Những điều dưới đây không ngăn cản sự thành công của con bạn sau này, nhưng có thể khiến nhân cách của chúng trở nên khiếm khuyết.
Là cha mẹ, ai cũng muốn dạy dỗ con mình một cách tốt nhất trong khả năng của mình. Ngoài cách dạy con theo truyền thống, các bậc phụ huynh bắt đầu ngày nay còn quan tâm tới những cách dạy con theo kiểu người Do Thái, dạy con theo kiểu Nhật hay kiểu cha mẹ Mỹ. Tuy nhiên có một số điều mà rất nhiều các bậc cha mẹ Việt Nam vô tình hay cố ý phạm phải trong việc dạy con của mình khiến nhân cách con cái có thể bị khiếm khuyết sau này cho dù có thể trở thành người được xem là thành đạt trong mắt xã hội. Thật vậy, trong một xã hội mà con người chỉ xem tiền bạc, chức vụ và địa vị xã hội là thước đo của sự thành công, giáo dục nhân cách hiếm khi được xem là vấn đề quan trọng. Là những bậc cha mẹ hiểu biết, đừng dạy con những điều này để sau này nhân cách con bạn bị mai một.
1. Coi trọng điểm số, không coi trọng kiến thức
Trong suốt quá trình đi dạy, tôi gặp rất nhiều bạn học sinh sinh viên mặc dù điểm số ở trường rất cao và luôn đạt học sinh giỏi nhưng lại có những lỗ hổng kiến thức cơ bản rất lớn về lịch sử, địa lý, khoa học và thường thức xã hội. Điều đáng buồn là các bạn trẻ ấy dường như không có nhu cầu mở mang kiến thức và xem việc học như bổn phận để trả nợ. Điểm số phản ánh kết quả học tập, điều này đúng nhưng không thật sự chính xác nhất là từ khi các phong trào thi đua trở thành trọng điểm trong hệ thống giáo dục nước nhà. Chính vì thi đua mà mới phát sinh ra những chuyện cười ra nước mắt kiểu năm năm học sinh giỏi mà vẫn chưa biết đọc chữ.
Điểm số và thành tích cũng là một áp lực cho cha mẹ khiến cha mẹ một mặt ép con mình đi học thêm tất cả các lớp thầy cô mở vì học thêm thì được nâng điểm, không học thêm sẽ bị đì. Nhiều cha mẹ coi trọng thứ hạng hoặc điểm trung bình của con hơn là khả năng con mình bị kiệt sức hoặc trầm cảm do học quá nhiều. Cũng có nhiều trường hợp phụ huynh đến hỏi cho con mình học thi TOEIC hay IELTS với một lý do rất buồn cười: tôi thấy bạn nó ai cũng có bằng mà con tôi chưa có chứ tôi cũng không biết bằng đó là bằng gì, có giá trị như thế nào? Mặc dù tôi hết sức giải thích cho họ hiểu rằng ở tuổi của con họ chưa thích hợp và cũng chưa cần phải có những bằng cấp nói trên, họ vẫn không hài lòng vì tâm lý về bằng cấp quá nặng.
2. Ganh tị, ích kỷ và hiếu thắng
Ở những công viên hoặc những khu vui chơi trẻ em ở nước ta, nếu chịu khó quan sát, bạn sẽ không khó khi bắt gặp những người cha người mẹ làm ngơ hoặc ngầm khuyến khích khi con mình giành chơi với con người khác. Một số lớn trẻ con Việt Nam có một tính rất xấu là khi đến chơi nhà người khác, thấy đồ chơi đẹp là nằng nặc giãy nãy khóc lóc đòi mang về nhà cho bằng được còn đứa trẻ kia thì sẽ giữ khư khư trong lòng và cũng sẽ gào khóc giãy nãy không kém.
Tôi đã từng thấy cảnh một đứa bé sau khi đã gào khóc chán chê vì không mang được con búp bê mà nó thích về nhà đã hậm hực bẻ tay bẻ chân món đồ chơi đó và ném vào mặt đứa bé kia rồi mới chịu theo mẹ ra về. Tính ích kỷ và ganh tị ở trẻ con vô tình được người lớn nuôi dưỡng từ những hành động nhỏ nhặt như thế.
Trong tất cả các tài liệu giáo dục sư phạm của Mỹ mà tôi đã từng được tham khảo, tiêu chí “minimizing competition and promoting cooperation” (giảm thiểu cạnh tranh và khuyến khích hợp tác) là một trong những điều mà giáo viên phải thuộc nằm lòng để giáo dục học sinh của mình biết đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau hơn là cạnh tranh với nhau bằng mọi giá.
Ở Việt Nam ta thì từ nhỏ cha mẹ và thầy cô giáo trong trường đã dạy con cái và học trò mình cạnh tranh, hay còn được gọi bằng cái tên hoa mỹ hơn là ganh đua, nhưng không giúp đỡ và chia sẻ. Việc thắng được bạn bè mới là quan trọng, còn việc nhường nhịn hay giúp đỡ gần như được xem là biểu hiện của sự yếu đuối hoặc thậm chí được gọi là ngu. Con ngáo ộp “con nhà người ta” được các bậc cha mẹ Việt Nam tận dụng triệt để để ép con mình cố gắng nhưng đáng buồn thay nó cũng tạo ra một tâm lý ganh ghét và hiếu thắng trong lòng những đứa trẻ.
3. Làm việc vì tiền chứ không vì đam mê hoặc cống hiến
Tiếp xúc với các học viên của mình, tôi gặp rất nhiều trường hợp các bạn sau bốn năm vật vã trong trường đại học theo ý nguyện của bố mẹ bắt đầu ra đi làm một công việc hầu như chẳng thích hợp với bản thân mình. Rồi sau một vài năm mất phương hướng, mất động lực và niềm tin, các bạn lại chuyển sang đi học tiếng Anh để đi dạy vì theo các bạn dạy tiếng Anh vừa dễ vừa nhàn lại kiếm được rất nhiều tiền. Tôi nói các bạn đi từ sai lầm này đến sai lầm khác vì các bạn chọn công việc vì tiền chứ không vì đam mê chân chính.
Trên đời này chẳng có nghề nào vừa đơn giản vừa kiếm được nhiều tiền cả. Nghề nào cũng có người thất bại và người thành công. Họ khác nhau ở một điểm cơ bản: Người thành công trong một lĩnh vực là người đam mê và có trách nhiệm với công việc mình làm còn người thất bại xét cho cùng không thích thú với công việc mình đã chọn mà chỉ làm việc vì bổn phận hoặc vì tiền.
Quan niệm làm việc vì tiền chứ không vì đam mê bắt nguồn từ cách giáo dục sai lệch của cha mẹ. Rất hiếm cha mẹ Việt Nam nào dạy con chọn nghề theo sở thích hay năng khiếu của mình mà thường hướng con đến những nghề hot, kiếm được nhiều tiền trong xã hội. Ngay từ khi cho con đi học, cha mẹ đã nhắm đến những môn học gọi là mũi nhọn như Toán, Lý, Hóa, Anh Văn để sau này cho con mình thi vào những trường đại học hot để sau này tốt nghiệp xin được việc làm kiếm được nhiều tiền. Còn nếu học hành không tốt lắm nhưng có tí ngoại hình hoặc chất giọng thì các em sẽ được đưa vào những lò đào tạo ca sĩ hay người mẫu với mơ ước trở thành ngôi sao.
Thật ra điều này cũng không khó hiểu vì phần lớn những bậc phụ huynh của thời đại ngày nay đã từng sống và lớn lên trong một xã hội nghèo khó và đói kém nên việc tư tưởng mong muốn con chọn được một nghề nào đó kiếm được thật nhiều tiền để có cuộc sống sung sướng về vật chất là có thể thông cảm được. Nhưng để thoát khỏi cái tư tưởng nghèo đói và nô lệ đồng tiền đã đeo bám chúng ta hai ba chục năm nay, các bậc phụ huynh, nhất là những người có điều kiện vật chất khá giả một tí, nên hướng con mình đến những công việc mà nó yêu thích và có năng khiếu để con bạn được phát huy tài năng của chúng.
Hãy nhớ rằng nếu bạn làm việc vì đồng tiền thì bạn sẽ chạy theo nó suốt đời mà không bao giờ có được. Nếu bạn làm việc vì đam mê và trách nhiệm, một ngày nào đó đồng tiền sẽ chạy theo bạn.
4. Kỳ thị và nhận thức sai về giới tính
Phụ huynh các nước tiến bộ dạy con mình sự phân biệt,hiểu biết và tôn trọng giới tính từ khi các bé còn nhỏ. Ở tuổi mẫu giáo, các bé được giáo dục sự khác biệt cơ bản giữa bé trai và bé gái, về việc giữ vệ sinh cơ thể và cách bảo vệ bản thân khi những người lớn chạm vào những nơi nhạy cảm. Đến tuổi trung học cha mẹ sẽ dạy cho con cái mình về tình dục như một điều hết sức tự nhiên và cách tránh thai an toàn. Những đứa trẻ đồng tính không bị cha mẹ kỳ thị hoặc xem là nỗi ô nhục.
Ở Việt Nam, những câu hỏi thắc mắc về giới tính của con cái phần lớn sẽ nhận được những câu trả lời: “Mới nứt mắt ra mà bày đặt, học hành không lo mà lo những chuyện vớ vẩn, hư thân mất nết” hay “tao cấm mày hỏi thế này thế nọ.” Cha mẹ không bao giờ có đủ can đảm để dạy con cái mình cách bảo vệ bản thân không bị xâm hại tình dục hoặc những kiến thức về tình dục an toàn khi con đủ lớn nhưng lại sẵn sàng gào thét chửi bới nếu con mình lỡ dại.
Cha mẹ Việt Nam chỉ biết dạy con gái giữ gìn chữ trinh vì sợ điếm nhục gia phong nhưng chưa từng giáo dục con trai mình giữ gìn cho người yêu của mình hay chịu trách nhiệm những hành động của nó. Cha mẹ Việt Nam chọn con dâu luôn đặt chữ trinh lên đầu nhưng chẳng bao giờ quan tâm con trai mình ở ngoài hại đời bao nhiêu đứa con gái.
Đàn ông Việt Nam được dạy tôn thờ chữ trinh nhưng không tôn trọng người phụ nữ. Xã hội Việt Nam ngầm đồng tình rằng chỉ có những đứa con gái lăng loàn trắc nết chứ tuyệt nhiên không có những đứa con trai vô trách nhiệm và bạc tình. Những nhận thức sai lầm về lạc hậu về giới tính khiến cho xã hội Việt Nam vẫn là một xã hội nặng tính trọng nam khinh nữ đáng báo động.
5. Coi thường người nghèo
Có một lần, tôi đã gặp được một việc mà theo tôi là rất hiếm và rất đáng học hỏi trong xã hội ngày nay là anh hàng xóm của tôi đã bảo đứa con trai lớp 6 của mình mang bao lì xì ra lì xì và chúc tết cô đổ rác của khu phố trước khi cô nghỉ tết. Việc làm tuy nhỏ nhưng nó thể hiện sự văn minh và tử tế trong việc giáo dục con cái. Tôi đã thầm ước gì các bậc cha mẹ khác ở Việt Nam có thể dạy con mình như thế.
Trẻ con vốn trong sáng và không quan tâm tới chuyện phân biệt giàu nghèo. Tuy nhiên, điều đáng buồn là hiện nay các bậc cha mẹ đã vô tình hoặc cố ý dạy con trọng giàu khinh nghèo qua những hành động của mình. Nhiều cha mẹ dạy con cái đừng chơi với bạn nghèo vì bạn nghèo sẽ xin xỏ, nhờ vả, hay mượn tiền hay chỉ đơn giản là không cùng đẳng cấp. Tổ chức sinh nhật thì cũng sẽ chọn những đứa có máu mặt mà mời. Chính vì vậy mà một số học sinh nhà nghèo tìm đủ mọi cách đua theo để có thể được bạn bè chấp nhận mà bất chấp sự khổ cực kiếm tiền của cha mẹ.
Một số cha mẹ dạy con phải biết lễ phép thưa dạ khi gặp người lớn tuổi, nhưng những người lớn tuổi này dường như không bao gồm những người làm việc tay chân như đổ rác, phụ hồ, hay giúp việc nhà. Rất nhiều cô bé cậu bé mặc đồng phục nhà trường được cha mẹ chở đi học khi mua đồ ăn từ những người buông gánh bán bưng đáng tuổi cô bác thậm chí là ông bà mà vẫn nói trống không kiểu: “Cho mười ngàn xôi đi!” Dường như sự kính trọng hoặc lễ phép chỉ được dành cho người lớn tuổi nhưng có địa vị hoặc tiền bạc, còn những người nghèo thì không xứng đáng được nhận nó
6. Không biết yêu thiên nhiên và có ý thức bảo vệ môi trường
Tôi rất thích xem các clip trên youtube những đứa trẻ được bố mẹ cho chơi với chó mèo, chim thậm chí là bò sát hay nhện. Đó là cách người ta giáo dục con mình yêu thiên nhiên và tập cho đứa trẻ lòng nhân từ.
Ở những nước tiên tiến người dân hiểu rất rõ về tầm quan trọng của thiên nhiên đối với đời sống con người cũng như việc bảo vệ môi trường. Trong khi đó cha mẹ Việt Nam nhiều người còn không hề có ý thức này khi chính tay mình xả rác thải làm ô nhiễm môi trường sống và hủy hoại hệ sinh thái.
Nếu gặp một con vật bị thương ở giữa đường, cha mẹ nước ngoài sẽ khuyến khích con mang về chăm sóc hoặc mang nó đến bác sĩ thú y hoặc ít nhất là thả nó đến một nơi được xem là an toàn. Còn ở Việt Nam, cha mẹ sẽ dạy con tránh xa con vật đó ra, hay tàn ác hơn là giết chết. Đối với phần lớn người Việt Nam, bất cứ con vật gì cũng có thể làm mồi nhậu, không ăn được thì ắt có hại, phải giết đi.
Không tin thì cứ thử post hình một con vật nào đó lên facebook của bạn, bạn sẽ nhận được hàng tá comment kiểu: “Nhìn ngon vậy? Cho vào nồi đi!” hay “nấu món gì được đây ta?” khiến tôi tự hỏi người Việt Nam ta có thực sự thiếu ăn tới mức thấy con gì cũng nghĩ ra món ăn không. Là những người sống có trách nhiệm và hiểu biết, hãy giáo dục con cái chúng ta biết bảo vệ môi trường sống và yêu quý thiên nhiên vì không có chúng, cuộc sống của chúng ta cũng sẽ không còn.
7. Không biết rung cảm trước cái đẹp
Tại sao xã hội ngày càng có nhiều vụ giết người yêu man rợ mà thủ phạm đôi khi là những sinh viên, thành phần trí thức? Tại sao âm nhạc ngày nay tràn ngập những ca khúc với ca từ ngô nghê phản cảm nhưng lại được giới trẻ ưa chuộng? Tại sao môn văn học vốn là môn học gây nhiều cảm hứng và nuôi dưỡng tâm hồn con người nhất lại khiến đa số các học sinh sợ và chán đến như vậy? Tại sao giới trẻ ngày nay không thích đọc sách và không biết thưởng thức nghệ thuật? Tất cả những điều này đều có một nguyên nhân: nền giáo dục của chúng ta đã bỏ quên việc giáo dục thẩm mỹ cho thế hệ trẻ mà chỉ chú trọng bắt con học những môn vì thành tích và điểm số sau này.
Tiếc rằng cha mẹ cũng chạy theo thành tích của nhà trường mà quên rằng nhân cách con mình quan trọng hơn điểm số và thành tích rất nhiều. Có nhiều bạn sẽ nói rằng cha mẹ cũng cho con đi học đàn học vẽ đấy thôi. Tôi không phủ nhận những bậc phụ huynh biết cách phát huy năng khiếu con em mình nhưng cũng thấy rất nhiều trường học cha mẹ ép con học để khoe mẽ mặc dù con mình chẳng có khiếu cũng không ham thích.
Giáo dục mỹ cảm cho con cái đơn giản hơn như thế rất nhiều: chọn nhạc cho con nghe từ bé, tập cho con thói quen đọc sách mỗi ngày, cùng đọc sách hoặc xem phim rồi bàn luận với con hay thỉnh thoảng dẫn con đi tham quan viện bảo tàng để nâng dần nhận thức và cảm quan mỹ học của con cái thay vì ép nó học đàn học hát để đem nó ra biểu diễn trước mặt mọi người hay tệ hơn nữa cho con tham gia vào các chương trình tuyển chọn tài năng nhí trên truyền hình với mong ước biến con mình thành ngôi sao.
Một đứa trẻ được giáo dục về thẩm mỹ tốt từ khi còn nhỏ sẽ lớn lên trở thành một người lương thiện và có một đời sống tinh thần phong phú. Đó là những điều không thể mua được bằng tiền.
Đã làm cha mẹ, chúng ta phải ý thức được rằng ngay cả bản thân chúng ta cũng không hoàn hảo và rất dễ mắc phải sai lầm trong việc nuôi dạy con cái. Điều quan trọng nhất là chúng ta nhận thức sai lầm và sửa đổi để hoàn thiện bản thân. Đó là trách nhiệm hàng đầu của những người làm cha mẹ.
Xem thêm:
- 10 điều cha mẹ cần làm để nuôi dưỡng tâm hồn cho con trẻ
- 4 kiểu cha mẹ đặc trưng và các kiểu con cái tương ứng
- Những điều cha mẹ nên và không nên làm với con cái
- Cách để trở thành một người bố hoàn hảo
- Dạy con như vua sư tử Mufasa