Tôi bàng hoàng khi cô con gái 9 tuổi kết luận rằng: Người lớn thật vô duyên! Và lý do con đưa ra xuất phát từ chính những câu hỏi của người lớn.
“Cháu cao mét mấy, nặng bao nhiêu cân?”
Mỗi ngày, hai đứa nhỏ nhà tôi nhận được rất nhiều câu hỏi về chiều cao, cân nặng, nhất là khi hai chị em nó – một đứa quá lớn và một đứa quá còi. Cô chị không thích những câu hỏi về cân nặng, nó thường lảng tránh, hoặc trả lời chung chung, hoặc cười trừ.
Nó bảo với tôi: Rõ ràng, ai cũng biết con béo rồi, vậy còn hỏi về cân nặng để làm gì? Để cảm thấy hả hê vì họ không béo như con ạ? Có ai thích béo đâu mẹ, con cũng muốn giảm cân lắm, nhưng con giảm chưa được. Nhiều lúc con buồn lắm vì mọi người cứ bảo con ăn hết phần của em Bông nên béo ú còn em Bông thì gầy nhẳng. Rõ ràng là em Bông sinh non, lúc sinh ra đã bị viêm ruột, em ấy ăn bao nhiêu cũng không béo, họ đâu có nuôi con và em Bông mà suy đoán là con ăn hết phần của em.
“Học kỳ vừa rồi, có được giấy khen không?”
Không chỉ bị áp lực điểm số từ thầy cô, cha mẹ, nhiều khi trẻ bị áp lực từ chính những người chẳng hề thân quen. Ví như, người hàng xóm tận đẩu tận đâu, một vị khách lạ, một người họ hàng xa lên chơi, ai cũng thích hỏi trẻ học có giỏi không, có được giấy khen không, có nhiều điểm 10 không? Những đứa trẻ học giỏi thường vui vẻ trả lời ngay, nhưng những đứa trẻ học chưa giỏi sẽ cúi gầm mặt lí nhí trả lời hoặc không nói một lời nào. Đâu chỉ trẻ xấu hổ, bố mẹ của trẻ cũng xấu hổ lây nếu như chẳng may con mình không có điểm số tốt để khoe.
“Vô duyên – người lớn thật vô duyên” – cô con gái tôi bảo. “Trong lớp của con có 36 bạn, có 16 bạn học sinh giỏi toàn diện, 20 bạn còn lại không được, như vậy là hơn một nửa lớp không phải học sinh giỏi toàn diện, chắc chắn 20 bạn ấy sẽ không thích câu hỏi này đâu”.
“Chán đời, nhà toàn “Thị Nở””
– Mẹ ơi, Thị Nở là gì?
– À… Thị Nở là một nhân vật trong truyện ngắn “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao, người ta thường nói ai đó như Thị Nở để hàm ý rằng người phụ nữ đó không được xinh đẹp và duyên dáng cho lắm.
– Ôi trời ơi! Con và em Bông nhìn đâu đến nỗi nào, sao cô Hoa lại bảo hai chị em con là Thị Nở?
– À… (tôi lại phải giải thích thêm). Trong trường hợp này, họ không dùng với hàm ý đó mà muốn nói rằng nhà mình chỉ đẻ toàn con gái, không có con trai.
– Vô duyên. Là con gái thì đã sao, mẹ nhỉ? Chẳng phải cô Hoa cũng là con gái đó sao? Có ai bảo cô ấy là Thị Nở đâu chứ.
“Sao họ không tự đẻ lấy mà cứ đến nhà mình giục bố mẹ đẻ?”
Mẹ bảo với chúng con rằng mẹ sẽ không đẻ em bé nữa vì sức khỏe mẹ không cho phép, với mẹ, hai chị em con là đủ. Vậy mà, suốt ngày người ta giục mẹ đẻ. Bố không giục, ông bà không giục, toàn những người ở đâu giục. Lạ kỳ mẹ nhỉ? Nếu họ thích em bé đến thế sao họ không tự đẻ lấy mà cứ đến nhà mình giục bố mẹ đẻ?
“Mày là con ông hàng xóm”
– Mẹ ơi, hôm nọ con thấy em Minh khóc đấy mẹ ạ.
– Ủa, sao em lại khóc hả con?
– Tại vì cô nào đấy bảo em ấy là con ông hàng xóm, chẳng giống bố gì cả.
– Là cô ấy nói đùa thôi con.
– Lại đùa, sao người lớn thích đùa thế hả mẹ? Em ấy khóc suốt, sau bố em ấy về dỗ mãi mới nín đấy. Em ấy bảo với con, em chỉ thích giống bố, xấu trai như bố cũng được, còn hơn xinh đẹp mà giống ông hàng xóm.
“Bố mày có dì hai rồi kìa”
– Mẹ ơi, dì hai là gì? Sao hôm nọ chú Hải bảo với con là bố mày suốt ngày đi làm về muộn, chắc là có dì hai rồi.
– À, tôi lúng túng, chú ấy nói đùa đấy con. Con đừng tin. Đấy là chú ấy nghĩ thế chứ sự thật không phải như thế.
Mặc dù tôi đã trấn an con, nhưng con bé vẫn cứ băn khoăn, suy nghĩ, nó muốn tìm hiểu dì hai là ai? Tại sao có dì hai thì lại nghiêm trọng đến thế? Và cho đến khi nó hiểu được ý nghĩa của câu nói này thì cảm thấy vô cùng tức giận. Đa phần trong mắt trẻ con, bố là thần tượng của chúng. Thần tượng ấy luôn mạnh mẽ, chiều chuộng chúng hết mực. Nói về khoản cho trẻ đi chơi thì quả đúng là các ông bố đôi khi còn siêng hơn các bà mẹ. Thế nên, họ rất được lòng bọn trẻ. Với trẻ, bố luôn luôn yêu thương chúng và mẹ chúng nhất trên trần đời, tuyệt đối không có chỗ cho dì hai, dì ba nào có thể chen chân.
Người lớn đôi khi vô tình làm tổn thương niềm tin của trẻ bởi những câu đùa tọc mạch và vô duyên. Mà cứ cho là sự thật đúng là như thế đi, thì đó cũng không phải là cách hay để báo tin cho trẻ; việc trong gia đình của trẻ, hãy để cha mẹ trẻ tự đứng ra giải quyết, bạn đừng can dự.
Ngẫm đi, ngẫm lại, mấy câu người lớn hay nói với trẻ con nhiều lúc thật vô duyên. Họ nói theo thói quen, theo ý thích của mình mà không để ý đến thái độ và cảm xúc của trẻ. Có lẽ đã đến lúc, người lớn chúng ra ngưng vô duyên và bớt soi mói vào chuyện của người khác.
Xem thêm:
- Nấu ăn cùng con
- Đam mỹ, bách hợp và cái nhìn bao dung của người lớn
- 4 lý do không nên giao con cho ông bà nuôi dạy