Bài viết này là phần cuối cùng trong loạt bài ‘hiểu về bản ngã‘ của tác giả Nghệ với tựa đề ‘Lạc lối trong ánh sáng’. Mỗi một phần trong loạt bài viết này sẽ tương ứng với từng giai đoạn nhận thức của chúng ta về bản ngã. Các bạn hãy đọc 3 phần đầu tiên trước khi đến với bài viết này nhé.
- Phần 1: Chúng ta không Khổ như chúng ta nghĩ
- Phần 2: Chúng ta không Quan Trọng như chúng ta nghĩ
- Phần 3: Chúng ta không Tốt như chúng ta nghĩ
Từ những biểu hiện khá thô rất dễ nhận biết trong phần 1. Rồi đến những cái vi tế hơn, tinh vi hơn trong suy nghĩ và lý trí của chúng ta ở phần 2. Rồi lại đi sâu thêm một lớp nữa để anh em nhận thấy cái tốt / xấu ở đời nó tương đối như thế nào ở phần 3. Thì phần cuối sẽ là những lớp vỏ cuối cùng của bản ngã siêu thông minh này, nhất là dành cho ai đang nghĩ mình là ‘người tốt’ hay là ‘người đặc biệt’ trong cuộc đời này.
Xưa giờ, chắc anh em chỉ nghe, người ta lạc lối trong bóng tối mà thôi, chứ làm sao có thể ‘lạc lối trong ánh sáng’ được. Thú thật, trên chính trải nghiệm của tôi, thì việc lạc lối trong ánh sáng còn khó bước ra hơn cả việc lạc lối trong bóng tối rất rất nhiều lần.
Xin kể cho anh em nghe 1 câu chuyện về vị Tu sĩ có đạo lực rất thâm sâu. Vị đạo sĩ này có hơn 20 năm tu tập trên núi, nhập thất tham thiền rất miên mật. Cảm thấy mình đã chín mùi, nên ông quyết định xuống núi để bắt đầu hành trình đi phổ độ chúng sanh của mình. Ông đi đến đâu thuyết pháp đến đó, giúp đỡ được rất nhiều người, dần dần qua thời gian, người đời tôn ông như 1 vị Bồ tát sống, vì nơi nào có ông đến thì năng lượng bình an được trao đến nơi đó ngay.
Ông cứ đi từ làng này đến làng khác, thành phố này đến thành phố khác, cũng suốt 3-4 năm gì đấy, rất rất nhiều người được ông truyền pháp. Thì một hôm, ông đặt chân đến một ngôi làng và quyết định trú lại vài hôm rồi đi tiếp. Dân làng biết danh tiếng của ông nên họ đến cúng dường và xin nghe pháp nhiều lắm.
Giảng pháp được mấy hôm thì có 1 người trong làng bảo ông, ở cuối làng này, có một ngôi đền nhỏ, trong đền này không thờ gì cả nhưng ngay trung tâm thì có để 1 cái tượng mặt Quỷ. Không ai dám đặt chân đến đó vì cả chục năm nay, ai bước vào thì không bước ra nữa. Chỉ nghe truyền thuyết là, tượng quỷ này có thể nhìn thấu tâm can của người bước vào, nếu ai bước vào mà khởi ‘tâm tham’ hay ‘tâm sân’ dù chỉ mới lóe lên trong suy nghĩ thì họ sẽ biến mất ngay lập tức. Riết rồi dân làng ở đây đặt tên luôn chỗ đấy là “ngồi đền lạc lối”.
Nghe xong, vị Đạo sư này im lặng, chưa kịp nói gì thì có 1 dân làng khác bảo tiếp, hay là Ngài đến cái đền đó để giải thoát cho con quỷ đó xem sao… chứ nó ở đây lâu lắm rồi, không ai dám đến vì nghe truyền thuyết sợ quá, vài năm trước có vài vị Thầy khác như Ngài, có vào nhưng cũng không ra… chắc do đạo lực họ còn yếu!
Đạo sư nghe xong, im lặng một lúc rồi đáp, sáng mai ta sẽ đi đến ngôi đền đó thử xem. Cả dân làng nghe xong vui mừng lắm.
Sáng hôm đấy, ông đi thong thả một mình đến ngôi đền, bước vào, đúng như dân làng kể, một căn phòng trống nhưng chính giữa có 1 cái tượng Quỷ thật. Ổng quan sát xung quanh, rồi nhìn thẳng vào mặt quỷ, thì tự nhiên ở đâu có 1 tiếng nói vang lên trong đầu ông: “ông đến đây làm gì?”, con quỷ hỏi.
Vị đạo sư vẫn điềm tĩnh, “ta đến giúp ngươi đấy”. Một giọng cười lại vang lên, “ai giúp ai, ông giúp tôi, hay tôi giúp ông?”
“Tất nhiên, là ta giúp ngươi rồi, giúp ngươi tái sinh thành người hay những cõi cao hơn, chứ kẹt trong hình tướng ma quỷ để làm chi”, vị đạo sư đáp.
Con quỷ cười phá lên, “tôi ổn, không cần giúp đâu, tôi là quỷ rồi, nên không cần cố gắng thành con quỷ to hơn giống ông đâu!”
Vị đạo sư hơi đổi sắc tý nhưng tâm vẫn chưa dao động, “thế à, chắc ta với ngươi không có duyên rồi, thế ta đi đây!” Con quỷ lịch sự chào ông, “cám ơn ông đã đến thăm! ông đi mạnh giỏi.”
Vị đạo sư quay mặt bước đi, hướng về chỗ cổng ra, tuy nhiên ông bước rất chậm… 1 bước, 2 bước,… đến bước thứ 3, thì ông quay lại, “mà ngươi có chắc là không cần giúp, không muốn tái sinh thân thể khác à…”
Chưa kịp dứt câu, thì vị đạo sư biến mất… và từ đó dân làng không còn thấy ông xuất hiện lại nữa.
Anh em có biết tại sao không?
Khả năng thôi, ngay khúc cuối cùng bước ra, vị đạo sư đã khởi tâm ‘tham’ rất vi tế, dù ban đầu muốn giúp nhưng con quỷ vẫn từ chối nên ông vẫn cố quay lại để thuyết phục giúp. Không lẽ cả đời ai cũng độ được mà con quỷ đó không độ được sao, đạo lực thâm sâu mà.
Tôi kể câu chuyện này thì không có ý gì với những bậc Tu sĩ đang trên con đường tu tập cả, nhưng đây là câu chuyện để chúng ta thấy rõ hơn, rằng cái bản ngã vi tế này nó siêu thông minh đến mức nào. Nhiều lúc, chính chúng ta đã nghĩ mình tốt đẹp, thuần khiết, trong sáng lắm rồi… nhưng thực tế cái bản ngã nó che mắt chúng ta hay lắm.
Khi chúng ta thấy mình là người tốt, mà nếu người khác không cho phép mình làm người tốt nữa thì lúc đấy mới biết, tâm mình có yên ổn thực sự hay không.
2 năm qua, những cụm từ như, “tỉnh thức”, “giác ngộ”, “quay vào bên trong”, “trở về với nguồn”, “hòa nhập với thượng đế”, “cái Thấy, cái Biết, Chân như, Chân Tâm, Chân phúc,…” xuất hiện với tần suất cực kỳ bất thường. Nhiều đến mức, nhiều người đang trên con đường tu thân cũng dễ bị nhầm lẫn rằng mình đã “tỉnh thức” rồi… nhưng hãy coi chừng!
Có thể, đó là một trò chơi mới, ‘trò chơi tỉnh thức’ hay ‘trò chơi giác ngộ’ do chính bản ngã vi tế này tạo ra… để anh em có 1 điểm tựa mới, 1 điểm đến mới, 1 mục tiêu mới để trở thành cái gì đó hay ho.
Trò chơi nó sẽ thế này, chúng ta sẽ buông bỏ cái bản ngã A… rồi trở thành 1 cái bản ngã B… trông có vẻ tỉnh thức và tốt đẹp hơn rất nhiều… tuy nhiên, chỉ là 1 vỏ bọc mới.
Cách kiểm tra thì dễ lắm, dù anh em đang ở đâu, tỉnh thức đến mức nào rồi thì cứ tự hỏi mình, anh em có thấy mình quan trọng không, rồi có thấy mình đặc biệt hơn không, rồi nếu muốn giúp ai đó mà họ không muốn, hay không chịu, anh em có thấy khó chịu không. Rồi nếu ai đó, chê anh em ngu, chê anh em ác, lấy đi cái danh ‘tốt’ của anh em… thì lòng anh em có yên không?
Trả lời trung thực nhất, thì anh em sẽ biết, liệu mình có đang từ bỏ 1 trò chơi A để qua trò chơi B? Trò chơi tu tập, trò chơi thiền… tôi không nói việc tu tập, thiền, sống tốt là không đúng… nhưng anh em vẫn phải kiểm tra… vì đôi lúc mình cố gắng sống tốt lên chỉ vì sự công nhận của người khác đấy.
Tôi có 1 thằng em, nó thì quậy nổi tiếng rồi nhưng tâm nó thì lành. Có lần nó bảo tôi, đang chạy xe thì thấy 1 Cụ bà đang đẩy nguyên 1 xe ve chai khổng lồ qua ngã tư. Nó thấy tội quá, nên đậu xe lại để chạy qua đẩy phụ. Cái hay của thằng này là nó rất trung thực với tôi, nó bảo, nếu mà lúc đó, có nhà báo hay đài truyền hình hay ai đó quay video lại cảnh giúp đó của em thì hay anh nhỉ… lan tỏa được 1 hành động đẹp và em cũng nổi tiếng theo luôn. Nó kể vui thôi nhưng nó biết nghĩ thế là THAM, tham cái danh, tham làm tốt để người khác công nhận.
Chuyện tiếp theo nữa, ở một ngôi chùa gì thì tôi quên tên rồi, nhưng Thầy trụ trì nổi tiếng lắm, hiền lành như Bồ Tát đấy, nên Phật tử theo ông nhiều lắm. Rồi một hôm có anh Phật tử đến bảo Thầy, là cho ảnh bán vé máy bay cho đại chúng của Chùa, tiền lời thì sẽ cúng dường để Thấy giúp người nghèo. Thầy nghe vậy nên hoan hỷ, tôi không nhớ cái lễ gì, nhưng trong 2 ngày, người ta ủng hộ mua vé hơn 70-80k đô (hơn 1.5 tỷ đấy)… rồi qua ngày sau, người đàn ông kia biến mất… không có vé nào được xuất ra cả.
Vụ này rất lớn, xảy ra cũng 5-6 năm rồi, rất nhiều Phật tử kêu cả cảnh sát đến Chùa để bắt Thầy, vì bảo Thầy với ông kia lừa đảo… làm rùm beng cả 2 tuần. Ngày nào cũng có nhóm đông Phật tử đến để chửi bới rồi bắt Thầy đền tiền, chỉ số ít thấy thương nên bỏ qua. Nhưng nhiều báo chí đăng cả tin, Sư Thầy lừa đảo Phật tử… nhục lắm anh em ạ.
Kết cục câu chuyện thì Thầy này treo cổ tự tử trong sự bàng hoàng của tất cả… chỉ để 1 bức thư, ghi ngắn gọn, là Thầy không làm, mong các con tha thứ.
Tôi không biết duyên nghiệp nào mà dẫn đến cái tình huống trớ truê như thế. Nhân quả thì chắc chắn không chừa 1 ai, kiếp này dù tích phước cỡ nào, nhưng nợ kiếp trước thì phải trả thôi. Tôi thấy tiếc cho 1 câu chuyện như thế, nhất là Sư Thầy, tôi cũng không dám nói Sư Thầy nên làm gì là tốt nhất, dù Thầy đã chọn tự tử để bảo vệ cái danh của mình. Sai hay đúng thì do mỗi người chúng ta tự chọn.
Xưa giờ chúng ta cứ bảo nhau, chết là cái đáng sợ nhất, nhưng sự thật thì không đâu, mất cái ‘danh’ mới là đáng sợ nhất. Nó cũng là nỗi sợ lớn nhất của bản ngã, thà chết chứ không để mất danh.
Khi còn bám chấp vào cái danh đó thì thường sẽ chọn con đường tái sinh tiếp để cái danh này tiếp tục biểu hiện trên 1 thân thể mới.
Buông bỏ tất cả rồi… nhưng cái danh vẫn là cái chướng ngại khó nhất. Nên khi tâm ta còn muốn trở thành ai đó, trở thành gì đó.
“Tôi giác ngộ”, “tôi tỉnh thức”, “tôi là thượng đế”… thì hãy cẩn trọng… vì có thể cái tỉnh thức đó chính là cái màn che mới của bản ngã vi tế hơn đã tạo nên.
Khi mình thấy mình tỉnh thức thì mình sẽ rơi vào trò chơi của việc đi giúp người… mà thật ra chuyện giúp người chỉ đơn giản là, ai thiếu mà mình có dư thì mình chia sẻ thôi. Không ai cao hơn ai cả, không ai giúp ai ở đây cả, hãy quan sát tâm mình thật kỹ. Dù cả chuyện giúp người, tâm ta vẫn so đo… Ngay cả khổ, tâm ta vẫn giành là người khổ nhất.
Xưa giờ được khen là người hiền lành nhất công ty, tự nhiên xuất hiện 1 em A, vừa xinh, vừa ngoan… người ta lại bảo em A hiền hơn cả mình… thì lúc đó xem mình có thực sự hiền hay không. Tỉnh thức cũng thế, ai cũng tung hô mình. Một ngày, người ta bớt quan tâm mình lại, vì xuất hiện 1 người tỉnh thức hơn thì người ta khen, bảo ông kia tỉnh thức hơn ông này… Sân hận hay không thì chỉ ngay lúc đó tự mỗi người mới biết thôi.
Công cụ dễ nhất để kiểm tra xem mình đang đúng hướng không, là hãy thường xuyên tự hỏi: mình có thấy mình cao hơn hay thấp hơn người khác hay không? Thấy mình giỏi hơn, xịn hơn không, hay tâm mình có so đo không? Nếu ai lấy đi cái danh mà mình đang quý và đang cố xây dựng… thì mình có làm mọi thứ để bảo vệ cái danh đó hay không?!
“Đạo cao một thước, ma cao một trượng”, anh em hãy khắc ghi.
Khi anh em càng đi sâu hơn, thấy rõ hơn về bản ngã của mình thì nó sẽ tung ra những con quỷ xịn hơn, thông minh hơn rất nhiều để đánh lừa và dẫn dắt anh em vào những trò chơi êm ái mới. Còn bình thường thì chỉ cỡ Quỷ ruồi muỗi đến quậy anh em thôi… Vậy mà anh em đã banh xác rồi. Chứ để đích thân Ma Vương tới quậy thì phải tầm chánh đẳng chánh giác như Thái tử Tất Đạt Đa trở lên.
Lạc lối trong ánh sáng là như thế.
Lạc lối ngay chính con đường tu thân, ngay con đường trở thành người tốt mà xưa giờ, lịch sử đã diễn ra nhiều rồi. Có nhiều dân tộc tự thấy mình ‘tốt’ hơn… còn bên kia xấu hơn… nên giờ phải đi giải phóng dân tộc người ta. Đời nó quái như thế.
Đừng bao giờ vì bảo vệ cái tốt của mình rồi lại đi gây hại cho người khác. Lạc lối trong bóng tối, ít nhất còn cố nhìn đâu đó có tý ánh sáng mà hướng đến. Chứ còn lạc lối trong ánh sáng thì không có điểm tựa nào để hướng đến đâu. Hãy luôn cẩn trọng quan sát tâm mình!
Nếu ‘tôi tỉnh thức’ thì tôi này là ai?! Ai tỉnh thức, ai giác ngộ?
Tác giả: Nghệ.
Đức tin và động lực sống
Người có đức tin thì động lực sống cực kỳ mãnh liệt. Và quan trọng nhất, chỉ có đức tin...