Ấn tượng đầu tiên của mình về Saint Petersburg là nó lớn quá, cái gì cũng lớn, những toà nhà lừng lững, những vỉa hè rộng thênh thang, những nhà thờ với chóp cao vút, những bức tượng như của Sa hoàng Peter hay tướng Suvorov cũng rất to, và các lâu đài, các dinh thự, những cung điện nhìn to tớn như muốn nuốt chửng chúng ta chỉ bằng một cái liếc nhìn.
Nhưng đấy chỉ là ấn tượng đầu tiên của những người lần đầu đặt chân đến nơi đây, đúng vào những ngày đêm trắng, khi ánh sáng ban đêm vẫn rõ gần như ban ngày, và nếu không kéo ri đô chùm kín cửa sổ, chắc chắn sẽ không quen và không thể ngủ được.
Bà chủ căn hộ mình thuê chỉ cách đại lộ Nevsky rộng mênh mông vài trăm mét ấy bảo rằng, nếu không mệt thì nên đi dạo ở Saint Petersburg vào ban đêm, sẽ thấy nơi này lãng mạn lắm. Mình mặc áo khoác mỏng choàng vào, và ra đường.
Ban đêm ở Saint Petersburg mát rượi. Những khối nhà in lên nền trời bỗng không còn xa lạ và đe doạ như lúc đầu nữa. Chúng im lặng ngắm nhìn ta dưới ánh đèn đường, và nước bập bềnh đập vào các bờ kênh, vào chân của những cây cầu, và sông Neva, nhìn vào ban đêm, thật dễ chịu, khi mặt nước lung linh phản chiếu ánh đèn của hai bên bờ. Trên đại lộ Nevsky, những người đi chơi đêm đang hát, có người uống, có những thanh niên đang đùa nhau, có những đôi hôn nhau ở bờ kênh Griboyedov. Chợt nhớ đến những câu mở đầu trong tác phẩm “Đêm trắng” của Dostoevsky. Ông viết:
“Đó là một đêm kỳ diệu, một đêm mà có lẽ chỉ có thể có được khi chúng ta còn trẻ. Bầu trời đầy sao, một bầu trời lộng lẫy đến mức ngước nhìn lên nó ta phải bất giác tự hỏi mình: chẳng lẽ những người cau có, trái tính trái nết đủ loại lại có thể sống dưới một bầu trời như thế?”.
Đấy là đêm trắng của Dostoevsky. Đêm ở đây vẫn kì diệu như thế, nhưng không thấy ai cau có. Chỉ thấy những nụ cười và những gương mặt tươi vui.
Trong một ghi chép của mình về Saint Petersburg trong cái đêm trắng đầu tiên ấy, mình viết: “Thành phố được lập nên năm 1703 trên đầm lầy có mệnh danh là “thành phố xương” ấy (do hàng biết bao người tù khổ sai và lính đã chết ở đây trong quá trình xây dựng ở thế kỷ 18) là một dạng Venezia trên mặt nước và những dòng kênh, nhưng nó lớn hơn, kì vĩ hơn, nguy nga và đồ sộ hơn, có cảm giác như nuốt chửng những ai vừa thấy nó.
Đối với những người đã choáng ngợp trước sự tráng lệ của Paris, một đôi thị khổng lồ và đôi khi có vẻ diêm dúa, ngạo nghễ vì vẻ đẹp của nó thì Saint Petersburg nguy nga, nhưng dữ dội hơn, mạnh mẽ hơn, chủ yếu vì những dinh thự, lâu đài, những cây cột, những bức tượng đồng và quảng trường mênh mông của nó, khiến cho chúng ta cảm thấy nhỏ bé và bị lọt thỏm giữa những biểu tượng của quyền lực nằm trong những con đại bàng, những hàng cột cao vút, những khối nhà vuông vức ấy.
Không ngạc nhiên khi người ta đã làm tất cả để thoát khỏi sự áp bức nghiệt ngã ấy của một đế chế, dù đã già cỗi. Những cuộc cách mạng đã nổ ra ở nơi đây để lật đổ nó, và cuộc Cách mạng 1917 đã tạo ra một bước ngoặt lớn lao cho lịch sử không chỉ nước Nga, mà còn của cả nhân loại. Rồi một cuộc bao vây Saint Petersburg kéo dài gần 900 ngày dẫn đến cái chết của gần 1 triệu người, vì súng đạn, vì đói cũng chỉ để phục vụ ý tưởng điên rồ là muốn san phẳng một biểu tượng của chủ nghĩa vô sản của Hitler”.
Có rất rất nhiều câu chuyện lịch sử ở thành phố đẹp đẽ và to lớn này, nhiều góc khuất, nhiều bi kịch, nhiều máu đổ. Có những câu chuyện về Lenin, về những gì còn lại từ thi thể của gia đình Sa hoàng cuối cùng đang được đặt trong một gian nhà nguyện của nhà thờ thánh Peter và Paul (nhiều giả thiết cho rằng, chính Lenin đã ra lệnh thủ tiêu họ), những câu chuyện về Sa hoàng Alexander I, về Kutuzov, về tướng Suvorov, và về những người đã chết vì đói ở đây trong Thế chiến II.
Có rất nhiều điều cần làm, những nơi cần đi ở Saint Petersburg, và vì thế thật khó nói được là cần bao nhiêu thời gian ở đây để có thể đi hết cả thành phố. Mình thích rảo bộ trên đại lộ Nevsky vào ban đêm, thích đi dọc sông Neva và nhìn từ bên này sang phía Cung điện mùa đông, với một phần của nó có chứa bảo tàng Hermitage cực kì phong phú và đa dạng đồ trưng bày; đã từng một lần đi xe bus đến Peterhof ở ngoại ô, rồi từ đó bắt tàu thuỷ đi từ vịnh Phần Lan về Saint Petersburg và cảm thấy sung sướng vô cùng khi đứng ra boong tàu ngắm thành phố đẹp đẽ dưới nắng. Và thật tuyệt vời khi đi dạo trong những công viên đầy màu xanh ở đây.
Mình cũng thích đi bộ trên đảo Vasilevsky, đi xe ô tô thì nhanh nhưng đi bộ thì rất lâu, nhưng như thế mới ngắm được toàn bộ nơi này. Mình thích nhà thờ thánh Isaac, mình thích nhà hát Mariinsky, mình thích những dòng kênh rất đẹp như Griboyevdov hay kênh Mùa đông, mình cũng thích cả những hành trình văn học ở đây. Tại sao lại văn học, bởi Moskva là thủ đô của nước Nga, nhưng Saint Petersburg mới là kinh đô văn hoá của nó và không ngạc nhiên khi thành phố này có rất nhiều dấu ấn văn học.
Saint Petersburg năm nào cũng tổ chức lễ hội Dostoyevsky. Ở nơi này, vẫn còn căn hộ Raskolnikov, tên của một nhân vật phản diện trong “Tội ác và trừng phạt”. Toà nhà ấy nằm bên dòng kênh Griboyedov mà một ngày rất đẹp mình đã viếng thăm. Dostoyevksy rất thích dùng các địa điểm thật trong cuốn sách của ông và sự tả thực các nhân vật của ông cũng tài tình một cách kỳ lạ, ở chỗ chỉ ra bằng vài nét bút những mảng tối của họ.
Vladimir Nabokov thì thấy Dostoyevsky là một người “tầm thường”. Ông cũng tìm kiếm những vấn đề về đạo đức, các cuộc tranh cãi liên quan đến nó và các mâu thuẫn xã hội trong tác phẩm để đời “Lolita” của ông. “Lolita” trở thành một tiểu thuyết nổi bật, không chỉ vì những tranh cãi liên quan đến chủ đề, mà còn ở cách Nabokov đã làm với tác phẩm xuất bản năm 1955 này của ông. Ông viết nó bằng tiếng Anh chứ không phải tiếng Nga! Căn nhà thơ ấu của Nabokov ở phố Bolshaya Morskaya nằm ở trung tâm thành phố vẫn mở cửa thường xuyên cho các du khách, đặc biệt là du khách Phương Tây, những người rất hâm mộ tác phẩm của ông, hâm mộ hơn nhiều ở Nga, nơi mà nó đã từng bị cấm đoán. Nhà của Nabokov khá đặc biệt, với rất nhiều mẫu bướm. Nabokov rất thích sưu tầm các mẫu bướm.
Nhưng ở đây, không ai được yêu mến như Pushkin. Ông là nhân vật được lãng mạn hoá, được thần tượng nhiều nhất ở Saint Peterseburg, nơi ông đã sống phần lớn cuộc đời và đã chết tại đây ở tuổi 38, sau một cuộc đấu súng. Căn hộ của ông ở phố Reki Moiki, nơi ông và vợ sống 6 năm cuối đời, và rồi chết ở đây, vẫn được gìn giữ hệt như khi ông còn ở đây cách đây hai thế kỷ và giờ đã trở thành một bảo tàng.
Có rất nhiều dấu ấn của Pushkin tại Saint Petersburg. Những người yêu mến ông có thể đến uống cà phê ở quán Văn học, mở cửa từ năm 1816 ở đại lộ Nevsky, mặt kia nhìn ra một dòng kênh. Đấy là nơi Pushkin hay lui tới mỗi sáng. Có một tượng đài Pushkin đang như trong một lần đọc thơ trước công chúng đặt ở trước Bảo tàng Nga. Và nơi Pushkin thách đấu và bị bắn trọng thương ở quận Primorsky, ngoại ô thành phố, nơi mình đã từng lặn lội đi bộ đến, có một cây cột ghi tên, ngày sinh và ngày mất của Pushkin. Đấy là nơi hành hương của những người hâm mộ Pushkin.
Những người hâm mộ kiệt tác Anna Karenina của Lev Tolstoy chắc chắn cũng sẽ yêu Saint Petersburg, bởi đây là nơi xảy ra nhiều câu chuyện liên quan đến các nhân vật chính trong tác phẩm, Karenina và Vronsky…
Sân Kretovsky ở khá xa trung tâm thành phố Saint Petersburg - cố đô của nước Nga là nơi diễn ra 3 trận vòng bảng B Euro 2020 là Bỉ-Nga (2.00 ngày 13/6), Phần Lan-Nga (20.00 ngày 16/6) và Phần Lan-Bỉ (2.00 ngày 22/6). Ngoài ra còn 3 trận bảng E. Đó là các trận của xứ Ba Lan-Slovakia (23.00 ngày 14/6), Thuỵ Điển-Slovakia (20.00 ngày 18/6) và Thuỵ Điển với Ba Lan (23.00 ngày 23/6), cùng một trận vòng tứ kết lúc 23.00 ngày 2/7/2021.
Tác giả: Nhà báo Trương Anh Ngọc