Những đứa trẻ được nuôi dạy lớn lên trong một môi trường hà khắc và luôn bị bắt buộc phải vâng lời cha mẹ vô điều kiện sẽ hình thành nên những tính cách khó lường.
Trong cách dạy con truyền thống của văn hóa Á Đông nói chung và của người Việt Nam nói riêng, việc con cái nghe lời cha mẹ hay cãi lại được xem là một trong những tiêu chí hàng đầu để đánh giá con cái là “ngoan” hay “hư”. Là người Việt Nam, chúng ta chắc ai cũng nghe qua những câu như “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư.” hoặc “Làm con áo mặc sao qua khỏi đầu” và cũng không hiếm khi chúng ta phải nuốt cục tức khi bị bố mẹ mắng thậm chí là đánh đòn vì tội hỗn láo mất dạy khi chúng ta muốn phản bác lại một điều không đúng của cha mẹ. Điều đáng buồn là khi trở thành những bậc phụ huynh, chúng ta lại tiếp tục sử dụng những câu nói và hành động mà chúng ta cho là bất công đó vào trong cách dạy con của mình mỗi khi con cái “dám” cãi lại. Bao nhiêu thế hệ cha mẹ và con cái Việt Nam bị kẹt trong cái vòng lẩn quẩn đó mãi mà không thoát ra được.
Tuy nhiên, việc lạm dụng quyền lực tước đi quyền phản biện và tranh luận đúng đắn của con cái không hề có tác dụng tạo nên những đứa trẻ ngoan ngoãn như mong muốn của cha mẹ mà trái lại có ảnh hưởng hết sức tiêu cực đối với quá trình phát triển tâm lý và hình thành nhân cách của trẻ sau này. Chị Trần Thu Hà (mẹ Xu Sim) trong cuốn “Buông Tay Ra Để Con Bay” đã nhận xét rằng thật là không bình thường khi những đứa trẻ Việt Nam được dạy mỗi lần cha mẹ đánh phải nằm ngoan ngoãn chịu đòn thay vì bỏ chạy. Bằng lối dạy con như thế, chúng ta đã vô tình tước đi từ những đứa trẻ bản năng sinh tồn của chúng.
Những đứa trẻ được nuôi dạy lớn lên trong một môi trường hà khắc và luôn bị bắt buộc phải vâng lời cha mẹ vô điều kiện sẽ hình thành nên những tính cách sau:
- Nhút nhát, thiếu tự tin và mất đi khả năng tư duy độc lập.
- Thờ ơ và thiếu trách nhiệm với xã hội.
- Nói dối và có nhiều mánh khóe để luồn lách qua mặt bố mẹ.
- Độc tài độc đoán và có khuynh hướng bạo lực đối với con cái sau này.
Hãy dạy con cách phản biện hợp lý
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, khi quyền con người ngày càng được coi trọng và các kiến thức xã hội luôn được cập nhật và phổ biến, cha mẹ nên thay đổi cách suy nghĩ của mình trong việc nuôi dạy con, tạo điều kiện trao đổi với con một cách nghiêm túc và thẳng thắn các vấn đề của con và qua đó dạy cho con mình nhiều điều cần thiết. Hãy dạy cho con kỹ năng biết cãi lại, hay đúng hơn là kỹ năng phản biện và tranh luận một cách tử tế. Sau đây là mười điều các bậc phụ huynh có thể làm để dạy con cách phản biện lành mạnh.
1. Thay đổi quan niệm truyền thống về “con ngoan/con hư”
Việc đầu tiên các bậc phụ huynh tiến bộ cần làm là thay đổi khái niệm truyền thống con ngoan con hư đã ăn sâu vào suy nghĩ của người Việt bao nhiêu thế hệ. Nên nhớ, suy nghĩ “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” đã hết sức lỗi thời và sai trái. Nếu bạn từng là nạn nhân của những suy nghĩ đó, đừng bắt con bạn phải chịu như bạn. Là con cái không đồng nghĩa với việc không được quyền có suy nghĩ khác với cha mẹ. Khái niệm của một đứa con ngoan thời hiện đại là ý thức được trách nhiệm với bản thân và gia đình tuỳ theo độ tuổi, biết phân biệt đúng sai tốt xấu và biết cách bảo vệ chính kiến của mình.
2. Trò chuyện thường xuyên với con cái
Sai lầm căn bản và quan trọng nhất của các bậc cha mẹ khi dạy con là cắm đầu đi kiếm tiền, bỏ mặc con cho người khác chăm sóc và nhà trường giáo dục để rồi khi phát hiện ra con mình lớn lên không theo mong muốn của mình thì trách mắng con mình hoặc cảm thấy thất vọng. Đứa con sinh ra cần sự quan tâm của cha mẹ một cách trực tiếp như chăm sóc và trò chuyện hằng ngày hơn là số tiền bố mẹ nó mang về hoặc để dành cho nó sau này.
Không có một gen nào trong bản đồ gen của con người mặc định con cái phải thương yêu, có hiếu hoặc hiểu cha mẹ mình cả. Nếu cha mẹ không tiếp xúc, trò chuyện và dạy dỗ con cái mỗi ngày, con cái sẽ không có tình cảm với cha mẹ và dĩ nhiên cũng sẽ không cảm thấy đủ tin tưởng để thoải mái trình bày suy nghĩ của mình với cha mẹ.
3. Cùng chơi và cùng học với con
Muốn cho con cái tôn trọng và nghe lời mình, cha mẹ không nên dùng quyền uy hoặc vũ lực mà phải chứng tỏ với con cái rằng mình ít nhất giỏi bằng con mình nếu không thể giỏi hơn chúng. Cha mẹ của thế hệ cũ luôn lấy kinh nghiệm ra để nói với con mà quên rằng kinh nghiệm hoặc kiến thức của mình đôi khi đã lỗi thời trong khi bản thân mình không có tí kinh nghiệm gì về những điều đang diễn ra hiện nay ở giới trẻ.
Với tốc độ phát triển vũ bão của công nghệ ngày nay, chẳng mấy chốc con bạn sẽ bỏ xa bạn ở nhiều lĩnh vực. Hơn nữa dạy con là trách nhiệm của cha mẹ, chứ không phải chỉ là của nhà trường. Chỉ có việc cùng học với con, cùng chơi với con, cha mẹ mới biết con mình có năng khiếu ở những lĩnh vực nào và yếu những chỗ nào. Cùng học với con, cha mẹ còn có cái lợi là không bị tụt hậu trước sự phát triển về khoa học kĩ thuật ngày nay, cái mà trẻ em nắm bắt rất nhanh.
4. Thỏa thuận những quy định rõ ràng
Khi con đã biết nhận thức, hãy thỏa thuận một số quy định rõ ràng và logic về những gì con bạn được và không được làm ở từng độ tuổi. Giải thích rõ ràng cho con bạn biết lợi ích của những việc nên làm và tác hại của những việc bị cấm.
Nếu con bạn vi phạm lần đầu, hãy kiên nhẫn giải thích và làm mẫu cho con thấy vì trẻ con rất mau quên. Đừng quên làm gương cho con nếu muốn con nghe lời và phải nghiêm khắc với bản thân mình nếu sai phạm. Trẻ con không học bằng cách nghe mà học bằng cách nhìn. Chúng sẽ không nghe theo những gì bạn nói mà học theo những gì bạn làm.
Hai lỗi cơ bản mà rất nhiều cha mẹ thường mắc phải khi dạy con là trách phạt tùy hứng không theo quy định hoặc nhắc nhở trước và hà khắc với con nhưng tự cho phép mình dễ dãi với bản thân.
5. Thưởng phạt đúng cách
Đừng thưởng cho con bạn khi chúng hoàn thành những điều quá dễ dàng hoặc mang tính trách nhiệm mà chỉ khích lệ bằng lời nói. Ví dụ nếu con bạn giỏi toán, đừng thưởng bé mỗi khi bé được điểm 9-10 môn toán. Nếu nhiệm vụ bạn giao cho con là xếp gọn chăn màn khi thức dậy, đừng thưởng cho con khi bé làm được điều đó mỗi ngày.
Khi con phạm lỗi, hình thức phạt tốt nhất là khiến cho bạn giải quyết hậu quả lỗi lầm mình gây ra. Ví dụ, con bạn vứt đồ chơi lung tung hoặc làm dơ nhà, hãy phạt bé bằng cách bắt bé lau dọn cho sạch sẽ. Nếu con bạn mải chơi quên giờ, hãy phạt bé bằng cách bắt bé học bù lại bằng đúng thời gian bé đã chơi lố của hôm trước.
Cách thưởng phạt đó sẽ dạy cho con bạn tinh thần trách nhiệm. Khi đã có tinh thần trách nhiệm, con bạn sẽ biết mình phải làm gì để cho bố mẹ được vui lòng.
Bạn nên đọc: Cách phạt con hiệu quả không dùng đòn roi
6. Thái độ của cha mẹ quyết định thái độ của con cái
Muốn con bạn tranh luận với bạn một cách lịch sự thì trước tiên cách giải quyết vấn đề của bạn cũng phải lịch sự và tôn trọng con. Ngay cả khi con bạn phạm những lỗi mà bạn cho là lớn, hãy nói chuyện với con một cách bình tĩnh nhất có thể, đừng dùng quyền lực để áp chế hoặc tỏ ra mất bình tĩnh.
Đánh đập, bắt quỳ, nhốt vào nhà xí, chửi mắng, xỉ vả hay hù dọa đều gây tổn thương nghiêm trọng đến con bạn về thể chất lẫn tinh thần. Những hình phạt như vậy không giúp trẻ nhận ra sai phạm của mình mà khiến chúng trở nên lì lợm và khó dạy hơn. Những đứa trẻ ranh ma sẽ học cách nói dối ngày càng tinh vi để qua mặt bố mẹ và tránh roi đòn.
Những đứa trẻ thông minh hiểu rằng bạo lực có nghĩa là bất lực. Và khi chúng nhận ra rằng bố mẹ chúng đang bất lực trong việc dạy dỗ mình, lòng kính trọng của chúng chắc chắn sẽ giảm sút nghiêm trọng.
7. Tạo điều kiện cho con giải thích
Tôi rất không đồng ý khi trẻ em giải thích với người lớn thì bị chửi là “lý sự” hay “con nít ranh cứ xoen xoét cãi chày cãi cối”. Đó là một sự áp đặt hết sức vô lý. Tại sao trẻ em không được quyền giải thích hay bào chữa cho bản thân trước sự buộc tội ồ ạt của người lớn? Bạn có dám chắc là những lời giải thích đó không hợp tình hợp lý hay bạn sợ chúng thậm chí còn có lý lẽ hơn cả những lời buộc tội của bạn đối với đứa trẻ.
Hãy để con bạn có cơ hội giải thích và từ đó phân tích cho con hiểu luận điểm nào của nó chấp nhận được, luận điểm nào không thể.
8. Phân biệt rõ nội dung và cách thức diễn đạt
Xem phim Mỹ, chúng ta hay thấy cảnh bọn trẻ gào lên tức tối “Con ghét bố/mẹ” mà không bị xem là mất dạy hoặc ăn bạt tai vì bố mẹ Mỹ phân biệt được rõ ràng nội dung và cách thức diễn đạt cũng như cái gì gọi là cảm xúc nhất thời khi kích động. Bảo một đứa trẻ bình tĩnh nói năng mạch lạc và lễ phép khi nó cảm thấy tức giận là điều trái với tự nhiên. Trách phạt nó vì đã la hét mà vô tình hay cố ý bỏ qua điều gì khiến cho con bạn trở nên như thế lại càng sai hơn.
Hãy để cho bé bộc lộ cảm xúc thật, đợi khi bé hạ nhiệt rồi mới bảo con trình bày một cách bình tĩnh. Sau đó hãy giải quyết vấn đề gây ra sự bức xúc. Cuối cùng khi con bạn đã hoàn toàn bình tĩnh, hãy nghiêm khắc nhắc nhở bé về cách cư xử chưa hợp lý của mình và hướng dẫn con cách bày tỏ ý kiến một cách hợp lý.
9. Thực hành cảm ơn và xin lỗi
Cho dù là cha mẹ thì việc cảm ơn, xin phép và xin lỗi con là điều hết sức cần thiết. Đừng bao giờ nghĩ mình làm cha làm mẹ thì không cần cư xử tôn trọng con cái. Hãy gõ cửa nếu muốn vào phòng con bạn. Không tự tiện lục cặp sách hoặc đồ dùng cá nhân của con. Mượn đồ của con xong phải trả lại kèm theo lời cảm ơn.
Và nếu cha mẹ sai hãy xin lỗi con mình nếu muốn được con cái tôn trọng. Việc nhận sai và xin lỗi con cái không hề làm cho con bạn coi thường bạn mà trái lại càng khiến con cái tin tưởng và thương yêu cha mẹ hơn.
10. Tôn trọng sự thật
Có những sự thật mang tính thiết yếu đối với sự trưởng thành của một đứa trẻ tuỳ vào độ tuổi mà cha mẹ nên trả lời thẳng thắn, đừng quanh co hoặc tìm cách thoái thác tráng né. Ví dụ khi trẻ dậy thì, cha mẹ có nhiệm vụ nói cho con biết những vấn đề về giới tính, cách chăm sóc cơ thể cũng như các khuynh hướng tình dục an toàn nếu bạn không muốn con bạn tìm hiểu những điều đó qua bạn bè xấu hoặc phim ảnh đồi trụy.
Khi con học đại học và có những thắc mắc về chính trị xã hội hay tình hình đất nước, hãy phân tích và bàn luận với con như một người lớn. Đừng bao giờ nói với đứa con đã lớn khôn câu: “Lo học đi, chuyện đó không phải chuyện của con.” Con bạn phải biết những gì nó cần biết. Sự thật muôn đời vẫn là sự thật. Và nhiệm vụ của cha mẹ là phải cho con cái biết được những sự thật mà chúng cần biết.
Để tạo ra một thế hệ trẻ năng động tự tin và hiểu biết, chúng ta phải thay đổi tư duy trong việc dạy con cái của mình. Thay vì áp đặt và buộc con phải nghe lời, hãy tạo điều kiện cho con được tranh luận với cha mẹ và hãy lắng nghe con cái mình. Chúng ta không thể tạo ra những sản phẩm hiện đại nếu dùng những phương pháp cũ.
Xem thêm:
- Cha mẹ độc hại là gì? Biểu hiện và những kiểu cha mẹ độc hại
- 4 kiểu cha mẹ đặc trưng và các kiểu con cái tương ứng
- 9 câu nói làm tổn thương con sâu sắc cha mẹ Việt thường mắc phải
- 10 điều cần làm để rèn luyện EQ – chỉ số thông minh cảm xúc cho con trẻ
- 7 điều ‘xấu xí’ cha mẹ Việt vô tình dạy con