Áo Nghĩa Thư thuộc về kinh sách Vệ-đà và là một trong những kinh điển phổ biến nhất và được yêu thích nhất trong hệ thống Vệ-đà.
Tại sao? Bởi vì Áo Nghĩa Thư thôi thúc những người tìm kiếm sự Giác Ngộ quay lưng lại với nghi lễ hiến tế và thay vào đó yêu cầu các cá nhân hãy hướng nội. Các bài học trong Áo Nghĩa Thư có giá trị vượt thời gian. Ngày nay chúng vẫn đầy sức mạnh và vẫn hợp thời như hàng ngàn năm trước.
Tìm hiểu: Kinh Vệ-đà và Áo Nghĩa Thư là gì?
Dưới đây là năm triết lý cốt lõi của Áo Nghĩa Thư mà ngày nay chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều.
1. Samsara (Luân hồi)
Khái niệm samsara rất phổ biến trong Áo Nghĩa Thư. “Samsara” trong tiếng Phạn có nghĩa là “phiêu bạt/lang thang”, là chu kỳ của sự sống. Nó diễn tả sự luân hồi, khái niệm được một số tôn giáo phương Đông sử dụng để nói về việc tái sinh sau khi bạn chết theo chu kỳ nghiệp quả.
Bất kể niềm tin cá nhân của bạn là gì, vẫn có những điều quan trọng có thể rút ra từ samsara. Samsara cho chúng ta biết rằng tất cả mọi thứ trong cuộc sống đều luân chuyển. Bánh xe vĩ đại của cuộc sống liên tục quay, và không có gì là ứ đọng:
“Vũ trụ rộng lớn này là một bánh xe, bánh xe của Brahman. Trên nó, vạn vật bị lệ thuộc vào sinh, tử và tái sinh. Nó cứ quay vòng và quay vòng, không bao giờ dừng lại.”
– Áo Nghĩa Thư Svetasvatara 1.6-8 –
Samsara gợi mở rằng năng lượng không thể bị phá hủy hoặc giảm bớt. Nó chỉ đơn giản là chuyển hoá. Và thực sự đó là một góc nhìn khá thi vị về vòng luân hồi sinh tử.
2. Karma (Hành động)
Đây là từ có thể quen thuộc với bạn hơn. Karma, dịch theo nghĩa đen có nghĩa là, “hành động, hoạt động hoặc việc làm”. Nhưng nó cũng nói đến học thuyết tâm linh về nhân quả.
Chu kỳ nghiệp quả ngụ ý rằng những gì bạn làm hôm nay sẽ tác động đến cuộc sống của bạn ngày mai. Và quay lại với khái niệm luân hồi, những gì bạn làm hôm nay cũng sẽ ảnh hưởng đến kiếp sống tiếp theo của bạn.
Nguyên tắc nghiệp quả thôi thúc bạn phải suy ngẫm về những điều bạn làm trước khi bạn thực hiện. Bởi mỗi hành động đều có ý nghĩa và những gì bạn làm đều tác động đến cuộc sống của bạn và cuộc sống của những người xung quanh.
3. Dharma (Pháp/Đạo luật phổ quát)
Trong Áo Nghĩa Thư, khái niệm dharma tượng trưng cho trật tự, chân lý và đạo luật phổ quát tối thượng. Dharma là một khái niệm có mặt trong nhiều tín ngưỡng tôn giáo, bao gồm cả Phật giáo, Kỳ Na giáo và Ấn Độ giáo.
Nhưng đối với hệ thống Vệ-đà, dharma có một chút khác biệt. Dharma trong Áo Nghĩa Thư diễn tả một chân lý toàn vẹn và hoàn chỉnh không thể bác bỏ. Đó là giao ước xã hội mà chúng ta có đối với nhau, là đạo luật vô hình chi phối hành động của chúng ta. Dharma khuyến khích chúng ta hoàn thành vai trò của mình trong xã hội bằng hết khả năng của mình, mang trong mình sự tôn trọng, lòng cảm thông và sự can đảm.
4. Moksha (Sự giải thoát)
Trong tiếng Phạn, Moksha có nghĩa là “giải phóng, giác ngộ, giải thoát”. Và nó là một khái niệm đầy sức mạnh trong Áo Nghĩa Thư. Moksha là niết bàn, sự kết thúc tối hậu của khổ đau. Nó diễn tả sự vượt qua mọi dục vọng và khổ đau trần thế, và sự khao khát bình an đích thực và tối thượng. Đó là lối thoát cuối cùng khỏi vòng luân hồi sinh tử.
Đối với chúng ta ngày nay, moksha diễn tả một trạng thái bên trong bản thể. Chúng ta có thể tạo ra địa ngục hoặc thiên đường trong lúc hiện hữu trên trái đất này, và moksha có thể đạt được nếu chúng ta học cách buông bỏ những ràng buộc gắn kết của mình.
5. Atman (Chân ngã)
Atman là chân ngã vượt lên trên danh tính của bản ngã. Đó là bản chất sâu xa nhất của chúng ta. Đó là sự sống bên dưới lớp vỏ bên ngoài; bên dưới lớp quần áo, gia đình, bạn bè, công việc, sở thích, ký ức và trải nghiệm. Bên dưới tất cả những thứ chúng ta đã tự đồng nhất, atman tượng trưng cho một thứ vượt thời gian và không thể chạm tới:
“Mắt không thể nhìn thấy nó; tâm trí không thể nắm bắt nó. Chân ngã bất diệt không có đẳng cấp hay chủng tộc, không có mắt, tai, tay hay chân. Các hiền nhân nói rằng Chân ngã này là vô hạn trong người vĩ đại và kẻ tầm thường, vĩnh cửu và bất biến, là cội nguồn của sự sống.”
– Áo Nghĩa Thư Mundaka 1.1.6 –
Đó là điều mà chúng ta phải cố gắng kết nối và lắng nghe. Bởi vì nó là một thứ vô hình nhưng rất thực. Vậy, một trong những cách tốt nhất để kết nối với chân ngã nội tại này là gì? Thiền chánh niệm. Hãy thử thiền chánh niệm để bản thân bạn có thể tiếp cận chân ngã vượt thoát khỏi bản ngã. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên bởi những gì bạn tìm thấy.
–
TẠP CHÍ MENBACK
Tác giả: Shannon Terrell
Theo: THĐP