Nhà văn Kim Dung là tác giả của những bộ truyện kiếm hiệp lừng danh như Tiếu ngoại giang hồ, Ỷ thiên đồ long ký, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Thiên long bát bộ, Lộc Đỉnh ký… Những tiểu thuyết kiếm hiệp cũng như những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của ông được rất nhiều độc giả Việt Nam yêu thích. Tuy nhiên, có nhiều điều thú vị về cố nhà văn Kim Dung có thể bạn chưa biết, hãy cùng Menback khám phá trong bài viết này nhé.
1. Lý do Kim Dung phong bút sau khi viết Lộc Đỉnh Ký?
Nhiều người không hiểu vì sao nhà văn Kim Dung lại phong bút khi ở đỉnh cao phong độ, càng không hiểu vì sao ông chỉ dừng ở 15 cuốn, trong khi với khả năng của bản thân, Kim Dung hoàn toàn có thể viết thêm ít nhất 5 cuốn nữa và vẫn cháy hàng. Nguyên nhân Kim Dung phong bút được tiết lộ trong một bài phỏng vấn của ông với 40 giảng viên của Đại học Tân An ở Hong Kong.
Kim Dung nói “Tôi luôn thích thử nghiệm và thay đổi, hy vọng là cốt truyện không lặp đi lặp lại, tính cách nhân vật không lặp đi lặp lại. Khi nghĩ cách thử nghiệm lối viết mới, yêu cầu không lặp lại những tiểu thuyết cũ đã viết. Bây giờ, sau khi viết xong Lộc Đỉnh Ký, tôi không “biến chiêu” được nữa. Nên tôi không viết nữa.”
Tóm lại, vì không thể biến chiêu, vì sợ sẽ lặp đi lặp lại lối mòn cũ, gây sự nhàm chán cho độc giả lẫn chính mình, mà Kim Dung đã dừng lại.
2. Ý nghĩa 2 câu đối ghép từ tên của 15 bộ tiểu thuyết Kim Dung?
Nhiều người đọc Kim Dung đều biết về hai câu đối được ghép từ tên của 15 bộ tiểu thuyết Kim Dung:
“Phi Tuyết Liên Thiên Xạ Bạch Lộc
Tiếu Thư Thần Hiệp Ỷ Bích Uyên”
(tạm dịch: Tuyết bay liền trời bắn hươu trắng
Sách cười thần hiệp dựa uyên xanh)
Thực tế là từ vần bằng trắc đến ý câu đối mọi thứ đều không thật chuẩn. Hôm nay tôi kết luận luôn: câu đầu vô tình mà thành, câu 2 khiên cưỡng mà ghép lại. Kim Dung viết tiểu thuyết trải dài 25 năm. Có những tác phẩm viết ra để duy trì và phát triển Minh Báo, đến Lộc Đỉnh Ký là hết biến chiêu. Vì thế nên 2 câu đối kia hoàn toàn vô tình, càng không thể tạo ra được cái ý nghĩa xuyên suốt. Quan trọng nó có tác dụng dễ nhớ và dùng để kết chứ không thể mang đi ca ngợi.
3. Tiếu ngạo giang hồ
Tác phẩm này thực sự là “thâm tàng bất lộ”. Hơn cả võ hiệp, đây là một tác phẩm vừa đả kích đương thời, lại vừa có tính chính trị cao nhất trong 15 tác phẩm của Kim Dung. Có 4 nhân vật trong tác phẩm này là Nhạc Bất Quần, Tả Lãnh Thiền, Nhậm Ngã Hành và Đông Phương Bất Bại, họ không chỉ là cao thủ võ lâm, mà còn là cao thủ chính trị.
Tác phẩm không nói vào thời kỳ lịch sử nào, cũng không nói về triều đại nào. Nhưng sự tranh giành võ lâm trong tác phẩm này như chính sự tranh giành thiên hạ. Và đáng sợ hơn các tác phẩm khác nếu nhìn vào sự khốc liệt, âm mưu và đấu tố của nó. Ý cuối cùng, “đấu tố”. Tiếu Ngạo Giang Hồ viết năm 1967, trùng thời điểm cách mạng văn hóa ở đại lục lên cao. Hai chữ “đấu tố” trở thành ám ảnh và nỗi kinh hoàng khủng khiếp nhất. Và Tiếu Ngạo Giang Hồ được bắt đầu bằng vụ án con đấu tố cha ở nhà của Lưu Chính Phong:
“…Lục Bách nói:
– Gia gia mi cấu kết với quân ác nhân trong Ma giáo. Như vậy có được không? Mi thử nói nghe!
Lưu Cần khẽ lắp bắp:
– Không… không được.
Lục Bách nói:
– Hạng người như vậy có đáng giết đi không?
Lưu Cần cúi đầu xuống không dám trả lời.
Lục Bách nói:
– Thằng lỏi này không chịu nói. Chém phứt gã đi cho rồi!
Sử Ðăng Ðạt dạ một tiếng.
Lưu Cần vội nói:
– Nên… nên giết.
Lưu Chính Phong cười thê thảm…”
Và còn rất nhiều trường đoạn đấu tố khác nữa. Đi cùng cách ca ngợi theo kiểu “sùng bái lãnh tụ” quả thực quá nhiều sự giống nhau. Chúng ta thế hệ sau đọc Kim Dung, đã xa rời những ngày kinh hoàng đó. Nhưng ngày Kim Dung viết tác phẩm này, ám ảnh Cách Mạng Văn Hóa ở sát bên, nhiều người hỏi Kim Dung và ông đã từ chối khéo. Vì sao? Bởi vì bằng gã lãng tử Lệnh Hồ Xung, Kim Dung đi tìm cho chúng ta sự giải thoát. Ông gửi gắm vào đó cách hành sự như nước chảy mây trôi, trọng tình, trọng nghĩa, ngẩng cao đầu bất chấp hàm oan, một đời vinh nhục không thẹn với lòng, làm những gì mà mình cho là đúng. Tư tưởng Độc Cô Cửu Kiếm, cách làm, cách yêu, cách nghĩ của Lệnh Hồ đại ca là ước mơ của cõi đời.
Sau cùng, dù ẩn ý chính trị cao thế nào, Kim Dung vẫn muốn qua một bộ truyện của ông để gửi gắm đến tấm lòng với nhân sinh.
4. “Nhân vật chính ẩn” – biệt tài của Kim Dung
Kim Dung có một biệt tài đó là tạo ra “nhân vật chính ẩn” trong các tác phẩm của mình. Đôi khi không phải người quen thuộc lại là nhân vật chính, mà chính là người bên cạnh. Nhân vật chính của Tuyết Sơn Phi Hồ là Hồ Nhất Đao chứ không phải Hồ Phỉ. Nhân vật chính của Bích Huyết Kiếm là Kim Xà Lang Quân chứ không phải Viên Thừa Chí. Nhân vật chính của Lộc Đỉnh Ký là Khang Hy chứ không phải Vi Tiểu Bảo. Và cuối cùng, Trương Vô Kỵ hóa ra lại là nhân vật làm nền vĩ đại nhất cho các nhân vật chính khác của Ỷ Thiên Đồ Long Ký. Đó là ai, là Triệu Mẫn, Tạ Tốn, hay Chu Chỉ Nhược, thì lại nằm ở bạn trong mỗi lần đọc lại Ỷ Thiên Đồ Long Ký.
5. Nhà văn thuở nhi đồng, đại hiệp thuở thiếu niên
Kim Dung không phải là một ngày vén mây bước ra ánh sáng. Không phải là người ra mấy cuốn sách “self-help” để nhiều người đi hỏi thăm bí quyết. Sức mạnh của Kim Dung, tài hoa của Kim Dung đã thể hiện ngay từ nhỏ. Sinh ra trong một gia đình khoa bảng danh giá ở huyện Hải Ninh, Chiết Giang. Dòng họ Tra có một thư viện sách lớn, cũng là dòng họ nổi tiếng về tài học. Kim Dung đã luôn yêu cách và ham mê đọc sách. Tra Lương Dung đã luôn đứng đầu lớp từ nhỏ đến lớn. Cấp 1 đã có bài đăng báo, cấp 2 đã viết sách (cuốn sách tên là “Dành cho người thi vào sơ trung”). 21 tuổi, Kim Dung đã cùng 2 người bạn tự lập ra một tờ báo riêng.
Cuộc đời Kim Dung cũng phải bôn ba khắp nơi mọi chốn, chứng kiến mọi lẽ nhân sinh trên đời này, để cho ra đời những câu chuyện, con người, mà ta có bổ ngang, bổ dọc ra sao cũng đều nhìn thấy triết lý sâu sắc.
Nếu Cổ Long chỉ có một vũ khí tài hoa mà dụng võ, thì Kim Dung là thiên tài có đủ tài hoa lẫn khí công, ngoại công, kiến thức kim cổ. Lượng kiến thức được ông thu nạp từ một bầu trời thư viện của gia tộc, lẫn những năm tháng làm anh thư viện ở Trùng Khánh.
Tính cách của Kim Dung cũng là tính cách của một đại hiệp. 1 lần bị đuổi học, 1 lần bị buộc chuyển trường, tất cả cũng vì các bài báo, các quyết định chống lại Ban lãnh đạo nhà trường hà hiếp học sinh. Ông dùng ngòi bút để đả kích và đá xoáy. 16 tuổi đã có người ngỡ là tiên sinh tóc bạc để đến hỏi han. Kim Dung cũng như nhân vật Tiêu Phong của mình, biết rằng Tụ Hiền Trang là nơi “đầm rồng hang cọp”, nhưng vẫn xông vào với khí phách hiên ngang bạt tụy. Lập trường quan điểm của Kim Dung cũng thế, không hề dao động vì những công kích bên ngoài. Đó là “chân nhân bản sắc” lấy từ chính mình mang vào trong các nhân vật.
(còn tiếp).
Xem các tác phẩm của tác giả Kim Dung:
Xem thêm:
- Phong cách tán gái của các tác giả kiếm hiệp
- Vì sao Quan Vũ chết?
- Bí mật phủ Khai Phong và sự ra đời của nick name Bao Dạ Quang
–
MENBACK.COM