấy lại trí thông mình cảm xúc cần có sự thấu hiểu trong khi đối với các cặp vợ chồng trẻ, chưa sẵn sàng thực sự về mặt tâm lý dễ dẫn đến những bất đồng lâu dài trong quan điểm về cuộc sống, công việc, cách nuôi dạy con cái, sở thích. Khi từ chối chia sẻ, chấp nhận những khác biệt của nhau thì ở giữa họ sẽ nảy sinh mâu thuẫn mà nếu thiếu đi trí thông minh cảm xúc thì cặp vợ chồng thông minh nhất về trí tuệ lại dễ có thể trở thành cơn ác mộng của nhau nhất.
Để giải quyết vấn đề ấy, gợi ý đưa ra là cần dành đủ thời gian lắng nghe, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn bằng sự bình tĩnh, sáng suốt và bao dung- điều mà mỗi người cần tự rèn luyện ngay từ thời điểm trước khi tiến tới hôn nhân.
Giáo dục con cái là điểm cần ý trong việc đảm bảo tính ổn định của gia đình- chức năng căn bản của gia đình. Tuy nhiên, nếu phụ thuộc hoàn toàn vào các chương trình giáo dục từ bên ngoài hoặc định hướng quá sâu trong quá trình nuôi dạy con cái, tạo áp lực để trang bị các kiến thức, kĩ năng theo kì vọng của cha mẹ thì những hậu quả tiêu cực mang lại rất rõ ràng.
Để hình thành nên con người, ngoài vỏ vật chất thì bên trong cần đảm bảo nhân cách. Giáo dục nhân cách đòi hỏi sự kiên nhẫn, đồng cảm và tinh tế bởi mỗi cá thể sinh ra là một hệ thống riêng biệt, sử dụng các phương pháp đơn thuần mà bỏ quên tình thương hay trách nhiệm là thiếu sót nghiệm trọng.
Trí thông minh cảm xúc là chìa khóa để giúp đỡ cha mẹ hoàn thành sứ mệnh lớn lao ấy. Bằng cách tìm ra, kiểm soát sự bốc đồng, cáu giận hay xu hướng áp đặt trong quan hệ với con cái, cũng như học cách chung sống với sự khác biệt của trẻ, khuyến khích trẻ tìm hiểu và cải thiện năng lực cảm xúc trong các hoạt động yêu thích ngoài giờ lên lớp, các bậc cha mẹ sẽ luôn là bề trên xứng đáng nhận được sự yêu thương, kính trọng của con cái.
Phần 5: Danh sách mười điều
Nội dung phần cuối của sách phản ánh đặc trưng sách for dummies: Tập hợp một bản danh sách ngắn gọn để nâng cao trí thông minh cảm xúc của bản thân cũng như giúp đỡ những người xung quanh, từ đó khiến cho cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn. Dĩ nhiên để mọi lời khuyên trở nên hiệu quả, bạn cần phải vận dụng vào thực tế.
Khi đưa trí thông minh cảm xúc vào trong cuộc sống bạn sẽ phải đối mặt với không ít thử thách, đó có thể là sự bất hợp tác từ người đối diện, cấp trên nóng nảy khó tính, bậc phụ huynh kiên định thành kiến hay người bạn đời nhạy cảm, tuy nhiên nếu bạn có can đảm thì rất đáng để thử.
Ngoài ra, việc hiểu được giá trị thực sự của trí thông minh cảm xúc cũng thể hiện bạn có tiềm năng đối với loại hình thông minh này. Trí thông minh cảm xúc là loại hình trí tuệ mang tính dài hạn có khả năng tổng hợp nhiều loại năng lực khác nhau cũng như xóa đi những rào cản giữa con người với con người. Trong các huyền thoại, truyền thuyết tôn giáo, trí tuệ cảm xúc hiện diện ở tấm lòng từ bi hỷ xả của Đức Phật, các vị Bồ Tát hoặc ở lòng yêu thương, tha thứ nơi Thiên Chúa.
Đối với con người, sức mạnh ấy cùng nằm trong tầm với nếu hiểu được nền tảng của nó là đạo đức, sự chân thành và sâu sắc. Khi đạt đến cảnh giới vô ngã thì không còn giới hạn nào ngăn cản chúng ta tiến tới cuộc sống viên mãn, hạnh phúc. Trí thông minh cảm xúc là sự trở lại của tinh thần vô ngã ấy dưới lăng kính phân tích của khoa học, mặc dù điều này đã được nền văn hóa Á Đông phát hiện từ cách đây rất lâu.
Nếu muốn tìm hiểu thêm về con người kèm những năng lực cảm xúc tuyệt vời, bạn nên dành thời gian đọc cuốn Trí thông minh cảm xúc for dummies, không chỉ thiết thực, hiệu quả bởi những bài tập kèm theo, hơn 400 trang sách còn mang đến sự thay đổi nội tâm lớn lao. Sự thay đổi tích cực xuất phát từ bên trong chúng ta là điều kiện để thay đổi những người xung quanh và thế giới theo hướng tốt đẹp hơn.
Xem chi tiết và mua sách: Tại Đây
Review bởi Nguyễn Phú Hoàng Nam- Bookademy
Xem thêm
Ý nghĩa của Tây Du Ký: sự thật về Đường Tăng và Tôn Ngộ Không
Ý nghĩa thâm sâu thực sự của Tây Du Ký là gì? Đâu là sự thật về Đường Tăng và...
Read more