Đội tuyển U22 Việt Nam của chúng ta đã dành được huy chương vàng SEA Games 30 tổ chức tại Philippines, chúng ta hãy cùng nhìn lại những con số thống kê ấn tượng nhất về mặt tập thể và cá nhân của ĐT U22 Việt Nam tại kì SEA Games đáng nhớ này.
PHÂN TÍCH ĐỘI HÌNH & SƠ ĐỒ CHIẾN THUẬT CỦA U22 VIỆT NAM TẠI SEA GAMES 30
Trong một giải đấu với mật độ thi đấu dày đặc, dễ hiểu là HLV Park Hang-seo đã sử dụng cả 20 cầu thủ trong danh sách tập trung của mình, và phân bổ số phút thi đấu tương đối đồng đều trong các cầu thủ.
Ở vị trí thủ môn, Tiến Dũng có 2 trận bắt chính, trong khi đó Văn Toản xây chắc vị trí số 1 của mình với 450 phút thi đấu trong 5 trận còn lại.
Ở vị trí của các trung vệ, người chơi chính giữa Thành Chung dường như là sự lựa chọn tin cậy nhất với HLV Park khi có 450 phút thi đấu trong 5 trận tối đa. Văn Hậu cũng có 450 phút thi đấu nhưng cầu thủ này đã có 1 trận đấu với U22 Lào chơi trong vai trò của cầu thủ chạy cánh trái. Xếp sau Thành Chung là Tấn Sinh với 323 phút, Ngọc Bảo 252 phút. Đức Chiến dù có 344 phút thi đấu nhưng cầu thủ này ở hai trận đấu cuối cùng đã được sử dụng trong vai trò tiền vệ đánh chặn, trong khi một cầu thủ được sử dụng ở nhiều hơn một vai trò khác là Tiến Dụng chỉ có 122 phút thi đấu.
U22 Việt Nam đã dành chức vô địch Sea Games 30 sau 60 năm tham gia.
Ở hai hành lang cánh, điểm tích cực là những lựa chọn thứ 2 gồm Tấn Tài ở biên phải và Thanh Thịnh ở biên trái đã được trao thời gian thi đấu tương đối nhiều, khi cả hai cùng có 288 phút thi đấu. Điều chứng tỏ cho việc thiếu vắng Trọng Hoàng và Văn Hậu ở các giải đấu tiếp theo không hẳn là một vấn đề thực sự quá nghiêm trọng.
Hai cầu thủ chơi tiền vệ trung tâm gồm Thanh Sơn và Thái Quý chỉ được ra sân không quá 180 phút, điều ảnh hưởng trực tiếp bởi sự quan trọng của Hoàng Đức và Hùng Dũng, khi đây cũng đồng thời là hai cầu thủ thi đấu nhiều nhất của U22 Việt Nam, 510 phút cho Hoàng Đức và 462 phút cho Hùng Dũng.
Một dấu hiệu tích cực nữa đến ở vị trí tiền đạo, khi HLV Park Hang-seo đã tìm ra cách để sử dụng cùng lúc cả Tiến Linh và Đức Chinh. Linh chơi 445 phút, còn Chinh cũng có 375 phút ra sân.
Điểm đáng tiếc với U22 Việt Nam tại giải đấu lần này có lẽ đến từ trường hợp của Quang Hải và Trọng Hùng. Đội trưởng U22 Việt Nam chơi 202 phút trước khi gặp chấn thương, còn cầu thủ có thể tạo đột biến của Thanh Hóa chỉ có cho mình 98 phút thi đấu, đồng thời cũng là cầu thủ được ra sân ít nhất của U22 Việt Nam.
Trong số 18 cầu thủ được ông Park sử dụng, ngoại trừ hai thủ môn, có tới 2/3 trong số đó đã thi đấu nhiều hơn một vai trò trong xuyên suốt 7 trận đấu của U22 Việt Nam – 12 cầu thủ. Những cái tên đáng chú ý trong số đó có thể kể ra Văn Hậu với vai trò trung vệ lệch trái và chạy cánh trái, Đức Chiến với vai trò trung vệ lệch phải và tiền vệ trụ, là Trọng Hoàng với vai trò chạy cánh phải và tiền vệ tấn công lệch phải. Thậm chí Đức Chinh cũng đã từng được sử dụng như một tiền vệ tấn công trong trận đấu gặp U22 Thái Lan khi được vào sân thay người ở phút thứ 17.
>> Xem thêm: Việt Nam 1-0 UAE: sở trường của Park Hang-Seo
Đáng chú ý, ở yếu tố đa năng của các cầu thủ, Đỗ Hùng Dũng và Nguyễn Hoàng Đức là hai cầu thủ đã chơi trong 3 vai trò chiến thuật khác nhau bao gồm tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 3-4-3, tiền vệ tấn công trong sơ đồ 3-4-3 và tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 3-5-2. Đó cũng có thể xem là hai cầu thủ quan trọng nhất trong những xoay vần về mặt chiến thuật của U22 Việt Nam và HLV Park Hang-seo tại giải đấu lần này.
THỐNG KÊ TẬP THỂ CỦA U22 VIỆT NAM TẠI SEA GAMES 30
24 bàn thắng và 4 bàn thua là một con số thống kê không thể hoàn hảo hơn để chứng minh sự vượt trội hoàn toàn của U22 Việt Nam. Trong số 4 bàn thua, có 2 xuất phát từ sai lầm đáng tiếc của các thủ môn U22 Việt Nam, một đến từ tình huống cố định trước U22 Lào và 1 đến từ tình huống triển khai từ bóng sống trước U22 Thái Lan. Có nghĩa rằng, đội bóng của HLV Park đã giữ sạch lưới 5 trong số 7 trận đấu diễn ra.
Trong số 24 bàn thắng của U22 Việt Nam, có 15 bàn tới từ các tình huống triển khai từ bóng mở, 9 tới từ các tình huống cố định, một con số hết sức ấn tượng và đạt tỉ lệ lên tới 38%. Về vị trí các bàn thắng, chỉ 3 bàn của U22 Việt Nam diễn ra từ ngoài vòng cấm, trong khi có tới 8 lần U22 Việt Nam dứt điểm thành bàn trong khu vực 5m50 của đối phương, chiếm tới 1/3 số bàn thắng.
>> Xem thêm: Park Hang-seo – hơn cả huấn luận viên, ông là một nhà lãnh đạo
Xét kĩ hơn về thống kê dứt điểm, đội bóng của HLV Park càng về cuối giải đấu càng không thể hiện một hình ảnh quá áp đảo trước các đối thủ. Trước Brunei, Việt Nam dứt điểm tới 32 lần, con số ấy giảm còn 21 lần trước Lào, 17 trước Indonesia, 8 trước Singapore, 12 trước Thái Lan, 11 trước Campuchia và 9 trong trận chung kết khi gặp lại đối thủ Indonesia. Không hẳn là quá ấn tượng, và bản thân các con số này cũng cho thấy U22 Việt Nam không phải là một đội bóng biết cách để áp đặt đối phương để tung ra liên tiếp các pha dứt điểm, một điều có thể sẽ cần cải thiện, nhưng có thể không, bởi chất lượng các tình huống dứt điểm và vị trí các tình huống dứt điểm của U22 Việt Nam vẫn tỏ ra tương đối ấn tượng.
73/110 pha dứt điểm diễn ra trong vòng cấm địa, đạt tỉ lệ 66%, trong khi 36% các pha dứt điểm tới từ tình huống cố định. Tỉ lệ chuyển hóa của U22 Việt Nam đạt 22%, một con số thực sự rất rất cao. Nếu so sánh một cách khập khiễng đôi chút, tỉ lệ chuyển hóa trung bình tại Ngoại hạng Anh chỉ đạt từ 12-15%. Trong khi tỉ lệ dứt điểm trúng đích của chúng ta chỉ đạt 40%. Có nghĩa rằng, cứ khoảng 2 pha dứt điểm trúng đích, đội bóng của HLV Park sẽ có được một bàn thắng.
Xét tổng quát, U22 Việt Nam biết khả năng tạo ra các tình huống dứt điểm ở các vị trí nguy hiểm của mình, dù không quá nhiều, nhưng tỏ ra hiệu quả khi dứt điểm.
Ấn tượng hơn, cần phải nói đến chất lượng hàng phòng ngự của đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo được minh họa qua thống kê dứt điểm phải nhận.
Không một trận đấu nào U22 Việt Nam để đối thủ dứt điểm nhiều hơn, và không một trận đấu nào U22 Việt Nam để đối thủ dứt điểm nhiều hơn 10 lần. 4 trận đấu đầu tiên ở vòng bảng, các đối thủ của U22 Việt Nam chỉ có thể dứt điểm lần lượt 1, 3, 3, 3 lần, trong khi những thử thách lớn hơn cũng không phải là vấn đề với hàng phòng ngự trứ danh của HLV Park. Thái Lan chỉ có 8 pha dứt điểm, con số của Campuchia là 6, trong khi Indonesia trong trận chung kết cũng chỉ có 7 lần uy hiếp khung thành của Văn Toản.
Có tới 52% số pha dứt điểm U22 Việt Nam phải nhận đến từ ngoài vòng cấm địa, trong khi chỉ 42% đi trúng đích. Những con số biết nói về hàng thủ chắc chắn nhất tại môn bóng đá nam SEA Games 30.
>> Xem thêm: Phân tích chiến lược xây dựng ĐTQG Việt Nam của Park Hang-seo
THỐNG KÊ CÁ NHÂN CÁC CẦU THỦ U22 VIỆT NAM TẠI SEA GAMES 30
Ở thống kê này, chúng tôi sẽ chỉ xét tới đóng góp của các cầu thủ vào các tình huống dứt điểm
Vua phá lưới của U22 Việt Nam tại giải đấu lần này là Đức Chinh với 8 bàn thắng, Tiến Linh xếp thứ 2 với 6 bàn, Hùng Dũng và Văn Hậu mỗi người có 2 bàn trong khi có 6 cá nhân khác cùng có được 1 bàn thắng. Ở khả năng kiến tạo, Hùng Dũng và Thái Quý mỗi người có 3 đường chuyền thành bàn, Tiến Linh, Trọng Hùng, Thanh Thịnh có 2, trong khi có 5 cầu thủ khác cùng đóng góp 1 kiến tạo.
Xét kĩ hơn về khả năng đóng góp vào các pha dứt điểm, 5 cầu thủ có số lần dứt điểm nhiều nhất của U22 Việt Nam bao gồm Tiến Linh – 17 lần, Đức Chinh – 14, Hoàng Đức – 14, Hùng Dũng – 10, Trọng Hoàng – 8 và Văn Hậu – 7. Xét mỗi 90 phút, nếu không xét tới mẫu thống kê quá nhỏ của Trọng Hùng, Tiến Linh là người dứt điểm thường trực nhất của U22 Việt Nam với 3.4 lần mỗi 90 phút, sau đó là Đức Chinh – 3.4, Quang Hải – 2.7, Hoàng Đức – 2.5 và Hùng Dũng – 1.9.
Ở khả năng thực hiện các đường chuyền dẫn tới pha dứt điểm, Hùng Dũng dẫn đầu về tổng số đường chuyền với con số 13, xếp sau là Hoàng Đức – 10, Tiến Linh – 9, Đức Chinh – 8, Trọng Hoàng – 8, Văn Hậu – 7. Nếu chia trung binh mỗi 90 phút, năm người ấn tượng nhất là Hùng Dũng – 2.5 đường chuyền, Đức Chinh 1.9, Tiến Linh – 1.8, Hoàng Đức – 1.8 và cặp hậu vệ cánh Tấn Tài, Thanh Thịnh – 1.6. Thái Quý ghi nhận chỉ số khá ấn tượng là 3.2 đường chuyền dẫn tới pha dứt điểm mỗi 90 phút, nhưng số phút thi đấu của tiền vệ này chưa đủ vượt qua 180 phút.
Xét tổng cộng các pha dứt điểm và đường chuyền dẫn tới pha dứt điểm mỗi 90 phút, Đức Chinh dẫn đầu với 5.3 lần tham gia vào các pha dứt điểm mỗi 90 phút, sau đó là Quang Hải – 5.3, Tiến Linh – 5.3, Hùng Dũng – 4.4 và Hoàng Đức – 4.2. Thật bất ngờ khi Quang Hải xuất hiện ở thống kê này, dù phải nói số phút thi đấu đạt 202 phút của đội trưởng U22 Việt Nam cũng không phải là đủ lớn.
Hy vọng những thống kê này đã đủ giúp các bạn có cái nhìn toàn diện hơn về màn trình diễn của U22 Việt Nam, tại kì SEA Games lịch sử này.
>> Xem thêm: Phân tích trận Việt Nam – Thái Lan: không có chỗ cho bóng đá phản công
—
Nguồn: Baller
Nội dung: Raumdeuter13
Hình ảnh: Khoa Nguyen