Thời trang nam là một khái niệm không đơn thuần và vượt xa những bộ quần áo mặc trên người của nam giới. Có thể gắn thêm vào đó những từ ngữ như “thiết kế” hay “phong cách” thì cũng không thể quên được rằng, đó là trang phục của phái mạnh.
Chính vì vậy, cho dù thế nào, thì cái đẹp của thời trang nam phải gắn liền với khí chất, giá trị của người đàn ông.
Thời trang nam không phải là bộ cánh của mannequin
Với tôi, thời trang nam chưa bao giờ là chuyện “Hôm nay mặc gì?”. Nó vốn là một thứ để trả lời câu hỏi “Bạn là ai?”.
Đàn ông không phải là con mannequin – không mặt, vô hồn nhựa cứng, chỉ có thể đẹp nhờ quần áo khoác lên, nếu không thì chẳng có gì cả. Nếu bạn cũng giống như con mannequin và tính cách cũng trơn tuột như thế thì đúng là may mắn vì mặc gì cũng đẹp. Nhưng cũng chỉ đến như vậy là hết.
Đàn ông, lại là một chủ thể hoàn toàn khác. Cốt cách, phong độ, khí chất, vẻ thâm trầm, phong cách, óc thẩm mỹ… mới là những thứ khiến họ đẹp nhất. Họ bỏ bao năm tháng để trui rèn những phẩm chất ấy cho mình và đặc biệt tự hào về điều ấy.
Giống như khi đàn ông mặc suit, một trong những yếu quyết quan trọng nhất của một bộ suit là thu hút toàn bộ ánh nhìn của một người lên gương mặt của người mặc, nơi tập trung toàn bộ những khí chất nam tính nhất mà họ tự hào.
Và chính cái triết lý đó trong cách ăn mặc mới là điểm “timeless” trường tồn với thời gian trong cách ăn mặc của đàn ông. Thứ timeless chẳng phải những bộ suit. Điểm duy nhất thực sự không thay đổi trong lịch sử chỉ là cái vẻ thâm trầm quyến rũ của đàn ông trưởng thành.
Nếu nói về timeless trong thời trang nam giới, tất cả những gì tôi liên tưởng đến chỉ là sự đơn giản nhưng không xuề xòa, chỉn chu nhưng không phô trương, cầu kỳ mà vẫn kín đáo, mặc rất kĩ nhưng lại như chỉ mặc độc nhất cái phong thái của chính mình.
Một bộ suit, chỉ tình cờ sở hữu gần như tất cả mọi đặc điểm nêu trên. Thế nên nó cũng tình cờ mà ở lại với đàn ông sau hàng thế kỷ. Nhưng mà tôi cũng không cổ xúy cho những người ra rả suốt ngày rằng đàn ông thì phải mặc suit. Không phải ai cũng mang cái tính cách kiểu cổ điển và kín đáo như thế.
Thời trang nam: không có chỗ cho thời thượng và đẳng cấp
Đừng ai đem những thứ như “thời thượng” và “đẳng cấp” ra để nói với tôi về thời trang, đặc biệt là thời trang nam.
Nếu đã mặc để khoe, người ta thường chỉ khoe ra 3 thứ, một là tiền, hai là gu thẩm mỹ, ba là sự kệch cỡm. Khoe không khéo thì thành kệch cỡm.
Tôi không phản đối chuyện một người khoe rằng mình giàu có bằng những thứ trang sức to bản, đắt tiền, nhẫn đeo đầy tay, xích vàng trĩu trên cổ.
Tôi cũng không ý kiến gì về việc họ khoe khoang bộ quần áo của mình bao nhiêu tiền. Tôi chỉ không hứng thú. Họ còn có gì khác ngoài tiền không?
Tôi vẫn là kiểu mộc mạc, trọng khí chất chứ không phải vật chất. Quần áo, xét cho cùng, cũng chỉ là một phần để bộc lộ cái con người bên trong của những gã đã dạn sương trải gió ra ngoài.
Chúng khiến một người đàn ông đẹp hơn, không có thì đàn ông vẫn giữ được cái vẻ hấp dẫn tự nhiên từ khí khái của mình. Còn kiểu nam giới mà con người không có gì hấp dẫn cả, chỉ biết khoe quần áo đắt tiền với tôi cũng chẳng khác gì con manequin diêm dúa.
“Khi bạn khoác một đống quần áo xa xỉ lên người, điều quan trọng là sau đó thứ nổi bật nhất phải là khí chất của một người đàn ông. Còn nếu họ chỉ nhìn thấy một mớ quần áo thì đấy là thất bại.”
Đó là câu nói của Alber Elbaz – Fashion designer trong hơn một thập kỷ trở lại của Lanvin.
Tôi là người ghét đặc cái sự ảo tưởng về thời trang, đặc biệt là những con người vẽ về nó bằng bao nhiêu mỹ từ chan chát. Họ thêu dệt về những bộ quần áo đắt tiền như thể khoác chúng lên là bạn đã có thể lóng lánh bội phần.
Tôi tin là thời đại này dân trí cao rồi, không còn những người như ông hoàng đế cởi truồng bị hai gã thợ may lừa mặc một bộ quần áo vô hình. Thiên hạ cũng không thích những kẻ giàu xổi, đi vào trong các trung tâm mua sắm, quẹt thẻ vài chục triệu mua một món đồ đắt tiền nhưng khoác lên người vẫn chẳng đẹp.
Gu thẩm mỹ
Bạn chỉ cần có rất nhiều tiền là có thể mua được một tấn quần áo. Nhưng mà gu thẩm mỹ thì không thể dễ gì bỏ tiền ra mà mua như vậy.
Nó là một thứ không thể dạy cho người khác được. Họ chỉ có thể tự học. Đấy cũng là điểm duy nhất tôi thích ở thời trang, nó khiến tất cả mọi người bộc lộ được con người của mình và khiến họ đẹp hơn.
Nếu thời trang nam chỉ là cái vòng xoáy của vật chất thì tôi xin phép được ở trong hàng ngũ của những người theo tư tưởng khỏa thân.
Những thứ đáng ngưỡng mộ nhất trong khí chất của đàn ông từ trước đến giờ vẫn không thay đổi. Đàn ông cũng không cần phải cầu kỳ chuyện ăn mặc để quyến rũ như phụ nữ thời xa xưa. Cái tôi của họ lại còn quá lớn để chấp nhận trở thành một phần bị cuốn theo cái vòng xoáy của xu hướng. Thế nên trong những phần đực rựa nhất của chuyện ăn mặc, vốn chẳng hề có cái gọi là trendy.
Họ sẽ chẳng bao giờ muốn mặc cái gì chỉ bởi người khác nói rằng nó đẹp. Cái bản năng khám phá của đàn ông từ thời thượng cổ vẫn luôn dẫn dắt họ đến với câu hỏi “Tại sao?”. Cuối cùng, mọi thứ vẫn được lựa chọn bởi con người của họ và gu thẩm mỹ của họ.
Gu thẩm mỹ là thứ khiến bạn nhìn thấy vì sao cái ống quần này cần phải cao thêm một ly, vì sao bạn nên chọn cái áo A thay vì cái áo B khiến một người thân trên vốn đậm lại càng thêm béo. Gu thẩm mỹ là thứ chỉ cho mỗi người thấy vì sao chuyện mặc quần áo lại bắt đầu trở nên có ý nghĩa chứ không phải chỉ là nhu cầu che thân.
Tôi nghĩ, ở giữa cái thời đại này, gu thẩm mỹ là một trong những biểu hiện hiếm hoi để có thể đánh giá về vẻ đẹp của tâm hồn. Tiền, đôi khi lại là lời tố cáo đắng ngắt cho việc nghèo nàn về tinh thần.
Frédéric Beigbeder từng trào phúng viết trong một cuốn sách của mình:
“Ngày nay những người nghèo mặc còn đẹp hơn đám nhà giàu”.
Thời trang là gì?
Thời trang là một sự thể hiện thẩm mỹ phổ biến tại một thời gian, địa điểm cụ thể, trong một bối cảnh cụ thể bằng cách sử dụng quần áo, giày dép, lối sống, phụ kiện, cách trang điểm, kiểu tóc và tỷ lệ cơ thể. (theo Wikipedia)
Thời trang khác với xu hướng thường chỉ bao hàm một sự thể hiện thẩm mỹ riêng biệt và thường kéo dài ngắn hơn một mùa, thời trang là sự thể hiện đặc biệt, được hỗ trợ bởi ngành công nghiệp thời trang mà thường gắn liền với các mùa và bộ sưu tập.
Phong cách là một biểu hiện kéo dài qua nhiều mùa và thường được kết nối với các phong trào văn hóa và các dấu hiệu xã hội, biểu tượng, giai cấp và văn hóa (ví dụ: Baroque, Rococo…). Theo nhà xã hội học Pierre Bourdieu, thời trang có nghĩa là “thời trang mới nhất, sự khác biệt mới nhất”.
Dù thường được sử dụng cùng nhau, thuật ngữ thời trang khác với quần áo và trang phục. Thuật ngữ đầu tiên mô tả chất liệu và kỹ thuật may mặc, trong khi thuật ngữ thứ hai được dùng để chỉ sự cảm nhận đặc biệt như ăn mặc sang trọng hoặc hóa trang. Thay vào đó, thời trang mô tả một hệ thống xã hội và thời gian “kích hoạt” việc ăn mặc thành một dấu hiệu xã hội trong một thời điểm và bối cảnh nhất định. Triết gia Giorgio Agamben liên hệ thời trang với cường độ hiện tại của thời điểm định tính, với khía cạnh thời gian mà tiếng Hy Lạp gọi là kairos, còn quần áo thuộc về định lượng, là cái mà người Hy Lạp gọi là Chronos.
Các thương hiệu độc mong muốn hướng đến danh hiệu haute couture, nhưng thực ra thuật ngữ này chỉ dành cho các thành viên của hội Chambre Syndicale de la Haute Couture ở Paris. Nó mang nhiều khát vọng và được truyền cảm hứng từ nghệ thuật, văn hóa và phong trào và mang bản chất độc nhất vô nhị.
Sản xuất hàng loạt các mặt hàng thời trang tiêu dùng với giá rẻ hơn và có sức phủ sóng toàn cầu ngày càng tăng, khiến cho sự bền vững đã trở thành một vấn đề cấp bách giữa các chính trị gia, nhãn hiệu và người tiêu dùng.
Cách chọn và gợi ý phối đồ với quần jeans rách đẹp cho nam giới
Quần jeans rách là món đồ được khá nhiều người yêu thích, đã từng có một thời gian những chiếc...
Read moreDetails