Những ngôi sao ra đời cũng sau những lần mang nặng đẻ đau như của người mẹ. Rồi chúng cũng có những cuộc sống như bản thân chúng ta, trong một vòng đời có giới hạn, nhưng tuổi của chúng cũng phải ở mức hàng tỷ năm.
Có một sự sống theo đúng nghĩa đen đang diễn ra trong vũ trụ, cách chúng ta rất xa. Ở đó, có những ngôi sao ra đời và những ngôi sao chết đi, cũng theo một vòng đời. Có điều, đời một con người hoặc thậm chí thời gian tồn tại của cả loài người chỉ là một tích tắc nhỏ bé so với quãng thời gian rất dài ấy.
Đây là ảnh chụp một góc của tinh vân Carina (hay NGC 3372), cách Trái đất hơn 8 nghìn năm ánh sáng, đẹp miên man như một tác phẩm nghệ thuật của Tạo hoá.
Theo NASA, những đám bụi khí khổng lồ trải dài 300 năm ánh sáng này chính là một trong những bào thai lớn nhất nằm trong dải Ngân hà mà hệ Mặt trời của chúng ta chỉ nằm ở một góc ngoại ô của nó.
Ở trong cái bào thai ấy, hoặc “vườn ươm sao”, như cách gọi khác, những ngôi sao ra đời sau những vận động đầy bạo lực và dữ dội của khí, bụi và tác động năng lượng trong một quá trình kéo dài hàng triệu năm.
Một góc nhìn rộng hơn nữa của tinh vân Carina, cách chúng ta 8.500 năm ánh sáng (mỗi giây, ánh sáng đi được xấp xỉ 300 nghìn km. 8.500 năm ánh sáng nghĩa là cách Trái đất 8.0416209 x 10 mũ 16 km, nghĩa là xa vô cùng vô tận….)
Những ngôi sao ra đời cũng sau những lần mang nặng đẻ đau như của người mẹ. Rồi chúng cũng có những cuộc sống như bản thân chúng ta, trong một vòng đời có giới hạn, nhưng tuổi của chúng cũng phải ở mức hàng tỷ năm.
Không gì và không ai thoát khỏi những quy luật của tự nhiên. Nhưng tất cả những gì xảy ra với bản thân mình, với mọi người, với thế giới này, hoá ra chỉ là một điều vô cùng nhỏ nhặt trong cuộc sống của cả vũ trụ.
Và những nỗi thống khổ của mỗi chúng ta, những nỗi đe doạ và bất hạnh của cả loài người, cũng không có ai ở ngoài vũ trụ kia biết đến.
Vũ trụ không biết và có lẽ chẳng cần biết đến câu chuyện của tôi, của bạn, của tất cả chúng ta, của thế giới này, vì nó quá bao la đến vô cùng. Không có ai và không gì có thể cứu được chúng ta, trừ chính chúng ta.
Chợt nhận ra rằng, trong những biến cố lớn lao mà chúng ta gặp phải, càng sống vui vẻ, lạc quan, lại càng trở nên bao dung hơn. Những biến cố dạy ta cả sự vị tha và sống không phán xét.
Một góc khác của tinh vân Carina. Ảnh của kính thiên văn vũ trụ Hubble…
Các nhà thiên văn cũng hay nói rằng, nhìn vào vũ trụ là thấy quá khứ, vì vũ trụ lớn quá, khoảng cách giữa các sao và thiên hà là mênh mông vô cùng tận. Loài người đang đi xa hơn, sâu hơn vào vũ trụ và cố gắng tìm hiểu nó.
Trong khi ấy, khoảng cách về địa lý trên thế giới thì đang được rút ngắn dần lại nhờ khoa học công nghệ, khiến chúng ta cảm thấy thật sự gần như ở bên, ngay lúc đó, dù ta và một người quen nào đó ở cách nhau cả vạn dặm.
Nhưng đôi khi, chỉ cần vài sự hiểu nhầm, những trái tim không cùng nhịp đập, những suy nghĩ không được thấu hiểu, mà chúng ta không nhìn thấy nhau, dù có khi đang ở cạnh nhau, dù vẫn thấy được vũ trụ, bằng một kính viễn vọng…
Xem thêm: