Chiến thuật Bóng Đá trên thế giới đã tiến hóa thế nào trong một thập kỷ qua? Mời các độc giả của Menback cùng đọc bài viết của tác giả ‘Tôi là “5+”‘ về chủ đề này nhé.
Xu hướng của bóng đá thường phát triển theo 2 logic đơn giản:
(1) – Một CLB thành công và các CLB khác học tập theo và áp dụng (điều này lây lan như bệnh dịch và tạo ra xu hướng)
(2) – Một CLB tạo ra xu hướng và các CLB khác nghĩ ra cách khắc chế xu hướng đó (và rồi thành công)
Từ (1) dẫn tới (2) rồi từ (2) lại tạo ra (1), cứ thế cứ thế lặp đi lặp lại thành một chu trình vô tận. Vì chất xúc tác chính để nó hoạt động là “cạnh tranh” nên có thể tạm đặt tên cho chu trình này là “thuyết tiến hóa của bóng đá”. Chu trình này đôi lúc hoàn thành một vòng lặp trong 10-20 năm, có khi chỉ từ 2-3 năm hay thậm chí là chỉ 1-2 năm – tốc độ của nó phụ thuộc vào chất xúc tác “cạnh tranh” nhiều hay là ít.
Có thể nói là từ 1950 tới 2010 thì sự “cạnh tranh” trong bóng đá chưa thật sự cao, một ví dụ minh họa là chúng ta có thể dễ dàng tìm được những trường hợp cầu thủ có chút danh vọng có chút tiền là ăn chơi sa đọa rồi đánh mất sự nghiệp, hay những đội bóng đề cao sự hoa mỹ, biểu diễn hơn là thực dụng và kết quả.
Nhưng từ năm 2010 trở đi, hàng tấn tiền đổ vào ngành công nghiệp bóng đá khiến sự khắc nghiệt được đẩy lên cao nhất. Hơn lúc nào hết, chiến thắng là khát khao duy nhất của mỗi CLB, mỗi đội bóng và mỗi cá nhân – chính vì thế mà thập niên 10s là thập kỷ ấn tượng nhất của lịch sử chiến thuật bóng đá khi có lúc chu trình “thuyết tiến hóa của bóng đá” chỉ mất 1 mùa giải để hoàn thành vòng lặp.
I. SƠ ĐỒ 4-4-2 HUYỀN THOẠI BỊ KHAI TỬ VÀ SỰ PHỔ BIẾN CỦA 4-2-3-1
Năm 2010, năm đầu tiên của thập kỷ đánh dấu một trong những kỳ World Cup bị truyền thông cho là nhàm chán nhất lịch sử khi mà hàng loạt các đội tuyển tự biến mình trở thành “những phiên bản copy của Mourinho”. Đây là kỳ World Cup có ít bàn thắng được ghi nhất kể từ khi giải này được nâng lên 32 đội tham dự với 145 bàn, bản thân Tây Ban Nha cũng là nhà vô địch làm tung lưới đối phương ít nhất lịch sử.
Vậy các đội tuyển học tập điều gì ở Mourinho – nhà vô địch C1 năm đó? Là lối phòng ngự xe bus thiên về zonal marking (phòng thủ khu vực) với 2 dải 4-4 chăng? – Không, đó chỉ là một công cụ chứ không phải là cái cốt lõi trong triết lý của Mourinho. World Cup 2010 được đánh dấu là một trong những kỳ World Cup quan trọng bậc nhất lịch sử khi nó trở thành dấu mốc khai tử một sơ đồ huyền thoại đã thịnh hành trong bóng đá suốt từ 1950 – sơ đồ 4-4-2.
Lần đầu tiên, trong một kỳ World Cup, số đội tuyển chơi với sơ đồ 4-4-2 giảm xuống dưới mức 50%, chính xác chỉ có 7/32 đội tham dự vẫn giữ kết cấu 4-4-2 truyền thống – phần lớn trong số đó là các nền bóng đá kém phát triển hơn như Châu Á hay Châu Phi. Chỉ có 2 đội bóng lớn vẫn chơi 4-4-2 là Anh (vốn vẫn luôn bị chê là có lối chơi lạc hậu) và Uruguay.
Sở dĩ 4-4-2 trở thành chủ đạo của bóng đá suốt 60 năm bởi sự cân bằng mà nó mang lại, từ 4-4-2 mà một đội bóng có thể triển khai mọi lối chơi, mọi công cụ chiến thuật hay dễ dàng cơ động tạo ra những biến thể tùy tình huống. Tuy nhiên, khi mà người ta tìm ra một sơ đồ khác cân bằng hơn cả 4-4-2 thì đó cũng là lúc nó lui vào dĩ vãng – và đó chính là 4-2-3-1.
Sơ đồ 4-2-3-1 không khác nhiều 4-4-2 trong cách vận hành, bản thân nó cũng là phiên bản nâng cấp của 4-4-2. Có thể diễn giải cách biến đổi từ 4-4-2 sang 4-2-3-1 đơn giản là “kéo tiền đạo lùi ở vị trí số 10 của 4-4-2 về trung tuyến thành một tiền vệ công, san sẻ trách nhiệm xâm nhập vòng cấm của hắn ta cho 2 tiền vệ cánh (tiền vệ cánh trở thành tiền đạo cánh), thông qua đó giảm bớt gánh nặng về tấn công cho 2 tiền vệ trụ bên dưới giúp họ chuyên tâm vào điều tiết và phòng ngự hơn – vậy là ta có 4-2-3-1”. Chính vì vậy, sự vượt trội hơn của 4-2-3-1 so với 4-4-2 nằm ở độ dày ở khu trung tuyến, khu trung tuyến chỉ với 2 người của 4-4-2 tỏ ra thiếu sức nặng hơn hẳn 3 người của 4-2-3-1 – điều này giúp năng lực kiểm soát trận đấu của một đội chơi 4-2-3-1 cao hơn một đội chơi 4-4-2.
Mourinho là một trong những HLV tiên phong cho xu thế tổ chức khu trung tuyến với 3 tiền vệ, định nghĩa lại cách nhìn nhận của giới bóng đá về tiêu chí của một tiền vệ. Trước đây, người ta ít khi đưa một cầu thủ có kĩ năng chuyền bóng và điều phối trung bình vào trung tuyến, kể cả có là tiền vệ chuyên trách phòng ngự thì khả năng chuyền bóng phải luôn được đặt lên cao nhất trong các lựa chọn – tuy vậy, Mourinho và Inter Milan đã chứng minh rằng họ có thể vô địch C1 với những anh tiền vệ cứ như trung vệ được kéo lên kiểu như Cambiasso.
Đây vốn không phải là điều mới mẻ của Mourinho mà là một hành trình dài khẳng định, Inter Milan đại thành công năm 2010 là một phiên bản khác của Chelsea những năm giữa thập kỷ 00s do chính Mourinho dẫn dắt với nòng cốt là một bộ ba trung tuyến được tổ chức với sự chuyên trách rất rõ ràng. Một tiền vệ công dẫn dắt lối chơi giống như Lampard hay Sneijder, một tiền vệ anchor man (mỏ neo) phòng ngự từ xa giống như Makelele hay Cambiasso và cuối cùng là người cân bằng công thủ lãnh trách nhiệm điều phối như Thiago Motta hay Essien (ở Chelsea đôi lúc Lampard đá cả vị trí này).
Có tới 18/32 đội ở World Cup 2010 sử dụng sơ đồ chủ đạo là 4-2-3-1, tiêu biểu nhất đó là Á quân Hà Lan, Brazil của Dunga, hay đội tuyển Đức trẻ trung của Joachim Loew – ba đội tuyển này đều có cách bố trí trung tuyến tương tự kiểu của Mourinho. Có thể dễ dàng thấy được Sneijder, Kaka, Mesut Oezil là những tiền vệ công – De Jong, Gilberto Silva, Khedira (không hoàn toàn là mỏ neo và cũng không đá thấp nhất, nhưng lãnh nhiều trách nhiệm phòng ngự nhất) là những tiền vệ mỏ neo dọn dẹp và cuối cùng Van Bommel, Felipe Melo, Schweinsteiger là những tiền vệ cân bằng công thủ.
Điều đặc biệt là cả Brazil và Hà Lan đều gặp phải những chỉ trích lớn ở kỳ World Cup 2010 này khi lần đầu tiên trình diễn một lối chơi thiên về thực dụng (bất chấp một điều rằng họ chơi rất tốt) – ngược lại hẳn với bản sắc vốn có của họ. Tuy vậy, Đức lại là một ví dụ khác cho thấy việc xây dựng nền tảng 3 tiền vệ ở trung tuyến với 2 tiền vệ trụ không hẳn cứ phải là để phục vụ lối chơi thiên về phòng ngự, việc giữ được sự kiểm soát và cân bằng công thủ là điều mà họ nhắm đến – điều này thể hiện sâu hơn ở nơi phát tích ra 4-2-3-1.
Những ý tưởng đầu tiên của 4-2-3-1 thực ra không đến từ Mourinho mà là từ Benitez. Vị HLV người Tây Ban Nha này xây dựng 4-2-3-1 ngay từ khi còn dẫn dắt Valencia với Pablo Aimar đá tiền vệ công, Albelda là mỏ neo, và Baraja cân bằng công thủ. Thế giới bóng đá thực sự chú ý tới hệ thống của Benitez sau khi ông sử dụng nó cùng Liverpool vào đến chung kết C1 năm 2007, ông tổ hợp hàng tiền vệ với Gerarrd đá tiền vệ công, Masherano mỏ neo và Xabi Alonso cân bằng công thủ.
Ngoài ra, cũng phải kể đến những thành công của sơ đồ 4-3-3 mà Barcelona và Manchester United có được ở thời kỳ cuối thập niên 00s cũng khiến người ta nhận ra 4-4-2 đã thực sự không còn hợp thời nữa. Và từ đó, thập niên 10s mở ra với sự bứt lên của 4-2-3-1 như một sơ đồ cơ bản và phổ biến nhất.
II. PHONG TRÀO TIKI-TAKA HAY POSSESION GAME
Cần phải hiểu rõ thế này, tiki-taka không phải định danh chính thức của lối đá hay trường phái bóng đá nào cả, nguồn gốc của nó xuất phát từ năm Euro 2008, khi bình luận viên Andres Montes của Lasexta vì quá phấn khích trước màn trình diễn của đội tuyển Tây Ban Nha mà khen rằng “Estamos toncado tiqui-taca tiqui-taca” – ý nói rằng các học trò của Luis Aragones chơi một thứ bóng đá đập nhả như tiếng tích tắc của đồng hồ. Cũng giống như Tạ Biên Cương, Andres Montes có cái tài sử dụng những từ vừa tượng thanh mà vừa tượng hình khiến khán giả thích thú và ấn tượng, “tiqui-taca” hay “tiki-taka” từ đó mà trở nên thông dụng và sau này người ta gắn nó với lối chơi của Barcelona thời Pep Guardiola.
Tuy nhiên, cái cốt lõi của triết lý bóng đá của Pep Guardiola không phải chỉ đơn giản là những đường chuyền ngắn tích tắc mà rộng hơn là kiểm soát bóng (possesion game). Nó thể hiện rõ trong câu nói “bạn không thể ghi được bàn nếu không sở hữu bóng”, một cách diễn giải riêng hơn của câu “tấn công là cách phòng ngự hiệu quả nhất” – tức là khả năng kiểm soát bóng không chỉ là mấu chốt của giải pháp ghi bàn mà còn là phương án chống ghi bàn chủ đạo.
Khoảng những năm đầu của thập kỉ 10s, lối chơi kiểm soát bóng sở dĩ nó nổi lên vì có 2 nguyên nhân:
1. Sự thành công rực rỡ của bóng đá Tây Ban Nha khi đội tuyển của họ vô địch World Cup 2010, Euro 2012 và Barcelona vô địch C1 năm 2011. Cho dù Del Bosque và Pep Guardiola có những sự khác biệt nhưng về tổng thể thì họ có chung một triết lý kiểm soát bóng và đều dùng nòng cốt là bộ ba Xavi, Iniesta, Sergio Busquest.
Và từ đó mà ở những năm đầu của thập niên 10s, nhiều CLB ở Châu Âu học tập và đưa ra những định hướng mới để phát triển lối chơi này, có thể kể đến các đại diện của Premier League như Arsenal của Arsene Wenger và Machester City của Mancini, các đại diện Bundesliga như Bayern Munich của Jupp Heynckes hay một đại diện Ligue 1 nữa như PSG của Carlo Ancelotti. Ở bình diện đội tuyển quốc gia, ngoài Tây Ban Nha thì Đức chính là đội chuyển biến lối chơi sang possesion game rất rõ rệt và thậm chí sau đó họ còn vượt trội hơn cả Tây Ban Nha khi vô địch World Cup 2014.
2. Đó là phương án đối lập và tốt nhất để đối phó với “những phiên bản copy của Mourinho” – cách chơi mà phần lớn các đội từ trung bình khá trở xuống đua nhau xây dựng trong thời kỳ này. Họ thường phòng ngự phản công với 2 dải 4-4 nằm kín kẽ trước khung thành.
Cách chơi thiên về phòng ngự khu vực như vậy tuy tạo ra những khối phòng ngự dày đặc ở phần sân nhà nhưng lại mở ra khoảng trống lớn cho đối thủ ở phía trên – và đây là điều kiện tốt để các đội bóng lớn có thể vô tư gia tăng quyền kiểm soát bóng tại không gian đó mà không gặp quá nhiều áp lực. Thay vì cố gắng đưa ra những đường chuyền mạo hiểm để lĩnh đòn phản công, họ cẩn thận chuyền thật chắc chắn, ép dần dần đối phương lui về sân nhà và triển khai các bài “phá bê tông”.
Phương án cầm bóng của các đội không hẳn là có sự đồng nhất, ví dụ như Pep Guardiola rất chú trọng về không gian, ông luôn muốn tận dụng tối đa chiều ngang của mặt sân để đối phương phải giãn đội hình theo hết mức có thể, giống như xé một tờ giấy sẽ luôn khiến vết rách hở ra ở giữa – chính vì vậy mà ông luôn yêu cầu các tiền đạo cánh bám sát biên và chỉ được di chuyển tự do khi nào có hậu vệ cánh dâng lên thế chỗ.
Arsene Wenger thì có tư duy ngược lại, thay vì xé tờ giấy thì ông lại thích vò nát nó. Arsenal của ông rất ít khi chơi với đầy đủ 2 cầu thủ bám cánh, thay vào đó ông thường sử dụng các tiền vệ công như Samir Nasri hay Rosicky chơi ở cánh. Điều mà Wenger muốn nhắm đến là nhồi thật nhiều playmaker di chuyển tự do được chơi gần nhau, qua đó tạo ra tính liên kết tối đa ở khắp mặt sân – Del Bosque cũng có hướng đi giống như Wenger và đó là lý do vì sao trong khi Pep Guardiola ưa dùng Pedro thay vì Henry thì Del Bosque lại thích dùng David Silva và Iniesta thay vì Pedro chơi ở cánh hơn.
Mặc dù vậy, cả Pep và Wenger đều đặt trọng tâm của hệ thống điều tiết là các cầu thủ có xu hướng Roaming như Xavi, Iniesta, Cesc Fabregas, Cazorla. Còn với Carlo Ancelotti và Jupp Heynckes thì xây dựng nền tảng kiểm soát bóng với những mẫu cầu thủ “chia bài”. Ở Bayern Munich, Jupp Heynckes sử dụng bộ đôi Kroos và Schweinsteiger còn với PSG của Carlo Ancelotti thì độc đáo hơn khi kéo David Beckham vào giữa và biến anh thành Regista kiểu mới. Sau này, một HLV người Ý khác cũng có những sắp xếp rất tương đồng với ông đó là Sarri và cậu học trò cưng Jorginho.
Cho dù possesion game không phải là một trường phái mới mẻ, nhưng trong thập niên 10s nó được nâng lên một tầm cao mới và tách biệt rõ ràng với những khái niệm mơ hồ về “bóng đá đẹp” hay “ban bật đẹp mắt”. Thậm chí, có đôi lúc lối chơi kiểm soát bóng còn bị chỉ trích là quá thực dụng và có cả người chê là chơi xấu, khác với những quan niệm trước đây rằng chơi chủ động luôn là chơi đẹp.
III. SỰ LÊN NGÔI CỦA PRESSING VÀ PHẢN CÔNG
Thời đại thống trị của possesion game lên cực thịnh ngay vào đầu thập niên 10s và cũng bị thoái trào cực kỳ nhanh chóng chỉ trong vẻn vẹn 1-2 mùa bóng – nó cho thấy vòng lặp “thuyết tiến hóa bóng đá” hoàn thành chu trình của mình ở tốc độ cao đến thế nào trong quãng thời gian này.
Và kẻ phá hủy trực tiếp possesion game chính là pressing và phản công – cần chú ý rằng pressing và phản công đều không phải lối đá hay trường phái mà đến tận bây giờ nhiều người vẫn lầm tưởng. Đó đơn giản là những công cụ chiến thuật góp phần tạo ra lối đá chung mà thôi. Bản thân trong trường phái possesion game cũng bao hàm pressing trong đó bởi pressing là công cụ giành lại quyền kiểm soát bóng tốt nhất.
Ở thời kỳ cực thịnh của Mourinho, ông cũng đã biết rằng pressing là chìa khóa tốt nhất để phá lối chơi possesion game, ông đương nhiên cũng biết rằng với đặc thù luôn dâng đội hình lên cao của possesion game thì khoảng trống sau lưng họ là rất lớn và phản công là phương án tuyệt vời để ghi bàn.
Tuy nhiên, Mourinho chỉ có thể lúc thì tận dụng công cụ này, lúc tận dụng công cụ nọ mà không thể nào kết hợp 2 cái lại làm 1 được. Vấn đề rất nan giải khi mà nếu pressing thì ông cần sử dụng quá nhiều nhân lực dâng cao, điều này phá hỏng tư duy thiên về phòng thủ khu vực của ông, mà nếu lùi sâu về phòng ngự để đối phương hở khoảng trống rồi bản thân tận dụng phản công thì ông lại không thể pressing chỉ với 1-2 cầu thủ được. Chính vì vậy mà chưa bao giờ HLV người Bồ Đào Nha cùng những đại diện khác trong trường phái này thực sự phá hủy được hoàn toàn possesion game dù cũng có đôi lần họ chiến thắng.
Và có một người biết cách để kết hợp pressing và phản công một cách tuyệt vời nhất – đó là Jurgen Klopp, người khai sinh ra khái niệm gegenpressing.
Mùa giải 2012-2013 là thời điểm mà người Đức với gegenpressing hủy diệt cả Châu Âu với thứ bóng đá bốc lửa của mình. Chỉ trong một quãng thời gian ngắn, Dortmund của Klopp và cả Bayern Munich của Jupp Heynckes đã xây dựng được một cơ chế pressing vô cùng khổng lồ, họ xây dựng ra rất nhiều tiêu chí pressing phong phú như:
– tiêu chí về thời gian: áp sát cực nhanh với thời gian ngắn nhất
– tiêu chí về bóng: áp sát theo định hướng bóng di chuyển
– tiêu chí về kèm người: áp sát kèm người trước khi người đó nhận được bóng
– tiêu chí về không gian: di chuyển chiếm lĩnh không gian, triệt tiêu nguy cơ chuyền bóng
Mỗi một tiêu chí sẽ tỏ ra hiệu quả ở những hoàn cảnh riêng và số lượng nhân sự cần thiết để bật công tắc pressing cũng khác nhau, với 4 tiêu chí này, Dortmund và Bayern Munich tạo ra cuộc cách mạng trong công cụ pressing khi lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá họ xóa bỏ hoàn toàn khái niệm “phạm vi pressing” – một thứ tưởng không thể phá bỏ được.
Trước thời điểm Dortmund của Klopp vô địch Bundesliga hai mùa liên tiếp từ 2010 tới 2012 thì người ta vẫn luôn nghĩ rằng, giới hạn về thể lực khiến một đội bóng muốn chơi pressing luôn phải quy định một phạm vi pressing nhất định và chỉ có thể bật công tắc pressing trong phạm vi đó – thường là trong khoảng giữa sân, nơi có mật độ cầu thủ cao nhất thuận lợi cho pressing.
Với cơ chế phạm vi pressing này thì sẽ tồn tại thêm một khái niệm là “thoát pressing”, các đội chơi possesion game cứng cựa vốn không thiếu những cá nhân kĩ thuật tuyệt đỉnh và nền tảng ăn rơ vốn có, họ cực kỳ giỏi thoát pressing với những màn cầm bóng xoay trở khéo léo cũng như bật nhả, phối hợp chuyền bóng mượt mà đưa bóng thoát ra khỏi áp lực nguy hiểm. Tuy nhiên, Klopp đã chứng minh điều ngược lại, đối với ông thì không có chuyện thoát pressing vì chỉ cần bóng ở trong sân thôi thì nó sẽ luôn bị dồn áp lực đến khi nào mất thì thôi.
Tất nhiên, Klopp không cho cầu thủ chơi doping rồi chạy như cỗ máy mà ông sử dụng 4 tiêu chí pressing kia một cách khoa học nhất, với những trường hợp bao gồm: Khi nào? Khu vực nào? Với bao nhiêu người? – điều này giúp đội bóng của Klopp thậm chí có thể pressing cực tốt ở toàn mặt sân dù có đôi lúc chỉ phải sử dụng 1-2 cầu thủ để tạo áp lực. Nếu các cầu thủ Barcelona phối hợp di chuyển và chuyền bóng phức tạp 1 thì các cầu thủ Dortmund cũng phối hợp di chuyển và tạo áp lực tranh bóng phức tạp gấp 10 lần.
Tuy vậy, đó mới chỉ là một nửa bức tranh mà thôi, pressing là để giành lại bóng nhưng giành được bóng rồi làm gì mới là vấn đề. Trong bóng đá, người ta có thể chia một đội bóng làm hai trạng thái chơi bóng, đó là chơi khi có bóng (tấn công) và chơi khi không có bóng (phòng thủ), đây là cách chia chưa đầy đủ. Đầy đủ hơn phải là chơi khi có bóng, chơi khi không có bóng, chơi khi vừa mất bóng và chơi khi vừa mới có bóng – tổng cộng 4 trạng thái, trong đó 2 trạng thái sau là những trạng thái nằm giữa sự chuyển đổi của 2 trạng thái đầu tiên.
Và chính xác thì khi vừa giành được bóng nhờ pressing thì đội sẽ rơi vào trạng thái “khi vừa mới có bóng” và đối phương nằm ở trạng thái “khi vừa mới mất bóng” – những trạng thái mang tính hỗn loạn. Ở đây, nếu chúng ta giành được bóng và chỉ đơn giản là chuyền an toàn để gia tăng khả năng kiểm soát bóng thì ngay lập tức sẽ chuyển sang trạng thái “chơi khi có bóng” còn đối phương sẽ là “chơi khi không có bóng” – những trạng thái mang tính ổn định hơn. Nhưng nếu tổ chức ngay một đợt phản công tốc độ thì trạng thái “khi vừa mới có bóng” – “khi vừa mới mất bóng” của cả hai sẽ được giữ nguyên.
Tất nhiên, nóng vội phản công ngay sẽ rất dễ mà mất bóng, nhưng không sao cả, ngay kể cả khi mất bóng thì đối thủ cũng vẫn chỉ ở trạng thái “khi vừa mới có bóng” còn chúng ta là “khi vừa mới mất bóng”. Lúc này vì bóng ở quá xa cầu môn của chúng ta (vì chúng ta vừa mới phản công thất bại mà) nên đối thủ không thể phản công nổi mà buộc phải chuyền gia tăng kiểm soát bóng và chúng ta tiếp tục pressing đẩy họ vào trạng thái mất bóng rồi một vòng lặp nữa lại xảy ra – Đây chính là điều phá hủy lối chơi possesion game khi mà đối phương có quá ít hay thậm chí không bao giờ được chơi bóng ở trạng thái “chơi khi có bóng” cả, cho dù năng lực thoát pressing của họ tốt đến mấy – Và đó là cách mà Klopp kết hợp pressing và phản công thành gegenpressing, điều mà Mourinho đau đáu mãi không tìm ra lời giải.
Việc cứ pressing rồi lại phản công tốc độ rồi pressing tiếp rồi lại phản công tốc độ giúp một pha hãm thành của những đội bóng dẫn dắt bởi Klopp thường không bắt nguồn theo bất cứ lối phổ thông nào mà người ta thường thấy (như phát triển bóng từ dưới lên) mà nó luôn khởi nguồn từ giữa sân sau khi đoạt lại bóng của đối phương – thay vì di chuyển quả bóng cách khung thành đối phương cả trăm mét, họ chỉ cần làm nó với khoảng cách 50 mét hay thậm chí 20-30 mét.
Dortmund của Klopp và Bayern Munich của Jupp Heynckes đã thực sự thay đổi lịch sử bóng đá như vậy, bóng đá từ sau họ sẽ vĩnh viễn thay đổi.
IV. SỰ TRỞ LẠI CỦA BỘ BA TRUNG VỆ
Khi mà bóng đá trở nên tốc độ hơn nhờ phong trào pressing và phản công thì các đội bóng cũng tìm ra những cách thức tốt nhất để có thể chống phản công tốt hơn – lúc này họ nhận ra một điều rằng việc chống phản công bằng hàng tiền vệ phòng ngự từ xa có vẻ như không còn hiệu quả nữa vì biến số quá lớn và một khi tiền vệ phải đuổi theo quả bóng thì sẽ chẳng tạo được ảnh hưởng nào.
Đây là thời điểm mà người ta sử dụng lại một hệ thống phòng ngự tưởng chừng như đã trôi vào dĩ vãng – đó là phòng ngự với ba trung vệ. Khác với các tiền vệ, những trung vệ sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng phải đuổi theo quả bóng vì họ luôn đứng ở dưới cùng. Việc chơi với ba trung vệ sẽ chống phản công rất tốt bởi sẽ luôn có ít nhất ba người tham gia phòng ngự – và ba là đủ để tạo ra một tổ nhóm độc lập tác chiến.
Người ta nhận ra sự trở lại của hàng phòng ngự ba người ngay từ World Cup 2014 với những đại diện tiêu biểu là Hà Lan của Luis Van Gaal, Chile của Sampaoli và Costa Rica của Jorge Luis Pinto hay phần nào là Argentina của Sabella. Tất cả họ đều chơi cực kỳ ấn tượng, Hà Lan với đội hình tre đã già măng chưa mọc vào tới bán kết, Chile đả bại thuyết phục đương kim vô địch lúc đó Tây Ban Nha, Costa Rica tạo ra địa chấn khi giành vé đi tiếp trong bảng tử thần có Anh, Ý và Uruguay còn Argentina vào tới chung kết và suýt vô địch – dù họ không thực sự chơi với 3 trung vệ nhưng vị trí tiền vệ lùi quá sâu của Mascherano giúp họ chống phản công rất gần với nguyên lý 3 trung vệ.
Tuy vậy, phải đợi tới 2 năm sau thì hệ thống 3 trung vệ mới thực sự trở thành trào lưu sau khi Antonio Conte làm mới nó với vị trí “trung vệ thứ 3”. Thay vì chỉ sử dụng ba trung vệ thuần mạnh mẽ nhưng lại chậm chạp, vị HLV người Ý đã kéo một hậu vệ cánh về chơi trung vệ và khiến hệ thống trở nên cơ động và linh hoạt hơn rất nhiều. Sau khi sử dụng nó và cùng Chelsea vô địch Premier League 2016-2017, Antonio Conte đã tạo ra một trong những trào lưu ấn tượng nhất tại Anh trong thập niên 10s khi có quá nửa các đội ở mùa giải 2017-2018 chơi với hệ thống 3 trung vệ tương tự như Chelsea.
Azpiliqueta của Chelsea hay Nacho Monreal của Arsenal trở thành những cái tên nổi tiếng cho một role mới trong bóng đá (thực ra việc kéo hậu vệ cánh vào đá trung vệ trong hệ thống 3 trung vệ đã có từ lâu ở Serie A, nhưng sau khi Antonio Conte phổ biến nó ở Premier League thì người ta mới có một cái nhìn chi tiết hơn). Bản thân đội tuyển Anh củcũng học tập mô hình này, HLV Southgate đã sử dụng hậu vệ cánh Kyle Walker làm trung vệ thứ 3 trong hệ thống 3 trung vệ của họ, World Cup 2018 năm đó mặc cho nhiều chỉ trích thì đội tuyển Anh cũng đã vào tới bán kết.
Có một điều rất thú vị là đội tuyển Việt Nam dưới thời Park Hang Seo cũng cực kỳ thành công với hệ thống 3 trung vệ với rất nhiều mảng miếng hiện đại trong chiến thuật – nó cho thấy khoảng cách giữa các nền bóng đá dù vẫn còn rất xa nhưng đang dần xích lại gần nhau. Hình ảnh một huấn luyện viên hàng hiệu như Sven Goran Eriksson phải liên tục sử dụng những bài miếng “cổ xưa” như nhồi bóng bổng từ khoảng 40-50m cách khung thành và thất bại trước Park Hang Seo với lối chơi 3 trung vệ kiểu mới nói lên rất nhiều điều.
V. REAL MADRID VÀ SỰ NÂNG CHUẨN CHO MỘT ĐỘI BÓNG
Rất ít người ngờ được, hai con quái vật gegenpressing Dortmund và Bayern Munich của mùa giải 2012-2013 lại đều bị đánh bại bởi cùng một đội bóng ở ngay mùa giải sau đó – Real Madrid của Carlo Ancelotti. Và cũng kể từ mùa giải này, Real Madrid đã tạo ra một chuỗi thành tích vô tiền khoáng hậu khi vào chung kết 4 lần trong 5 năm và giành tới 3 chức vô địch C1 liên tiếp.
Chắc chắn Real Madrid là đội bóng mạnh nhất của thập niên 10s và có thể là cả chiều dài lịch sử bóng đá từ trước đến nay nữa, nhưng có một điều kỳ lạ là rất ít người (lúc đó) hiểu được thực sự họ chơi bóng với triết lý nào? Carlo Ancelotti và sau đó người thừa hưởng Zinedine Zidane là tạo ra điều gì ở đội bóng này?
Câu trả lời là: họ làm tất cả.
Real Madrid là minh chứng hùng hồn cho thấy tốc độ phát triển của bóng đá hiện đại nó nhanh đến thế nào, chỉ trong vòng 5 năm, chiến thuật bóng đá thay đổi nhiều bằng 50 năm cộng lại. Sau thành công của đội bóng Hoàng Gia này, một tiêu chuẩn mới được hình thành cho các đội bóng ở Châu Âu.
Trước đây, chưa bao giờ chúng ta có thể bắt gặp một đội luôn chỉ tranh đua trụ hạng ở Premier League như Norwich, Brigton hay Bournemouth mà có thể trong cùng 1 trận đấu thi triển gegenpressing khi không có bóng, possesion game điệu nghệ như một ông lớn thực thụ khi bị dẫn bàn và phòng thủ khu vực kín kẽ na ná Mourinho hay Diego Simeone khi cần giữ điểm lúc cuối trận – tôi nhắc lại là trong cùng 1 trận đấu.
Thậm chí Norwich còn từng đả bại Manchester City bằng việc tận dụng khả năng thoát pressing bằng những cú đập nhả điệu nghệ (điều mà vốn trước đây chỉ thường các đội thiên về possesion game mới có). Ngay sau trận đấu đó, HLV Benitez cũng cao hứng kể lại việc ông đả bại The Citizen bằng Newscastle tương tự như cách Norwich làm, tức là dụ cho các học trò của Pep Guardiola bật công tắc pressing 6s nổi tiếng để họ hở sườn rồi ghi bàn. Ông nhấn mạnh rằng phải đối diện trực tiếp với pressing thay vì cố lảng tránh nó – Cú pháp chiến thuật đó nếu ở thập kỷ 00s hay đầu thập niên 10s thì chỉ là chuyện viễn tưởng với các đội bóng bé nhỏ như Norwich hay Newscastle.
Nếu những ví dụ đó khó tưởng tượng thì tôi có thể đưa ra một minh chứng gần gũi hơn và có thể tìm thấy ở bất kỳ trận đấu nào ở giải Premier League hay kể cả La Liga, Bundesliga đó là cách phát triển bóng từ thủ môn, căng rộng ra hai góc cột cờ rồi đưa lên trên (kéo giãn phạm vi pressing của đối phương hết mức để giải tỏa áp lực) – vốn trước đây chỉ là đặc sản của các đội chơi possesion game đến mức cực đoan (ví dụ như Barcelona, Manchester City của Pep Guardiola hay Swansea, Liverpool của Brendan Rodgers) thì bây giờ nó chỉ là bài cơ bản trong bóng đá mà đội nào cũng phải nằm lòng và trận đấu nào cũng xuất hiện.
Tương tự, đặc sản khác của những trường phái khác như bẫy pressing, phòng ngự hai dải 4-4 hay cô lập cánh cũng không còn là “đặc sản” mà nó xuất hiện ở bất cứ đội bóng nào, của bất cứ HLV nào, trong bất cứ triết lý nào.
Nó cho thấy rằng, ở thời đại ngày nay, cho dù mỗi đội bóng vẫn có những triết lý chính nhưng họ cũng đồng thời tập luyện và hoàn thiện mọi trường phái bóng đá chứ không nhất nhất theo một khuôn mẫu như xưa. Real Madrid đã dạy cho họ hiểu rằng, trường phái bóng đá nào cũng có điểm mạnh yếu riêng và hữu dụng tùy vào từng thời điểm – và việc kết hợp tất cả lại và sử dụng đúng thời điểm chuyển đổi nó mượt mà ở đơn vị từng tình huống là mấu chốt để thành công.
“Nghệ thuật chuyển đổi ở đơn vị từng tình huống” – chính là thứ mà Real Madrid hoàn thiện để thành công, triết lý chính của họ vẫn là lối possesion game, nắm thế chủ động và dồn ép đối phương về sân nhà. Tuy nhiên, khác với những đội bóng cùng thời, Real Madrid tập luyện cả những bài miếng mà trước đây người ta luôn coi nó là đối lập với triết lý chính của họ. Ví dụ như phòng thủ khu vực lùi sâu kết hợp với phản công, hay pressing kết hợp với phản công – nhuần nhuyễn đến nỗi họ có thể chuyển đổi lối chơi trong cùng 1 trận đấu ở đơn vị từng tình huống.
Tiêu chuẩn mới này cũng thể hiện ở Liverpool, cho dù cùng chơi một thứ bóng đá theo phong cách Klopp nhưng Liverpool là phiên bản hoàn thiện về chiến thuật hơn nhiều Dortmund trước đây. Các đội đều biết thừa phòng ngự lùi sâu sẽ là phương án hữu hiệu nhất để đối phó với gegenpressing, Dortmund trong quá khứ vẫn thường sụp đổ như vậy. Tuy nhiên, Liverpool chẳng mấy lo lắng khi họ hoàn toàn có thể chuyển đổi sang chơi possesion game bất cứ lúc nào và có những giải pháp “phá bê tông” với tính hiệu quả rất cao – và đáng chú ý là những bài miếng đó được họ đưa vào lối chơi theo một cách rất linh hoạt và có thể sử dụng được trong mọi trạng thái. Ví dụ như món đòn early cross (tạt sớm) trứ danh được họ phát triển để dùng được kể cả khi đang chơi phản công nhanh lẫn đang đá chậm possesion game.
Sự nâng chuẩn chung này của bóng đá vẫn sẽ còn tiếp diễn đến thập kỷ 20s tiếp theo và hy vọng rằng, thập kỷ 20s sẽ còn ấn tượng hơn cả thập niên 10s.
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Theo: Tôi là “+5”