Trong số rất nhiều kiệt tác ở bảo tàng Louvre ở Paris, Pháp, có một bức tranh không quá nổi đến mức được ca ngợi là kiệt tác, nhưng tôi lại rất thích, bởi một lý do đơn giản trước một lần đến Louvre và ngắm bức tranh này. Khi tôi tình cờ đọc lại về chủ đề mà bức tranh đã đề cập đến, một câu chuyện thần thoại La Mã về nàng Aurora (trong thần thoại Hy Lạp là Eos), vị thần của bình minh, người đem đến cho nhân loại những tia sáng đầu tiên của ngày mới. Đó là bức “Nàng Aurora và chàng Cephalus”. Bức tranh ấy của họa sĩ Pháp trường phái tân cổ điển Pierre Narcisse Guerin vẽ năm 1810.
Trong bức tranh rạng ngời rực rỡ của ánh sáng toả ra từ cơ thể trẻ trung và ngực để trần của Aurora, chúng ta nhìn thấy hai cánh tay nàng đang giơ lên, cầm những cánh hoa hồng. Bên cạnh nàng, một chàng trai trẻ đang nằm ngủ trên những đám mây.
Chàng có tên Cephalus, con trai của thần Hermes và Herse và là một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp. Aurora yêu chàng, nhưng chàng từ chối nàng. Và nàng trả thù bằng cách gieo lên trong đầu óc chàng những mối nghi ngờ về sự chung thuỷ của nàng Procris, là vợ chàng, một công chúa ở Athens, người mà chàng rất yêu.
Aurora đưa Cephalus lên chín tầng mây và nhờ thần tình yêu Cupid (trong thần thoại Hy Lạp là “Eros”) làm cho Cephalus yêu mình. Trong bức tranh, Cupid, như luôn được mô tả trong các bức tranh cổ điển, là một đứa trẻ vui vẻ có cánh, và Cupid đang tác động để Cephalus yêu Aurora.
Trong thần thoại La Mã, Aurora là chị em với Sol, thần Mặt trời, và Luna, thần Mặt trăng. Mỗi sáng sớm, nàng lướt qua bầu trời để thông báo về sự xuất hiện của Mặt trời. Nàng bay phía trước, trong tay có những cánh hoa tượng trưng cho bóng tối; một vị thần trong vóc dáng trẻ con là Phosphorus, con của nàng, thần sao Mai, cầm một cây đuốc tượng trưng cho cho những ánh bình minh sẽ bay phía sau nàng; và cỗ xe Mặt trời do thần Apollo điều khiển đi sau cùng.
Một số nhà thơ Hy Lạp cổ đại đã từng viết rằng, Aurora là mẹ của thần gió Anemoi và là vợ của Astraeus, cha của các ngôi sao trên trời.
Giống như rất nhiều các nam thần và nữ thần, thậm chí là Zeus, chúa tể của các vị thần, Aurora cũng không có từ “chung thuỷ” trong từ điển.
Theo thần thoại La Mã, nàng được gả cho Tithonus, một trong những hoàng tử của thành Troy. Nhưng Tithonus không phải là một vị thần, mà là người trần, nên chàng cũng già đi và rồi sẽ chết. Do đó, Aurora đã cầu xin thần Jupiter (chính là thần Zeus) ban cho Tithonus sự bất tử.
Có điều, nàng quên mất việc xin cho chàng được trẻ mãi. Thế là khi Tithonus già đi, chàng cứ già mãi mãi như thế và nàng thất vọng, biến chàng thành một con ve.
Trong khi ấy, nàng đem lòng yêu Cephalus, người không hề yêu nàng, nhưng cuối cùng “đầu hàng” nàng vì tác động của Cupid. Chàng bị nàng bắt cóc khi đang đi săn và được đưa lên chiếc xe Mặt trời vào các buổi sáng để cùng nàng báo bình minh đến cho mọi người.
Chàng sống với nàng, cùng có với nàng 3 đứa con, trong đó có Hesperus, thần sao Hôm, anh em cùng mẹ khác cha của Phosphorus. Nhưng chàng vẫn không quên được người vợ Procris. Bị Aurora gieo những hạt giống nghi ngờ, Cephalus trở lại Athens để tìm hiểu sự thật.
Sau một loạt những sự kiện, Cephalus và Procris quay lại sống với nhau. Nhưng một bi kịch sau đó đã xảy ra, khi trong một lần đi săn, chàng đã ném nhầm một mũi lao vào người Procris, giết chết nàng.
Có rất nhiều những câu chuyện khác nhau trong thần thoại Hy Lạp, La Mã và các tác phẩm văn học của hai nền văn minh này về Aurora và những người tình của nàng.
Những chiếc bình cổ được xác định có từ cách đây gần 3 nghìn năm ở khu vực Địa Trung Hải có vẽ nàng và cỗ xe của nàng bay qua bầu trời. Nàng cũng như hàng nghìn vị thần khác và các mối quan hệ chằng chịt của họ là sản phẩm của trí tưởng tượng lớn lao của những con người đã sống trong thời đại ấy, cách chúng ta hàng nghìn năm.
Các vị thần trở thành những nhân vật lý giải cho các hiện tượng của thiên nhiên và cuộc sống quanh họ, từ hiện tượng cơ bản như gió, mưa, bão, các vì sao sáng, các hành tinh chạy qua bầu trời, những đám mây, cho đến mùa màng, đất đai… Thế mới thấy đời sống tinh thần và văn hoá của họ đã sinh động đến thế nào ở thời kỳ đó.
Nhưng không chỉ người Hy Lạp và La Mã có Aurora. Người Ai Cập cổ đại có Tefnut, cũng là thần của sương mai. Người Ấn Độ có thần Ushas. Người Bắc Âu có thần Dellingr. Người Slave có thần Zorya…
Ngày mai, ngày kia, những ngày sau nữa, khi những ánh bình minh đầu tiên bắt đầu ló rạng ở cửa sổ, có thể chính tôi sẽ ngắm ngày mới và mỉm cười nhớ lại rằng, mình đã từng xem bức tranh của Guerin, một trong số rất nhiều bức tranh về Aurora được vẽ vào thế kỷ 17, thời đại của nghệ thuật Baroque, và rằng nàng Aurora vừa mới đi ngang qua bầu trời…
Xem thêm:
- Họa sĩ Lãnh Quân và những bức tranh cực thực giá triệu USD
- Bảo tàng Hermitage: nơi đẹp nhất, hoành tráng nhất, độc nhất vô nhị trên trần thế
- “Vệ nữ ngủ” – Tranh phụ nữ nằm khoả thân đầu tiên trong lịch sử hội hoạ phương Tây
- Chuyện về bà Lê Thị Ẩn – Nữ hoạ sĩ đầu tiên của Nam Kỳ
- 11 tựa sách hay dành cho người yêu nghệ thuật