Turning Red (tựa Việt: Gấu đỏ biến hình) là bộ phim có thể khiến các bậc cha mẹ phải suy nghĩ và thay đổi nhiều hơn khi có con trong độ tuổi mới lớn.
Nữ đạo diễn của phim ngắn “Bao” năm nào Domee Shi nay trở lại hoành tráng với phim hoạt hình Turning Red do Pixar Studio sản xuất và Disney phân phối. Phim vừa được ra mắt vào tháng 3/2022.
Bộ phim vui vẻ, dễ thương, đi sâu vào yếu tố văn hoá Châu Á và tuổi mới lớn. Chất lượng đồ hoạ của Pixar thì khỏi phải chê, con gấu trúc đỏ siêu siêu cute, lông mượt mà bay bay, nhìn chỉ muốn ôm muốn cắn!
Nội dung phim Turning Red
Phim xoay quanh cô bé Mei Mei 13 tuổi gốc Trung Quốc sống ở Toronto, Canada. Ở trường thì cô bé chăm ngoan học giỏi (điểm toàn hạng A như bao đứa trẻ gốc Á khác – mang trong mình niềm hi vọng to lớn của bố mẹ, thậm chí là của cả dòng họ).
Cô bé cùng nhóm bạn đang tuổi lớn nên cũng thích nhạc boyband (thậm chí là phát cuồng) – ngày đêm tơ tưởng đến những chàng trai của nhóm 4*Town.
Nhưng ở nhà, với một bà mẹ quá ư là nghiêm khắc, Mei Mei sống trong một vỏ bọc khác hoàn toàn: nhất nhất nghe lời, không dám lên tiếng thể hiện sở thích, nguyện vọng cá nhân, và đặc biệt là luôn sợ làm mẹ phải thất vọng.
Cho đến một ngày, Mei Mei phát hiện ra mình có thể biến thành gấu panda đỏ mỗi khi bực bội hoặc cảm xúc dâng trào. Thì ra, đây là điều bí mật của dòng họ nhà cô bé.
Nhưng cũng nhờ biến thành panda đỏ mà Mei Mei dám ‘bùng nổ’, nổi loạn và ‘bật’ lại tanh tách bà mẹ. Tuổi mới lớn mà, xung đột bố mẹ con cái là chuyện thường!
Review phim Turning Red
Thẳng thắn mà nói, dự án phim dài đầu tay của đạo diễn Domee Shi không phải là một tuyệt tác siêu phẩm, không phải là hoàn hảo trọn vẹn.
Nếu mà so với những gì “Bao” đã làm thì Turning Red chưa bằng. “Bao” đối với mình là một phim rất rất hay, và để lại ấn tượng mạnh (đặc biệt là phần twist cuối phim rất sâu sắc, độc đáo, bất ngờ).
Nửa đầu của Turning Red mình còn thấy kịch bản hơi lộn xộn, các nhân vật nói nhiều và liên tục không hề có khoảng nghỉ. Nhưng từ khi con Panda đỏ xuất hiện thì phim chuyển hướng đáng yêu, vui vẻ và cuốn hút hơn.
Về cách xây dựng các nhân vật thì có phần hơi lối mòn, từ nhóm bạn thân, bà mẹ lẫn bà ngoại. Ông bố gần như không đóng vai trò gì đáng kể.
Đâu đó, phim này gợi nhắc mình nhiều đến Brave – đến mối quan hệ và tình huống giữa mẹ và con gái cố vượt qua khỏi tầm kiểm soát của mẹ để khẳng định mình. Có chăng Turning Red mang nhiều yếu tố hiện đại, và châu Á.
Nhưng (có một chữ nhưng khá to), đoạn sau phim lại khiến mình quay xe.
Thay vì xem phim với góc nhìn và kỳ vọng của một fan phim “Bao”, mình thấy enjoy phim hơn hẳn khi nhớ về thời kì mình cũng tầm tuổi cô bé Mei Mei – hồi đó cả thế hệ cũng chìm đắm trong âm nhạc BoyBand với Backstreet Boys, N’Sync, và cũng phát cuồng vì thần tượng.
Phim khắc hoạ tâm lý cô bé gái 13 tuổi khá sâu, đánh trúng tâm lý. Mình đặc biệt thích một câu mà Mei Mei nói với mẹ khi cãi nhau: “I’m 13, deal with it”. (tạm dịch: Con 13 tuổi rồi, mẹ phải chấp nhận điều đó).
Không cần giải thích dài dòng, tất cả mọi vấn đề, khúc mắc đều nằm ở cái lứa tuổi 13 ấy. Turning Red đúng là một hồi chuông làm tỉnh giấc các bậc phụ huynh, cũng phải trưởng thành, thay đổi cùng con.
Như đã nói ở trên, cách xử lý tình huống của kịch bản vẫn còn nhiều điểm có thể làm tốt hơn nữa, lên tầm hơn nữa nhưng khi phim hạ màn, mình vẫn thấy vui và hoan hỉ với Turning Red. Phim cực phù hợp cho trẻ tuổi pre teen và gia đình.
Phim được review bởi Zenith Aya Phuong.
- Thông điệp ý nghĩa từ phim Soul – Bom tấn Pixar giành giải Oscar
- Bojack Horseman – Hoạt hình dành cho người lớn cô đơn
- [Review phim] Flee – Phim hoạt hình thú vị không dành cho trẻ nhỏ