Trên đời, có 2 dạng người ít phiền não:
– Một, là dạng người vô tri hay thần kinh vì họ chẳng nghĩ gì cả. Họ dễ vui, dễ cười… vì trong đầu họ rất ít định kiến về mọi thứ xung quanh. Họ hành động vô cùng bản năng, đói thì ăn, mệt thì ngủ.
– Còn dạng thứ 2, trông cũng khá ‘thần kinh’, họ cũng hay cười, dễ vui với những thứ rất đơn giản. Họ biết tất cả nhưng trông như chẳng biết gì cả, vì họ buông được những định kiến trong đầu. Khi mắt đã bớt bụi thì họ nhìn mọi thứ trở nên tự nhiên và trong sáng hơn.
Mỗi chúng ta khi bước vào cuộc đời này, sẽ có 1 hệ thống niềm tin khác nhau. Mỗi hệ thống niềm tin sẽ tạo nên 1 bản ngã hay 1 cái tôi khác biệt. Mỗi hệ thống niềm tin khác nhau sẽ nhìn thế giới với quan điểm khác nhau, điều đó cũng dẫn đến rất nhiều xung đột trong thế giới này.
Chiến tranh chính là hệ quả của việc xung đột giữa hệ thống niềm tin khác nhau của 2 cá nhân hay to hơn là của 2 tập thể.
Hệ thống niềm tin được xây dựng và bồi đắp thêm từ giáo dục của gia đình, của trường lớp, của tôn giáo, của truyền thông, của mạng xã hội,… và của cả nhà hàng xóm. Nên 1 triệu người thì sẽ có 1 triệu hệ thống niềm tin khác nhau, dù giống thì chỉ giống một phần nào trong hệ thống niềm tin đó.
Vậy hệ thống niềm tin liên quan gì đến phiền não, và tại sao càng biết nhiều, càng phiền não?
Phiền não chỉ phát sinh, khi kết quả trên thực tế diễn ra không đúng với sự kỳ vọng ban đầu của chúng ta. Nói sâu hơn, sự thật đang diễn ra không khớp với hệ thống niềm tin mà chúng ta vẫn tin tưởng xưa giờ.
Ví dụ, bạn tin tưởng rằng, bạn sẽ sống đến 70 tuổi là ít nhất, nhưng mới qua tuổi 40 thì bạn phát hiện ung thư sắp chết. Hệ thống niềm tin xưa giờ của bạn bị tan vỡ và phiền não phát sinh. Trong phiền não đó, bạn học được một sự thật, thân thể này rất vô thường.
Bạn tin tưởng rằng, nếu bạn dạy con cái như thế thì nó thành tài, nó nghe lời bạn. Nhưng vừa đến tuổi 18, nó bỏ nhà ra đi để sống theo hệ thống niềm tin của nó, mọi kỳ vọng bạn dành cho con bị tan vỡ, phiền não sẽ ập đến. Bài học bạn nhận được, bạn không thể áp đặt niềm tin của bạn lên bất kỳ ai dù đó là con bạn. Sâu hơn, nhân quả của người nào thì người đó phải trả, không phải ba tiến sĩ thì con sẽ tiến sĩ.
Bạn tin tưởng rằng, nếu bạn thật tài giỏi, thật giàu, thật nhiều tiền thì bạn sẽ hạnh phúc. Nhưng khi càng giỏi, càng giàu, càng nhiều tiền thì bạn lại càng không hạnh phúc. Bài học bạn nhận được, những vật chất, danh tiếng bên ngoài vẫn không thể giải quyết hết được những tâm bệnh bên trong.
Bản chất của hệ thống niềm tin sẽ cho chúng ta rất nhiều kỳ vọng. Khi kỳ vọng không diễn ra đúng thực tế thì phiền não sẽ phát sinh. Đó là lúc vũ trụ đang cho bạn 1 thông điệp / 1 bài học rằng đâu đó trong hệ thống niềm tin hiện tại của bạn có gì đó không đúng với sự vận hành của vũ trụ.
Thậm chí, bạn hiểu rõ tất cả mà vẫn phiền não, vẫn đau khổ, thì chắc chắn đâu đó trong hệ thống niềm tin hiện tại có gì đó sai sai rồi.
Có giai đoạn, tôi đã từng tin tưởng rằng, nếu tôi biết thật nhiều về thế giới xung quanh thì tôi sẽ càng hạnh phúc. Tuy nhiên trên thực tế, tôi càng chất chứa sự ‘thông minh’ và tri thức thêm thì tôi lại càng phiền não.
Rồi một bài học lớn mà tôi nhận ra, những gì tôi cố nhét vào đầu, vào hệ thống niềm tin của tôi, chỉ toàn là định kiến hay chỉ là một phần của ‘sự thật’. Tôi ví von, nếu vũ trụ, thế giới hay ‘sự thật’ là 1 con voi thì trong quá trình tích lũy tri thức, tôi chỉ chạm được cái chân voi mà thôi, rồi tôi tin tưởng và kết luận rằng thế giới hay vũ trụ là cái chân voi.
Để nhìn rõ thế giới là gì, vũ trụ là gì, thì chúng ta phải buông được những gì chúng ta đã biết. Trả hệ thống niềm tin về 1 ly nước rỗng, để bắt đầu nhìn thế giới lại từ đầu thông qua những bài học, những đau khổ, những phiền não mà vũ trụ mang lại cho chúng ta.
Tôi hay nói vui: biết nhiều mà vẫn phiền não thì thực tế là chưa biết gì cả.
Vì nếu biết đúng, thấy đúng sự thật, thì hệ thống niềm tin của bạn sẽ khớp hoàn toàn với cách vũ trụ vận hành. Đó là đích đến cuối cùng của hành trình ‘học’ hay tiến hóa của một nhân sinh.
Đừng sợ phiền não hay đau khổ, vì chính những đau khổ đấy lại là tín hiệu để chúng ta biết rằng, hệ thống niềm tin của chúng ta đang có lỗi. Rồi từ lỗi đó, ta mới bắt đầu lập trình lại từng cái một, cho đến khi không còn một lỗi nào. Đó là lúc phiền não tan biến hoàn toàn.
Xem thêm
–
TẠP CHÍ MENBACK