Khám phá sâu về Tâm thức, bí mật của bí mật bên trong các lớp ý thức của con người.
Menback đăng lại bài viết từ chị Đặng Thanh Vân, nhà sáng lập Thanhs Academy để các độc giả quan tâm đến hành trình khám phá con người cùng tham khảo và chia sẻ.
Bài này là một chủ đề kén người đọc, cũng khá khó hiểu. Tuy nhiên Tôi muốn chia sẻ như một dấu mốc trong hành trình 6 năm làm học trò của một Môn học vĩ đại đã có lịch sử (chứng minh được) hơn 2500 năm.
Mô hình này hoàn toàn là quan điểm cá nhân của Tôi, dựa trên những gì hiểu ngộ về Pháp Phật. Đây có thể chỉ là những sự hiểu biết sơ sài, ấu trĩ, cũng có thể sai lầm. Vì vậy Tôi xin lắng nghe và chia sẻ từ mọi quan điểm khác.
Những khái niệm trình bày trong mô hình là khái niệm chung của Pháp Phật. Chỉ riêng góc nhìn “bóc hành củ” là góc nhìn soi chiếu từ các Giới luật của pháp tu Đại Viên Mãn (Mật thừa).
Mô hình “bóc củ hành” (từ Tôi tự đặt cho dễ hiểu) có cách trình bày phức hợp. Theo đó, mỗi con người (hay hành động/ hoặc 1 sự vật, vật chất) đều gồm: Lớp Bên Ngoài và lớp Bên trong.
Lớp Bên trong lại gồm 2 phần Vỏ của bên trong và ruột của bên trong. Trong ruột của bên trong lại có “Bí mật”. Bí mật này có “vỏ” “ruột bên trong” và “bí mật của bí mật”.
Ví dụ: Cái Bàn có hình (vỏ) bên ngoài là cái bàn. Bên trong là Vật liệu (ví dụ: gỗ, inox, sắt). Vật liệu gỗ có “vỏ” là gỗ ván ép hoặc gỗ thịt từ 1 loại cây. “Bên trong” là các phân tử xenlulôzơ hợp thành. Các phân tử này (Bên trong của bên trong) lại là hợp chất cao phân tử được cấu tạo từ các liên kết các mắt xích β-D-Glucose, (). – Bí mật của Phân tử Xenlulozo là Liên kết mắt xíchβ-D-Glucose, bên ngoài của “bí mật” này là sự kết hợp của 3 nguyên tử gồm Cacbon – Hidro và Oxy, bên trong của “bí mật” này là công thức kết hợp (C6-H10-O5)n. Bí mật của bí mật chính là trị số n (trị số này giao động từ 5000-14k) và tạo thành vách tế bào của thực vật.
Theo mô hình phía dưới. Con người gồm có 2 lớp Vật chất – Ý thức. Vật chất là bên ngoài, ý thức là bên trong. Theo quan điểm triết học duy vật (mà ta học từ nhỏ). Vật chất quyết định ý thức (tức là vũ trụ, hình thái vạn vật có trước rồi Ý thức mới xuất hiện sau).
Theo quan điểm của Pháp Phật, con người chịu sự chi phối bởi ngũ uẩn: Sắc (vật chất) -> Thọ (cảm thụ) -> Tưởng (liên tưởng) -> Hành (Hành động) -> Thức (Hiểu biết). Chiếu theo dòng quy luật này, tức là vì có ngoại cảnh (hoặc thân thể), mà con người thông qua giác quan, cảm nhận được vật chất bên ngoài, rồi từ đó mới có liên tưởng (với cái đã biết hoặc chưa biết), sau đó mới hành động theo cảm nhận và kết quả sẽ là kiến thức, nhận thức về cái bên ngoài.
Như vậy, Pháp Phật cũng chỉ ra rằng, con người chúng ta đang (bị) tuân theo quy luật Vật chất quyết định Ý thức.
Tuy nhiên. Bên trong (Ý thức) hay (Thọ/ Tưởng/ Thức) lại không chỉ gồm có lớp ý thức.
3 lớp ý thức của con người
Các nhà tâm lý học hiện đại, mà điển hình là lý thuyết của S.Freud (từ 1900) cũng chứng minh được rằng, Lớp bên trong của con người gồm tối thiểu 3 lớp:
– Lớp vỏ ý thức:
Là các nhận thức mà mình nhận biết được qua xúc giác, qua hiểu biết đã được học. Thông thường ta nhận thức được ý thức đang liên tục chạy trong não, là các suy nghĩ của ta. Ý thức quyết đinh các hành động có suy nghĩ.
– Lớp tiền ý thức:
Trước khi mình ý thức được, thì còn có một lớp tư duy ngầm, kết nối với cái đã biết trong quá khứ (những thứ mình đã học từ nhỏ hoặc học trong khi không nhận thức được, như đi lướt qua, thoáng nghe hoặc nghe từ tấm bé…). Ví dụ mình học thuộc lòng bảng cửu chương từ bé dù lớn lên không dùng đến, nhưng một lúc tình cờ đọc giá tiền phải trả thì mình phản ứng tức thì biết sai hay đúng (mà nhanh không cần nghĩ).
Hai lớp này hình thành nên “linh hồn” của con người (theo quan điểm duy tâm – khẳng định sự tồn tại của các linh hồn).
– Lớp vô thức (hay tiềm thức):
Lớp này được các nhà Tâm lý học thừa nhận sự tồn tại nhưng không cắt nghĩa được thấu đáo vì sao nó tồn tại. Tức là lớp này sâu hơn lớp tiền ý thức. Ví dụ như có những linh cảm mà một số người nhận ra được nguy hiểm (chưa hề xảy ra), linh cảm về một người nào đó mình thấy rất hợp cứ như đã gắn bó lâu năm (mà chưa từng gặp trước đó), Những cảm xúc hạnh phúc, vui sướng hoặc cay đắng không thể cắt nghĩa tại sao xuất hiện (vì không có lý do rõ ràng) khi mình gặp 1 người, 1 cảnh tượng…
Tất cả được gọi là “vô thức”.
Tâm thức và Vô thức
Theo quan điểm của Phật Pháp. Tôi thấy chữ “Tâm thức” gần với “Vô thức” nhất. Tâm thức là những gì không phải do suy nghĩ tạo nên, mà do cảm nhận bằng Trực giác sâu thẳm thúc đẩy. Vì vậy Tôi tạm đưa ra khái niệm đồng nghĩa giữa Tâm thức – Vô Thức.
Lưu ý: Mỗi linh hồn, cũng đều có 3 tầng thức là Ý thức, Tiền ý thức, Vô thức (và Tâm thức). Vì họ không còn bị lệ thuộc vào “cái vỏ vật chất” là thân thể, nên họ dễ dàng kết nối với Tâm thức (hay vô thức hơn). Đó là lý do vì sao họ “biết” những thứ mà người đang sống “dấu diếm” chỉ nghĩ chứ không bao giờ nói.
Điều này nghĩa là không phải cứ chết thì Linh hồn sẽ mặc nhiên tồn tại ở trạng thái Tâm Thức. Hiểu rõ được điều này, mới cắt nghĩa được “mật Pháp”. Tôi học Pháp gần 4 năm mới tự nhiên nhận ra điều này. Vì ngôn ngữ giữa Pháp Phật và đời có khác nhau, nên ban đầu cứ lầm tưởng.
Tóm lại. Tâm thức theo mô hình đã vẽ. Là bên trong của bên trong. Ai cũng có thể dùng sự tĩnh tâm, trực giác để kết nối với cái “bên trong của bên trong” này. Nếu người nào có trực giác mạnh mẽ, bản chất vì họ để cho “tiếng nói bên trong – Tâm thức” được lên tiếng.
Tâm thức là sự thấy biết thẳm sâu. Nhất quyết không nên gọi nó là “VÔ THỨC” (tức là không biết nó ở đâu ra, khởi lên từ đâu, vì sao lại có nó).
Bí mật của Tâm thức
Vậy tâm thức khởi lên từ đâu?
Nếu thừa nhận sự tồn tại của Linh hồn, thì sẽ dễ dàng thừa nhận sự tồn tại của Tâm thức, chính là sự hiểu biết qua kiếp sống luân hồi.
Tuy nhiên, rất nhiều linh hồn chỉ có Ý thức mà tâm thức vẫn rất yếu ớt (chỉ biết đến đời sống quá khứ mới mất của mình, mà khômg hề biết đến việc trước đời này phải là nhiều đời khác).
Mặt khác, có rất nhiều nhà bác học dựa trên tâm thức, đã phát kiến ra những nghiên cứu khoa học hoàn toàn mới trong lịch sử.
Vì vậy. Tâm thức không chỉ là kiến thức mà con người “tích luỹ” trong vô số kiếp sống của mình.
Theo Pháp Phật, Tâm thức là cái vĩnh cửu, không bị tác động bởi quy luật không – thời gian. Tâm thức không có sự phân biệt giữa “Tâm của bạn, Tâm của tôi”, cũng không tồn tại độc lập 1 mình, tách rời khỏi các Tâm khác.
Đây cũng là chủ đề mà Tôi ban đầu dù đọc hiểu, nhưng không cảm nhận được. Gần đây, mới nhận ra 1 bí mật (thực ra chẳng có gì mật cả vì hàng triệu vị Cao Tăng, vị Thầy Phật tử khác đã biết từ lâu, chỉ có những kẻ sơ cơ mới không biết thôi).
Bí mật của bên trong, bí mật của Tâm thức là Bản tâm Phật vốn không phải là “bản tâm của các vị đã thành Phật” mà là “một trạng thái bản nhiên gốc, vĩnh hằng, không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ quy luật nào của không gian, thời gian”. Trạng thái này vĩ đại hơn vũ trụ, vì Vũ trụ có khởi đầu, có giãn nở, có kết thúc. Còn trạng thái này là KHÔNG, nhưng nó CÓ TỒN TẠI. (Nên Phật Pháp mới có cụm từ Sắc sắc Không Không / Có – Không/ Cũng có – Cũng Không).
Chính vì đặc trưng của trạng thái này (được gọi là Tánh Phật – Tính Phật) là Không (không chịu bất kỳ tác động và quy luật hữu hình nào của thế giới này; không có khoảng cách không gian, thời gian, không phân biệt …) nên Tánh Phật cũng gọi là TÁNH KHÔNG.
Chữ “Phật” (Budha – Người giác ngộ, người thấy biết mọi thứ như nó vốn là) để chỉ trạng thái một người đã có thể để tâm thức của mình hoà vào trạng thái Tánh không chứ không phải là một “Danh từ riêng”. Trạng thái Tánh không này cũng chính là Niết bàn.
Vì đặc trưng của trạng thái Tánh Phật, nên khi Tâm thức đã tìm về được “suối nguồn” – cách thức kết nối với thế giới bản tâm, Tâm thức có sức mạnh của thế giới bản tâm (thấy biết). Tâm thức được “tiếp sức mạnh của vũ trụ” chính là sức mạnh của năng lượng bản tâm gốc. Đó là lý do vì sao Kinh Liên Hoa giảng “Vạn Pháp do Tâm Tạo – Vạn Pháp quy tại tâm”.
Thế giới bản tâm dù không tạo tác, hoàn toàn yên tĩnh tuyệt đối, nhưng Bản tâm con người thì Tạo tác (Thức -> Hành -> Sắc -> Thọ). Sự tạo tác này sẽ có khả năng hoán đổi thế giới vật chất. Nên chỉ bắt đầu từ lúc này TÂM THỨC QUYẾT ĐỊNH VẬT CHẤT. (Quan điểm duy tâm của các nhà Triết học có lẽ đã làm rõ phạm trù này, nhưng tiếc là không chứng minh được nên bị quan điểm duy vật bác bỏ).
Cũng giống như một giọt nước biển (Tâm thức) đang bị múc vào 1 cái cốc so với Đại dương (Thế giới Bản tâm gốc). Nếu nước biển trong cốc mặc dù vẫn là nước biển nhưng vẫn không thể có sóng, không thể cảm nhận được sự giao động trên bề mặt lẫn sâu thẳm đại dương. Nhưng chỉ cần đổ nó vào biển thì nó sẽ hoà luôn vào đại dương mà không thể nào phân tách “số nước biển trong cốc” ra nữa.
Theo Phật Pháp, Tâm thức con người, vốn là một phần của cái toàn thể là trạng thái Tánh Phật (Tánh Không) nói trên (Tôi gọi là Thế giới của Bản Tâm gốc cho dễ hình dung).
Nói cho dễ hiểu, Tâm thức con người vì không biết mình xuất thân từ có 1 thế giới gốc, đã ham chơi trốn khỏi nhà, lâu quá nhiều đời quá không còn ký ức, cũng không thấy đường về. Vì vậy cứ tưởng thế giới đang sống này là nhà của mình, nên cứ bám víu vào đó, và vì cũng ham vui, bám víu cũng vui, nên dù biết có nhà, có cha mẹ gọi về đi vẫn không về. Nhưng không chịu về, thì có thể sẽ hết tiền, hết người cho ăn, hết vui, sẽ khổ sở mà không thể thay đổi được nữa.
Để đánh động với Tâm thức con người rằng “cái thật là mình” không phải là “ý thức” mà chính là “tâm thức” đang ngủ yên, Đức Phật Như Lai (và các vị Giác ngộ khác, ví như các Đức Chúa hay các vị Thánh Tăng), đã xuất thế và mang tới Giáo Pháp (là các phương pháp, phương tiện, các cỗ tên lửa hay xe ô tô, máy bay) giúp Tâm thức có thể học – hành để quay trở về được thế giới của mình.
Ngoài thế giới hình thức bên ngoài như ta thấy, còn có tồn tại nhiều thế giới hình thức khác (như thế giới của Linh hồn), mà Tâm Thức sẽ-có-thể-trải-qua hoặc đi thẳng luôn về thế giới gốc tuỳ vào năng lực (căn cơ).
Vậy cái “bí mật của bí mật” chính là “Thế giới bản tâm gốc”. Nó vẫn đang tồn tại và có kết nối với Tâm thức, Tâm ta có thể kết nối với nó KHI THẬT SỰ MONG CẦU VÀ HÀNH ĐỘNG. Còn nếu dù biết rồi, ta vẫn cứ rong chơi, thì càng ngày càng rời xa trực giác, và có thể chẳng thể có đường về.
Xem thêm: Cái Tôi – cội nguồn của mọi đau khổ và mệt mỏi trong cuộc sống