Tự truyện của Lưu Đức Hoa: Tình nồng yêu mãi (浓情爱不完) – cuốn tiểu thuyết này được phát hành vào tháng 5 năm 1992, nội dung kể về cuộc đời của Lưu Đức Hoa từ thời thơ ấu đến mối tình đầu rồi bước chân vào showbiz; từ khi đóng vai phụ đến lúc nhận vai chính trong phim Thuyền Nhân (còn gọi là Cuồng Bôn Nộ Hải) rồi chia tay cuộc tình với Dục Khả Hân; từ giai đoạn nổi tiếng với phim truyền hình đến lúc bị đóng băng và đầu quân sang điện ảnh, Lưu Đức Hoa sẽ từ từ kể hết những ngọt ngào và cay đắng của anh cho tất cả chúng ta cùng biết.
>> Xem phần 1: Tình nồng yêu mãi (phần 1): Tiểu khắc tinh thôn Thái Hưởng
Tình nồng yêu mãi (phần 2): Chẳng bỏ phí việc ăn chơi
Cha tôi là một dũng sĩ, hơn 20 năm trước chỉ với câu nói “Tôi sẽ chuyển lên thành phố sinh sống” đã đưa cả gia đình 8 nhân khẩu rồng rắn tiến về phố thị. Đúng với tinh thần không run sợ của một người mạnh mẽ, cha không hề quan tâm đến sự phản đối từ gia đình bạn bè cũng như những ánh mắt lườm nguýt của dân cư trong thôn, nói đi là đi kiên quyết vô cùng. Cách của ông khiến mọi người bực bội nhiều hơn là ngạc nhiên, và việc nhận được những lời đàm tiếu là chuyện thường ngày ở huyện. Hôm nào cũng có cả đám mấy bà thím nhiều chuyện bu xung quanh nhà dòm ngó dè bỉu, khi thấy mẹ tôi bước ra thì làm bộ cười giả lả dùng giọng châm chọc “Ôi dào, thím Lưu sắp sửa chuyển lên thành phố ở cơ đấy, oai quá nhỉ” vô cùng đáng ghét.
Tự truyện của Lưu Đức Hoa
Còn tôi thì đột nhiên cũng mất đi một mớ bạn bè vì mấy bà mẹ đều cấm con của họ chơi với tôi. Đám vô công rỗi nghề trong thôn mỗi lần thấy chị em tôi đi ngang qua đều mắng với theo “Đồ phản bội, ham mê vật chất”, có lần bực quá không nhịn được tôi nhặt mấy cục đá chọi thẳng vào đám người đó khiến chúng nó u đầu mẻ trán thì lúc đó tôi mới hả dạ.
Đôi lúc tôi nghĩ nếu không phải nhờ tư tưởng tân tiến của cha, dám vượt rào làm cuộc cách mạng dọn nhà, rồi sau khi lên thành phố lại cố gắng lao tâm lao lực cho cuộc sống thì thế hệ họ Lưu sau này của chúng tôi không chừng bị chiều hư mất, cái kiểu của mấy ông nội cơm đến miệng thì ăn, trà đưa đến tay thì cầm, nuôi móng tay út dài cả khúc, miệng ngậm điếu thuốc phà khói phì phèo, mỗi sáng xách lồng chim sáo ngông nghênh đi đến Yên Vân đại trà lầu ngồi vào chỗ luôn được đặt trước sát cửa sổ ngắm trời ngắm mây xem ca kịch, thỉnh thoảng hắng giọng ngâm nga vài câu trong “Mẫu Đơn Đình Kinh Mộng”, hưởng thụ cuộc sống. Nhưng cha tôi không phải là địa chủ, ông chỉ là một dũng sĩ, mà số phận dũng sĩ là phải lăn lộn ở sa trường, vì vậy con cháu của ông cũng không ngoại lệ.
Nửa đêm, nhà bên cạnh không biết ai đang mở bài “Whatever will be, will be”, khi còn bé xíu tôi đã hỏi mẹ:
-Lớn lên con sẽ ra sao hả mẹ? Có đẹp trai không? Có giàu không?
Mẹ đã trả lời tôi:
-Con trai à, sau này lớn lên con có bao nhiêu thì là bấy nhiêu thôi, chúng ta đâu thể nào biết trước được tương lai.
Khi đã trưởng thành và bắt đầu yêu tôi lại hỏi nàng:
-Chúng mình sẽ trải qua cuộc sống như thế nào nhỉ? Có rực rỡ như cầu vồng không? Có thể sống như vậy ngày này qua ngày khác đến trọn đời không?
… và nàng dịu dàng trả lời:
-Anh yêu à, mình làm sao biết trước được tương lai, nhưng chúng ta đã chọn đi con đường như thế nào thì cuộc sống chúng ta sẽ mở ra như thế ấy.
Tôi dựa vào thành giường đẩy cánh cửa sổ và để nó đu đưa thành tiếng. Cuộc sống đôi khi giống như một bài ca xưa cũ không hề mang tính sát thương, dịu dàng mềm mỏng ngân nga liên tục xoáy vào tai bạn.
Tôi với tay lấy quyển album để trên tủ đầu giường, lần trước một fan hâm mộ đã tự tìm đến trường quay tặng cho tôi. Lật mở từng trang đều là những tấm ảnh mấy năm qua của tôi: Cổ trang, hiện đại, trên sân khấu, trong hậu trường, ảnh nghệ thuật, ảnh đời thường…, đợi chút, đây là gì vậy? Tôi lật ngược lại tấm ảnh vừa rồi, đó là một tấm hình đen trắng thời thơ ấu lúc tôi khoảng 6-7 tuổi đang nắm tay chị và đeo cặp đi học. Tấm ảnh đã ố vàng và tôi cũng không nhớ nó được chụp ở đâu nữa, nhưng chắc chắn đó là thời gian nhà tôi đã dọn ra khỏi Đại Phố và chuyển đến núi Kim Cương. Lúc này có lẽ là tôi vừa vào tiểu học, bàn tay nhỏ xíu nắm chặt lấy tay chị, đôi mắt nhìn về một nơi xa xăm, ánh mắt cũng nói lên phần nào mối quan hệ của tôi trong gia đình từ trước tới nay- tuy lòng luôn hướng về nhau nhưng không hề biểu lộ tình cảm ra ngoài. Lúc còn nhỏ ở trong nhà tôi như là đứa câm vậy đó, rất ít nói, tan học về nhà là cắm cúi làm bài tập, làm xong tự ngồi xem tivi, tự chơi một mình. Mẹ tôi thấy vậy rất sợ tôi có vấn đề bèn dẫn tôi đến chùa cầu thần Phật bảo hộ, tôi bị bắt uống cả chục loại nước thánh pha từ tro nhang mùi vị kinh khủng vô cùng. Nhưng nước thánh uống bao nhiêu cũng vẫn thấy tôi lặng im như cục gỗ chẳng hề mở miệng, mẹ cũng chẳng biết phải làm sao ngoài việc lo lắng trong lòng. Tôi có 3 người chị, 1 em trai và 1 em gái, trong nhà tổng cộng 6 đứa con, ba tôi còn mở một cửa hàng bán tạp hoá và kho đông lạnh nên kẻ ra người vào ồn ào tấp nập, cả ngày nhộn nhịp ầm ĩ cứ như khu vui chơi vậy đó. Có lẽ do hoàn cảnh tác động lên con người chứ tính cách tôi đâu phải là như vậy, cho đến bây giờ tôi cũng chẳng hiểu nguyên do tại sao lúc đó không phải do cãi nhau với người thân trong gia đình, cũng không phải do giận lẫy gì mà cứ hễ từ bên ngoài bước chân về đến nhà là tự dưng miệng tôi câm như hến không chịu nói chuyện. Chúng tôi đều phụ giúp một tay trong tiệm tạp hoá và kho lạnh, mọi người chia nhau công việc để làm rất vui vẻ, nhưng cả ngày trời tôi cũng chẳng nói quá 30 câu với người nhà.
Năm đó tôi, chị hai, chị ba và em trai đều học ở trường tiểu học Hoàng Đại Tiên, tôi và chị hai cùng học buổi chiều nên chị sẽ dẫn tôi đi học, tôi luôn luôn đi trước chị, ngó nghiêng xung quanh, đá mấy viên sỏi và vỏ chai nước ngọt, có những lúc chị hai đi phía sau phải kêu giật giọng “Vinh Tử, đừng chạy nhảy lung tung nữa”. Sau khi tan học chị ấy lại chờ tôi để cùng về, hai chị em chẳng bao giờ trao đổi việc học hay những bực dọc trên lớp, mới nhỏ xíu đã học được cách không càm ràm, không than vãn và áp dụng rất triệt để.
Bây giờ thì khác hoàn toàn, giờ tôi về đến nhà là luyên thuyên liên hồi như con két đang tập nói, thích tụ tập những nơi náo nhiệt. Đôi lúc quay phim mệt mỏi trở về nhà thấy chị gái và cháu gái vẫn còn ngồi trên sopha tôi sẵn sàng hy sinh luôn vài tiếng đồng hồ nghỉ ngơi để ngồi buôn dưa lê với họ, kiểu như sợ rằng lỡ sang ngày hôm sau họ hoá câm không thèm nói chuyện với tôi nữa. Đôi lúc ngồi nghe 2 đứa cháu 3 tuổi và 5 tuổi lè nhè bằng giọng trẻ con “Trời ơi, phiền quá đi” làm bản thân tôi cũng buồn cười, nhỏ xíu vậy có gì để phải buồn phiền chứ.
Trước giờ tôi chẳng hề bỏ phí việc ăn chơi, bản thân cũng khá thông minh nên ngoại trừ giờ học phần lớn thời gian tôi sử dụng trên sân vận động, học kỳ nào cũng thấy tên Lưu Đức Hoa đăng ký đầy đủ các lớp năng khiếu: thư pháp, đá banh, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, cờ vua, cờ tướng, nhảy cao, nhảy xa, chạy bộ v.v.
Trừ những giờ trên lớp, thời gian còn lại là để dành tụ tập bạn bè, mỗi ngày ngủ dậy tôi luôn cảm thấy sao mặt trời mau lặn như vậy. Đi học nghiêm chỉnh, tan học phá phách nhưng bài tập vẫn nộp đầy đủ, tôi luôn là một học sinh như vầy : không phải giỏi nhất nhưng cũng chẳng dở nhất, kiểu bỏ thì thương mà dạy thì mệt, là thành phần học sinh khiến các thầy cô giáo cảm thấy hại não nhất.
Đến năm lên lớp 11 hầu hết học sinh đều nhăn nhó suy nghĩ khi phải chọn giữa môn Văn và Lý để chia chuyên ngành, riêng tôi đã có quyết định của mình. Cô giáo chủ nhiệm hỏi tôi “Lưu Đức Hoa, em chọn môn nào? Môn Văn đúng không? Văn em cũng được lắm”, tôi lắc đầu “Em chọn môn Lý”. Cô giáo chủ nhiệm tròn mắt ngạc nhiên và cảm thấy khó hiểu, tôi mạnh dạn giải thích:
– Em là người Trung Quốc mà, người Trung Quốc chẳng lẽ còn sợ học dốt tiếng Trung sao? Nếu đã được phép chọn sao không nhân cơ hội này chọn học thêm môn nào mình ít hiểu biết nhất. Nếu học Văn, sau này em chỉ biết Văn thôi, nhưng nếu giờ em chọn Lý thì sau này ngoài Lý ra em vẫn hiểu về Văn. Học thêm một thứ thì cũng có mất mát gì đâu?
Lý đó lý trấu tràn giang đại hải khiến cô chủ nhiệm cũng chẳng thể phản bác được gì. Kết quả tôi vẫn chọn môn Lý như mong muốn, lại còn làm vỡ cả mắt kính của cô giáo.
Thi cuối cấp năm lớp 12, môn Vật Lý của tôi đạt điểm cao nhất trường, đây là lần nhận được bằng khen loại giỏi oai phong nhất của tôi trong suốt những năm học trung học. Tôi còn nhớ hôm phát bảng điểm tôi đã đến trường rất sớm để chờ nhận nó, tự tin thì có thừa nhưng thật sự tôi không ngờ mình thi được điểm cao nhất. Học kỳ năm đó tôi là thủ khoa của trường. Tôi cầm bảng điểm vui mừng chạy một vòng lớn xung quanh sân vận động, bạn bè xúm vào dành giật và chuyền tay nhau tới lui để xem, vui quá lại hoá buồn, tấm giấy vốn đã nhăn nheo khi qua tay các bạn học giờ bị rách te tua. Tôi bất lực đứng nhìn chẳng biết nên khóc hay nên cười, vội vàng chạy xuống phòng giáo viên xin ít hồ dán để cứu vãn, tuy đã dán lại được nhưng nhìn mảnh giấy lại càng dúm dó thảm hại vô cùng.
Khi tôi đưa cho cha tờ bảng điểm nhàu nhĩ ấy, ông cau mày cầm nó lật qua lật lại xem tới xem lui rồi “ừm” một tiếng với vẻ mặt đầy nghi ngờ và hỏi:
-Tại sao một tờ thành tích lành lặn lại ra nông nỗi này ?
– Bạn học của con chuyền tay nhau xem lỡ làm rách ạ.
– Cầm xem đàng hoàng mắc gì lại rách?
– Tụi nó giật tới giật lui nên mới vậy .
Khuôn mặt cha vẫn rất do dự, nhìn vào đôi mắt ông tôi chợt hiểu ra tất cả, tôi nhảy dựng lên :
– Cái gì, ba nghi ngờ tờ giấy thành tích này là của con là giả sao???
Bị nói trúng tim đen mặt cha tôi có chút ngần ngừ:
– Ba chưa bao giờ nghi ngờ năng lực học tập của con, huống hồ học hành thi được điểm cao cũng là điều cần thiết phải làm.
Nói xong ông bỏ đi. Tôi hậm hực nói không nên lời, vậy là ý gì đây? Tựa như bị người ta tạt thẳng vào mặt một gáo nước lạnh, buồn bực liên tục mấy ngày liền. Nhưng tôi không vì việc đó mà giận cha, tính tôi và ông rất giống nhau , đều mau nổi nóng nhưng cũng rất chóng quên, chẳng bao giờ để bụng hay thù dai bao giờ. Hơn nữa tuổi trẻ mà, những việc không vui sẽ quăng ngay tức khắc, nghỉ hè không thể để phí phạm được. Tôi vứt hết sách vở vào tủ quần áo và tròng vào người cái áo thun, ngày nào cũng chơi đến nhem nhuốc mới mò về nhà.
Có lần cả đám chơi cũng điên lắm, định ăn trộm ổi nhà hàng xóm, đó là nhà ông thợ rèn người Triều Châu, nhà đó cứ sáng đi tối mới về. Chúng tôi đã lên kế hoạch chi tiết cho đường vào và ra như thế nào như thế nào hết cả rồi. Tôi vỗ ngực anh hùng nói:
– Để tớ đi, mấy cậu canh gác cho tớ.
Tôi xắn tay áo, nhảy lên dùng hai tay bám và đu lên mái nhà, từ từ rón rén quay người định nhảy từ trên đó xuống vườn phía sau. Bỗng một tiếng “ầm” cực lớn nổ lên, cả cơ thể tôi lọt qua mái nhà và rơi thẳng xuống đất lăn tròn đến trước một cái bục sắt. Tôi hét lên “ui da”, mặt ngoài đùi đau nhói, theo bản năng tay tôi áp ngay vào chỗ đau, chết rồi, cả bàn tay đầy máu. Tôi cúi đầu nhìn xuống, vết rách dài hơn cả tấc máu tuôn như suối, đám bạn sợ cứng hết cả người, khuôn mặt từ xanh chuyển sang đỏ rồi từ đỏ chuyển sang trắng. Tôi bịt vết thương cố gắng gượng đứng dậy, Chu Cường chạy vào nhà tắm của ông thợ rèn lấy ra một cái khăn mặt, tôi giật lấy nó lau sạch vết máu trên sàn nhà và nói “chạy mau thôi”.
Đám bạn đỡ tôi bỏ trốn, chạy liên tục qua mấy con đường mới dám dừng lại để thở, tôi đau tới mức toàn thân toát mồ hôi lạnh. Tôi khom người ngồi bệt trong một con hẻm nhỏ kiểm tra vết thương, cúi đầu xuống nhìn lập tức thấy cái bụng toàn mỡ của mình, tặc lưỡi tự mắng “Đáng đời, mập như con heo hèn gì sập cả mái nhà người ta”, đúng đồ anh hùng rơm,bộ tưởng mình biết khinh công vượt tường bay như chim chắc. Rút cục cả tháng trời tôi phải mặc quần dài để cha mẹ khỏi nhìn thấy vết thương và phát hiện ra những trò tai quái của mình. Lúc này đang là mùa hè, lẽ ra phải mặc quần sọt cho mát, còn tôi cả ngày mặc quần dài, nóng nực tới mức hai bên đùi nổi sẩy vừa ngứa vừa đau khó chịu vô cùng. Tức quá tôi thề sẽ phải học cho được võ công, suốt cả hè học theo Lý Tiểu Long múa côn nhị khúc, tôi bẻ hai chân của cái ghế nhựa ở nhà, dùng dây buộc lại coi đó như côn nhị khúc múa may quay cuồng và bị phang vào đầu mấy lần. Nếu có mùa hè nào bạn nhìn thấy trên sân bóng của khu núi Kim Cương có 4 đứa cao thấp mập ốm đang múa côn nhị khúc thì để tôi nói bạn nghe, cái thằng mập trong đám ấy chính là tôi đó (đứa còn lại không biết có phải Châu Tinh Trì hay không?).
>> Xem thêm: Tự truyện của Lưu Đức Hoa phần 3: Thất Hiệp trường Khả Lập
—
Menback.com
Theo: AndyLauFC