Trong khi chân trời ẩm thực trên thế giới ngày càng mở rộng, không ít người tìm thấy chân ái ở một món ăn lặp đi lặp lại hoài mà không ngán.
Theo bài viết “The People Who Eat the Same Meal Every Day” của tác giả Joe Pinsker (Những người ăn hoài một món mỗi ngày) trên The Atlantic năm 2019, một trong số ít các cuộc khảo sát hiện có về thói quen ăn uống của con người ước tính rằng khoảng 17% người Anh ăn cùng một bữa trưa mỗi ngày trong 2 năm.
Có nhiều lý do để nhiều người ăn mãi một món từ ngày này qua tháng nọ sang năm khác. Có điều chúng không liên quan đến khẩu vị hay cái dạ dày của họ.
10 năm – 1 bữa tối
Đối với ông Wilf Davies, người đã sống ở thung lũng Teifi miền tây xứ Wales suốt 72 năm cuộc đời mình, lý do đó đến từ sự hài lòng với cuộc sống hiện tại. Trong một bài viết gửi về chuyên mục Phong cách sống của The Guardian hồi tháng 4, ông cho biết mình là một nông dân, kiếm sống bằng nghề chăn đàn cừu 71 con.
Suốt thời niên thiếu, Davies phụ việc cho trang trại của gia đình và chưa từng nghĩ một ngày nào đó sẽ rời xa nó. Kể cả khi đã là trai tráng – độ tuổi mà phần lớn bạn bè ông đều bắt đầu bỏ xứ, lên thành phố lập nghiệp – ông vẫn không thay đổi suy nghĩ. Lần duy nhất Davies xa quê là để đến thăm một trang trại khác ở Anh. Lúc đó ông độ chừng 40.
Sống trên mảnh đất quê hương, ông tạo cho mình những thói quen cố hữu, lâu dần thành lối sống tự nhiên từ lúc nào không biết. Hằng ngày, Davies cho cừu ăn và làm việc ngoài trời. Bữa sáng của ông có bánh mì, bơ, phô mai và trà. Bữa trưa ông ăn 1 trái lê, 1 trái cam và 4 lát bánh mì kẹp mứt. Hôm nào lạnh thì sẽ có thêm xúp. Sau đó, ông nấu bữa tối bao gồm: 2 khứa cá, 1 củ hành tây, 1 quả trứng, đậu nấu, ăn kèm với bánh quy – luôn luôn là như vậy trong suốt 10 năm qua, bất kể những dịp đặc biệt như Giáng sinh hay lễ Phục sinh.
Mỗi khi đi siêu thị, ông luôn biết chắc trong đầu những gì cần mua. Nói “không” với trải nghiệm mới, Davies chưa từng thử món Hoa, món Ấn hay món Pháp nào. Ông nói: “Cừu có bao giờ đòi gì khác ngoài cỏ đâu!”.
Davies cho biết ông hoàn toàn hài lòng với lối sống này; ông biết mình muốn gì, và không thấy lý do gì khiến ông phải thay đổi.
“Chỉ vì tôi ăn cùng một loại thức ăn và chưa rời khỏi thung lũng, không có nghĩa là tôi không muốn biết những gì đang xảy ra trên thế giới. Tôi nghe Đài phát thanh mỗi đêm để cập nhật thông tin. Tôi luôn quan tâm đến những câu chuyện nông nghiệp địa phương và những phát triển mới đang xảy ra trong khu vực” – Davies nói.
Giảm tải suy nghĩ
Trái ngược với Davies, nhà nghiên cứu y khoa Sara Carrillo tận hưởng cuộc sống xê dịch qua nhiều vùng đất khác nhau, từ Tây Ban Nha, sang Anh, cho đến Sydney và hiện giờ là Melbourne.
Thứ bất di bất dịch duy nhất đối với Carrillo trong suốt những năm qua chính là khẩu phần bữa sáng. Cô luôn chào ngày mới bằng cà phê sữa và hai lát bánh mì nướng ăn kèm bơ và mứt mâm xôi. Về cơ bản là vậy, chỉ trừ vài thay đổi nhỏ trong thành phần bột bánh mì và mứt do khác biệt về đặc trưng ẩm thực giữa các nơi.
Cô so sánh việc không phải nghĩ ngợi “Sáng nay ăn gì?” giữa một thời đại buộc con người ta lúc nào cũng phải trong tư thế sẵn sàng như “ngồi trên xe ở chế độ tự lái”. “Thật đỡ biết mấy” – Carrillo chia sẻ với The Guardian về niềm vui dung dị của việc ăn hoài một món mỗi ngày.
Sống cách Carrillo khoảng 880km về hướng đông bắc, phía tây thành phố Sydney, Jane Newton cũng trung thành với bữa trưa đảm bảo 3 thành phần đạm – xơ – carbohydrate suốt 8 năm qua. Trong đó, đạm đến từ gạo, chất xơ đến từ rau, củ, quả, và carbohydrate đến từ đậu hũ hoặc cá ngừ. “Hôm nào có hứng, tôi sẽ cho thêm vào vài lát bơ. Hoặc để đổi vị, một chút kim chi sẽ tạo nên một cuộc cách mạng cho món ăn” – Newton nói với The Guardian.
Mỗi buổi trưa, Newton chỉ cần dành ra vài phút để chế biến một tô cơm xung quanh 3 thành phần cố định kể trên mà không phải mất công suy nghĩ nhiều. Sở dĩ Newton chọn cách làm này vì cô không thích nấu ăn, mà thích ăn ngoài hơn. Bữa trưa chuẩn mực và lành mạnh giúp Newton bớt đi cảm giác tội lỗi khi thỏa sức lựa chọn món cho những bữa khác trong ngày mà không cần màng đến dinh dưỡng.
Cũng bằng cách gắn bó với cùng một món salad Caesar trong những bữa trưa mà công ty mua sẵn, Chloe Cota, một kỹ sư máy tính ở New York, không chỉ tiết kiệm được thời gian và công sức chọn món ăn mà còn bớt tiêu hao năng lượng tinh thần vào thứ không phải là ưu tiên đối với cô ấy.
“Bữa trưa đa dạng không thực sự quan trọng đối với tôi” – Cota nói với The Atlantic. “Tôi sẽ hoàn toàn hạnh phúc nếu ăn cùng một món salad Caesar hoặc bánh sandwich bơ đậu phộng và mứt mỗi ngày”.
Tương tự như vậy, Cota tự đặt ra quy định đồng phục công sở cho mình – luôn là quần legging đen phối cùng áo phông – để giúp tối thiểu hóa quy trình chuẩn bị đi làm mỗi buổi sáng. Cota cho biết cô bắt chước làm vậy theo những ông trùm công nghệ như Steve Jobs và Mark Zuckerberg, nhằm giảm tải áp lực suy nghĩ hằng ngày.
Liều thuốc cho tâm hồn
Đối với một số người trong vô vàn những người ăn hoài một món trên thế giới, cách ăn có thể bị xem là nhàm chán này mang đến niềm vui giản đơn và sự gắn kết với ký ức.
“Dường như có một mối liên hệ tâm lý giữa việc thức dậy vào buổi sáng và cân bằng bản thân cho một ngày dài trước mắt với một thói quen nào đó” – Anastasia Pollard nói với The Guardian.
Pollard thích thức dậy khi trời vẫn còn tối, chờ cho ánh bình minh dần ló dạng, trong khi cô ngồi trong bếp bên ly cà phê và bánh mì nướng nhìn ra khu vườn yên tĩnh. Cả chồng và cậu con trai nhỏ của Pollard đều không tham gia vào nghi thức ăn sáng của cô bởi đó là thời gian cô muốn dành riêng cho bản thân.
“Tôi luôn làm như vậy. Tôi biết một số người thích đi tắm hoặc làm những thứ khác vào buổi sáng. Đối với tôi, điều đầu tiên cho một ngày mới phải là bánh mì và cà phê” – cô chia sẻ.
Cùng quan điểm với Pollard, Carrillo nói: “Thực sự thì nó gần giống như một phương pháp chữa trị cho tâm hồn”. Đối với Carrillo, bữa sáng chậm rãi với bánh mì nướng và cà phê sữa còn khiến cô nhớ lại tuổi thơ bên gia đình khi mà mẹ cô luôn vội vã chăm cô ăn sáng sao cho thật “nhanh, nhanh, nhanh”.
Sự hối thúc mà Carrillo miêu tả là “âm thanh bạo lực” bắt nguồn từ quá khứ lớn lên sau chiến tranh của mẹ cô, thời mà bà và tất cả những người xung quanh đều ăn những bữa giống nhau ngày này qua ngày khác.
Thói quen không xấu
Dù là vì lý do gì đi nữa, ăn hoài một bữa không phải một thói quen có hại. Theo Marion Nestle – giáo sư nghiên cứu về dinh dưỡng và thực phẩm tại Đại học New York và là tác giả của một số cuốn sách về dinh dưỡng và công nghiệp thực phẩm, miễn là trong bữa ăn được lặp lại hằng ngày có nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, thì không có gì phải lo lắng.
Trong khi đó, Krishnendu Ray, một học giả nghiên cứu thực phẩm tại Đại học New York, lại khẳng định một điều khá thú vị: thường chỉ những nơi như thành thị mới đòi hỏi những điều mới mẻ và khác biệt với thông thường. Và mãi cho đến thời hậu hiện đại, người ta mới có nhu cầu ăn uống đa dạng.
Những câu chuyện về những người ăn hoài một món mà The Atlantic và The Guardian tổng hợp ở trên chính là minh chứng. Xét về tổng thể, chính những người tìm kiếm sự đa dạng mới là những người khác thường, chứ không phải những người ăn hoài một bữa trưa giống nhau – tác giả Joe Pinsker của bài viết trên The Atlantic kết luận.
Kiểm soát đồ ăn đưa vào - tiền chi ra Ăn đi ăn lại cùng một thứ cũng rất có ích với những người nhạy cảm và dễ bị dị ứng với thực phẩm. Currie Lee, cư dân 28 tuổi ở Los Angeles, ăn bữa trưa giống nhau để kiểm soát những gì cô đưa vào cơ thể. Trong khoảng 6 tháng ở chỗ làm trước đây, Lee thường dỡ theo yến mạch ngâm qua đêm để ăn trưa. Ở chỗ làm mới hiện tại, cô ăn sandwich gà tây với xốt hummus, bơ, rau rocket và phô mai. Bánh mì mà cô chọn phải là loại không có gluten. Tuy nhiên, dị ứng chỉ là một phần lý do. Ăn hoài một món còn giúp Lee đơn giản hóa việc mua sắm thực phẩm trong nhà và mang lại sự nhất quán cho thời gian biểu đôi khi hơi hỗn loạn của cô. Quan trọng hơn, nó hạn chế khả năng Lee sẽ vung tiền vào món salad tận 12 đôla ở một nhà hàng gần chỗ làm.
Xem thêm
–
TẠP CHÍ MENBACK