Thời gian vừa qua đã xảy ra rất nhiều vụ việc chó dữ tấn công người gây thương tích nặng, thậm chí là tử vong. Vì vậy cần làm gì khi bị chó tấn công là một kỹ năng cần thiết được trang bị cho mọi người, đặc biệt là trẻ em.
Chó là loài vật ví như người bạn thân của con người, đại đa số hiền lành. Nhưng cũng một số loài có bản năng săn thú hoặc cũng có khi là do chủ nhân nuôi dạy, ví dụ thường xuyên đánh đập, cột cả ngày không cho đi lại khiến chó ức chế, đâm ra hung hãn.
Khi mình còn ở nước ngoài, ông chủ mình có dạy cho con cái họ (còn là học sinh) một bảng quy tắc phải nhớ khi gặp chó dữ. Mình sẽ liệt kê lại cho các bạn, hy vọng giúp ích.
Bản năng của loài chó
Có câu, “Chó sủa nhiều là chó không cắn”. Đặc điểm nhận diện chó dữ chính là những con chó có bản tính lầm lì, khi tiếp cận nạn nhân chúng thường lùi lại nhìn chằm chằm, nhe nanh, kèm tiếng gầm gừ trong cổ họng.
Khi thấy chúng sấn sổ tới, ta ngay lập tức phải có vũ khí để thủ, có thể nhặt một cục đá, que củi, hoặc đồ vật sắc nhọn để hù doạ và nhanh chóng rời khỏi hiện trường, vẫn cầm theo vũ khí phòng chúng đuổi theo. Tuy nhiên, chỉ áp dụng với chó cỏ, các giống chó nuôi phổ biến.
Trường hợp chó rất dữ (thường là các giống chó săn gốc nước ngoài), các biện pháp trên thậm chí sẽ khiến chúng hăng máu hơn và lập tức tấn công, vì chúng sinh ra là để chiến đấu.
Khi chó lao đến, chúng thường táp ngay vào chân hoặc hạ bộ, hoặc vùng mặt, cổ (nếu là trẻ em thấp người). Ở Long An vài tuần trước, có một anh kia tình cờ gặp lại bạn, người bạn nói chuyện có quơ tay múa chân sao đó, mà con chó Pitbull tưởng nhầm là tấn công chủ nó, lao phốc lên cắn vào cổ.
Lực cắn của chó Pitbull rất mạnh, vì Pitbull có nghĩa là “chiến đấu với bò tót” (bull là bò tót, pit là đấu, thời trung cổ ở châu Âu người ta hay chơi món này, nhưng sau này đã bỏ). Nhiều nước đã cấm nuôi Pitbull và Kangal (Kagal là chó Thổ Nhĩ Kỳ có lực cắn mạnh tương đương sư tử).
Làm gì khi bị chó tấn công?
Trẻ em càng là nạn nhân dễ dàng của chó dữ. Có lần mình nhìn thấy có mấy em học trường tiểu học trong xóm nhà trọ của mình ở Sài Gòn đi học về, bị chó dữ trong một nhà ven đường lao ra vồ, các em hoảng sợ quá lao ra giữa đường để tránh chó, lúc đó có một chiếc ô tô chạy qua, may mà chiếc xe chạy chậm nên thắng kịp.
Không bỏ chạy
Khi gặp chó dữ và to lớn, việc bỏ chạy không phải là giải pháp. Bản năng của các loài hoang dã là săn đuổi con mồi, khi chúng ta chạy sẽ vô tình kích động chó dữ đuổi theo và vồ lên từ phía sau lưng, nên nhớ chó luôn chạy nhanh hơn người.
Giữ khoảng cách, tìm vũ khí
Điều tốt nhất chúng ta có thể làm khi gặp chó dữ là giữ khoảng cách an toàn, nhanh chóng tìm lấy vũ khí tự chế tuỳ theo tình huống, có thể là gậy gộc, đá cứng, thắt lưng, cặp táp…. Sau đó cần tạo lập ưu thế về địa hình như leo lên cao, lùi vào góc hẹp, đứng đằng sau vật cản. Rồi tìm đường rút lui êm đẹp. Khi rút lui không được quay lưng, mà phải duy trì quan sát về phía chó dữ, lùi dần dần thật chậm ra xa.
Siết cổ họng
Thường khi gặp chó dữ cắn người, chúng ta thường đấm đá vào lưng, vào mặt chúng. Làm vậy chẳng những chó không buông nạn nhân ra, mà còn hăng tiết hơn. Điểm yếu của chó thật ra nằm ở cổ họng, tốt nhất nên dùng dây nịt, thòng lọng buộc vào cổ họng và siết dần, chó nghẹt thở chắc chắn sẽ buông nạn nhân ra. Cũng có thể dùng tay bóp mạnh vào yết hầu nó thì nó mới nhả. Việc cạy miệng thì cần hỗ trợ của người có lực tay mạnh. Khi chó cắn không nhả, có thể dùng tay chọt mạnh vào hai mắt của chúng.
Ở bên Israel, mình có lần thấy boss xử lý một con chó hoang đang cắn nát chân của một con dê con. Boss phải nắm hai chân sau của chó nhấc lên, rồi bóp rất mạnh hạ bộ của nó, chỉ có cách này, nó quá đau nên mới bỏ cuộc, và cũng mất thế nên không thể quay lại táp người.
Cấp cứu nạn nhân bị chó cắn
Khi cấp cứu cho nạn nhân bị chó cắn, điều đầu tiên cần làm là phải giữ bình tĩnh cho họ. Nhanh chóng sát trùng vết thương bằng nước sạch và oxi già. Không được xịt tia nước mạnh vào vết thương, nếu vết thương sâu và rỉ máu thì cần nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để thực hiện cầm máu.
Tuyệt đối không dùng kem đánh răng, nước mắm, hay các bài thuốc dân gian để bôi vào vết thương, có thể gây nhiễm trùng. Nếu chó chưa có sổ tiêm phòng đầy đủ hoặc cảm thấy nghi ngờ thì cần nhanh chóng đi tiêm phòng bệnh dại.
Loại trừ ngay chó đã cắn người
Thông thường chó đã cắn người cần phải bị loại trừ ngay, do chúng có khuynh hướng lặp lại hành vi cũ. Ngoài ra người nuôi chó cũng phải tuân thủ những quy định an toàn như rọ mõm, xích cổ khi dắt chó ra đường, không được thả rông chó ngoài công viên, nuôi chó trong nhà phải đóng kín cổng không để người đi bộ ngang qua bị hoảng sợ. Tiêm phòng đầy đủ và giữ sổ tiêm phòng cho chó cũng là quy định bắt buộc.
Ở nước ngoài các quy định này đã được ban hành thành luật. Những chú chó nào không được đăng ký, không có tên, gia chủ không trưng ra được sổ tiêm phòng thì sẽ bị xem là thú hoang bất hợp pháp, định kỳ sẽ có đội đi bắt và thanh lý, người nuôi có khi phạt tù.
Quản lý chặt chẽ việc nuôi chó dữ
Ở Việt Nam chuyện nuôi chó dữ giữ nhà còn diễn ra tự phát. Cũng có nghị định xử phạt nhưng chưa phổ biến và chế tài chưa nghiêm, nên nhiều người còn bỏ ngoài tai. Khi nuôi chó, chỉ nên nuôi các loại chó cảnh hiền lành đáng yêu như Xúc xích, Husky, Corgi, hoặc chó cỏ thuần Việt nhỏ bé hiền lành.
Những con chó to lớn và còn bản tính hoang dã như Becgie, Pitbull, Rottweiler, Bully, Ngao Tây Tạng… đều phải được huấn luyện và cấp phép trước khi bán, và người nuôi cũng phải đăng ký với chính quyền sở tại để quản lý.
Rất mong các phụ huynh chia sẻ bài viết này và đóng góp tiếng nói mạnh mẽ để nuôi chó ở các đô thị đưa vào khuôn phép, giống như chúng ta đã làm để dẹp nạn karaoke vừa rồi, giúp môi trường sống cho chúng ta và con cháu chúng ta tốt đẹp hơn. Cám ơn các bạn!
Tác giả: Minh Rong
Xem thêm
–
TẠP CHÍ MENBACK