Tự truyện của Lưu Đức Hoa: Tình nồng yêu mãi (浓情爱不完) – cuốn tiểu thuyết này được phát hành vào tháng 5 năm 1992, nội dung kể về cuộc đời của Lưu Đức Hoa từ thời thơ ấu đến mối tình đầu rồi bước chân vào showbiz; từ khi đóng vai phụ đến lúc nhận vai chính trong phim Thuyền Nhân (còn gọi là Cuồng Bôn Nộ Hải) rồi chia tay cuộc tình với Dục Khả Hân; từ giai đoạn nổi tiếng với phim truyền hình đến lúc bị đóng băng và đầu quân sang điện ảnh, Lưu Đức Hoa sẽ từ từ kể hết những ngọt ngào và cay đắng của anh cho tất cả chúng ta cùng biết.
Tự truyện của Lưu Đức Hoa Phần 1: Tiểu khắc tinh thôn Thái Hưởng
“Ngày xửa ngày xưa” đối với một đứa trẻ bé xíu như tôi tựa như một kỷ nguyên thần bí khó hiểu vượt khỏi tầm tay với và đầy sức hấp dẫn.
Tôi sinh ra tại thôn Thái Hưởng thuộc khu Tây Bắc của Đại Phố, bà mụ đã đến tận nhà để đỡ đẻ cho mẹ tôi, sau đó cha mới bế tôi đến bệnh viện để đăng ký và làm thủ tục lấy giấy chứng sinh. Chiếu theo gia phổ thì tên tôi là Lưu Phúc Vinh, cả nhà đều gọi tôi là “Vinh Tử”, còn cái tên Lưu Đức Hoa là sau này khi bắt đầu vào lớp 1 mới đổi mà thôi. Tuổi thơ của tôi là cả bầu trời xanh mây trắng, đồng lúa bạt ngàn và non nước chập chùng.
Căn nhà tổ của chúng tôi chia ra 3 góc như hình tam giác, hai căn góc hai bên là dùng để ở còn căn chính giữa là điện thờ, trong điện treo một cặp liễn và hàng loạt các bức vẽ chân dung các bậc tổ tiên, lần nào tôi cũng phải kiễng chân thật cao và ngóc đầu hết cỡ mới nhìn rõ được dáng dấp của các cụ.
Có lần ông nội chỉ vào một trong những bức họa đó “Nhìn nè, đây là ông cố của con, ông làm quan trong triều đình đấy”, tôi đã “Ồ…” một tiếng thật dài tỏ vẻ kinh ngạc, ông nội hài lòng vuốt vuốt chòm râu bạc mỉm cười. Ông nội già rồi, già tới mức tôi cũng chẳng rõ ông đã bao nhiêu tuổi, trên khuôn mặt ông đầy các vết đồi mồi và nếp nhăn chằng chịt. Những lúc ông kể chuyện tôi thích đu lên cổ ông, dùng đầu ngón tay vẽ theo đường rãnh của những nếp nhăn ấy, từ vầng trán kéo sang đuôi mắt rồi xuống khoé miệng, cứ vẽ lần lượt tới lui như thế. Vì vậy nên ông nội hay nói với những người trong thôn bằng giọng rất sung sướng và tự hào “Thằng cháu này của tôi sau này lớn lên nhất định sẽ là họa sỹ nổi tiếng”.
Xem thêm: Những người đàn ông biệt danh “thợ săn thành phố”
Để ông nội vui thỉnh thoảng tôi cũng vẽ vài bức tranh, tôi thích vẽ cầu vồng nhất do cầu vồng vẽ dễ cực kỳ, chỉ cần cầm cùng lúc 7 bút chì màu khác nhau trong tay và quay một phát nửa vòng tròn là xong, đơn giản và gọn nhẹ. Ngoại trừ làm họa sỹ ra tôi nghĩ mình cũng có đủ tư cách để trở thành một “chuyên gia phá rối”. Tôi là một “tiểu khắc tinh” đối với người dân trong thôn Thái Hưởng, thậm chí ngay cả ông bố đáng kính của tôi cũng không thoát khỏi. Thành tích phạm tội như sau:
Một ngày trời tối đen gió hiu hiu, tôi cùng đám anh em họ và một thằng bé cùng thôn tên A Nội vác ra một xấp báo cũ và dây cước, dùng dao rọc thành một tấm hình dáng người với kích thước to y như thật, sau đó dùng dây cước cột lên tay chân của hình nhân và lấy hắc ín bôi đen toàn bộ. Bốn đứa cầm 4 đầu dây leo lên cây ngồi trốn, tiếng gió vi vút lẫn theo tiếng tru của mấy con chó hoang, tôi xoa xoa lòng bàn tay im lặng chờ đợi, khoảng 10 phút sau từ xa xa nhấp nháy ánh lửa đi đến. Tôi hạ giọng “Là ai vậy?”
– Tối thui à, nhìn đâu rõ…
– Cóc cần biết là ai, đợi lâu vậy mới có 1 đứa, cứ hù trước rồi tính.
– Được, cứ làm theo kế hoạch.
Chúng tôi gật đầu giơ ngón tay ra hiệu, tới rồi…tới rồi…”, đó là một ông béo đang chầm chậm đi tới, tôi đếm nhỏ “1,2,3…kéo” rồi 4 đứa cùng lúc giật dây, hình nhân bằng giấy đen trùi trũi nằm trên mặt đất ngay lập tức dựng lên sừng sững, ông béo sợ đến mức hồn phi phách tán quay đầu bỏ chạy nhanh như một làn khói. Tôi hếch mặt khen hay còn A Nội thì giơ ngón tay chiến thắng “Nữa…nữa đi, hù thêm đứa nữa nào”. Người kế tiếp là phụ nữ, sợ tới mức khuỵu xuống đất khóc oà lên, cả đám ngồi trên cây cười muốn thắt ruột. Liên tục hù như vậy mấy ngày liền, vui dã man.
Về đến nhà, vừa mở cửa vào đã nghe cha tôi đang kể chuyện gì đó, ông nói với mẹ “Tôi thấy có gì đó thật mà”
– Có gì được chứ? Do ông hoa mắt nên nhìn nhầm cả thôi.
– Sao nhìn nhầm được, nguyên cái bóng to lù lù – ông còn giơ tay ước lượng – hai con mắt sáng quắc nhấp nháy, không nhầm được đâu.
– Tầm bậy, thôn Thái Hưởng mình trước giờ phong thủy rất tốt, làm gì có ma quỷ.
Tôi đứng sau cửa không nhịn được phì ra cười và ho thành tiếng, mặt đỏ ké lò dò bước vào nhà, cha quay sang thấy tôi liền nghiêm sắc mặt dặn dò “Vinh Tử, mai mốt đi chơi nhớ về nhà sớm, hạn chế đi đường núi, phải cẩn thận đừng chạy lung tung”, nói xong ông quay sang tiếp tục câu chuyện dang dở với mẹ “Tôi chắc chắn không nhìn nhầm, không thể nhầm được thật mà”.
Tôi nhảy lên giường trùm chăn qua đầu và cười khúc khích, để bảo vệ mình tôi quyết định giấu kín bí mật này, ngay cả ông nội tôi cũng không tiết lộ.
Năm 1966 lúc đó tôi 5 tuổi, hôm đó cả ngày bầu trời âm u, bên ngoài trời mưa lất phất, thời tiết này ra sườn núi phía sau bắt ốc sên là tuyệt nhất. Tôi đánh răng rửa mặt, bốc vội chiếc bánh bao nhét vào mồm và dợm chân bước ra khỏi cửa thì mẹ gọi giật lại “Vinh Tử, đừng ham chơi quá nha, trời sắp mưa to rồi”, tôi nghe xong nhanh chân chuồn ngay tắp lự. Sắc trời càng lúc càng xám xịt, gần đến chập tối còn cả sấm sét giật đì đùng, tôi và mấy anh em họ bắt được cả xô nhỏ đầy ốc sên, tôi còn thu được một chiến lợi phẩm là con ốc sên tù trưởng to bằng nắm đấm tay, vẫn chưa hài lòng tôi vẩy vẩy bàn tay lấm lem bùn đất kêu mấy anh em “Đi, mình ra sau núi bắt, sau đó chắc chắn còn nhiều hơn nữa”.
Vừa đi vài bước mưa liền nặng hạt, cả đám đang do dự thì nghe tiếng bước chân chạy rất gấp rút từ xa tiến lại, tôi quay lại nhìn thấy bác cả đang chạy thục mạng tới sắc mặt nhợt nhạt, bác cả thò tay giật lấy cái xô ốc sên trên tay tôi vứt xuống đất và quát “Mấy đứa còn chơi được nữa ư? Vinh Tử, ông nội bị xe tông rồi”, tôi còn chưa kịp phản ứng thì bác đã lôi tôi chạy đi, vừa quay sang đôi chân tôi đúng lúc đạp lên mình con ốc sên tù trưởng, một tiếng “rốp” vang lên khô khốc,tôi hoảng hốt ngoái đầu xuống nhìn, con ốc sên đã bị giẫm nát bét.
Mưa càng lúc càng nặng hạt, chưa bao giờ tôi cảm thấy đường về nhà lại xa như vậy. Trong bóng tối chỉ có ánh sáng trắng từ chiếc đèn rọi ra và bốn bóng người đang chạy thục mạng. Cuối cùng cũng về đến nơi, cả dãy nhà tối om chỉ có ánh đèn vàng vọt hắt ra từ phía điện thờ, tôi giằng ra khỏi tay bác cả chạy vào điện thờ. Cha mẹ đều đang ở trong đó, đôi mắt đỏ hoe, và tôi nhìn thấy ông nội, ông được đặt nằm trên một tấm phản gỗ ngay giữa điện thờ, toàn thân phủ vải trắng che hết cả khuôn mặt. Trong tâm trí một đứa trẻ 5 tuổi tôi đang nghi hoặc, liệu đây có phải là “cái chết” mà người lớn hay nói đến không?
Tôi không dám nhúc nhích cho đến khi mẹ bế tôi lên tay nức nở “Ông nội con bị một chiếc xe tải tông chết rồi”. Tôi nhìn thấy chị hai cũng đang khóc, hoá ra con người ta khóc là vì mất đi người mà chúng ta yêu quý. Sau đó rất nhiều người đã đến điện thờ, tôi nép vào một góc lấy tay che nửa mặt im lặng nhìn ông nội được người ta khiêng lên và đặt vào trong một cái hộp gỗ hình chữ nhật. Cha đỡ mẹ và miệng lẩm nhẩm đọc vài lời từ biệt, lúc này đột nhiên tôi nghĩ đến liệu sau này mình còn được nghe kể chuyện nữa hay không? Chuyện “ngày xửa ngày xưa” còn chưa kể hết cơ mà. Tôi cứ nghĩ luẩn quẩn mãi như vậy trong đầu rất lâu mà vẫn không có câu trả lời.
Xem thêm: Hidetoshi Nakata: từ bỏ hào quang tuổi 29, đi vòng quanh thế giới tìm bản ngã
Có tiếng ai đó kêu “Vinh Tử, Vinh Tử”, tôi ngước đầu nhìn lên thấy cha đang vẫy tôi qua, cả điện thờ đột nhiên im phăng phắc, tất cả ánh nhìn của mọi người đều tập trung vào tôi. Tôi xiết chặt nắm đấm tay nhỏ xíu của mình bước đến trước mặt cha, bên cạnh chính là cái hộp chữ nhật đó, chẳng hiểu nó đã được đậy nắp lên từ lúc nào. Cha đưa ra một cây đinh dài “Vinh Tử, lúc còn sống ông nội thương con nhất, theo tục lệ sau khi ông mất cây đinh cuối cùng trên nắp quan tài sẽ phải do chính tay con đóng lên. Tôi ngơ ngác cầm lấy cây đinh đặt lên lòng bàn tay, nó nặng trịch và dài gần bằng cả bàn tay của tôi. Tôi nhón chân lên muốn nhìn vào xem trong hộp gỗ có những gì thì cha đã nhanh tay bế tôi lên và nhét vào tay tôi một cái búa. Tôi đặt cây đinh vào góc trái của nắp gỗ rồi ngước mắt nhìn cha, ông gật gật đầu ra ý và nhướng mắt về phía cái búa, tôi hít một hơi dùng sức gõ búa xuống cái đinh, từng nhát từng nhát, mỗi nhát lại càng nặng nề hơn.
Đó là câu chuyện xảy ra vào năm 1966.
>> Đọc tiếp: Tự truyện của Lưu Đức Hoa – Phần 2: Chẳng bỏ phí việc ăn chơi
—
Menback.com
Theo: AndyLauFC