Không thể phủ nhận một số chứng trầm cảm khi lên đến cực độ có thể gây nguy hại cho những người xung quanh.
Liên tiếp các vụ tự sát xảy ra gần đây nên tôi lại thấy cần phải nói thêm về chủ đề này vì còn rất nhiều anh chị đang hiểu rất sai về trầm cảm.
Thậm chí thấp thoáng đâu đó có những suy nghĩ rất lệch lạc rằng người bệnh trầm cảm đến mạng nó nó còn không tiếc thì mình ở gần nó có ngày cũng bị nó xiên. Từ đó dẫn tới việc kỳ thị, xa lánh khiến tình hình ngày càng tệ hơn.
Bài này tôi không đi sâu vào nguyên nhân, dấu hiệu bệnh trầm cảm, cái đó các bạn có thể tìm hiểu thêm tại đây. Tôi chỉ bàn đến cái anh chị đang quan tâm, đó là trầm cảm và hành vi phạm tội có quan hệ như thế nào?
Trầm cảm có thể có thể gây nguy hiểm cho xã hội hay không?
Về cơ bản thì cực kỳ hiếm hoi! Vì thế đừng thấy người ta có dấu hiệu trầm cảm thì mặc nhiên xem người ta là phần tử nguy hiểm từ đó đẩy cá nhân họ càng xa cộng đồng.
Đã từng có rất nhiều nghiên cứu cố gắng chứng minh trầm cảm có liên hệ với khả năng gia tăng tình trạng bạo lực. Thậm chí, một nghiên cứu vào năm 2009 trên những tội phạm “giết người – tự sát” (tội phạm giết người rồi tự kết liễu bản thân) còn cho thấy có một tỉ lệ không nhỏ mắc trầm cảm.
Tuy nhiên, những nghiên cứu này đều vấp phải sự phản đối hết sức dữ dội. Đơn giản vì nó “ngu”.
Đầu tiên, tỉ lệ tội phạm giết người – tự sát luôn ở mức cực kỳ thấp trong mọi xã hội, chỉ khoảng 0,2 – 0,3/100.000 người. Tương đương với việc bạn tìm thấy một cô gái đẹp, giỏi, hiền, giàu nhưng lại đồng ý yêu một thằng vừa hèn, vừa hôi nách, vừa thối mồm lại hay làm thơ và thích nói chuyện cái tình.
Cần hiểu rằng, trầm cảm là một căn bệnh phổ biến, và người bị trầm cảm có xu hướng tự gây tổn thương cho bản thân, hơn là bộc lộ thiên hướng bạo lực ra bên ngoài.
Người trầm cảm mặc nhiên tự mình gánh chịu mọi áp lực và gần như không có nhu cầu chia sẻ. Đó là thứ làm cho họ mệt mỏi nhất.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận một số chứng trầm cảm khi lên đến cực độ có thể gây nguy hại cho những người xung quanh.
Điều này đặc biệt ứng với những trường hợp trầm cảm nặng sau sinh (Postpartum Depression), vì họ có thể gây nguy hiểm cho chính những đứa con của mình. Đây là điều có thật và xuất hiện khá rõ nét, đến mức phải có cái nhìn nhận nghiêm túc dưới lăng kính pháp lý.
Pháp luật cũng quy định rõ về hành vi “giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ” (Điều 124 Bộ luật hình sự 2015). Trong đó khung hình phạt rất thấp (từ không giam giữ đến 3 năm tù).
Chủ thể của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là chủ thể đặc biệt, đó là người mẹ của nạn nhân (chứ không phải 2 vợ chồng da trắng như bông nhưng đẻ thằng con đen như gỗ mun, thế là ông bố bóp mũi cho hẹo vì trầm cảm nhé – thằng bố mà kết liễu đời con mình đó lại là tội giết người với tình tiết tăng nặng – khả năng cao sẽ được tòa tuyên cho tiêm chống thở).
Nạn nhân của tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ là đứa trẻ do chủ thể sinh ra trong vòng 07 ngày tuổi. Kể từ ngày thứ 8 trở đi thì đứa trẻ đó không được coi là con mới đẻ nữa (cái này khá quan trọng – gần như việc nhà nước cho người mẹ 7 ngày để trở tại tinh thần bình thường sau sinh, thể hiện tính nhân đạo sâu sắc của pháp luật nói chung và pháp luật Xã hội chủ nghĩa nói riêng).
Vì thế hãy đặc biệt quan tâm đến cảm xúc của người thân, bạn bè và ngoài việc động viên họ đi khám chuyên khoa thì chỉ cần chân thành ngồi bên họ, nắm tay và lắng nghe, đừng nói gì, đừng dạy đời, đừng ép họ cười bằng những mẩu truyện vô duyên, sáo rỗng.
Không có gì vơi đi cả, nỗi buồn vẫn ở nguyên đó nhưng khác ở chỗ chúng ta đều cảm nhận được sự hiện diện của nỗi buồn. Đó chính là cách chúng ta chia sẻ cuộc đời này với nhau.
Việc cười cợt, thúc giục một người trầm cảm “vui lên, lạc quan lên đi, có gì khó đâu” cũng tương tự như việc bảo một người bại liệt bẩm sinh đứng lên chạy quanh xóm vậy.
Nó vừa ác và vừa “ngu”.