Tuyển Anh của HLV Gareth Southgate tại Euro lần này biến ảo và khó lường hơn những giải đấu trước đó rất nhiều. Sự biến ảo đó lại đến từ sự “lù khù” của họ, và rất có thể, cúp vô địch Euro 2020 sẽ mang về nước Anh nhờ chính sự “lù khù” đó. Menback đăng lại bài viết từ WIF – What If Football.
Mùa hè 1966, Đội tuyển Anh hạ gục những người Đức ngay trên sân nhà Wembley trong trận chung kết World Cup, để lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất cho đến nay cầm trong tay cúp vàng Thế Giới. Tròn 30 năm sau, khi nước Anh một lần nữa vinh dự được đăng cai một giải đấu lớn, lần này là kỳ Euro 1996, ca khúc “Three Lions (Football’s Coming Home) đã ra đời mang theo niềm hy vọng về danh hiệu đầu tiên sau 3 thập kỷ được đưa trở lại nơi bóng đá được sản sinh.
“It’s coming home, It’s coming home, It’s coming, Football’s coming home”
Cho đến tận bây giờ, dù cho người Anh có lại phải tiếp tục trải qua thêm… 25 năm không danh hiệu nữa, thì câu hát “It’s coming home” đầy sôi động năm nào vẫn luôn là “câu thần chú” của các cổ động viên Tam Sư trong mọi giải đấu lớn mà họ tham gia. Thế nhưng trớ trêu thay, dẫu cho người hâm mộ xứ sở sương mù có luôn miệng nhắc đi nhắc lại câu hát mang đầy niềm hy vọng ấy, hay dẫu cho biết bao thế hệ cầu thủ xuất chúng đến rồi đi, thì sau nhiều kỳ Euro hay World Cup đã qua, số danh hiệu mà người Anh có được vẫn chỉ là một con số 0 tròn trĩnh. Nếu xét riêng trong 4 đội lọt vào vòng bán kết kỳ Euro lần này, Tam Sư cũng là đội tuyển duy nhất chưa một lần được cầm trên tay chiếc cúp bạc Châu Lục. Ngay cả một Đan Mạch nhỏ bé cũng đã một lần làm nên kỳ tích tại kỳ Euro 1992 diệu kỳ. Chính vì thành tích nghèo nàn trong những kỳ đại hội lớn kể trên mà vị thế tuyển Anh luôn bị xem nhẹ. Thậm chí, nhiều người còn sáng chế ra câu nói đùa mang đầy tính mỉa mai: “Đừng bao giờ xem nhẹ người Ý và đừng để ý đến người Anh”.
Những lời mỉa mai, châm chọc ấy dĩ nhiên vẫn tiếp tục được xướng lên bởi các anti fan Đội tuyển Anh trong giai đoạn đầu kỳ Euro lần này, đặc biệt là sau 3 trận đấu có phần “buôn thuốc ngủ” của Tam Sư tại vòng bảng. Dù sở hữu trong đội hình một dàn sao khủng, đặc biệt là trên hàng tấn công với những Kane, Grealish, Sancho, Rashford hay Sterling,… Đoàn quân của HLV Gareth Southgate lại lựa chọn một lối đá có phần chậm chạp, nói thẳng ra là buồn ngủ để đối đầu với những đối thủ thua kém nhiều về đẳng cấp. Những chiến thắng 1 – 0 trước Croatia trong trận mở màn, sau đó là hòa Scotland 0 đều và lại thắng tối thiểu 1 – 0 trước Cộng hòa Czech khiến nhiều người cho rằng Tam Sư đang chơi dưới sức và họ sẽ sớm bị những đối thủ mạnh hơn loại ở vòng sau.
Thế nhưng, bước vào vòng đấu Knock – Out, màn trình diễn của HLV “Cửa Nam” cùng các học trò lại khiến cho những lời chỉ trích trên dần tan biến. Họ thắng người Đức với tỉ số 2 – 0, cũng với lối đá ru ngủ đầy thực dụng ở vòng đấu bảng nhưng là với một sơ đồ có phần khác biệt cùng những sự thay đổi người đúng thời điểm. Tiến vào tứ kết, họ tiếp tục đè bẹp Ukraine 4 – 0, lần này lại là với một cách sắp xếp con người khác cùng cách tiếp cận trận đấu khác. Đến lúc này, nhiều người mới vỡ lẽ, rằng “à, hóa ra đó giờ ông Cửa Nam này giấu bài thật”. Quan điểm này đúng, nhưng có vẻ chưa đủ. Có lẽ Southgate cũng có giấu bài thật, bằng chứng là ông cất một Sancho với thông số bàn thắng – kiến tạo đầy ấn tượng ở cấp CLB trong suốt 4 trận đấu đầu tiên, và mãi đến trận gặp Ukraine mới sử dụng. Hơn nữa trong tay ông vẫn còn những cái tên đầy chất lượng nhưng vẫn chưa được sử dụng như đôi cánh Reece James hay Ben Chilwell. Thế nhưng, nếu nhìn trên một góc độ khác, chúng ta cũng có thể nhận định rằng, Southgate không chỉ giấu bài mà còn đang trở nên “cáo già” hơn bên ngoài đường pitch.
Nói như vậy là bởi, nếu nhìn vào những gì Tam Sư đã trình diễn tại World Cup 2018, có thể thấy đoàn quân của Southgate tại giải đấu năm nay có phần biến ảo hơn rất nhiều. Nếu như tại kỳ World Cup 3 năm về trước, tuyển Anh chơi cả thảy 7 trận với cùng 1 sơ đồ 3-5-2, cùng một bộ khung cầu thủ ổn định trong đội hình ra sân, thì tại kỳ Euro lần này, cách lựa chọn con người và sơ đồ chiến thuật của Southgate biến ảo hơn rất nhiều. Họ đá 4-2-3-1 với sự góp mặt của Foden cùng bộ khung cố định Kane, Mount, Sterling trên hàng công trong 2 trận đấu đầu tiên. Đến lượt trận cuối vòng bảng, Southgate lại đưa vào sân Saka thay Foden cùng sự trở lại của Maguire, cầu thủ đầy quan trọng nơi hàng phòng ngự sau chấn thương. Đến vòng 16 đội gặp Đức, Southgate lại bất ngờ đổi hẳn sang sơ đồ 3-4-3 với thêm 1 wingback bên cánh phải để kìm hãm sức mạnh nơi đôi cánh của Die Mannschaft. Để rồi đến trận tứ kết vừa qua, trước một Ukraine với khối đội hình lùi sâu, “Cửa Nam” ngay lập tức điền tên Sancho, một playmaker mang tính sáng tạo cao vào đội hình xuất phát, trở lại sơ đồ 4-2-3-1 khi mất bóng và 3-4-3 khi triển khai bóng (Rice lùi về trong khi Shaw nhô cao như một wingback bên cánh trái). Tam Sư nhập cuộc có phần nhanh hơn so với những trận trước đó, sớm có bàn mở tỉ số, để rồi thong dong đè bẹp đối thủ trong những phút còn lại.
Có thể thấy, tuyển Anh của HLV Gareth Southgate lần này biến ảo và khó lường hơn những giải đấu trước đó rất nhiều. Họ biến ảo, không phải do họ sở hữu một lối đá tấn công đã được định hình rõ ràng, mà là do họ… không có một lối đá được định hình nào hết. Trước từng đối thủ khác nhau, Southgate sẽ có một đấu pháp và cách lựa chọn con người khác nhau để khắc chế đối thủ. Chính sự “không rõ ràng” trong lối chơi này lại đang khiến cho Tam Sư trở nên cực kỳ đáng sợ tại kỳ Euro lần này. Với việc đã vào đến trận bán kết, cánh cửa đến với chức vô địch Châu Âu đầu tiên trong lịch sử đang rộng mở ngay trước mắt Đội tuyển Anh. Hy vọng rằng đội bóng này sẽ có thể làm nên chuyện tại giải đấu năm nay, vì nếu điều đó thật sự xảy ra, đó sẽ là cái kết đẹp cho những ai đã mòn mỏi chờ đợi điều ước “It’s coming home” thành hiện thực trong vô vọng suốt nhiều thập kỷ đã qua. Để họ không còn phải nghe câu nói khẩu hiệu đầy tự hào của mình bị chế giễu thành “They’re coming home” – Tạm dịch vui là “Họ đang xách vali về nhà” thêm một lần nào nữa.
Đối thủ của đội tuyển Anh trong trận chung kết Euro 2020 sẽ là một tuyển Ý cũng rất khác ở kỳ Euro lần này: Linh hồn của người Ý và kỳ Euro đặc biệt.