Thái nhân cách thường bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần nói chung. Người ta thường coi “người thái nhân cách” là đại diện cho cảm nhận cá nhân của họ về một con người tà ác, thường dưới hình thức một kẻ điên rồ giết người hàng loạt như vẫn được mô tả trong phim ảnh và văn học. Đây là một nhận thức sai lầm đáng tiếc.
Bài viết sau sẽ giúp các bạn hiểu rõ thái nhân cách là gì và đặc điểm của người thái nhân cách.
Thái nhân cách là gì?
Thái nhân cách (psychopathy) là một thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp psukhe (tâm) và pathos (bệnh tật, đau khổ), và từng được dùng để chỉ bất kì rối loạn tâm thần nào. Vào thời điểm hiện tại, chứng thái nhân cách được mô tả chính xác nhất trong hai công trình có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực này: Without Conscience (Không có Lương tâm) của Robert Hare và The Mask of Sanity (Mặt nạ của sự bình thường) của Hervey M. Cleckley.
Một người thái nhân cách đúng chính xác là như vậy: vô lương tâm, và quan trọng hơn cả, điều này được ẩn giấu sau một cái mặt nạ bình thường tốt đến nỗi ngay cả các chuyên gia cũng bị đánh lừa. Một công trình thứ ba gần đây hơn, Snakes in Suits (Rắn độc mặc Com lê) của Robert Hare và Paul Babiak, đã nâng nghiên cứu trong lĩnh vực này lên một tầng cao mới bằng cách nhấn mạnh thực tế là: Nhờ khả năng che giấu bản chất thực sự của chúng, những người thái nhân cách dễ dàng trở thành những con rắn độc mặc com lê nắm quyền kiểm soát thế giới của chúng ta. Nhà tâm lý học từ trường đại học Harvard, Martha Stout, mô tả sự phối hợp chết người này như sau:
- Hãy tưởng tượng – nếu bạn có thể – không có lương tâm, không một chút nào, không một cảm giác tội lỗi hay hối hận dù bạn làm bất cứ điều gì, không chút ý thức kiềm chế bắt nguồn từ sự quan tâm đến người khác, dù là người lạ, bạn bè, hay thậm chí thành viên gia đình. Hãy tưởng tượng không phải đấu tranh với sự hổ thẹn, dù chỉ là một lần trong cả đời bạn, dù bạn làm bất cứ hành động ích kỉ, lười biếng, tai hại hay vô đạo đức nào.
- Và thử giả bộ bạn không hề biết đến khái niệm về trách nhiệm, ngoại trừ việc nó là một gánh nặng mà những người khác có vẻ chấp nhận mà không hỏi han gì, như những thằng ngu cả tin.
- Bây giờ thêm vào sự tưởng tượng kì quặc này khả năng che mắt những người khác rằng cấu trúc tâm lí của bạn khác xa so với họ. Vì mọi người đều cho rằng lương tâm là thứ tồn tại trong tất cả con người, việc che giấu sự thật rằng bạn không có lương tâm gần như không mất chút công sức nào. [Stout, Martha, The Sociopath Next Door, Broadway (2005)]
Chứng thái nhân cách được định nghĩa trong tâm thần học là một trạng thái đặc trưng bởi sự thiếu hụt khả năng đồng cảm hoặc lương tâm, tính khoa trương, ngạo mạn, nhẫn tâm, nông cạn, kém khả năng kiềm chế và hay sử dụng thủ đoạn để giành quyền kiểm soát của cải, tài nguyên hoặc con người. Người thái nhân cách cũng được biết đến là dễ nóng giận, không cảm thấy hối lỗi hay lo lắng và dễ phạm pháp hay gây tội ác. [The Oxford Textbook of Psychopathology, Edited by Theodore Millon, Paul H. Blaney, Roger D. Davis, Oxford University Press, 1999, New York]
Mặc dùng được sử dụng rộng rãi như một thuật ngữ tâm thần học, thái nhân cách không có đề mục chính xác tương ứng [Hare, R. D. Psychopathy and Antisocial Personality Disorder: A Case of Diagnostic Confusion, Psychiatric Times, February 1996, XIII, Issue 2 Accessed June 26, 2006] trong Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Các Rối loạn Tâm thần – Phiên bản IV – Có Sửa đổi (DSM-IV-TR), trong đó đề mục gần nhất là rối loạn nhân cách chống xã hội (anti-social personality disorder), hay trong Bảng Phân loại Bệnh tật Quốc tế – Phiên bản 10 (ICD-10), trong đó đề mục gần nhất là rối loạn nhân cách lẩn tránh xã hội (dissocial personality disorder). Vấn đề này sẽ được thảo luận trong phần “Lịch sử”.
Trong thực hành lâm sàng hiện nay, phương pháp phổ biến nhất để chẩn đoán chứng thái nhân cách là dùng Bảng Kiểm tra Thái nhân cách – Có Sửa đổi (PCL-R) của Robert Hare. Hare mô tả những kẻ thái nhân cách như là “những con thú săn mồi trong cùng loài, những người dùng sự hấp dẫn, thủ đoạn, đe dọa và bạo lực để kiểm soát những người khác và đáp ứng nhu cầu riêng ích kỉ của chúng. Do không có lương tâm và cảm xúc với người khác, chúng nhẫn tâm lấy bất cứ cái gì chúng muốn và làm bất cứ điều gì chúng thích, vi phạm chuẩn mực và đạo đức xã hội mà không có chút cảm giác hối hận hay vương vấn nào.” Hare cũng cho rằng mặc dù tỉ lệ thống kê của những người thái nhân cách trong một xã hội bất kì là rất nhỏ, phần đóng góp của chúng vào những đau khổ trong xã hội là đặc biệt lớn. [Hare, Robert D, Psychopaths: New Trends in Research. The Harvard Mental Health Letter, September 1995] Qua việc nghiên cứu cho thấy những người thái nhân cách rất lão luyện trong việc leo lên những vị trí cao trong giới kinh doanh và chính trị, chúng ta có thể nói chứng thái nhân cách là vấn đề quan trong nhất của xã hội hiện đại.
Với một người ngoài ngành, thuật ngữ thái nhân cách thường được hiểu rộng hơn, và thường bị nhầm lẫn với các rối loạn tâm thần nói chung. Người ta thường coi “người thái nhân cách” là đại diện cho cảm nhận cá nhân của họ về một con người tà ác, thường dưới hình thức một kẻ điên rồ giết người hàng loạt như vẫn được mô tả trong phim ảnh và văn học. Đây là một nhận thức sai lầm đáng tiếc.
Đặc điểm của người thái nhân cách là gì?
“Dễ mến”, “hấp dẫn”, “thông minh”, “lanh lợi”, “gây ấn tượng”, “tạo sự tin cậy”, và “rất thành công với phụ nữ”: Đó là những cách mô tả được lặp lại nhiều lần bởi Hervey Cleckley trong các trường hợp nghiên cứu nổi tiếng của ông về những người thái nhân cách The Mask of Sanity (Mặt nạ của sự bình thường). Dĩ nhiên, bọn chúng cũng “vô trách nhiệm”, “tự hủy hoại bản thân” và những thứ tương tự mặc dù những đặc điểm này thường được che giấu kĩ càng sau chiếc mặt nạ. Những mô tả có vẻ như trái ngược này nêu bật sự thất vọng và bối rối to lớn xung quanh các nghiên cứu về chứng thái nhân cách.
Các nhà nghiên cứu thường chỉ ra rằng, bề ngoài, người thái nhân cách dường như có thừa thãi những đặc tính mà người bình thường mong ước nhất. Sự tự tin thanh thản của người thái nhân cách có vẻ gần như là một giấc mơ không thể đạt được. Đó cũng thường là điều những người “bình thường” cố gắng đạt được khi họ tham dự các lớp huấn luyện tính mạnh mẽ. Trong nhiều trường hợp, sự hấp dẫn như nam châm của kẻ thái nhân cách với những người khác giới có vẻ gần như là siêu nhiên.
Người thái nhân cách thiếu khả năng suy xét và không có bất cứ ý thức trách nhiệm hay ý thức về hậu quả nào. Nếu có tồn tại, những cảm xúc của chúng cũng bị coi là hời hợt và nông cạn. Chúng bị xem là nhẫn tâm, thủ đoạn và không có khả năng hình thành các mối quan hệ lâu bền hay cảm nhận bất cứ tình yêu nào. Người ta cho rằng mọi cảm xúc mà một kẻ thái nhân cách đích thực thể hiện chỉ là lặp lại bằng cách quan sát và bắt chước cảm xúc của người khác.
Mức độ thông minh trung bình của người thái nhân cách, nếu đo bằng các trắc nghiệm thường dùng, thấp hơn người bình thường một chút, mặc dù khả năng trí óc của mỗi cá thể trong số chúng cũng đa dạng như người bình thường. Trái với quan niệm thông thường, không có mức độ thông minh rất cao trong số những kẻ thái nhân cách và đặc biệt không có tài năng về kĩ thuật hay tay nghề thủ công trong số chúng. [Lobaczewski, Andrzej, Political Ponerology: The Science of Evil Adjusted for Political Purposes; Red Pill Press; (1984, 2006)]
Về mặt sinh học mà nói, hiện tượng này tương tự như hiện tượng mù màu, ngoại trừ việc, không giống như bệnh mù màu, chứng thái nhân cách ảnh hưởng đến cả hai giới tính. Mức độ của nó cũng khác nhau… từ mức độ chỉ vừa đủ để một người quan sát có kinh nghiệm nhận ra cho đến mức độ bệnh hoạn rõ ràng. Cũng như bệnh mù màu, dị tật có vẻ như cũng đại diện cho một sự thiếu hụt trong xử lý kích thích, chỉ có điều không phải là trên cấp độ giác quan mà là trên cấp độ bản năng. Phân tích tâm lý cho thấy sự thiếu hụt rõ ràng chỉ xuất hiện ở nam giới. Ở nữ giới, nó thường được giảm nhẹ, dường như được bù đắp bởi một alen bình thường thứ hai. Điều này gợi ý rằng dị tật này được di truyền qua nhiễm sắc thể X, nhưng ở một gen nửa trội. Điều này chưa được xác nhận bằng việc loại trừ khả năng di truyền từ cha sang con trai. Việc phân tích cách cư xử của những cá nhân này khiến chúng tôi kết luận rằng cả thể nền bản năng của chúng cũng không hoàn thiện, chứa những lỗ hổng nhất định và thiếu hụt một số phản ứng tự nhiên hài hòa mà các thành viên của loài Homo Sapiens vẫn thường có. [Lobaczewski, 1984, 2006]
Mặc dù người thái nhân cách bị thiếu hụt trong khả năng trải nghiệm và thấu hiểu cảm xúc con người, và có những hạn chế nhất định về mặt trí tuệ, người ta đã quan sát thấy rằng chúng có một thiên bẩm đặc biệt, một loại tri thức của riêng chúng. Thiên bẩm này dường như bắt nguồn từ thực tế là chúng có khả năng quan sát và đánh giá – một cách hoàn toàn vô cảm – những người khác trong mọi loại tình huống và quan hệ khác nhau, và lập kế hoạch cho hành động của chúng mà không bị ảnh hưởng bởi các liên hệ hay cân nhắc về tình cảm. Người thái nhân cách quan sát cẩn thận những người bình thường, đánh giá, rút ra kết luận và qua đó trở nên thông thạo và tường tận với các yếu điểm tâm lý của con người. Chúng thường tiến hành các thí nghiệm nhẫn tâm chỉ để giải trí. Những đau khổ mà chúng gây ra cho người khác không bao giờ làm chúng hối hận, bởi vì, trong cách nhìn của chúng, những đau khổ ấy là kết quả của những yếu điểm của người bình thường, những cá nhân mà chúng không coi là cùng loài với chúng. Cũng như người bình thường cảm thấy hạnh phúc khi làm người khác hạnh phúc, người thái nhân cách dường như tìm thấy một thứ hạnh phúc – hay sự hài lòng – khi làm người khác đau khổ.
Người thái nhân cách học cách nhận biết lẫn nhau trong đám đông ngay từ khi còn bé, và chúng hình thành nhận thức về sự tồn tại của những cá nhân khác tương tự như chúng. [Lobaczewski, 1984, 2006] Chúng cũng ý thức về sự khác biệt giữa chúng với phần đa số của loài người, những người bình thường khác. Người ta đã quan sát thấy rằng chúng xem những người bình thường như một cái gì đó giống như một loài khác, và cái nhìn này thường là giống như một con thú săn mồi bám theo con mồi. Những người bình thường với thế giới quan bình thường của họ không thể nhận thức hay đánh giá đúng mức sự tồn tại của thế giới những khái niệm dã thú thái nhân cách ấy.
Các nhà nghiên cứu có thể thu thập được một số kiến thức về thế giới bên trong của người thái nhân cách chỉ nhờ vào những phần tử không thành công trong số chúng, những kẻ gây ra tội ác và kết thúc ở nhà tù hay bệnh viện tâm thần, nơi chúng có thể được nghiên cứu. Bằng cách này, những nhà nghiên cứu đã có thể “học ngôn ngữ của chúng” và biết được một chút về thế giới quan của chúng, mặc dù chúng tôi phải lưu ý rằng người thái nhân cách chỉ đồng ý chịu để nghiên cứu nếu chúng tin rằng sẽ thu được lợi ích gì đó cho bản thân. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy rằng người thái nhân cách không có khả năng thu nạp các khái niệm về thế giới quan của người bình thường ngay cả khi chúng cố gắng. Mọi tiến bộ bề ngoài đã bị chứng tỏ lần này qua lần khác rằng đó chỉ là màn kịch chúng diễn (thường là khá tốt) và cái mặt nạ để chúng che giấu thực trạng dị thường của chúng.
Trong bất kì xã hội nào trong thế giới này, những cá nhân thái nhân cách thường tạo ra một mạng lưới tích cực những người cùng thông đồng, tách rời khỏi cộng đồng những người bình thường. Chúng nhận thức sự khác biệt của bản thân. Thế giới của chúng vĩnh viễn chia thành “chúng ta và chúng nó”; một bên là thế giới của chúng với những luật lệ và quy tắc riêng và bên kia là “thế giới xa lạ” của những người bình thường mà chúng coi là đầy những ý tưởng và quy tắc ngạo mạn về sự thật, danh dự và đoan chính, những mực thước mà chúng biết là chúng sẽ bị lên án về mặt đạo đức nếu áp dụng lên bản thân chúng. Khái niệm méo mó về danh dự của chúng khiến chúng lừa gạt và căm ghét những người bình thường và những giá trị của họ. Ngược với những lý tưởng của người bình thường, những kẻ thái nhân cách cảm thấy không giữ lời hứa là hành vi bình thường. Chúng không chỉ thèm muốn của cải và quyền lực mà chúng còn có niềm vui đặc biệt khi chiếm đoạt của người khác (từ anh chị em của chúng chẳng hạn); những thứ chúng có được thông qua ăn cắp, lừa đảo, tống tiền là những trái ngọt hơn nhiều so với những gì chúng kiếm được qua lao động một cách trung thực. Chúng cũng biết rằng bản thân tính cách và cách cư xử của chúng gây ra chấn thương tâm lý cho người bình thường và chúng biết cách lợi dụng nỗi kinh hoàng này để đạt được mục đích của chúng.
Như đã nói ở trên, hầu hết các nghiên cứu về người thái nhân cách đều diễn ra trong quần thể nhà tù, mặc dù nó thường được gợi ý rằng bên cạnh ngồi sau song sắt, người thái nhân cách cũng hoàn toàn có thể ngồi trên ghế hội đồng quản trị, che giấu bản chất thực sự của hắn đằng sau một cái “Mặt nạ của sự Bình thường” được thiết kế cẩn thận. Cleckley đã tạo cơ sở cho ý kiến rằng chứng thái nhân cách khá phổ biến trong cộng đồng bên ngoài. Ông đã thu thập một số trường hợp người thái nhân cách hoạt động bình thường trong cộng đồng với tư cách nhà doanh nghiệp, bác sĩ, hay thậm chí bác sĩ tâm thần.
Không có cảm xúc có nghĩa là người thái nhân cách thực chất là một cỗ máy rất hiệu quả, như một cái máy tính; chúng có thể thực hiện những thao tác rất phức tạp nhằm mục đích moi được từ người khác sự ủng hộ cho những gì chúng muốn. Bằng cách này, nhiều kẻ thái nhân cách có thể đạt được những vị trí rất cao trong cuộc sống. Chỉ có qua thời gian và bằng cách quan sát cẩn thận, những cộng sự của chúng mới nhận thức được thực tế là chúng trèo lên bậc thang danh vọng bằng cách chà đạp lên quyền lợi của người khác, thường là một cách ngấm ngầm đằng sau hàng tầng lớp những sự dối trá. “Ngay cả khi chúng coi rẻ quyền lợi của các cộng sự, chúng thường vẫn có thể tạo ra cảm giác tin cậy và tự tin.”
Một điều đã được chỉ ra là sự trừng phạt và những phương pháp sửa đổi hành vi không cải thiện hành vi của một người thái nhân cách. Điều thường xuyên được quan sát là chúng đối phó với những nỗ lực ấy bằng cách trở nên xảo quyệt hơn và che giấu hành vi của chúng tốt hơn. Điều này sẽ được thảo luận kỹ lưỡng hơn trong mục “Mức độ đáp ứng với điều trị”.
Những kẻ thái nhân cách còn có một nhận thức rất méo mó về hậu quả tiềm năng của những hành động của chúng, không chỉ đối với người khác mà còn đối với bản thân chúng. Ví dụ, chúng không nhận thức sâu sắc được nguy cơ bị bắt, bị vạch mặt hay bị thương từ hành vi của chúng. Điều này có thể liên quan đến việc không có khả năng hình dung những khái niệm trừu tượng như quá khứ hay tương lai.
Trong khi suy đoán về cái gì là điểm mấu chốt trong người thái nhân cách khiến chúng trở nên như vậy, [Cleckley, Hervey, The Inner World of the Psychopath from “The Mask Of Sanity.”] Cleckley đi rất gần đến việc gợi ý rằng chúng là con người về mọi khía cạnh – nhưng chúng không có linh hồn. Sự thiếu vắng “phần hồn” này biến chúng thành những “cỗ máy” rất hiệu quả. Chúng có thể hùng biện, viết những tác phẩm uyên thâm, có thể bắt chước những từ ngữ biểu đạt cảm xúc và tạm thời diễn đạt những cảm xúc ấy, nhưng cùng với thời gian, người ta nhận thấy rõ ràng là những từ ngữ của chúng không đi đôi với hành động hay những gì thực sự bên trong chúng.
Khả năng bắt chước thường được người thái nhân cách sử dụng để thuyết phục những người khác rằng hắn là một người bình thường và có những cảm xúc bình thường. Hắn làm như vậy để tỏ ra vẻ đồng cảm với nạn nhân của hắn. Kẻ thái nhân cách sẽ tìm cách làm nạn nhân của hắn và những người xung quanh tin rằng hắn có những cảm xúc bình thường bằng cách thêu dệt những câu chuyện sướt mướt hay tự nhận là đã có những trải nghiệm sâu sắc, xúc động. [Babiak, Hare, (2007)] Yếu tố thương hại là một lý do tại sao các nạn nhân thường sa vào bẫy của những con người “đáng thương” này. Nói dối đối với kẻ thái nhân cách cũng tự nhiên như hơi thở vậy. Khi bị bắt quả tang và vạch trần là nói dối, chúng bịa ra những câu chuyện dối trá mới, và không để tâm nếu bị phát hiện. Như Hare nói:
“Dối trá, lừa gạt và thủ đoạn là tài năng tự nhiên của kẻ thái nhân cách… Khi bị bắt quả tang nói dối và vạch trần bằng sự thật, chúng hiếm khi lúng túng hay xấu hổ – chúng chỉ đơn giản là thay đổi câu chuyện hay sửa lại các dữ kiện sao cho có vẻ phù hợp. Kết quả là hàng loạt những tuyên bố trái ngược và một người nghe hoàn toàn bị hoang mang.” [Hare, Without Conscience; The Guilford Press (1999)]
Thông thường, hành vi của chúng được thiết kế để gây hoang mang và trấn áp các nạn nhân của chúng, hay để gây ảnh hưởng tiêu cực lên bất cứ ai lắng nghe những gì các nạn nhân ấy kể. Thủ đoạn là chìa khóa cho các cuộc chinh phục của chúng, và dối trá là một cách để chúng đạt được điều đó.
Adolf Guggenbuhl-Craig nói rằng “chúng rất có tài tỏ ra khiêm tốn hơn nhiều những người bình thường, nhưng thực tế thì không phải như vậy”. [Guggenbuhl-Craig, Adolf; The Emptied Soul; Spring Publications, (1999)] Những người thái nhân cách hướng tới các vị trí trong chính trị rất giỏi giả bộ quan tâm đến các tầng lớp dưới và tự nhận là đứng về phía những người nghèo, v.v…
Một số kẻ thái nhân cách thậm chí còn có thể rất yêu quý thú vật (trái với quan niệm thông thường), nhưng chúng chỉ xem các con thú ấy là đồ vật của chúng.
Xem thêm:
- PTSD là gì? Vượt qua rối loạn căng thẳng sau sang chấn như thế nào?
- Phản kháng tâm lý: tại sao bạn cảm thấy khó chịu khi bị người khác kêu làm việc mình định làm?
- Peer Pressure và cách vượt qua áp lực trước thành công của bạn bè
- Hiểu về Toxic Positivity – sự tích cực độc hại
- Overthinking là gì? 5 cách vượt qua overthinking