Giáo dục giới tính luôn là một vấn đề được các bậc cha mẹ quan tâm, đặc biệt là khi con cái họ bước vào tuổi dậy thì.
Để trở thành một thanh niên hoặc một thiếu nữ, bất cứ đứa trẻ nào cũng phải bước qua tuổi dậy thì, giai đoạn “bản lề” cực kỳ quan trọng với những thay đổi lớn về thể chất lẫn tâm lý. Đối với cha mẹ, đây là giai đoạn khá “nhức đầu” trong việc quản lý hoặc bảo ban con cái vì ngay cả những đứa trẻ ngoan nhất cũng sẽ bắt đầu thay đổi theo hướng “khó dạy” và “chống đối” cha mẹ. Vì vậy, một phương pháp giáo dục giới tính đúng đắn và phù hợp cho con trai và con gái bạn ở tuổi dậy thì là vô cùng quan trọng.
I. Những biểu hiện của tuổi dậy thì
Tuy mỗi đứa trẻ sẽ có những biểu hiện khác nhau, nhưng nhìn chung, hầu hết trẻ em trai và gái đến tuổi dậy thì sẽ có những hành vi như sau:
1. Giữ khoảng cách với cha mẹ
Khi bắt đầu phát hiện ra những thay đổi về mặt cơ thể của mình, con cái tự động sẽ giữ khoảng cách với cha mẹ hoặc anh chị em, đặc biệt là đối với người thân khác giới. Sẽ rất tự nhiên nếu con bạn không còn chạy sà vào lòng bạn hoặc để ba mẹ ôm hôn như trước mà chúng sẽ tìm cách né những hành động thân mật vô tư của cha mẹ.
2. Ít nói và nhạy cảm
Những đứa trẻ tuổi dậy thì thường có khuynh hướng lầm lì ít nói hơn lúc còn nhỏ và rất dễ cáu gắt. Các cô gái thường có khuynh hướng nhạy cảm, dễ “mít ướt” còn các cậu con trai thường sẽ có khuynh hướng hung hăng hơn trước. Nguyên nhân chính là sự thay đổi hormon trong cơ thể ảnh hưởng đến sự thay đổi về mặt tính cách. Đồng thời, do cần phải chấp nhận và thích nghi với rất nhiều sự thay đổi của bản thân, các bé sẽ cần nhiều thời gian riêng tư hơn cho mình. Vì thế các con sẽ phản ứng khá gay gắt với những điều mà chúng cho rằng “không quan trọng” hoặc “phiền phức”.
3. Hay giấu giếm và thích ở một mình
Con cái tuổi dậy thì thường rất coi trọng sự riêng tư của bản thân vì các bé chưa sẵn sàng chia sẻ với cha mẹ những thay đổi mà ngay cả chúng vẫn chưa thể lý giải về bản thân mình. Đồng thời ý thức về cái tôi của con càng lúc càng lớn nên việc người khác tự ý xâm phạm sự riêng tư đồng nghĩa với sự xúc phạm về danh dự. Vì thế phần lớn các bé sẽ phản ứng rất mạnh khi cha mẹ vô tình hay cố ý xâm phạm đến những điều riêng tư như phòng ngủ, cặp sách, quần áo, điện thoại hoặc máy tính cá nhân.
4. Hay cãi bướng và cứng đầu
Tuổi dậy thì còn được gọi là “tuổi nổi loạn” vì các bé ở tuổi này luôn muốn chứng tỏ rằng mình đã lớn và không cần sự chăm sóc hoặc quản thúc mà các bé cho là quá đáng của cha mẹ. Tuy nhiên với sự hiểu biết và trải nghiệm còn non nớt của mình, các bé vẫn chưa đủ “lý lẽ” để thắng vì thế chuyện cãi bướng hoặc làm trái lời cha mẹ là điều dễ hiểu và cũng rất khó tránh khỏi. Nếu có anh chị em, các bé sẽ dễ nổi nóng và cãi nhau với anh chị em hơn. Điều này khiến nhiều phụ huynh phật ý vì sự ngỗ nghịch của con mình và tìm cách để áp chế con mình một cách nghiêm khắc hơn.
5. Dành nhiều thời gian cho bạn bè hơn là gia đình
Từ khi con bạn bước vào tuổi dậy thì cho tới khi chúng trưởng thành, các bậc phụ huynh hãy chuẩn bị tâm lý để đón nhận chuyện con cái mình sẽ dành nhiều thời gian cho bạn bè chúng hơn là cho mình. Đồng thời những biểu hiện quan tâm chăm sóc quá đáng của cha mẹ trước mặt bạn bè của con cái sẽ làm cho con bạn cực kỳ khó chịu và có thể có phản ứng mạnh. Điều này là biểu hiện bình thường về mặt tâm lý vì con bạn chỉ muốn chứng tỏ với bạn bè rằng mình đã lớn.
6. Rất nhạy cảm về những thay đổi về mặt ngoại hình
Một đứa trẻ dù vô tư đến mấy cũng sẽ trở nên hết sức nhạy cảm đối với những thay đổi quá rõ ràng diễn ra hàng ngày đối với cơ thể mình. Các bé sẽ thường bỏ ra rất nhiều thời gian để ngắm nghía gương mặt và cơ thể mình và đồng thời tỏ ra hết sức nhạy cảm đối với những lời nhận xét hoặc trêu đùa về những khiếm khuyết và thay đổi trên cơ thể.
7. Quan tâm nhiều về giới tính và tình dục
Ở tuổi dậy thì, việc các bé quan tâm đến những vấn đề liên quan tới giới tính và tình dục là điều hiển nhiên. Cả hai giới đều rất tò mò muốn biết sự khác biệt về cơ thể của người khác giới như thế nào.Do sự thúc đẩy của các hormone sinh dục, các bé bắt đầu bị hấp dẫn bởi vẻ đẹp giới tính của người khác giới, muốn tìm hiểu về việc quan hệ tình dục và có hiện tượng thủ dâm.
8. Kết quả học tập giảm sút
Do có quá nhiều thay đổi bên trong lẫn bên ngoài cơ thể cũng như quá nhiều mối quan tâm khác, một số trẻ tuổi dậy thì sẽ có khuynh hướng lơ là và sa sút trong việc học tập. Điều này khiến rất nhiều bậc cha mẹ lo lắng mất ăn mất ngủ vì nghĩ rằng con mình mê chơi hoặc bị ảnh hưởng bởi bạn bè xấu nên sao nhãng việc học hành.
Trước những thay đổi về tính khí của con cái tuổi dậy thì, các bậc phụ huynh cần phải tế nhị và tâm lý để hạn chế những mâu thuẫn xung đột không đáng giữa cha mẹ và con cái hoặc tạo nên những tổn thương cho con cái và chính mình khi cả hai bên không thể kiềm chế cảm xúc của bản thân. Đồng thời những biến cố của gia đình trong thời gian này (gia đình phá sản, cha mẹ qua đời, cha mẹ ly dị…) cũng sẽ có ảnh hưởng mạnh tới sự phát triển tâm lý của con cái tuổi dậy thì. Nhiều bạn trẻ cá tính mạnh trong giai đoạn này nếu không nhận được sự chia sẻ quan tâm của cha mẹ hoặc bị những cú shock trong gia đình sẽ dễ dàng nghe lời của bạn bè xấu mà sa ngã hoặc bị trầm cảm.
II. Sự tò mò về giới tính và tình dục có phải là biểu hiện của sự hư hỏng?
Một trong những vấn đề đau đầu mà phụ huynh của các bé tuổi dậy thì phải đối diện là sự phát triển về giới tính của con cái kèm theo là những tò mò cũng như khao khát muốn trải nghiệm về tình dục của con cái. Ở thời đại mà các phương tiện truyền thông và giải trí mang nặng những yếu tố tính dục (phim ảnh, truyện ngôn tình, những người nổi tiếng ăn mặc hở hang…) sự tò mò và mong muốn trải nghiệm chuyện tình dục của trẻ em đến nhanh hơn và khó tránh khỏi. Xét cho cùng, đây là một điều hết sức tự nhiên trong quá trình dậy thì của một đứa trẻ vì khi hormone sinh dục được tiết ra, cơ thế sẽ có những phản ứng mang tính chất bản năng tương ứng và điều này nằm ngoài sự kiểm soát của trẻ đồng thời cũng không chịu “nghe lời” của bố mẹ.
Tiếc thay, phản ứng của phần lớn cha mẹ Việt Nam đối với sự tò mò về giới tính và tình dục của con cái vẫn còn khá cực đoan và lạc hậu. Hầu hết các bậc phụ huynh ở Việt Nam đều cảm thấy shock, bối rối, lo lắng hoặc thậm chí cực kỳ tức giận khi phát hiện ra những đứa con ở tuổi cấp 2 của mình có bồ (qua việc kiếm tra tin nhắn hoặc phát hiện thư tình của hai đứa trẻ), xem phim ảnh hoặc truyện khiêu dâm (cái này thì đầy trên mạng internet ngày nay, muốn cấm cũng khó) hoặc có giữ bao cao su/thuốc ngừa thai trong mình (thường xảy ra đối với các học sinh cấp 3 hoặc đại học hơn là học sinh cấp 2). Đối với các bậc cha mẹ Việt Nam, đó là những biểu hiện của sự “hư hỏng” của con mình và nếu không can thiệp bằng những biện pháp mạnh thì con mình sẽ hư hỏng thật.
Nhiều người căng thẳng và suy sụp tới mức không thể tập trung vào công việc hằng ngày hoặc không kiếm chế được sẽ lớn tiếng la mắng cấm đoán con một cách thô bạo trong khi chính bản thân mình cũng chưa thực sự hiểu rõ nguồn cơn. Đối với các cậu bé, hình phạt của cha mẹ khi bắt gặp con mình xem những video khiêu dâm hoặc truyện sex thường là đánh cho một trận ra trò. Còn đối với các cô bé gái, tuy không thường bị đánh nhưng lại bị cha mẹ sỉ vả bằng những lời nặng nề thô tục như “con đĩ”, “mới nứt mắt ra đã hư thân mất nết”, “mới tí tuổi đầu đã muốn bỏ nhà theo trai, sau này ễnh bụng ra về báo tao!” Tiếp theo là những hành động mang tính chất kiểm soát về sự riêng tư một cách thái quá những sinh hoạt hàng ngày của con cái như thể chỉ cần mình sểnh ra một chút là con mình sẽ hư ngay.
Tuy nhiên, trái với mong đợi của cha mẹ, những hình phạt khắc nghiệt cùng với những chế tài chặt chẽ không những không ngăn được sự tò mò của con cái về những chuyện “hư hỏng” mà còn khiến cho con bạn tìm được rất nhiều cách tinh vi hơn để đối phó với sự cấm đoán của phụ huynh vì cho dù có quản thúc chặt đến mức nào, cha mẹ cũng không thể theo sát con 24/24 được. Thú thật đi các vị phụ huynh, ngày xưa các vị cũng thế thôi, càng cấm thì càng quyết tâm làm cho bằng được không chỉ để thỏa sự tò mò mà còn để chống lại sự độc đoán của cha mẹ. Cũng có những trường hợp do sự cấm đoán cực đoan của cha mẹ, nhiều bạn trẻ tuổi 14-15 yêu nhau đã cùng nhau tự tử do nghĩ quẫn để lại tang thương cho cả hai gia đình.
III. Phải làm gì khi con bạn là người đồng tính
Trong tất cả những cú sốc lớn nhất của các bậc phụ huynh về con cái, có lẽ không có cú sốc nào nghiêm trọng bằng việc phát hiện ra con mình là người đồng tính. Ngay cả đối với những người có tư tưởng tiến bộ và cởi mở nhất, điều này cũng không hề dễ dàng chấp nhận, vì đối với hầu hết các nền văn hóa và tôn giáo, đồng tính luyến ái vẫn là một điều trái tự nhiên thậm chí là cấm kỵ. Ở những xã hội văn minh tiên tiến như các nước u Mỹ, việc chấp nhận một đứa con đồng tính luyến ái vẫn không phải là một điều mà cha mẹ nào cũng có thể đủ bao dung để làm được. Ở một xã hội còn nặng tính truyền thống và bảo thủ như ở Việt Nam, việc chấp nhận con mình là người đồng tính còn khó khăn hơn cả việc chấp nhận con mình trót dại quan hệ tình dục sớm.
Khi biết con mình là người đồng tính, các bậc cha mẹ thường coi đó là một tội lỗi ghê gớm khó có thể tha thứ cho dù trước khi biết chuyện, con họ có giỏi giang ngoan ngoãn như thế nào đi nữa. Nhiều phụ huynh chuyển từ thái cực thương yêu sang căm ghét thậm chí ghê tởm con mình. Họ thà từ mặt con chứ không chấp nhận chuyện con mình là người đồng tính. Có người sẽ dùng quyền làm cha mẹ ép con mình phải kết hôn với một người dị tính với hi vọng rằng cuộc sống hôn nhân sẽ khiến cho con mình quay trở lại với giới tính ban đầu của con. Đã từng có trường hợp cá biệt, khi phát hiện ra con gái mình là lesbian (đồng tính nữ), cha mẹ của cô gái đã thuê người về cưỡng hiếp con gái mình với hi vọng rằng khi quan hệ tình dục với đàn ông, con gái của họ sẽ trở về với giới tình bình thường. Hậu quả là cô gái không chịu được cú sốc về mặt tinh thần do chính cha mẹ gây ra đã tự tử chết sau khi bị cưỡng hiếp.
Tôi muốn các bậc làm cha làm mẹ hiểu rằng y học và tâm lý học ngày nay không xem đồng tính luyến ái là một bệnh hoặc một dạng rối loạn tâm lý có thể dùng thuốc hoặc các liệu pháp để trị dứt mà đó là một dạng giới tính tâm lý của con người. Khác với giới tính sinh lý (gender) chỉ có hai giới là nam và nữ dựa trên những khác biệt về cấu tạo cơ thể và bộ phận sinh dục, có đến tám loại giới tính tâm lý (sex) khác nhau và không có dạng giới tính tâm lý nào được xem là bất thường hay bệnh hoạn cả. Tuy nhiên không phải người đồng tính nào cũng hiểu được điều này và cho dù có hiểu thì thuyết phục những người khác hiểu và thông cảm cho họ cũng không phải là một điều đơn giản. Vì thể phần lớn những người có khuynh hướng giới tính bất thường sẽ có cảm giác tội lỗi và phủ nhận bản thân mình khi phát hiện ra bản thân mình đồng tính.
Tôi biết không ít các bạn trẻ phải chịu rất nhiều những áp lực tâm lý và mặc cảm khi phát hiện ra mình là một người đồng tính vì ngoài mặc cảm và áp lực đối với cái nhìn của xã hội về giới tính của mình, các bạn trẻ tội nghiệp ấy còn mang thêm mặc cảm tội lỗi bất hiếu đối với cha mẹ hoặc dòng họ khi không thể lập gia đình như người bình thường. Cũng có nhiều trường hợp các bạn phải sống một cuộc sống giả tạo, che giấu giới tính thật của mình và chấp nhận một cuộc hôn nhân với một người dị tính để rồi gây ra những bi kịch trong đời sống hôn nhân của mình cũng chỉ để làm vừa lòng cha mẹ.
Đã là cha mẹ, bạn nên hiểu rằng giới tính của con bạn không hề có lỗi và cũng đóng vai trò trong việc hình thành nhân cách của con. Sự chấp nhận giới tính thật của con cái thể hiện sự thấu hiểu và yêu thương con thật sự của những bậc làm cha làm mẹ khiến cho con bạn có được một chỗ dựa về mặt tinh thần đế có thể sống hạnh phúc và có ích cho cuộc đời. Ngược lại, việc ép buộc con cái mình sống trái với giới tính thật của con không những không thay đổi sự thật mà còngây nên những tổn thương về tình cảm giữa cha mẹ và con cái đồng thời khiến con bạn mang những vết thương lòng suốt đời khi chúng phải chịu sự ghẻ lạnh và kỳ thị từ đấng sinh thành của mình vì một điều không phải là lỗi của chúng.
IV. Giáo dục giới tính cho con trẻ như thế nào?
Khi nói về chuyện “giáo dục giới tính” cho con cái tuổi dậy thì, nhiều phụ huynh chưa kịp nghe rõ đã vội giãy nãy lên rằng đã không cấm mạnh tay thì chớ lại còn “vẽ đường cho hươu chạy”. Một bộ phận phụ huynh khác thì tỏ ra ngại ngùng trước trách nhiệm khá “tế nhị” này vì trong quan niệm truyền thống của các phụ huynh, giáo dục giới tính đồng nghĩa với nói chuyện với con cái về chuyện quan hệ tình dục. Thật vậy, chỉ cần nghĩ tới đó hầu hết các bậc phụ huynh đều cảm thấy rất ngại ngùng, bối rỗi nếu không muốn nói là không biết bắt đầu như thế nào. Nhưng các bậc cha mẹ phải hiểu một vấn đề rằng, “hươu” sẽ vẫn chạy ngay cả khi không có ai vẽ đường và nếu “hươu chạy sai đường” thì trách nhiệm đó thuộc về những người “không chịu vẽ đường cho hươu chạy” đúng hướng.
1. Giáo dục giới tính cho con trẻ tuổi từ mẫu giáo đến tiểu học
Thật ra, giáo dục giới tính là không chỉ đơn thuần là nói về chuyện quan hệ tình dục và cũng không phải đợi tới lúc con bạn đến tuổi dậy thì mới bắt đầu. Giáo dục giới tính đối với con cái nên bắt đầu từ khi chúng nhận thức được sự khác biệt về giới tính của bé trai và bé gái. Đối với con cái tuổi từ mẫu giáo đến tiểu học, giáo dục giới tình gồm những vấn đề sau:
- Dạy con hiểu được sự khác biệt về cơ thể cũng như tính cách của bé trai và bé gái ở tuổi mẫu giáo.
- Dạy con biết cách giữ vệ sinh cơ thể mình, đặc biệt là cơ quan sinh dục ngoài.
- Dạy con biết tự bảo vệ mình trước sự đụng chạm vào những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể của người lạ.
- Dạy con tránh sử dụng những từ ngữ mang tính kỳ thị giới tính như “bóng”, “pê đê”, “ô môi”…nếu chúng vô tình nghe phải và sử dụng những từ này để gọi người khác.
- Giải thích cho con nghe một cách dễ hiểu nhất có thể về những vấn đề liên quan tới giới tính như: thế nào là yêu nhau, thế nào là kết hôn, em bé ra đời như thế nào, tại sao hai người yêu nhau lại ôm nhau, hôn nhau… Nên nhớ những thắc mắc của con bạn là hết sức bình thường vì đó là những gì diễn ra trong đời sống hằng ngày.
2. Giáo dục giới tính cho con trẻ ở tuổi dậy thì
Khi con bạn bước sang tuổi dậy thì, việc giáo dục giới tính sẽ trở nên phức tạp và tế nhị hơn. Lúc này người cha sẽ là người thầy dạy cho con trai còn người mẹ hãy cùng chia sẻ và tâm sự với con gái mình những điều sau đây:
- Chú ý nhắc nhở con về những thay đổi của cơ thể một cách rõ ràng để con có sự chuẩn bị tâm lý trước. Hãy giải thích cho con bạn hiểu mộng tinh (ở các bé trai) hay kinh nguyệt (ở các bé gái) là chuyện hết sức bình thường, không có gì đáng lo lắng và đồng thời dạy con giữ gìn vệ sinh cơ quan sinh dục ngoài của mình.
- Nếu con bạn có dấu hiệu có bạn trai hoặc bạn gái, cứ bình tĩnh và đừng làm lớn chuyện. Xét cho cùng, đó chỉ là một biểu hiện bình thường của sự phát triển tâm sinh lý ở tuổi dậy thì và bạn đủ hiểu rằng chuyện “bạn trai, bạn gái” ở tuổi này chóng đến và chóng đi. Hãy trò chuyện tâm sự với con để tìm hiểu rằng mối quan hệ này phát triển tới đâu đồng thời cho con những lời khuyên hợp lý thay vì cấm đoán hoặc xúc phạm con.
- Nếu phát hiện con bạn đọc truyện khiêu dâm hoặc xem phim sex trên máy tính, đừng nổi nóng hoặc bị sốc. Ở tuổi dậy thì, việc tò mò quan tâm tới sự khác biệt của cơ thể người khác giới và chuyện quan hệ tình dục là không thể tránh khỏi. Hãy nói cho con bạn hiểu rằng chúng chưa đủ tuổi để làm chuyện đó vì chúng chưa có khả năng gánh vác những trách nhiệm và hệ lụy đi kèm theo như việc có thai ngoài ý muốn, trách nhiệm làm cha làm mẹ khi chúng còn ở tuổi đi học. Hãy nói cho con bạn biết rằng chúng còn rất nhiều tương lai ở phía trước và hậu quả của việc quan hệ tình dục quá sớm có thể khiến chúng phải bỏ dở những ước mơ của mình.
- Hãy nhớ ở tuổi dậy thì, con cái của bạn sẽ cực kỳ nhạy cảm nếu sự riêng tư của chúng bị xâm phạm. Nếu không muốn con cái sử dụng máy tính hoặc điện thoại để truy cập những trang web có nội dung khiêu dâm, hãy đặt máy tính ở những nơi mà bạn hoặc những người khác trong gia đình có thể kiểm soát và quy định giờ giấc cũng như mục đích sử dụng máy tính của con một cách rõ ràng. Đừng để máy tính trong phòng con để chúng sử dụng rồi tìm cách lén lút xâm nhập khi chúng không có ở nhà. Tương tự, việc tự tiện lục lọi phòng riêng, cặp sách, giường ngủ của con để tìm bằng chứng phạm tội là một việc làm thiếu tôn trọng và gây tổn thương lớn tới lòng tin của con dành cho bạn. Nếu thấy con bạn có vấn đề gì đáng nghi, hãy tìm cách nói chuyện riêng với con một cách tế nhị.
- Nếu con bạn ở độ tuổi sinh viên và đang hẹn hò, đừng cấm cản chúng quan hệ tình dục vì bạn thừa hiểu có cấm cũng không thể cấm được. Thay vào đó hãy trao đổi trực tiếp với con về các biện pháp tình dục an toàn để tránh thai hoặc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Những người cha hãy dạy con trai mình việc chịu trách nhiệm và tôn trọng quyết định có quan hệ tình dục không của bạn gái mình và những người mẹ ngược lại hãy dạy con gái mình biết cách nói không với quan hệ tình dục nếu chưa cảm thấy sẵn sàng để tránh rơi vào cạm bẫy của những kẻ lừa tình.
- Cuối cùng, nếu con bạn là người đồng tính, hãy hiểu và chấp nhận sự thật rằng đồng tính luyến ái không phải là một sự suy đồi về nhân cách đạo đức hay là một cái tội. Hãy chấp nhận giới tính thật của con bạn và để cho con sống thật với giới tính của mình nếu bạn thực sự muốn con mình hạnh phúc. Nếu bạn không đủ can đảm để bảo vệ con bạn trước áp lực của miệng lưỡi thế gian thì ít nhất hãy đừng tạo thêm áp lực cho con mình.
Xem thêm:
- Có nên chọn giới tính cho con?
- Làm thế nào để bảo vệ con trước những kẻ ấu dâm?
- Hãy mừng vì con biết “cãi” và hãy dạy con cách phản biện hợp lý
- 9 điều khác biệt giữa cha mẹ Việt và cha mẹ Mỹ
- Cha mẹ độc hại là gì? Biểu hiện và những kiểu cha mẹ độc hại