Thêm một cuộc đối đầu nữa giữa ĐTQG Việt Nam và ĐTQG Thái Lan kết thúc với tỉ số hòa 0-0, một tỉ số vốn thường được những người có con mắt chuyên môn về bóng đá nhận định là một trận đấu hoàn hảo của đôi bên, nơi những sai lầm đều được hạn chế một cách tối đa, và là nơi cả hai đội đã tạo ra một thế trận kìm kẹp nhau một cách đầy tính cạnh tranh.
Phân tích sơ đồ đội hình Việt Nam – Thái Lan
ĐT Việt Nam giữ nguyên 11 cầu thủ đã đá chính trước ĐT UAE trong trận đấu diễn ra chỉ vài ngày trước. Với sự cố định ở các vị trí phòng ngự, HLV Park tiếp tục tin tưởng hai tiền vệ trung tâm toàn diện nhất mình có trong tay là Nguyễn Tuấn Anh và Đỗ Hùng Dũng. Ở phía trên, sự kết hợp giữa một tiền vệ tấn công có những tình huống xử lý đột biến là Nguyễn Quang Hải, một tiền vệ tấn công có tốc độ là Nguyễn Văn Toàn, cùng một trung phong mục tiêu Nguyễn Tiến Linh, cũng gần như là sự kết hợp tốt nhất trong tay HLV Park lúc này.
Bên phía đối diện, ĐT Thái Lan của HLV Akira Nishino đón chào sự trở lại quan trọng của hậu vệ biên trái Theerathon Bunmathan. Bộ khung 6 cầu thủ trên hàng công vẫn được giữ nguyên, với cặp tiền vệ trung tâm Phitiwat và Sarach Yooyen, bộ ba tấn công linh hoạt gồm Ekanit Panya ở biên phải, Chanathip Songkrasin ở trung lộ và Supachok Sarachat ở biên trái. Chơi cao nhất vẫn là Teerasil Dangda. Sự vắng mặt đáng tiếc của tiền vệ tấn công tương đối toàn diện Thitipan Puangchan có thể nói là được khỏa lấp xứng đáng bởi phong độ tốt của cầu thủ trẻ Ekanit.
Phân tích định hướng chiến thuật của hai đội bóng
Không khó để nhận biết trước cách mà trận đấu sẽ diễn ra trên sân vận động Mỹ Đình, với việc ĐT Việt Nam không chủ động gây áp lực ở 1/3 sân cuối cùng, lùi đội hình về phần sân nhà, và thiết lập một sơ đồ 5-4-1 chủ động như mọi khi. Ý đồ của khối đội hình ĐT Việt Nam khi không có bóng cũng là tương đối quen thuộc, với những tình huống di chuyển đồng bộ, buộc đối thủ phải triển khai bóng ở hai hành lang cánh, nơi chúng ta có được sự áp đảo về quân số, đoạt lại bóng và từ đó có được thời cơ cho các tình huống chuyển trạng thái có tốc độ.
Với ĐT Thái Lan, họ vốn dĩ là một đội muốn kiểm soát thế trận và triển khai bóng một cách có ý đồ tới khu vực 1/3 sân cuối cùng và xa hơn là khu vực 16m50.
Sơ đồ 4-2-3-1 của ĐT Thái Lan trong tuyến triển khai đầu tiên được bố trí tương đối cơ bản, gồm 4 cầu thủ ở hàng phòng ngự và hai tiền vệ trung tâm gần như chơi song song với nhau. Ở phía trên, Ekanit và Chanathip sẽ chơi gần nhau và có xu hướng bó vào trung lộ ở biên phải, trong khi Supachok là người có được sự tự do trong các tình huống di chuyển trực diện ở biên trái, trong khi Dangda sẵn sàng di chuyển rộng và tạo sự liên kết.
Xem thêm: Phân tích chiến lược xây dựng ĐTQG Việt Nam của Park Hang-seo
Có một điểm tương đối đáng chú ý ở tuyến triển khai bóng đầu tiên của ĐT Thái Lan là sự bất đối xứng trong cách chọn vị trí của hai hậu vệ biên. Nếu như hậu vệ biên phải số 15 Narubadin bám sát đường biên và sẵn sàng dâng cao khi bóng tiến qua vạch giữa sân, thì hậu vệ biên trái Theerathon lại có sự tự do trong việc di chuyển ở trung lộ và thường xuyên xuất hiện ở hành lang trong lệch trái của ĐT Thái Lan để phát huy tối đa các đường chuyền đa dạng và rất có ý đồ của mình.
Điển hình ở ngay phút thứ 4, Theerathon đã tìm thấy Ekanit di chuyển sau lưng hàng tiền vệ của ĐT Việt Nam với một đường chuyền xuyên tuyến xuất sắc, tình huống mà Duy Mạnh buộc phải phạm lỗi.
Một cách tổng quát, Thái Lan sẽ thường xuyên có tới 5 hoặc 6 cầu thủ ở tham gia vào tuyến triển khai bóng đầu tiên, làm nhiệm vụ kết nối trái bóng đến nhóm 4 cầu thủ tấn công ở phía trên, và dựa vào sự liên kết và các tình huống phối hợp nhóm cũng như di chuyển một cách linh hoạt của 4 cầu thủ ấy để tiếp cận khu vực cấm địa của đối thủ.
Không có chỗ cho bóng đá phản công
Việc chỉ có 4 cầu thủ thường xuyên có mặt của ĐT Thái Lan ở khu vực 1/3 sân cuối cùng là điều ảnh hưởng trực tiếp tới việc đội bóng của HLV Nishino không thể tạo ra những cơ hội tấn công một cách thường trực trên phần sân đối thủ, dù họ sở hữu những tiền vệ tấn công có kĩ năng hoạt động trong phạm vi hẹp rất ấn tượng, nhưng việc chỉ có hai hoặc ba cầu thủ chơi gần nhau là không đủ, bởi mỗi trung vệ của ĐT Việt Nam đều rất sẵn sàng rời vị trí và dâng cao để tạo áp lực trực tiếp lên cầu thủ có bóng, với sự bọc lót tốt ở phía sau.
Tầm ảnh hưởng của những đường chuyền của Theerathon trong hiệp thi đấu thứ nhất là có, nhưng không thực sự ấn tượng. ĐT Thái Lan gần như không thể tạo ra quân số tấn công đủ tốt, và gần như luôn bị áp đảo về mặt số lượng so với đội chủ nhà.
Hai tiền vệ trung tâm của đội khách gần như hạn chế dâng cao và duy trì vị trí của mình. Thậm chí, Sarach Yeeyon còn thường xuyên xuất hiện ở vị trí của hậu vệ phải, động thái nhằm tạo cho Narubadin có cơ hội để dâng cao tấn công nhiều hơn. Nhưng về cơ bản, ĐT Thái Lan vẫn duy trì ít nhất 4 hoặc 5 cầu thủ ở phần sân nhà và tuyến triển khai bóng đầu tiên.
Hai cơ hội rõ rệt nhất trong hiệp một của trận đấu này với ĐT Thái Lan đến ở một tình huống họ có thời cơ từ pha bóng phản công, nơi Ekanit, Chanathip và Supachok có thể kết nối với nhau để rồi đưa trái bóng tới Dangda ở cánh đối diện. Cú dứt điểm của Dangda đã dẫn tới quả phạt góc mà sau đó là bản lề cho tình huống phạt đền của đội bóng này. Tình huống thứ hai là cú dứt điểm của Narubadin ở cuối hiệp đấu, một tình huống hiếm hoi khác mà tiền vệ trung tâm có vai trò điều tiết bóng Phitiwat có thể đưa trái bóng lên phía trên với một ý đồ rõ ràng. Chanathip khai thác tối đa khoảng trống phía sau lưng ĐT Việt Nam bằng đường chuyền tới vị trí của Supachok và Ekanit, trước khi Narubadin có thời cơ ở biên đối diện.
Tuy nhiên, việc Thái Lan không thực sự có nhiều cơ hội rõ rệt cùng một thế trận không áp đặt một cách hoàn toàn cũng chính là lí do tại sao ĐT Việt Nam gần như không thể tạo ra bất cứ một cơ hội ghi bàn ngon ăn nào trong 45 phút thi đấu đầu tiên.
Nếu ĐT Việt Nam chủ động triển khai bóng, đó đều là những ý đồ sử dụng các tình huống bóng dài ra sau lưng hàng thủ đối phương, những tình huống không chỉ dễ đoán, mà còn dễ để hạn chế, với sức mạnh ở khả năng tranh chấp của cặp đôi trung vệ ĐT Thái Lan. Ngay cả khi Văn Toàn hoặc Trọng Hoàng có thể thoát xuống sát đường biên ngang trong những tình huống chủ động triển khai bóng ấy, thì sự chủ động trong khu vực vòng cấm địa và khu vực các tình huống bóng hai bật ra cũng hoàn toàn thuộc về đội khách, khi cả Hùng Dũng và Tuấn Anh hiếm khi di chuyển tịnh tiến với cường độ và tốc độ đủ nhanh để tham gia tranh chấp với lợi thế đủ tốt.
Phải nói thêm là ĐT Việt Nam hoàn toàn có thể chơi bóng ngắn một cách chủ động, với khả năng nhận bóng khôn ngoan của Quang Hải, nhưng không nhiều tình huống như thế được thực hiện, thay vào đó, lựa chọn của các trung vệ luôn là khá rõ ràng và khá dễ để hình dung.
Có thể ĐT Việt Nam không cần dựa quá nhiều vào việc triển khai bóng, và đặt trọn sức lực của mình cho những tình huống phản công đầy sắc bén dựa trên nền tảng hàng thủ chắc chắn. Nhưng tại Mỹ Đình ngày hôm qua, thì ĐT Thái Lan đã nói không với thứ bóng đá phản công đặc trưng của HLV Park Hang-seo.
Như đã nói, ĐT Thái Lan bố trí ít nhất 4 hoặc 5 cầu thủ ở phần sân nhà trong tuyến triển khai bóng đầu tiên, điều trực tiếp khiến họ không thể tạo ra sự áp đặt một cách toàn diện, nhưng đó cũng là nền tảng giúp cho họ hoàn toàn vượt trội so với ĐT Việt Nam ở những tình huống mà đội chủ nhà chủ động chuyển trạng thái.
Theerathon thường xuyên xuất hiện trong hình ảnh cầu thủ phòng ngự cuối cùng ngăn chặn những tình huống thoát xuống đầy tốc độ của các cầu thủ Việt Nam, đặc biệt là Văn Toàn. Bởi ngay khi Văn Toàn có cơ hội nhận bóng, cầu thủ này đã phải đối diện với ít nhất hai cầu thủ Thái Lan ở cùng biên, một trung vệ và một hậu vệ cánh, và nếu cầu thủ có khả năng tăng tốc tốt nhất của ĐT Việt Nam có thể vượt qua trung vệ của đối thủ bằng tốc độ, thì trước mặt anh vẫn sẽ còn một vật cản khó để vượt qua.
ĐT Thái Lan luôn duy trì hàng ngang phòng ngự cuối cùng gồm 3 hoặc thậm chí là 4 cầu thủ với sự có mặt của tiền vệ trung tâm Sarach Yeeyon ở vị trí hậu vệ cánh phải, điều gần như hạn chế tối đa khả năng chơi phản công của ĐT Việt Nam, khi luôn là sự vượt trội về quân số.
Nhưng ấn tượng hơn định hướng chủ động ở hàng ngang cuối cùng ấy, ĐT Thái Lan đã có một ngày vận dụng xuất sắc ý đồ gegenpressing, đoạt bóng ngay khi để mất quyền kiểm soát trên sân đối phương, với hai nhân tố chủ chốt là Phitiwat và Theerathon.
Đây thường xuyên là hai cầu thủ có được sự bao quát không gian tốt nhất ở mỗi khu vực hành lang trong lệch trái và lệch phải, việc cả hai không dâng cao và chủ động trở thành các điểm triển khai bóng cho ĐT Thái Lan, trực tiếp giúp cho bộ đôi này rất chủ động, bao quát và sẵn sàng trong những tình huống gây sức ép ngay khi ĐT Thái Lan để mất bóng. Thêm nữa, việc bốn cầu thủ trên hàng công của ĐT Thái Lan chơi gần nhau, cũng khiến họ có thể ngay lập tức thu hẹp cự ly đội hình một khi để mất quyền kiểm soát.
Chỉ tính trong hiệp một, đã có ít nhất hai tình huống mà Theerathon và Phitiwat cho thấy sự khôn ngoan của mình, trước những tình huống kiểm soát bóng của Tuấn Anh và Văn Hậu bên phía ĐT Việt Nam. Nếu Theerathon buộc Tuấn Anh chuyền hỏng, thì Phitiwat đã có một tình huống phạm lỗi chiến thuật đầy khôn ngoan.
Sự kết hợp giữa một cấu trúc đội hình sẵn sàng chống đỡ các tình huống phản công, và một tư duy gegenpressing ấn tượng là những yếu tố giúp ĐT Thái Lan hoàn toàn làm lu mờ đi hình ảnh của thứ bóng đá phản công ấn tượng mà đội bóng của HLV Park Hang-seo vẫn luôn coi là thứ vũ khí mạnh nhất của mình. Đội bóng của HLV Akira Nishino có thể không liên tiếp tung ra các cơ hội dứt điểm về phía khung thành đối thủ, nhưng họ cũng đã khiến đối thủ gần như vô hại trước khung thành của mình.
Thống kê sau trận đấu, đội chủ nhà chỉ có thể tung ra 5 cú dứt điểm, và không một lần trúng đích. Trong khi con số của ĐT Thái Lan là 13 cú dứt điểm, mà 7 lần trong số đó Văn Lâm đã phải trổ tài.
Những thay đổi trong hiệp hai trận đấu Việt Nam gặp Thái Lan
Hiệp hai chứng kiến ĐT Thái Lan có một sự điều chỉnh đáng chú ý, Theerathon được chỉ đạo chơi bám biên nhiều hơn và dâng cao nhiều hơn. ĐT Thái Lan vẫn kiên định trong cả việc đưa bóng tới nhóm 4 cầu thủ tấn công chơi gần nhau, và việc duy trì ít nhất 4 cầu thủ ở phần sân nhà khi triển khai bóng.
Với việc Theerathon dâng cao, thì cả Phitiwat và Sarach đều được giao nhiệm vụ đảm bảo sự chắc chắn trên phần sân nhà.
ĐT Thái Lan bắt đầu thực hiện nhiều đường chuyền hơn ở 1/3 sân cuối cùng, với khả năng chuyền bóng và tư duy chuyền bóng ấn tượng của hậu vệ biên trái của mình.
ĐT Thái Lan có thể không thực sự có được những cơ hội quá rõ ràng, nhưng với sự có mặt của Theerathon ở vị trí dâng cao hơn bên hành lang cánh trái, họ có được một thế trận kiểm soát tốt hơn ở trên phần sân đối thủ, và khiến ĐT Việt Nam gần như không có một cơ hội nào để có thể kiểm soát trái bóng trong hiệp thi đấu thứ hai.
Và đó là điều khiến một trong hai HLV có lẽ đã sốt ruột.
Xem thêm: Park Hang-seo – hơn cả huấn luận viên, ông là một nhà lãnh đạo
Phút thứ 72 của trận đấu, Nguyễn Công Phượng được sử dụng để thay thế cho Đỗ Hùng Dũng. Điều đồng nghĩa với việc Quang Hải sẽ được kéo về trung lộ để chơi trong vị trí tiền vệ trung tâm.
Và chưa đầy một phút sau sự thay đổi ấy, Ekanit đã có một thời cơ rộng mở cho pha dứt điểm. Tình huống xuất phát từ đường chuyền xuyên tuyến xuất sắc của trung vệ Manuel Bihr tới vị trí của Chanathip, không gian mà vốn dĩ Quang Hải phải đảm nhiệm, nhưng số 19 của ĐT Việt Nam lại cho thấy sự thờ ơ trong vai trò phòng ngự của mình.
Sự có mặt của Quang Hải bên cạnh Tuấn Anh không những khiến khả năng bọc lót khoảng trống ở giữa sân của ĐT Việt Nam gặp vấn đề, mà cũng chẳng thể giúp đội bóng của HLV Park Hang-seo có thể kiểm soát lại thế trận, bởi khả năng gây áp lực ở tuyến đầu – gegenpressing – của ĐT Thái Lan được thực hiện quá nhuần nhuyễn.
Chỉ 6 phút sau sự thay đổi ấy, Theerathon có đường chuyền chéo sân cực khôn ngoan từ hành lang trái tới khoảng trống sau lưng của Tuấn Anh với điểm nhận là Chanathip, bóng sau đó được Duy Mạnh phá lên phía trước, nhưng ngay sau tình huống ấy là cú đá như búa bổ của Sarach, khiến Văn Lâm phải tung người cản phá. Cú đá thêm một lần nữa đến ở đúng vị trí mà đáng ra một tiền vệ trung tâm của ĐT Việt Nam phải có mặt.
Và 10 phút sau sự thay đổi ấy, ĐT Thái Lan tạo ra được thời cơ tuyệt vời nhất của họ trong trận đấu. Vẫn là một đường chuyền chéo sân đỉnh cao của Theerathon, bóng tiếp tục tìm đến khoảng trống sau lưng hàng thủ ĐT Việt Nam và được tiếp nối bởi pha xử lý xuất sắc của Dangda cùng Supachok.
Thái Lan đã rất muốn có những tình huống bóng như thế trong hiệp một của trận đấu, để khai thác tối đa khả năng xử lý bóng cực kì điêu luyện của nhóm 4 cầu thủ trên hàng công, nhưng họ đã nhún nhường một chút để tìm được sự cân bằng, để rồi tạo ra sự điều chỉnh trong hiệp hai với sự có mặt thường xuyên hơn của Theerathon ở 1/3 sân cuối cùng, và thậm chí, điều chỉnh ấy được hỗ trợ một cách hoàn hảo bởi sự thay đổi người của ĐT Việt Nam, với một tiền vệ trung tâm có khả năng bao quát hạn chế hơn xuất hiện.
Thái Lan đã có thể kết thúc trận đấu với cơ hội mười mươi ở phút thứ 82 và xứng đáng có được ba điểm rời sân Mỹ Đình trong một trận đấu mà họ mới là những người già dơ hơn ở những tính toán về mặt chiến thuật.
HLV Park Hang-seo luôn được những cổ động viên bóng đá Việt Nam nhận định với những từ ngữ đầy thán phục như “giấu bài” “tính toán” “quái”, nhưng tại Mỹ Đình ngày hôm qua, trước người Thái, những phẩm chất tốt nhất trong các toan tính về mặt chiến thuật của HLV người Hàn Quốc có thể nói đều đã được vị đồng nghiệp người Nhật Bản Akira Nishino đoán trước đường đi nước bước và hóa giải một cách nhẹ nhàng.
Một trận đấu cần thiết với ĐT Việt Nam và người hâm mộ Việt Nam, để biết được vị thế chính xác hiện tại của mình, không chỉ trên bản đồ bóng đá khu vực, mà còn là trên bản đồ bóng đá châu lục. ĐT Việt Nam vẫn xứng đáng là một đối thủ khó chịu với bất cứ đối thủ nào, nhưng một khi đối thủ của ĐT Việt Nam chấp nhận hy sinh một chút trong định hướng chơi của mình và phong tỏa những phương án tấn công nguy hiểm trong tay HLV Park, thì ĐT Việt Nam cần phải có sự đa dạng và mạo hiểm hơn nữa trong cách tiếp cận trận đấu của mình.
Nguồn: Raumdeuter 13