Nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng trầm cảm chỉ là một nỗi buồn mà họ từng vượt qua trong quá khứ, còn những người mắc bệnh về cơ bản là do quá yếu đuối. Xét một cách trực quan, nỗi buồn có thể là một phép toán nhân, còn trầm cảm là một phép toán phức tạp gồm nhiều ký tự xa lạ hơn là chỉ phép nhân.
Một trong những trải nghiệm khó khăn nhất với người trầm cảm là họ luôn phải nghe lời khuyên, dạy bảo và phán xét từ những người chưa từng trải qua căn bệnh trầm cảm; đồng thời bị hối thúc liên tục rằng hãy sống tích cực và có ích như thể họ không biết điều đó, dù rằng đó là tất cả những gì một người trầm cảm luôn hi vọng ở bản thân.
Hy vọng bài viết này, với cách tiếp cận hoàn toàn khác, xen lẫn giữa khoa học và những suy nghiệm mang màu sắc tâm sự, trị liệu, có thể giúp những người chưa từng trải qua trạng thái trầm cảm phần nào hình dung được về sự khắc nghiệt của căn bệnh này.
Chúng ta không thể hiểu chính mình, đừng kỳ vọng có thể hiểu rõ người khác.
Tôi nhận ra mình không còn sung sức như thời còn trẻ nữa khi phải trải qua cảm giác mệt mỏi đến cùng cực vào buổi sáng sau mỗi lần thức khuya. Những năm còn đi học, việc thức hay ngủ không thực sự đáng lưu tâm đến thế. Nhưng bây giờ tôi luôn phải cân nhắc kỹ và lên kế hoạch rõ ràng nếu có ý định thức thêm dù chỉ 1-2h mỗi đêm. Cảm giác mệt mỏi đầy khó chịu vào sáng mai luôn là thứ phải dè chừng. Hơi thở gấp và nông, người ngợm nhễ nhại dù máy lạnh bật cả đêm, còn bộ não thì phát ra hàng loạt tín hiệu báo động như muốn phàn nàn rằng việc ngủ chưa từng xảy ra. Tất cả những điều này, kết hợp cùng hàng loạt trách nhiệm quan trọng phải giải quyết trong ngày hôm sau, khiến việc thức khuya trở thành lựa chọn bất đắc dĩ.
Nghe có vẻ lý trí? Tiếc là nó nghe quá lý trí, vì vậy, nó luôn trở nên mất kiểm soát ngay khi tôi không để ý. Việc khó nhất một người phải tập khi trưởng thành là học kiểm soát mọi thứ một cách lý trí, tự thân, thay vì có thể trông chờ vào những bản năng sinh học sẵn có.
Bất kể rằng cảm giác thức dậy sau một đêm thiếu ngủ tệ đến mức nào, bất kể rằng tôi có thể mô tả nó bằng câu chữ để mọi người cùng hiểu ngay phía trên, việc khó nhất vẫn là hình dung ra được chính xác cảm giác ấy vào đêm trước khi đi ngủ, biến chúng thành động lực để tôi có thể sợ hãi và ngoan ngoãn đi ngủ thay vì tiếp tục xem thêm 5 tập The Big Bang Theory. Nhưng tôi không thể, như bất kỳ người bình thường nào khác, vì bộ não vốn không hoạt động như thế.
Điều này cũng giống việc chúng ta không thể nhớ lại cảm giác nghẹt mũi tệ như thế nào lúc mũi vẫn thông thoáng bình thường, cũng như không thể nhớ đến cảm giác mệt mỏi khi bị sốt lúc đang tỉnh táo, dù rằng đó đều là những gì ta đã trải qua (thường xuyên là đằng khác). Ta có thể cố gắng để hồi tưởng lại những cảm giác khó chịu ấy, nhưng tất cả những gì tốt nhất bộ não có thể làm được là tổng hợp chúng thành một ký ức dạng “khó chịu, tốt hơn hết là đừng bị như thế” thay vì thứ gì đó rõ ràng. Chỉ khi bị nghẹt cứng khoang mũi, hay nằm liệt giường vì sốt, ta mới thực sự biết mọi thứ tệ và khó chịu đến mức nào.
Nam Cao, một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam, từng viết một câu hỏi tu từ đắt giá đầy tính chiêm nghiệm, “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu?”. Nhưng có một sự thật tồn tại song song khác mà chúng ta thường hiếm khi để ý, rằng những người lành lặn dù muốn cũng chẳng thể thấu hiểu hoàn toàn về cái chân đau của người khác, hay thậm chí chẳng thể nhớ lại chính xác mình đã khổ sở như thế nào lúc đau chân trong quá khứ.
Cảm giác và cảm xúc là thứ mang nặng màu sắc của “hiện tại”, hơn là một thứ có thể cất đi và mang ra bất kỳ lúc nào ta cần.
Chúng bao trùm lấy tâm trí của ta trong hiện tại, giữ vai trò định hình cách ta hình dung về thế giới tại thời điểm đó. Mọi thứ dường như bừng sáng khi ta vui hay hạnh phúc, và thế giới đổi sang màu u ám mỗi khi ta buồn. Sự chán nản có thể biến bộ phim hay nhất trở nên tẻ nhạt, còn trò chơi ta vốn luôn hứng thú bỗng trở thành thứ gì đó phiền phức. Thế giới vốn luôn trung tính, vẫn quay đủ một vòng trong khoảng 24h và tuân theo những trật tự ổn định, nhưng cách ta cảm nhận về chúng lại đa dạng tùy thuộc vào tâm trạng, cảm xúc và cảm giác ở từng thời điểm khác nhau.
Những rung động cảm xúc xuất hiện, rồi biến mất, rồi lại xuất hiện, liên tục như thế, nhưng khác với những thông tin khác, bộ não không giỏi việc lưu trữ cảm xúc (và dường như cũng không hướng tới việc lưu giữ chúng). Bạn có thể nhớ lại bản thân đã khổ sở như thế nào trong lần thất tình gần nhất; có thể thấy bản thân bỏ ăn, thức khuya thất thường, làm hỏng mọi thứ, khóc mỗi đêm trước khi đi ngủ, chìm đắm trong các bản nhạc buồn… Nhưng khi mọi chuyện đã qua, dù rằng ký ức về những ngày ấy vẫn có thể truy cập lại bất kỳ lúc nào, bạn không thể nhớ lại chính xác mình đã cảm thấy buồn ra sao, thậm chí trong một tâm trạng thoải mái ở hiện tại, người ta còn thường xuyên tự hỏi vì sao ngày xưa bản thân ngu ngốc và yếu đuối đến như thế. Hoặc giả như khi nhớ lại ký ức đau buồn ta có thấy chạnh lòng một chút, vậy đó là thứ cảm giác vừa được não bộ mô phỏng ở thời điểm hiện tại, như cách chúng vẫn thường làm khi ta đọc tiểu thuyết, xem phim đến những đoạn cảm động, thay vì thực sự là nỗi buồn của quá khứ.
Tóm gọn, khi nhìn nhận cảm xúc và cảm giác, chúng ta cần gắn nó với thời điểm hiện tại. Sự giàu có về mặt cảm xúc và cảm giác ở ngay đây, tại thời điểm này, còn có chức năng giúp chúng ta nhận ra đâu là thực tế, còn những ký ức mờ nhạt nào chỉ là quá khứ, huyễn tưởng nào là thứ không có thực. Trạng thái cảm xúc ở thời điểm hiện tại thậm chí còn định hình cách chúng ta nghĩ về quá khứ hay hướng tới tương lai, biến nó thành một thể thống nhất không hề mâu thuẫn, dù rằng khi xem xét một cách nghiêm túc, cảm xúc của bất kỳ ai cũng cực kỳ mâu thuẫn và biến đổi liên tục.
Thực vậy, theo khảo sát Levine (1997) về cảm xúc và ký ức, các nhà nghiên cứu đã xem xét báo cáo về cảm xúc của các những người ủng hộ cựu ứng cử viên Tổng thống Ross Perot. Có hai sự kiện chính tác động mạnh đến cảm xúc của những người tham gia thí nghiệm được ghi chép lại, (1) mốc Ross Perot tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua và (2) sự trở lại của ông ở thời điểm sau đó. Kết quả cho thấy ở sự kiện (2), những người ủng hộ Ross Perot đã cảm nhận khác đi một cách mạnh mẽ về chính cảm xúc của họ trong quá khứ. Chẳng hạn, vào thời điểm Ross Perot trở lại cuộc đua, những người ủng hộ ông cho rằng trong quá khứ, tại thời điểm Ross Perot tuyên bố không tham gia tranh cử, họ đã hy vọng nhiều hơn và buồn bực, tức giận ít hơn; dù trong thực tế là ngược lại. Những người phản đối cũng nghĩ rằng họ đã tức giận nhiều hơn và hy vọng ít hơn, dù trong thực tế là ngược lại.
Hay ở khảo sát về nỗi đau từ vụ 11/9, ký ức của những người tham gia khảo sát dường như thay đổi mạnh mẽ theo thời gian và chịu ảnh hưởng bởi đánh giá hiện tại của họ về vụ khủng bố. Chẳng hạn, sau khi công tác điều tra đã đi đến hồi kết và hàng loạt khía cạnh về vụ khủng bố được trưng ra, những người tham gia khảo sát khi được yêu cầu nói về cảm xúc của mình trong quá khứ, họ đã mô tả một phiên bản khác nhiều so với những gì họ đã thực sự cảm thấy trong quá khứ (đối chiếu sự khác biệt dựa trên các bản mô tả đã được ghi lại từ trước đó).
Nếu đánh giá dưới góc nhìn lý trí và đề cao sự chính xác, sự sai biệt về mặt cảm xúc và ký ức có thể xem là một đặc điểm tiêu cực. Chúng khiến mọi thứ trở nên thiếu tin cậy và không đảm bảo. Nhưng trên thực tế, tính dẻo này một yếu tố then chốt đảm bảo cho sinh tồn. Quan trọng hơn, chúng ta có thực sự cần phải nhớ về những gì đã xảy ra và về cảm giác chúng ta đã trải qua một cách chính xác?
Sẽ là một lời nguyền nếu cảm giác xấu hổ từ thời học trò vẫn vẹn nguyên ngay cả khi bạn đã trưởng thành, nếu nỗi đau từ mối tình đầu mãi khắc sâu trong tâm trí, nếu ám ảnh kinh hoàng về một tai nạn từng trải qua trong quá khứ luôn hiện diện mỗi đêm và nếu hàng loạt cảm giác mất mát khác luôn chiếm đầy tâm trí. Thật vô lý nếu chúng ta phải trải qua cảm giác đau bụng, nhức đầu khi cơ thể vẫn khỏe mạnh, chỉ vì vô tình hồi tưởng lại? Nếu tất cả những cảm giác tồi tệ đau khổ không dần phai nhạt, trong một cuộc sống khắc nghiệt nơi chúng ta rất dễ trải qua những sự kiện không như ý muốn, có lẽ “cuộc sống” sẽ sớm trở thành một trải nghiệm không ai mong muốn và phần lớn sẽ theo đuổi antinatalism (chủ nghĩa chống sinh sản).
Tính dẻo của tâm trí đã tạo điều kiện cho nhiều ý niệm triết học trở nên khả thi, như tính dẻo về bản sắc cá nhân. Tạo hóa đã thiết kế ra bộ não sao cho đảm bảo rằng con người về cơ bản vẫn có khả năng vượt qua các sự kiện không mong muốn, bước tiếp và kiến tạo nên cuộc sống mới. Thiên tai, dịch bệnh, xung đột và hàng loạt đau khổ khác tổ tiên chúng ta từng trải qua trong quá khứ, nếu những cá thể may mắn sống sót không thể bước tiếp cùng những mất mát, có thể nhân loại đã dừng bước ở đâu đó cách đây hàng triệu năm.
Trên thực tế, nếu những nỗi đau trong quá khứ vẫn hiện rõ một cách không kiểm soát và các cảm xúc tiêu cực luôn được tái hiện một cách sống động và rõ nét, nghĩa là bạn đã mắc các triệu chứng tâm thần bất ổn, chẳng hạn PTSD (rối loạn căng thẳng hậu sang chấn). Những sự kiện quá khắc nghiệt, như nỗi đau mất mát người thân, tai nạn kinh hoàng, tàn dư ký ức từ chiến tranh, bị xâm hại tình dục… đôi lúc tạo ra những cảm xúc mạnh kéo dài trong thời gian dài.
Thiết kế linh hoạt của bộ não và tâm trí đã trao quyền nhiều hơn cho các cá nhân, đảm bảo rằng mỗi người vẫn có một địa thế bền vững về mặt sinh học để đối mặt với thế giới khắc nghiệt; tuy vậy, nó cũng đặt nhiều trách nhiệm lý trí hơn lên mỗi người. Trái với những thôi thúc mạnh mẽ khác luôn thường trực để hướng chúng ta đến nguồn thức ăn, nhu cầu tình dục hay các bản năng sinh tồn/sinh sản khác, con người phải có một kế hoạch vô cùng lý trí để duy trì các hoạt động sống đa dạng, phức tạp xa lạ với bản năng. Đôi khi việc xây dựng động lực cho những hoạt động này còn mâu thuẫn trực tiếp với các cảm xúc sinh học.
Việc nhanh chóng lãng quên về cảm giác tồi tệ khó chịu của việc thiếu ngủ chẳng hạn, đôi lúc nó khiến động lực ngủ sớm trở nên quá yếu ớt, trong khi sức hấp dẫn từ lối sống sôi động vào buổi đêm quá mạnh và hiện rõ ra ngay trước mắt. Tôi không thể hình dung được cảm giác đau đầu vào sáng ngày mai sẽ tệ ra sao, nhưng có thể chắc chắn rằng sau khi nhấn nút “phát sóng tập tiếp theo”, tôi sẽ thấy mình đang ngồi cười khành khạch với mật độ dày đặc các câu thoại hài hước của Sheldon. Tương tự, nỗi đau về những cuộc tình đau khổ sau khi đã dần mờ nhạt đôi lúc không đủ mạnh để khiến một người lưu tâm trước khi lại vướng vào mối quan hệ độc hại trong tương lai. Những người mắc các bệnh về bao tử thậm chí khó duy trì được chế độ ăn kiêng một cách nghiêm túc, bất kể rằng đau bụng là một trong những cảm giác khó chịu nhất. Hay rộng lớn, bất kể rằng nỗi xấu hổ, sự tuyệt vọng và cảm giác chán nản sau mỗi lần không làm được việc, đôi lúc không đủ đáng sợ để ai đó biến nó thành động lực thay đổi lối sống.
Chúng ta, trong lúc vui sướng nhất, thậm chí còn không thể đồng cảm nổi với nỗi buồn của bản thân trong quá khứ. Trong lúc bình ổn, không thể hình dung ra cảm giác đau đớn. Hay khi đau chân, như Nam Cao đã nói, chẳng thể nhìn thấy bất kỳ điều gì ngoài cái chân đau của mình. Con người nhìn về quá khứ qua lăng kính hiện tại và hướng đến tương lai dựa trên những gì sẵn có. Do vậy, không phải lúc nào ta cũng rút ra được bài học từ quá khứ hay giỏi chuyện vạch kế hoạch cho tương lai. Chiếc đùi gà rán kiểu Hàn Quốc nóng hổi đang cầm trên tay đủ tạo ra hàng loạt cảm xúc mạnh mẽ khiến người ta không còn có thể nhìn về kế hoạch giảm cân ở tương lai hay nhớ đến cảm giác ngại ngùng về ngoại hình trong quá khứ một cách lý trí được nữa.
Như một hệ quả, dù là giống loài xã hội, dù chúng ta có thể đồng cảm với tình trạng của người khác, nhưng dường như không bao giờ hiểu được những gì họ phải trải qua. Tôi đã để ý thấy rằng khi chăm sóc người ốm, mặc dù luôn làm mọi thứ có thể để giúp đỡ, nhưng phải thừa nhận rằng tôi không thể hiểu được cảm giác mệt mỏi khi nằm liệt giường là như thế nào. Vì vậy, chỉ có thể làm mọi thứ theo kinh nghiệm, từ các món ăn, thuốc thang cho đến việc dành thời gian để người bệnh được nghỉ ngơi. Điều này cũng đúng khi tôi là người nằm trên giường bệnh và được mọi người chăm sóc. Bản năng xã hội thể hiện vượt trội ở chỗ chúng ta vẫn chăm sóc lẫn nhau bất kể rằng không thực sự cảm nhận được cảm giác người kia đang phải trải qua.
Nhưng việc đồng cảm với những đau đớn về mặt thể chất dường như đơn giản hơn đồng cảm về nỗi đau tinh thần thuần túy. Mọi người dường như luôn đánh giá cao những gì mình đã trải qua, nhưng vì thiếu đi khả năng hình dung về tình trạng của người khác, đặc biệt trong lúc bản thân đang ở một trạng thái hoàn toàn khác, rất dễ dẫn đến việc xem nhẹ* cảm xúc của người xung quanh. Việc trêu đùa bạn bè của mình khi họ đang thất tình diễn ra khá thường xuyên, dù rằng những người tham gia trêu đùa cũng chết dở sống dở mỗi khi chuyện tình cảm cá nhân có vấn đề.
*”Xem nhẹ” không hẳn là không chịu tác động hay đánh giá thấp một cách chủ ý. Mặc dù chúng ta sở hữu khả năng đồng cảm bẩm sinh để hiểu suy nghĩ và cảm xúc của người khác, sự đồng cảm về mặt cảm xúc có giới hạn của riêng nó, như một cách để bộ não tự bảo vệ chính mình khỏi nguy cơ bị ảnh hưởng quá mức bởi cảm xúc của người khác. Vì vậy, sự cảm thông và thấu hiểu cũng cần có sự tham gia một cách chủ động của lý trí, bên cạnh khả năng đồng cảm sinh học bị động.
Toàn bộ những đặc điểm này của cảm xúc tự nó không tạo ra các rắc rối, nhưng việc thiếu đi hiểu biết về nó thì có. Chúng ta đánh giá quá cao cảm xúc của chính mình, xem nhẹ cảm nhận của người khác và trong phần lớn thời gian, ta nghĩ rằng nỗi buồn của mọi người không bằng, hay không “hợp lý” như nỗi buồn của chính mình. Dù thực tế là tất cả đều vô lý, hoặc đều hợp lý như nhau.
Thậm chí, nhiều người vẫn nhầm lẫn rằng trầm cảm chỉ là một nỗi buồn mà họ từng vượt qua trong quá khứ, còn những người mắc bệnh về cơ bản là do quá yếu đuối.
Hãy mừng vì bạn không biết gì về trầm cảm.
Một người chưa từng trải qua trầm cảm chắc chắn không thể biết rằng nó tệ như thế nào. Để né tránh việc thừa nhận rằng bản thân không hiểu, họ thường so sánh nó với một nỗi buồn tồi tệ nào đó bản thân từng trải qua (và sau đó vượt qua) trong quá khứ. Đó là trải nghiệm tiệm cận nhất với trầm cảm, nên thường được dùng để đối chiếu. Nhưng nỗi buồn và trầm cảm không chỉ không giống nhau, nó còn khác đến mức gần như không thể so sánh về mặt logic. Xét một cách trực quan, nỗi buồn có thể là một phép toán nhân, còn trầm cảm là một phép toán phức tạp gồm nhiều ký tự xa lạ hơn là chỉ phép nhân.
Dựa trên các nghiên cứu hiện tại về cảm xúc, các nhà khoa học nhận thấy rằng chúng giữ một vai trò quan trọng trong việc định hình ký ức. Chúng ta có xu hướng nhớ đến những gì gợi cảm xúc hơn các hoạt động trung tính bình ổn chiếm đa số. Ký ức nào được gắn với cảm xúc càng mạnh, chúng càng được ghi nhớ sâu sắc hơn. Chúng ta nhớ nhiều đến ngày đứa con đầu tiên chào đời, một vụ tai nạn khủng khiếp hoặc các mốc lịch sử nổi bật của nhân loại hơn chuyến đi từ nhà đến cơ quan hôm thứ năm tuần trước hay buổi tắm bằng vòi sen bình thường vào buổi chiều thứ ba tuần này. Có lý do sinh tồn đằng sau cơ chế này. Về cơ bản, những điều gợi cảm xúc nhiều hơn thường được đánh giá là có ích hơn trong sinh tồn vì thế cần được chú ý nhiều hơn, và chúng ta thì không thể nào chú ý đến tất cả mọi thứ.
Con người cũng thường xuyên gom một chuỗi ký ức rất phức tạp thành một đơn vị bé đến mức vô lý. Như 3 năm với hàng loạt sự kiện phức tạp quan trọng không liên quan gì đến nhau được gom lại thành “thời cấp 3”, đôi lúc người ta còn gom hàng chục năm cuộc đời thành “thời tuổi trẻ”. Việc gom này khiến chúng ta chỉ gắn một hoặc một vài cảm xúc vội vã lên ký ức phức tạp của mình. Không ai bảo rằng “3 năm vừa rồi rất vui”, nhưng lại thường bảo rằng “thời cấp 3 rất vui”. Thời cấp 3, cũng như 3 năm, hay một tuần, một tháng có nhiều thứ hơn chỉ niềm vui. Cũng như câu chuyện tình cảm với người cũ của một người sẽ đa dạng cung bậc cảm xúc hơn chỉ là “nhàm chán” và “đau khổ”. Vì thật vô lý khi một cặp đôi đã vui vẻ bên cạnh nhau hàng năm trời, rồi tất cả bị biến thành một mớ ký ức đau buồn tồi tệ sau khoảnh khắc chia tay?
Bài viết hữu ích
Làm gì để tránh và vượt qua trầm cảm sau chia tay
Hôm trước có thấy một bạn hỏi cách để vượt qua trầm cảm sau chia tay, mình nghĩ bài viết...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read moreNhưng tâm trí của chúng ta đúng là vô lý như thế. Theo quy tắc Peak-End**, con người có xu hướng nhớ về các kỷ niệm dựa trên các mốc cảm xúc đỉnh cao và cảm xúc lúc mọi chuyện kết thúc. Đó là lý do một trải nghiệm tệ vào những ngày cuối cùng trong cả chuyến du lịch có thể khiến bạn cảm thấy cả chuyến đi chẳng vui vẻ gì. Việc gộp chuỗi sự kiện phức tạp thành một đơn vị sẽ khiến chúng ta đánh giá sai về nó dựa trên một vài cảm xúc chủ đạo nổi bật. Chúng ta sẽ nói về phần này sau.
**Đây là một lý thuyết chưa hoàn chỉnh dù được áp dụng rộng rãi. Ảnh hưởng của quy tắc Peak-End đến bài viết này không nhiều, có thể lược bỏ mà không ảnh hưởng đến cấu trúc, lập luận của bài viết.
Lại nói về chuyện chia tay, hay chấm dứt một mối quan hệ, có thể xem là một trong những nỗi buồn lớn nhất một người phải trải qua. Một nỗi buồn cực hạn khác là nỗi đau mất mát người thân. Tuy vậy, cả hai đều không giống gì với trầm cảm.
Một người buồn vì mất mát người thân có thể buồn thêm vì nhớ đến những ký ức tích cực với người đã khuất, hoặc có suy nghĩ tự tử vì muốn được đoàn tụ. Tương tự với chia tay, nỗi buồn sâu sắc mỗi đêm có thể xuất phát từ những ký ức vui vẻ những ngày còn bên cạnh nhau. Nhưng cảm giác buồn tẻ một người trầm cảm trải qua không đến từ sự tiếc nuối những kỷ niệm đẹp, mong muốn tự tử của họ cũng chẳng vì bất kỳ mục đích nào hứa hẹn một tương lai tốt đẹp hơn cho họ. Trên thực tế, nỗi buồn bao trùm lấy họ, và họ thậm chí gặp khó khăn trong việc gọi về những cảm xúc tích cực từ quá khứ hay hình dung khung cảnh tươi đẹp ở tương lai.
Hãy quay trở lại với “thời cấp 3 tươi đẹp” và quy tắc Peak-End. Những người khỏe mạnh về tinh thần dù không nhớ đến tiết học môn Đại số vào thứ ba tuần thứ 2 của học kỳ đầu, nhưng họ có nhiều ký ức gợi cảm xúc mạnh khác để nhớ. Đó có thể là buổi liên hoan cuối cấp, là một bài kiểm tra đáng tự hào, một lần biểu diễn trước trường, những ngày ngồi phiếm chuyện với bạn bè ở quán nước ven đường, hay lần cả đám nghịch dại bị giáo viên phạt… Tất tần tật những sự kiện ấy mang theo nhiều cảm xúc và mọi người có thể chọn nhớ về kỷ niệm vui vẻ hay xấu hổ, tất cả đều nằm bên trong “thời cấp 3 tươi đẹp”.
Nhưng bộ não của một người trầm cảm hoạt động khác đi rất nhiều. Chúng đã biến đổi, thực sự biến đổi về mặt vật lý, để định hình cách người bệnh suy nghĩ, cảm nhận. Một người trầm cảm vẫn nhớ về thời cấp 3 của mình nhưng họ chỉ thấy đầy ắp kỷ niệm buồn tẻ. Ký ức về những năm tháng của họ ngập tràn những sự kiện không mấy vui vẻ, và hình dung của họ về những gì tươi đẹp cũng biến dạng, thậm chí mất đi. Ký ức đau buồn là có thực, không phải được ngụy tạo, nhưng vai trò của chúng thì đã bị thêm thắt.
Sự nguy hiểm của một bộ não trầm cảm là nó giảm đi trí nhớ cảm xúc của chúng ta về quá khứ, mọi ký ức về cảm xúc đều trở nên mờ nhạt, ngoại trừ sự trầm cảm. Nó tạo ra một “tiểu sử” mới, khiến bệnh nhân trầm cảm cảm giác như bản thân đã sống trong sự đau khổ ngay từ khi sinh ra. Tất cả chúng ta đều mang theo những ký ức đau buồn không mong muốn, nhưng trong phần lớn thời gian chúng là thiểu số và bị kiểm soát dưới lượng lớn những ký ức trung tính, tích cực khác. Căn bệnh trầm cảm sẽ tạo ra triệu chứng gọi là “ký ức thâm nhập”, khiến các ký ức đau buồn lộ ra, lặp đi lặp lại và liên tục được tái hiện như thể chúng rất quan trọng, như thể chúng chiếm đa số. Mọi người khi hướng đến tương lai cũng phải đối mặt với sự lo lắng, nhưng xen kẽ vào đó là sự bất cần, niềm hy vọng và những cảm xúc phức tạp tương tự. Những người mắc bệnh trầm cảm, trong suốt cả ngày, chỉ có thể nhìn thấy một tương lai u ám nơi ngập tràn nỗi lo và họ thì vô dụng trước dường như tất cả mọi thứ.
Sự khác biệt lớn thứ hai giữa nỗi buồn và trầm cảm là tính tạm thời của nỗi buồn, và nhận thức của tất cả chúng ta về tính tạm thời của nó. Ta có thể nhìn thấy chính mình sống trong đau khổ, nhưng cũng biết rằng cảm xúc sẽ dần dịu bớt. Những người trầm cảm cũng kỳ vọng rằng sự bi quan của họ sẽ đi qua, và sự kỳ vọng này là một cái bẫy. Bạn có thể khóc cả đêm, rồi đi ngủ và thức dậy với một tâm trạng khác. Nhưng khi mắc bệnh trầm cảm, sau khi đã chìm vào giấc ngủ vì quá mệt mỏi với cảm xúc của chính mình, khoảnh khắc mở mắt ra cũng chẳng khá hơn là bao. Mọi thứ nhuốm màu u ám, công việc trong ngày, căn phòng của bạn, về trách nhiệm phải dậy đánh răng rửa mặt và ăn uống… tất cả mọi thứ đều mang sắc thái tiêu cực. Chúng cũng không đến từ nguyên nhân rõ ràng có thể giải quyết. Căng thẳng công việc không đến từ đồng nghiệp, cấp trên hay các vấn đề khác. Chúng chỉ đơn giản là quá mệt mỏi, ngay cả khi không có gì tồi tệ xảy ra. Những cảm xúc khác về công việc cũng dần mờ nhạt, trong khi cảm giác mệt mỏi, chán nản được phóng đại lên.
Những người mắc phải trầm cảm không chỉ mệt mỏi với công việc hay chuyện đi học, họ mệt với cả việc thở, ăn uống và tất cả những hoạt động cơ bản khác. Cảm xúc là một hệ thống tạo động lực cho các hành vi, chúng tạo ra niềm cảm hứng cho những hoạt động vốn tẻ nhạt, nhưng khi các loại cảm xúc khích lệ động lực đã dần mờ nhạt hay thậm chí biến mất, việc ăn uống lúc này cũng trở thành cực hình. Sẽ dễ đồng cảm hơn với cảm giác này nếu bạn từng ốm nặng đến mức không thể ăn bất kỳ thứ gì ngoài cháo trắng. Những món ăn không tự dưng hấp dẫn đến thế, chúng hấp dẫn vì ta cảm thấy tích cực khi bỏ chúng vào miệng. Khi “cảm giác tích cực” này biến mất, cho một miếng gà rán Hàn Quốc vào miệng không khác gì nhai một cuộn giấy.
Và tất nhiên, điều này quan trọng, bất kể rằng luôn phải sống trong sự thiếu hụt năng lượng và hứng thú, người mắc bệnh trầm cảm vẫn có thể cười và nói chuyện vui vẻ. Đó chỉ là những hoạt động xã hội cơ bản, khách quan và thiểu số. Phía sau vẻ bề ngoài phù hợp với kỳ vọng của mọi người, về trải nghiệm chủ quan, trong phần lớn thời gian, chúng ta sống bên trong suy nghĩ và cảm giác của mình và thế giới. Trong phần lớn thời gian, bộ não tạo ra một thế giới sống động đầy màu sắc và ngập tràn niềm hy vọng. Trong phần lớn thời gian, thứ bạn phải đối mặt và gắn kết là tâm trí của chính mình. Trong phần lớn thời gian, ký ức tươi đẹp từ quá khứ hay niềm hy vọng ở tương lai là thứ ta dùng để bấu víu nhằm vượt qua hiện tại.
Sẽ thật tệ khi chính nền tảng căn bản ấy lại trở thành vấn đề, thay vì giúp chúng ta giải quyết vấn đề như mọi khi.
Trầm cảm không phải một cảm xúc nằm trong tầm kiểm soát của tâm trí. Nó chính là tâm trí.
Hãy dành lời khuyên sống tử tế lại cho chính bản thân mình.
Nghịch lý của những người trầm cảm là họ có xu hướng xây dựng cuộc sống xoay quanh sự buồn chán và điều này lại gián tiếp khiến mọi thứ trầm trọng hơn. Họ có xu hướng thích nghe nhạc buồn, ở một mình và sống cùng những suy nghĩ trầm lặng, nhuốm màu sắc tiêu cực. Không gian buồn tẻ cùng tâm trạng buồn tẻ đã được nghiên cứu là có liên quan đến việc gợi lại tốt hơn đến những kỷ niệm buồn tẻ trong quá khứ. Tuy vậy, nỗ lực lạc quan trở lại cũng không phải cánh cửa chắc chắn đảm bảo rằng người trầm cảm có thể dùng để bước ra khỏi căn phòng u ám. Nó giống với việc bạn cố thức dậy khi đang gặp ác mộng: hoặc là bạn sẽ thức dậy được và thở phào nhẹ nhõm, hoặc là cơn ác mộng sẽ đáng sợ hơn gấp nhiều lần vì bạn vốn đã muốn chạy khỏi đó nhưng không thành công. Sau nhiều nỗ lực bất thành, người bệnh lúc này đành phải tìm giải pháp khác, thường là cực đoan.
Ở khía cạnh tích cực, trầm cảm là một căn bệnh tâm lý có thể chữa khỏi được, thông qua cả trị liệu lẫn can thiệp y tế. Điều đáng buồn là người bệnh hiếm khi nghĩ đến việc đi chữa trị cho bản thân, đôi lúc sự buồn tẻ bao trùm mạnh đến mức họ không còn điểm tựa để nhìn rộng hơn, vượt qua sự trầm cảm của chính mình. Tệ hơn là những người tỉnh táo xung quanh còn nhìn hẹp hơn thế.
“Đến tận thế kỷ 21, trầm cảm vẫn còn là một trò đùa trong mắt nhiều người trên thế giới”, tôi nghĩ con cháu chúng ta sẽ bất ngờ khi đọc dòng này giống cách chúng ta vẫn bất ngờ khi đọc về những phương pháp trị bệnh thời trung cổ. Nhưng sự phát triển của tâm lý học chính thống xem chừng vẫn là tín hiệu lạc quan, vì ngay vừa thế kỷ trước người ta vẫn dùng cách cắt não để chữa bệnh tâm thần hay thậm chí làm thế để “chữa” đồng tính. Trầm cảm từ lâu đã được ghi rõ trong tài liệu của APA, WHO và hàng loạt tổ chức y tế trụ cột khác, nhận thức của công chúng trong tương lai chỉ là vấn đề thời gian do độ trễ của sự lan tỏa thông điệp.
Nhưng bất kể thế giới khách quan sẽ vận động như thế nào, ở khía cạnh cá nhân, việc bị nhắc đến như một nhóm cổ lỗ sĩ thiếu hiểu biết trong lịch sử cũng chẳng phải trải nghiệm dễ dàng gì với bất kỳ ai, đúng chứ?
Quan sát những quan điểm phổ biến giễu cợt bệnh trầm cảm và bệnh nhân trầm cảm, tôi nhận thấy lý tưởng cốt lõi phía sau đó là tư duy “chửi nhầm còn hơn bỏ sót”. Vì một vài bạn trẻ có xu hướng trầm trọng hóa vấn đề cá nhân (mà thực ra cũng chả trầm trọng gì lắm, họ chỉ đăng vài dòng trạng thái trên mạng xã hội để nói rằng mình đang buồn), một số người khác đã nghĩ rằng việc giễu cợt bệnh trầm cảm là hợp lý. Một mặt, việc giễu cợt này không thể xóa đi hiện tượng than thở ở giới trẻ (hãy để chúng than thở, nếu cuộc sống của chúng không thực sự buồn đến thế chẳng phải là một tin vui hay sao?). Mặt khác, nó ảnh hưởng tiêu cực đến người bệnh trầm cảm và đến tiến trình nâng cao nhận thức của công chúng về bệnh trầm cảm. “Động cơ tốt đẹp” phía sau hành động của những người giễu cợt vì trầm cảm thực ra cũng ngu ngốc giống việc dùng đá ném chim ngoài đường rồi tự huyễn hoặc rằng “sẽ không trúng ai đâu”, rằng mình đang làm việc tốt.
Tôi quan tâm nhiều đến giới trẻ, nhưng một mặt, tôi không quan tâm đến những lời than thở thường xuyên bật ra một cách vô thức từ họ, mặt khác nghĩ rằng việc mắc bệnh trầm cảm vào những năm tuổi trẻ thật tệ.
Một trong những nguyên nhân quan trọng, thời còn trẻ là giai đoạn bộ não chưa phát triển đầy đủ về cảm xúc. Những người trẻ chưa phát triển đa dạng cảm xúc, đồng thời cũng chưa giỏi việc kiểm soát những cảm xúc đã học được. Sự chán nản, tức giận, nỗi tuyệt vọng, niềm hạnh phúc, sự phấn khích… khi xuất hiện đều mãnh liệt hơn hẳn ở người trưởng thành. Trầm cảm, vì vậy, cũng khiến mọi thứ tệ hơn rất nhiều.
Nguyên nhân thứ hai là họ chưa có quá nhiều kiến thức về thế giới. Vì vậy, mắc phải trầm cảm ở những năm đầu đời có thể khiến cảm nhận của họ về thế giới bị bóp méo. Cuộc sống của người trưởng thành vốn đã căng thẳng, sẽ bị phóng đại qua lăng kính của sự trầm cảm, từ đó quyết định thái độ của họ với thế giới, thái độ này lại có thể cản trở việc hòa nhập của họ với những người xung quanh. Mọi người đều xứng đáng được nhìn ra thế giới trong một tâm trạng ổn định ngay từ đầu.
Cuối cùng, tôi quan tâm đến giới trẻ vì lời khuyên của người lớn dành cho họ đôi khi quá vô lý và quá… người lớn. Đối mặt với những đứa trẻ bên bờ vực của sự tuyệt vọng kéo dài nhiều năm nhiều tháng, người lớn lại thường xuyên dùng những bài học đạo đức phức tạp về việc phải sống có ích, phải “làm một đóa hoa thơm cho đời”, phải lạc quan yêu đời vì có nhiều người khác vốn đang đấu tranh để giành quyền được sống (?!). Tôi không phàn nàn gì về những bài học tương tự xuất hiện trong môn đạo đức, chúng cần thiết. Nhưng vì sao một đứa trẻ vốn đã thấy việc sống thật mệt mỏi có thể đồng cảm với những vấn đề vĩ mô ít liên quan đến bản thân như vậy? Vì sao đặt thêm trách nhiệm lên vai những người vốn đang khủng hoảng lại là cách để giải tỏa căng thẳng cho họ?
Chúng ta không dựng người ốm lên và kêu họ đừng ốm nữa, nhưng lại bắt người mắc trầm cảm đừng buồn nữa. Không ai thích bị ốm, cũng như chẳng ai muốn mang theo một tâm trí trầm cảm cả.
Bài học về sự tử tế, có lẽ nên dùng để dạy về cách mọi người đối xử với người bệnh trầm cảm.
Trầm cảm là một căn bệnh
Trầm cảm là nguyên nhân hàng đầu gây khuyết tật trên toàn thế giới và là nguyên nhân chính gây ra gánh nặng bệnh tật toàn cầu, theo WHO. Chúng tôi dùng từ “trầm cảm” như một tên gọi chung của nhiều loại rối loạn trầm cảm khác nhau.
Nhìn chung, người mắc bệnh trầm cảm ngoài cần gặp bác sĩ, còn cần tự giúp và được trợ giúp để kết nối trở lại với cuộc sống. Sự kết nối này thường đến từ những gì cá nhân, nhỏ nhặt, như xem một chương trình giải trí, một bộ phim hay có màu sắc lạc quan, gặp gỡ những người bạn thân thiết, thiết lập các thói quen vận động, chăm sóc sức khỏe, ăn những món ưa thích, làm công việc ưa thích… Duy trì lối sống lành mạnh này cho đến khi cảm thấy tâm trí đã thực sự ổn định trở lại.
Trầm cảm là bệnh, bệnh nhân trầm cảm cần được chữa trị và chăm sóc bởi cộng đồng như các loại bệnh khác. Các nghiên cứu về cảm xúc vẫn chưa thực sự đầy đủ, tính đến thời điểm hiện tại. Bài viết này không có giá trị thay thế ý kiến chuyên môn của các chuyên gia, không phải lời khuyên y tế, độc giả cân nhắc kỹ trước khi áp dụng bất kỳ lời khuyên nào trong bài (nếu có).
Bài viết hữu ích
Kiến thức đầy đủ về Bệnh Trầm Cảm: triệu chứng và chữa trị
Theo nghiên cứu của các tổ chức Mỹ, hàng năm đất nước này có khoảng 10% hoặc 21 triệu bị...
Read moreThomas Shelby: nhân vật phản anh hùng khiến khán giả phát cuồng
“Thomas Shelby là một con sâu, sống nhờ gặm nhấm những phần thối rữa trong trí óc của anh. Hắn...
Read moreThư gửi con gái của mẹ: hãy luôn ghi nhớ 10 điều mẹ dặn con nhé
Đây là bức thư gửi cô con gái Trúc Lam vô cùng dễ thương của chị Kim Thoa, một nữ...
Read moreNhững loại lệ phí giao thông đường bộ sẽ tăng từ 1/7/2022
Sau thời gian tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ 1/7/2022, một...
Read more–
TẠP CHÍ MENBACK