“Nếu cuộc sống là một con tàu thì Ngọc Châu đã chọn một sân ga. Những hành khách trên con tàu vẫn tiếp tục và nhớ những điều tốt đẹp về chàng nghệ sĩ ở sân ga đó.”
Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tâm đã kể lại những câu chuyện xúc động về cố nhạc sĩ Ngọc Châu, một người đồng nghiệp, người bạn thân thiết của anh. Mời các độc giả cùng theo dõi.
“Khi mình viết những dòng này thì Ngọc Châu đã rời xa chúng ta tròn một tuần. Không hiểu vì lý do gì, Châu ít liên lạc với mọi người một thời gian dài. Ngày quen Châu là những năm đầu thập niên 90. Hồi ấy, mình hay rủ Châu đi đàn hát tại các đêm thơ nhạc. Mình hát sáng tác của mình, Châu vừa hát bài của Châu vừa đệm đàn cho các bạn đọc thơ. Đêm thơ nhạc còn có sự tham gia các em ở CLB văn học trẻ Hà Nội, khá nhiều bạn gái làm thơ ở tuổi 18 hơi bị dễ thương. Hồi ấy, người yêu văn học khá đông nên đời sống khá mơ mộng. Các nữ thi sỹ tuổi teen nhìn Châu như thần tượng và Châu cũng rất hào hứng khi tham gia sinh hoạt vui vẻ này.
Hồi năm 1993, mình nhờ Châu hát ca khúc của mình trong cuộc thi ca khúc tuổi trẻ do Nhà hát Tuổi trẻ và nhạc viện Hà Nội tổ chức. Trong 2 chục ca khúc vào chung khảo, mình được vào 2 bài. Việc biểu diễn các tác phẩm đều do ca sĩ Nhà hát Tuổi Trẻ đảm nhiệm và hát tốt nhưng mình lại thích Châu hát. Chỉ vì thấy rất hợp. Thế hệ 6X mà hát ra chất nhạc nhẹ như Châu là rất hiếm. Châu bảo nếu anh Đỗ Hồng Quân đồng ý thì em mới tham gia được. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khi ấy là Phó giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ. Thế là cả hai đi gặp anh Quân bày tỏ nguyện vọng. Anh Quân ủng hộ luôn, miễn là ca khúc được vang lên đúng ý người viết là được.
Cả tuần, Châu tập rất say mê 2 bài đó. Châu thuộc làu làu và thích thú chọn cách hòa âm sao cho đắc ý nhất. Gần hôm công diễn chung khảo, Châu gãi đầu bảo: Em thi là “đen” lắm. Xưa nay, thi gì cũng đen. Sợ làn này khó ăn giải.
Châu ít hơn mình 1 tuổi. Thực ra cùng lứa thì hay ông ông tôi tôi nhưng Châu lại cứ xưng em. Cũng được. Mình bảo có giải hay không là việc của ban giám khảo. Kệ. Còn mình thì cứ thể hiện hết khả năng thôi. Miễn là nó vang lên đúng ý là OK.
Khi biểu diễn, bị chút tâm lý nên quên tý lời, nhưng với bản lĩnh sân khấu, Châu ứng tác điền vào chỗ trống luôn. Tài thật. Bài thứ hai mang tên “Tìm câu trả lời” thì Châu hát cực hay và gây ấn tượng với khán giả một cách mạnh mẽ. Đấy là một trong những lần ca khúc của mình được vỗ tay mạnh và lâu nhất. Sau buổi diễn thì chú Vũ Hà, nhà báo của đài phát Thanh gặp mình khen ngợi và nói sẽ dùng bản thu tại sân khấu để phát sóng trên đài phát thanh. Đấy là bài hát của mình lần đầu được hát trên đài. Cảm giác đến giờ còn lâng lâng. Mình với Châu cứ định ghi âm lại bài này thật tốt rồi gửi cho chú Vũ Hà nhưng rồi cứ để mai dài đến thuổng rồi chẳng bao giờ thực hiện.
Không ăn giải gì thật. Mình được lên sân khấu nhận tặng thưởng an ủi một cái đồng hồ treo tường với một băng cassette nhé. Băng cassette cũng tuyệt vời, là album của Mark Knopfler, một nhạc sĩ chơi guitar siêu hạng. Châu bảo: Đấy em đã bảo mà. Em thi cái gì cũng đen. Mình bảo Châu hát quá hay, gây ấn tượng mạnh thế là vui rồi. Không có gì phải tiếc.
Quả thực, Châu hát và truyền cảm hứng làm cho các ca sỹ trẻ rất thích. Sau đó ca sỹ Hoài Phương, Hải Yến thường xuyên đêm guitar hát mộc bài này và luôn được yêu cầu hát bài này trong các cuộc giao lưu. Gần 20 năm sau, mình có việc gọi điện đến một nhạc sĩ từng chấm cuộc thi kể trên. Nhạc sĩ U 80 bảo “tao nhận ra rồi. Mày là thằng Tâm. Bài của mày có câu “Tôi hỏi người, người sống với người như thế nào?” ha ha ha… Thật bõ công hai anh em tập muốn xỉu. Làm âm nhạc, sung sướng nhất là lúc viết thì hào hứng, tập thì say mê và diễn tưng bừng. Còn việc thử kêu đốt tịt thì tùy duyên. Sáng tạo là đường đi chứ không phải là đích đến.
Châu không nhận việc thì thôi. Đã nhận là nhiệt tình hết mình, sẵn sàng yểm trợ anh em bất kể ngày đêm. Chàng này đi cùng với mình với các đêm thơ nhạc có lẽ cũng không đến nỗi lãng phí tuổi xuân. Ở đó hội tụ toàn những nam thanh nữ tú và những nàng thơ mơ mộng, mà Châu thì tuổi cũng mới hai mấy. Sau mỗi chương trình hát hò, thơ phú, Châu hay đưa một cô bé 19 tuổi về nhà. Có thể là chở cô ấy bằng xe mình. Cũng có thể là cô ấy đạp xe thì Châu đi bên cạnh. Đường ngày xưa tối mù, lại hay có thanh niên bất hảo, manh động nên các bạn trai luôn phải áp tải bạn gái trả tận “chân công trình”. Cô bé cũng không dám phiền vì đường xa nhưng Chàng không hề quản ngại đường xa. Chàng rằng đường về nhà nàng cùng đường về nhà chàng, rồi thì nàng cười bằng lòng. Có lần bị trận mưa to, cả hai cùng ướt. Thời trẻ, ai chẳng làm hiệp sĩ. Ca từ của Châu cũng rất che chở:
“Không! anh sẽ như bình minh
Xóa tan lạnh lùng trong băng giá
Yêu em mãi như mặt trời với trái tim cháy yêu thương”
Thường gặp hai người ấy, cô bé thì cười hồn nhiên còn Châu thì cười ngơ ngác. Sau đó, mình cứ trêu cô bé rằng xong rồi đấy. Cô cười tủm tỉm nhìn ra cửa sổ. Kể về Châu, cô bảo anh ấy lúc nào cũng ân cần, tốt bụng. Để mà điều gì đó xảy ra thì người ta cũng phải có nhược điểm gì đó chứ tốt bụng thì chưa đủ. Hoàn hảo quá chưa chắc đã thành chuyện. Không chắc là ông tướng này có lay động gì không. Nếu điều đó xảy ra, biết đâu đấy. Dù sao thì những rung rinh ấy luôn có mặt trong ca từ của Châu. Kiểu như:
“Có bao giờ chân trời xanh thế
Như mắt em lần đầu gặp anh
Má em hồng hoa đào tươi thắm
Như tình yêu, như mùa xuân đến”
Thực ra có rất nhiều cô bé thần tượng Châu. Khó mà biết cô nào là nguyên mẫu của những tình cảm trong trẻo vậy. Cũng có thể tình yêu trong bài ca của Châu vẫn là sự suy tưởng nhiều hơn trải nghiệm. Nhưng có những tình cảm đẹp trong độ tuổi 20 sẽ tạo ra năng lượng vô cùng mạnh mẽ. Hầu hết ca từ của Ngọc Châu đều là những hy vọng tươi sáng.
Có lần cùng xem phim “Lương tâm bé bỏng” của đạo diễn Lê Hoàng. Vai nam chính là một nhạc sĩ, vai nữ chính là một cô gái áo dài trắng tinh khiết, không bao giờ ăn, không bao giờ ngủ. Cô là biểu tượng lương tâm của nhạc sĩ. Khi nhạc sĩ viết những tác phẩm tốt, cô ấy không tồn tại. Mỗi khi nhạc sĩ muốn “ăn gian” để cho câu nhạc “mì ăn liền” chiều theo thị trường thì lương tâm áo dài trắng lại xuất hiện trong nhà và bắt nhạc sĩ phải cày ải trên cánh đồng sáng tạo. Xem xong phim, Châu thần người ra rồi nhận xét phim này làm cho mình phải sống tốt hơn.
Châu như một con tàu trên đường ray của mình. Đường ray ấy như lương tâm nghệ sĩ luôn đi về hướng hướng thiện, tốt hơn, tốt hơn nữa.
“Mỗi khi xuân về làm hồng môi em
Nắng xuân rơi đầy chiều vàng rực rỡ
Đến bên em ngồi thì thầm khẽ hát
Câu tình yêu ơi chiều xuân”
Bài hát rực rỡ của tuổi trẻ là hình ảnh mùa xuân. Chàng lãng tử tốt bụng ghé qua cuộc đời này, trao tặng cho mỗi người một món quà đẹp đẽ, rồi vội vã ra đi vào một ngày cuối mùa xuân.
Nếu cuộc sống là một con tàu thì Châu đã chọn một sân ga. Những hành khách trên con tàu vẫn tiếp tục và nhớ những điều tốt đẹp về chàng nghệ sĩ ở sân ga đó.
Cô bé teen ngày xưa, giờ không còn là cô bé nữa. Cô nhắn tin cho mình rằng khi biết anh ấy mất, em đã khóc nhiều.
Nhà thơ Vũ Quần Phương viết:
“Tàu trắng đi ngang qua biển xanh
Em một lần ngang qua đời anh
Tàu qua mặt biển không in vết
Sao giữa lòng anh vẫn sóng duềnh!”
Câu thơ này đúng với cả nam và nữ.
Mọi sự gặp gỡ đều từ duyên. Có những cuộc gặp gỡ để lại những con sóng chẳng bao giờ dừng lại. Những con sóng đuổi nhau khiến ta nhớ những điều không bao giờ biến mất.
Những sáng tác của nhạc sĩ Lê Tâm có thể kể tới như “Nhắn tuổi 20”, “Chiếc đồng hồ đáng ghét”, “Cảm ơn thời gian”, “Cảm ơn Hà Nội”,… và các ca khúc dành cho thiếu nhi như “Quạ và công hai chàng họa sĩ”, “Bé làm bánh ga tô”, “Cái đuôi vẫy như bông hoa”, “Sắc huyền hỏi ngã nặng”,…
Hiện nay, Lê Tâm làm công tác thiết kế mỹ thuật tại báo Công an nhân dân, An ninh Thế giới và Văn hoá Văn nghệ Công an vừa là họa sĩ, đồng thời là người viết báo. Lê Tâm là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam, và đang là thành viên của nhóm tác giả M6 (nhạc sĩ) cùng với Giáng Son, Nguyễn Vĩnh Tiến,…
- Trần Tiến – gã “du côn ca” và trái tim rực lửa
- Hóa ra anh kỹ sư trong bài hát ‘Chị Tôi’ của Trần Tiến bị oan
- Chuyện về bà Lê Thị Ẩn – Nữ hoạ sĩ đầu tiên của Nam Kỳ