Một ai đó đã muốn tự sát, nhưng vẫn cần một dấu hiệu nào đó, dù nhỏ nhất, để ngăn cản người đó từ giã cõi đời. Và người ấy nhìn thấy mẩu giấy nhắc trên xe của Lacey. Một cuộc đời đã được cứu.
Khi bạn đang trong trạng thái trầm cảm nặng nề, bạn không biết chia sẻ với ai, bạn không thấy lối thoát của cuộc đời mình và đã có lúc nghĩ đến việc kết liễu cuộc đời này.
Thế rồi, một dấu hiệu nào đó khiến bạn nghĩ lại và không làm điều đó nữa. Trong câu chuyện hôm nay, là một mẩu giấy dán trên xe.
Như nhiều người khác có các vấn đề về sức khoẻ tinh thần vì đại dịch, cô sinh viên 22 tuổi người New Zealand Brooke Lacey cũng đã từng nghĩ đến cái chết.
Sau khi chiến thắng trầm cảm, với sự giúp đỡ của nhiều người bạn, cô bắt đầu nghĩ đến việc phải giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ với mình.
Và thế là cô in ra 600 tờ giấy dán với dòng sau đây:
“Ngày hôm nay, đừng tự kết liễu cuộc đời mình. Thế giới sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu bạn vẫn tồn tại trên cõi đời này. Xin hãy ở lại”.
Lacey dán những mẩu giấy ấy ở những cây cầu, những cầu vượt, các ga tàu hoả ở thủ đô Wellington, nơi người muốn tự tử hay tìm đến.
Cô dán cả mẩu giấy có thông điệp khuyên đừng tự tử của mình ở cốp ô tô.
Thế rồi một hôm, cô bỗng nhận được một phản hồi không thể ngờ tới, trong hình dạng của một mẩu giấy ăn được gắn trên gạt nước chiếc ô tô mà cô đỗ ở sân trường đại học.
Cứ ngỡ rằng đấy là một lời phàn nàn nào đó về việc cô đỗ xe không ngay ngắn lắm, Lacey đọc được dòng này trên mảnh giấy: “Dấu hiệu của bạn đã cứu đời tôi. Tôi rời nhà mình với một kế hoạch và tôi tìm kiếm một dấu hiệu, bất cứ dấu hiệu nào. Tôi đã làm đúng khi thấy chiếc xe của bạn trong bãi đỗ xe. Cám ơn bạn”.
Trả lời nhật báo Daily Mail Australia, Lacey nói: “Tôi đã dán mẩu giấy nhắc ấy vào xe của mình và không còn nhớ gì nữa, cho đến hôm nay. Tôi rất vui vì ai đó đã quyết định ở lại với cuộc đời”.
Một ai đó đã muốn tự sát, nhưng vẫn cần một dấu hiệu nào đó, dù nhỏ nhất, để ngăn cản người đó từ giã cõi đời. Và người ấy nhìn thấy mẩu giấy nhắc trên xe của Lacey. Một cuộc đời đã được cứu.
Vậy đấy, trong một cuộc sống bề bộn và đầy vấn đề như hiện tại, ai trong số chúng ta cũng có thể rơi vào trầm cảm và những người trầm cảm nặng thậm chí tìm đến cái chết.
Nhưng một bàn tay, một ánh mắt, một thông điệp dù đơn giản nhất, như của Lacey, cũng có thể giúp chúng ta bừng tỉnh và ở lại với đời.
Sức khoẻ tâm thần là điều được nhắc đến ngày càng nhiều trong thời gian gần đây, sau khi xảy ra một số vụ tự tử của các bạn trẻ.
Những người còn sống và không hiểu vấn đề này rất nhanh chóng chỉ trích những người đã tìm đến cái chết, cho đó là một việc làm ngu ngốc, dại dột.
Thực ra, chỉ trích ai đó rất dễ, phán xét lại càng dễ một khi ta không hiểu họ, không trong trạng thái của họ.
Họ cần được lắng nghe, được làm bạn, được cảm thấy sưởi ấm trong lòng và không còn thấy cô độc.
Trên thế giới, tự tử là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 đối với lứa tuổi từ 15 đến 29, chỉ sau tai nạn giao thông.
Ở nước ta, tình trạng tự tử ở tuổi vị thành niên đang ngày càng gia tăng, nhưng người lớn, các bậc phụ huynh chưa biết cách nhận diện, hỗ trợ và can thiệp.
Rất nhiều nước đã có những đường dây nóng ngăn ngừa tự tử. Hy vọng rồi chúng ta cũng sẽ sớm có.
Còn đây là Tâm sự của một người đàn ông bị trầm cảm. Bạn có biết Điều gì xảy ra bên trong não bộ khi bạn bị trầm cảm? Hãy tìm hiểu Kiến thức đầy đủ về Bệnh Trầm Cảm: triệu chứng và chữa trị.