Có nguồn gốc từ Ấn Độ cổ đại, kinh Vệ-đà là một tập hợp các giáo lý cổ xưa và toàn diện từ các đạo sư của thời kỳ Vệ-đà. Bản thân kinh Vệ-đà có trước Ấn Độ giáo (Hinduism). Chúng chứa đựng các câu thần chú (mantras), các câu kinh, và các bài học về hệ thống Vệ-đà. Và Áo Nghĩa Thư là một phần quan trọng của hệ thống đó.
Thực tế, chúng chứa đựng một số giáo lý triết học có ảnh hưởng nhất mọi thời đại. Chúng bàn luận đến những vấn đề như thiền định, triết học, trạng thái hiện hữu cao hơn, và bản chất của Tạo Hóa. Nhưng điều hấp dẫn về Áo Nghĩa Thư là mặc dù những lời dạy của nó đến nay đã hàng nghìn năm tuổi, chúng vẫn hoàn toàn hợp thời như trước đó. Vì vậy, chúng ta sẽ đi sâu vào Áo Nghĩa Thư để bạn thấy được nó là gì và 5 bài học cốt lõi mà ngày nay chúng ta có thể học được từ những ghi chép cổ xưa, huyền bí này:
- Samsara (Luân hồi)
- Karma (Nghiệp quả)
- Dharma (Đạo Pháp)
- Moksha (Giải thoát)
- Atman (Chân ngã)
Hãy bắt đầu!
Kinh Vệ-đà là gì?
Kinh Vệ-đà là 4 tài liệu Hindu thiêng liêng được viết cách đây 2500 năm. Chúng bao gồm các câu thần chú (mantras) về nhiều vị thần và giai điệu khác nhau được tụng ca trong các nghi lễ tôn giáo.
Từ Vệ-đà (Veda) có nghĩa là “tri thức”, và người Hindu tin rằng tri thức có thể tìm thấy trong kinh Vệ-đà thì có nguồn gốc thiêng liêng.
Kinh Vệ-đà được chia thành 4 mục:
- Samhitas – thần chú và cầu khấn (benedictions)
- Aranyakas – các ghi chép mô tả các biểu tượng và nghi thức liên quan đến tế lễ
- Brahmanas – các ghi chép viết về các nghi lễ và tế lễ
- Áo Nghĩa Thư – những thảo luận về tri thức tâm linh và triết học Hindu.
Áo Nghĩa Thư là sự tiếp nối của triết học Vệ-đà. Chúng giải thích chi tiết về cách chân Ngã (Atman) có thể được hợp nhất với chân lý tối thượng (Brahman) thông qua chiêm nghiệm và thiền định.
Ngoài ra, Áo Nghĩa Thư còn giải thích học thuyết về Nhân quả (Karma) – những hệ quả tích lũy từ các hành động của một người.
Xem thêm: 16 lời dạy sâu sắc nhất của thiền sư Ajahn Chah
Áo Nghĩa Thư là gì?
Áo Nghĩa Thư là một tập hợp các ghi chép được viết ở Ấn Độ từ 800–500 TCN. Chúng chứa đựng nhiều giáo lý tâm linh cơ bản nhất mọi thời đại. Rất khó để định nghĩa Áo Nghĩa Thư một cách chính xác, một phần là vì nguồn gốc cổ xưa của nó.
Trong tiếng Phạn, Áo Nghĩa Thư có nghĩa là: “ngồi xuống gần” hoặc “ngồi bên cạnh”. Ý nghĩa này ám chỉ bản chất của những giáo huấn. Tại sao? Bởi vì những bài học trong Áo Nghĩa Thư ban đầu được giảng dạy bởi các nhà hiền triết và đạo sư tâm linh. Những vị thầy này sẽ ngồi chia sẻ trí tuệ và hiểu biết của họ với những môn sinh tận tụy.
Có bao nhiêu Áo Nghĩa Thư và chúng là gì?
Chúng ta đã biết rằng Áo Nghĩa Thư là một tập hợp các ghi chép viết về một số giáo lý tâm linh cơ bản được viết từ năm 800-500 TCN. Tổng cộng, có 251 Áo Nghĩa Thư, 108 trong số đó đã được in ấn. Có 18 văn bản chính được coi là được viết bởi Krishna Dwaipayana Vysa – một hóa thân của Đức Krishna và là cha đẻ của tất cả kinh văn Vệ-đà.
Ai đã viết Áo Nghĩa Thư?
Không có riêng một cá nhân nào đảm nhiệm việc viết Áo Nghĩa Thư. Vì có hơn 200 Áo Nghĩa Thư, và nhiệm vụ này gần như là bất khả thi đối với chỉ một người duy nhất. Thay vào đó, Áo Nghĩa Thư được biên soạn bởi một nhóm các nhà thơ, học giả và môn sinh trong suốt nhiều năm. Trên thực tế, một số nhà hiền triết Áo Nghĩa Thư đáng lưu ý được nêu trong các ghi chép là Shwetaketu, Shandilya, Pippalada và Sanat Kumara.
Những giáo lý chính của Áo Nghĩa Thư là gì?
Những giáo lý chính của Áo Nghĩa Thư còn được gọi là “những giáo lý minh triết”. Chúng đề cập đến một trạng thái sâu hơn và cao hơn của hiện hữu khả dĩ. Tổng cộng, có 4 giáo lý chính trong Áo Nghĩa Thư:
- Prajnanm Brahma – (Tâm thức là Brahman): Nó tuyên bố rằng tâm thức và trí thông minh đồng nghĩa với Brahman (thực tại tối thượng, căn nguyên của mọi thứ đang tồn tại).
- Tat Tvam Asi – (Bạn chính là Nó): Dạy chúng ta rằng Thượng Đế và bản thân chúng ta là một và giống nhau.
- Ayam Atma Brahma – (Chân ngã/Atman là Brahman): Nó đề cập đến tâmthức bên trong. Atman và Brahma thì như nhau. Atman là tâm thức kích hoạt và di chuyển cơ thể bạn, cho phép bạn nhận thức và hành động.
- Aham Brahma Asmi – (Tôi là Brahman): Brahma tượng trưng cho thực tại, một Thượng Đế tối cao, giáo lý này đề cập đến lời tuyên bố về sự giác ngộ của một người. Có nghĩa là người được khai sáng tuyên bố Chân ngã của mình là Thượng Đế.
Những lời dạy chính này của Áo Nghĩa Thư nhằm giúp chúng ta đạt đến trạng thái hiện hữu cao hơn. Bằng cách nào? Bằng cách giúp chúng ta giải phóng bản thân khỏi sự trói buộc thông qua việc buông bỏ những danh tính của mình và hợp nhất với Thượng Đế.
Chí Tôn Ca (Bhagavad Gita) có phải là một phần của Áo Nghĩa Thư không?
Không, Chí Tôn Ca không phải là một phần của Áo Nghĩa Thư, nhưng nó là một phần của đại sử thi Mahabharata. Nó kể lại câu chuyện về cuộc đối thoại giữa hoàng tử Arjuna và người chỉ dẫn và đánh xe của anh ta, Krishna.
Đọc tiếp: 5 triết lý cốt lõi của Áo Nghĩa Thư
–
TẠP CHÍ MENBACK
Tác giả: Shannon Terrell
Theo: THĐP