Bởi vì chẳng ai có vấn đề gì cả, chỉ là do tâm mình còn yếu ớt quá, từ từ sẽ ổn, mà thôi.
Trong bài viết “càng biết nhiều, thì càng phiền não”, tôi cũng đã nói, biết nhiều nhưng không biết điều, biết đủ thì dễ khổ. Biết nhiều mà tâm vẫn khổ thì thật ra là chưa biết gì cả.
Cuộc đời này nó hay ở chỗ, biết nhiều cũng chết, biết ít cũng chết, chỉ có biết quan sát và uyển chuyển thì mới sống yên ổn được.
Tôi gặp khá nhiều thiện tri thức, có vài người tôi cực nể phục vì khả năng lưu trữ thông tin trong đầu họ, phân tích và kết nối vấn đề cực kỳ tốt, nhưng họ vẫn tâm sự rằng họ chưa tìm được sự bình an đúng nghĩa tận sâu bên trong.
Cái bệnh chung của những người biết nhiều, là khi có một ai đó nói đúng chủ đề hay vấn đề mà họ tự tin rằng am hiểu nhiều hơn thì cái bản ngã của họ sẽ xù lông ngay. Bản ngã vi tế luôn thôi thúc họ phải chứng mình rằng “tao biết cái này rành hơn mày, hoặc làm tốt hơn mày”, nó sẽ luôn như thế.
Sự đố kỵ ngầm sẽ diễn ra rất nhẹ nhàng và ít ai đủ tỉnh táo để quan sát rằng mình đang có vấn đề. Sự thật, chính tôi cũng đã bị rất nhiều vụ này, để quan sát được con quỷ đố kỵ đó cũng phải cần rất nhiều tình huống thực tế để va chạm. Thấm đòn vài lần thì tự động cái quan sát nó sẽ nhạy bén hơn.
Điều tôi chiêm nghiệm được, đó là bất kỳ tình huống nào xảy ra với tôi thì nó đều hoàn hảo cả.
Hoàn hảo là sự sắp xếp những con người, hoàn cảnh, tình tiết rất phù hợp để gửi gắm cho tôi một bài học cụ thể nào đó. Cái khó là chúng ta có đủ bình tâm để quan sát và nhận ra bài học đó hay không.
Nên khi đối diện với bất kỳ tình huống hay vấn đề nào trong game đời, nếu trong tâm tôi gợn gợn lên điều gì đó bất thường thì tôi đều ngừng lại một tý để hỏi:
- Do người ta quấy hay do tâm mình quấy?
- Do người ta có vấn đề hay tâm mình có vấn đề?
- Do người ta say hay tâm mình đang say?
Người Ấn Độ xưa có câu: “Những thứ đang xảy ra thì đều cần phải xảy ra!”
Ý câu trên là, mọi thứ xảy ra là đều chuẩn cả, dù xấu hay tốt trên nhận thức của mình thì nó đều mang lại một giá trị nhất định để chính sinh mệnh đó được trưởng thành hơn.
Bình tĩnh sống, là khi chúng ta không còn đổ lỗi hay đổ trách nhiệm cho người khác nữa, dù người ta đang làm nhiều điều không đẹp lắm với mình.
Tuy nhiên, ai mà làm cho tâm mình dao động lên, sân lên, giận lên, tham lên, điên lên thì bạn phải cảm ơn người đó, vì đó là lúc để chúng ta quan sát được ẩn sâu trong tâm mình đang nuôi dưỡng những con quỷ nào và hàm lượng tham sân si của nó đang bao nhiêu % rồi.
Nếu nóng quá thì bạn cứ quật lại cho sướng, nhưng đã cái cơn “máu” rồi thì cái hậu quả ngay sau đó cũng sẽ giúp bạn nhìn nhận lại tất cả, rút cuộc phản ứng thế cũng chẳng giải quyết được gì tốt hơn.
Cứ làm vài lần như thế trên cùng một tình huống thì chúng ta sẽ có kinh nghiệm.
Tất nhiên, có cái còn cơ hội học lại được, nhưng có cái rút kiếm ra rồi thì hậu quả khôn lường, không có lần 2 để rút kinh nghiệm, nên bạn phải cẩn trọng.
Nói gì nói, nhẫn nhịn ở đời luôn là minh triết nhất. Thiệt thòi ngắn hạn thì lại được nhiều thứ vào dài hạn.
Lúc loạn tâm thì tốt nhất bạn cứ làm việc khác đi, cứ để cảm xúc nó ở đó, khoan phản ứng, cứ quan sát từ tốn xem coi cái cơn nó đến đâu, rồi lâu lâu cứ hỏi “tại sao mình giận như vậy, sao mình sân như vậy?”…
Thực hành một thời gian thì bạn sẽ có cái quan sát bén hơn. Rồi sẽ nhận ra, rốt cuộc, chẳng ai có vấn đề cả, chỉ do tâm mình còn yếu ớt quá, hoặc nói cách khác, là do cái bản ngã vi tế này nó còn nhiều “bám chấp” quá thôi.
Bám chấp vào cái mình biết, bám chấp vào cái kiến thức, khôn ngoan mình có, bám chấp vào những cảm xúc và ý niệm thoáng qua…
Bám chấp thì ắt sẽ khổ, nên bình tĩnh sống thôi, chẳng có gì phải xoắn cả.
Nghệ
- Tự cứu mình chính là thuốc giải cho tất cả
- 13 cách để yêu thương bản thân mình
- Nội tâm đàn ông: sắc dục, ngoại tình và hôn nhân