Hậu quả của việc nuôi dạy những đứa trẻ bằng nỗi sợ hãi triền miên không thể nào tạo nên những người trưởng thành có một nhân cách hoàn thiện.
Có nhiều người bà con trong gia đình hay hỏi tôi theo kiểu quán tính: “Bé ở nhà sợ ba hay sợ mẹ hơn?” Và khi tôi trả lời rằng con tôi không sợ ba và cũng chẳng sợ mẹ thì họ nhìn tôi có vẻ khó hiểu kiểu như: “Con mà không biết sợ cha sợ mẹ thì sau này sẽ lì lợm không dạy được. Tới lúc đó đừng có mà hối hận.” Trong quan niệm dạy con của hầu hết người Việt, dạy con sợ người lớn như ông bà cha mẹ thầy cô gần như là phương pháp tối ưu và được ủng hộ. Tôi có cảm giác nếu một đứa trẻ không học được cách sợ người lớn thì đó không phải là một đứa trẻ ngoan, còn cha mẹ nếu không biết cách làm cho con sợ thì coi như là chưa biết cách dạy con vậy.
Nếu tôi hỏi một phụ huynh phương Tây rằng “Con bạn sợ bố hay sợ mẹ hơn?” chắc phụ huynh đó sẽ nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên pha chút phật ý: “Chúng tôi là cha mẹ của con mình. Nhiệm vụ của chúng tôi là thương yêu và bảo vệ cho con mình, cho bé sự an tâm và tin tưởng. Tại sao bạn lại muốn con tôi sợ ba mẹ chúng?” Đối với những người có tư tưởng đúng đắn, cha mẹ có nhiệm vụ dạy cho con nỗi sợ những thứ nguy hiểm và không an toàn để con cái biết mà tránh và tự bảo vệ mình. Còn việc dạy con phải biết sợ để tuân phục là một điều hết sức phản giáo dục và không bình thường. Đáng buồn là cách dạy con phản khoa học này vẫn lại rất phổ biến ở Việt Nam. Nói không quá chứ tôi có cảm giác hầu hết những đứa trẻ ở Việt Nam được nuôi lớn bằng những nỗi sợ hãi.
Khi đòn roi và mắng chửi được xem là cách hữu hiệu để dạy con nên người.
Người Việt chúng ta có ai chưa từng bị cha mẹ đánh lúc nhỏ? Điều này xảy ra thường xuyên đến mức, nhiều người mặc định rằng “roi vọt” đồng nghĩa với “dạy dỗ”. Thật vậy, cho tới ngày nay, “thương cho roi cho vọt” vẫn là một trong những câu cách ngôn dạy con phổ biến nhất của nhiều phụ huynh Việt Nam. Nói không nghe lời: đánh, không ăn cơm: đánh, không chịu đi học: đánh, mê chơi: đánh, học bài điểm kém: đánh. Cho dù đứa trẻ phạm lỗi gì thì dường như cách giải quyết vấn đề tốt nhất là đánh thật đau cho nó sợ mà chừa trước cái đã rồi bắt nó phải nhận lỗi, xin lỗi. Thế là việc dạy con của cha mẹ xem như là đầy đủ.
Khi tôi hỏi học trò của mình có từng bị ba mẹ đánh hay không, các bạn gần như được cởi tấm lòng mà xả ra những câu chuyện bị cha mẹ đánh khiến tôi cảm thấy kinh hoàng. Có bạn thì bị bố dùng móc phơi quần áo bằng sắt đánh vào hai bàn tay tới mức không cầm đũa ăn cơm được. Có bạn bị bố đánh đến gãy chổi thì bà nội xách ra cây chổi khác để cho con mình đánh cháu tiếp. Có bạn bị đánh trong nhà chưa đủ còn bị nắm tóc lôi ra đường vừa đánh vừa bêu khắp xóm. Nói thật, nếu công tâm tự xét lại bản thân mình, người lớn có nhiều tội đáng bị đánh hơn trẻ con nhưng họ tự bỏ qua chỉ đơn giản vì họ có quyền.
Nhiều phụ huynh tự hào không bao giờ đánh con nhưng những lời nói của họ làm tổn thương con cái còn tồi tệ hơn những vết thương do đòn roi gây ra. Tôi không hiểu những người làm cha làm mẹ nghĩ gì khi nói với con những câu tuyệt tình tuyệt nghĩa kiểu: “Mày không phải là con của tao!” “Tao không có thứ con như mày!” hoặc “Thôi được rồi để tao chết/đi ra khỏi nhà cho mày vừa lòng!” chỉ để ép cho con phải nghe lời mình. Trong tâm lý học, nỗi sợ thầm kín lớn nhất của con người là bị chối bỏ bởi những người thân, bạn bè hoặc cộng đồng. Nó khiến cho con người cảm thấy mình không còn giá trị và ý nghĩa sống trên đời. Thử tưởng tượng những lời này được thốt ra từ miệng của chính cha mẹ bạn. Nó sẽ hủy hoại lòng tự tôn và tự tin của bạn trong suốt quãng đời còn lại.
Bạn nên đọc: Cha mẹ độc hại là gì? Biểu hiện và những kiểu cha mẹ độc hại
Tại sao lại cho người khác quyền bắt nạt con mình?
Có một lần đang ngồi ăn sáng trong một quán ăn, tôi nghe người mẹ bàn kế bên dọa đứa con đang nhõng nhẽo không chịu ăn của mình rằng: “Con mà không ăn mẹ kêu chú này bắt con đi bây giờ!” Và như để chứng thực lời nói của mình, bà ta khều tôi và nói: “Chú ơi chú, nó không chịu ăn nè. Chú bắt nó giùm tui nha!” Nói thật, mặc dù hiểu được trình độ nhận thức của người mẹ này có hạn, tôi vẫn không khỏi bực mình vì cách dọa con phản tâm lý này. Sao lại dọa con mình rằng để cho một người lạ bắt nó đi vì một cái lỗi không lớn? Tại sao lại gieo vào đầu trẻ con một ác cảm và nỗi sợ hãi đối với người mà nó không quen biết?
Nhiều người lớn có một trò đùa rất ác và rất ngu là chọc hoặc hù dọa cho những đứa trẻ sợ tới mức phát khóc khi cha mẹ chúng không có ở đó và lấy đó làm vui. Bé càng rúm ró sợ hãi và khóc càng to thì họ càng chọc hăng và cười càng lớn. Có nhiều bé chỉ khoảng 1-2 tuổi bị những người lớn lôi kéo và hù dọa đến mức khóc không thành tiếng. Nhưng cha mẹ bé nhiều khi chỉ đứng đó mà không có hành động hay lời nói nào để ngăn cản những trò đùa vô ý thức kia. Tôi thì xác định luôn, bất cứ người nào chọc cho con tôi khóc kiểu đó để đùa thì chắc chắn sẽ ăn đòn và đừng bao giờ đụng tới bé nữa.
Thay vì dạy con rằng không ai có quyền đụng chạm đến thân thể của con mà chưa có sự cho phép chứ đừng nói đến việc đánh đập hay lạm dụng, cha mẹ Việt Nam lại trao quyền cho thầy cô tùy ý xâm phạm thân thể con mình với những câu nói: “Xin thầy cô cứ mạnh tay với cháu. Tôi rất biết ơn thầy cô!” hay “Cháu nó hư thì thầy cô cứ đánh, tôi không can thiệp!” Vẫn còn rất nhiều người đồng tình với việc giáo viên có quyền phạt đánh phạt quỳ học sinh vì như vậy mới trẻ mới nên người. Họ dẫn chứng rằng ngày xưa đi học bị thầy cô đánh, bị phạt quỳ các kiểu nhưng bây giờ ai cũng nên người và biết ơn thầy cô chứ đâu có dám oán trách.
Tôi quả thực không hiểu từ khi nào việc dạy con bằng cách cho phép và khuyến khích một người xa lạ đánh đập con mình được gọi là một cách giáo dục tử tế. Một khi bạn trao quyền cho người khác để dạy dỗ con mình bằng bạo lực, một cách gián tiếp, bạn đang nói cho họ biết rằng bạn là những bậc cha mẹ thất bại trong việc dạy dỗ con mình. Một cặp vợ chồng hiện nay chỉ có từ 1 đến cao nhất là 3 đứa con, đừng bao giờ ngụy biện rằng mình phải lo kiếm tiền nuôi con nên không có thời gian chăm sóc dạy dỗ con cái mình. Con mình không nuôi không dạy cho tử tế lại nhờ vả giáo viên phạt cho thật nặng để được tiếng là không bênh vực con, đó là kiểu phụ huynh lạ đời gì vậy?
Tôi dám cá rằng những học sinh bị giáo viên bạo hành hoặc lạm dụng kéo dài đều có một điểm chung là không dám về báo với cha mẹ vì trong đầu óc của các bé, việc mình bị thầy cô đánh phạt là chuyện hiển nhiên và nếu về nói với cha mẹ nghe chẳng những không được bảo vệ mà còn bị phạt thêm hoặc ít nhất cũng sẽ nhận được nhưng câu “Con phải như thế nào thì mới bị cô thầy đánh. Oan ức gì mà kể lể.” Việc đổ lỗi cho nạn nhân đôi khi xảy ra ngay trong chính gia đình bởi những người thân chứ không phải là người ngoài.
Tác hại của việc nuôi dạy con cái bằng nỗi sợ hãi
Hễ mỗi lần tôi nói rằng việc dạy con bằng nỗi sợ đã quá lỗi thời và phản giáo dục, tôi đều nhận được những lời phản bác rằng ngày xưa nhờ cha mẹ thầy cô dữ đòn thì mới nên người, còn cưng chiều con cái chỉ khiến cho chúng hư. Tôi thấy đây là một ngụy biện mà nhiều người mắc phải.
Thứ nhất, việc một người có nên người hay không dựa vào nhiều yếu tố khác nhau chứ không phải chỉ là nhờ đòn roi. Đó là còn chưa kể định nghĩa “nên người” của mỗi người mỗi khác. Có phải chỉ đơn giản là lớn lên không thất học, không nghiện ngập bê tha hay không thành tội phạm thì đã được gọi là “nên người”?
Thứ hai, nếu thử làm một khảo sát trên diện rộng, bạn sẽ biết những đứa trẻ bị bạo hành đánh đập trên toàn cõi Việt Nam “nên người” nhiều hơn hay trở thành những thành phần bất hảo nhiều hơn.
Thứ ba, tại sao các nước tiến bộ đã từ lâu bỏ cách dạy con lạc hậu bằng bạo lực mà trẻ con vẫn nên người và đất nước vẫn phát triển? Nếu dựa trên quan điểm cá nhân để đánh giá việc nuôi dạy con bằng bạo lực là tốt, tôi e rằng rất phiến diện và chủ quan.
Nhân cách thiếu hoàn thiện
Hậu quả của việc nuôi dạy những đứa trẻ bằng nỗi sợ hãi triền miên không thể nào tạo nên những người trưởng thành có một nhân cách hoàn thiện được. Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao có nhiều người Việt Nam dù đã trưởng thành nhưng rất tự ti rụt rè và có khả năng biểu đạt ý kiến của bản thân rất kém trong khi ở các nước tiên tiến, những đứa trẻ ở độ tuổi tiểu học đã có một sự tự tin và nói chuyện rành rẽ mạch lạc khi tiếp xúc với người lớn cho dù đó là đương kim tổng thống? Đó chính là do cách nuôi dạy bằng nỗi sợ hãi và sự cấm đoán áp đặt của nhiều phụ huynh Việt Nam đã vô tình khiến cho nhiều đứa trẻ lớn lên bị khiếm khuyết lòng tự tôn và luôn luôn cảm thấy mình thấp kém.
Rất nhiều học viên của tôi mặc dù đang học đại học hoặc ra đi làm khi đứng nói chuyện với tôi vẫn lí nhí rụt rè khoanh tay cúi đầu trông rất tội nghiệp. Tôi nhiều lần tự hỏi đó có phải là một biểu hiện của sự lễ phép hoặc lịch sự đúng nghĩa hay chỉ là một phản xạ có điều kiện của một quá trình được nuôi dạy bằng nỗi sợ hãi và việc ép buộc phải tuân phục người lớn.
Bạn nên đọc: 10 điều cha mẹ cần làm để nuôi dưỡng tâm hồn cho con trẻ
Tạo ra những đứa trẻ dối trá
Hệ quả lớn thứ hai của việc nuôi dạy con bằng nỗi sợ là việc chúng ta vô tình tạo ra những đứa trẻ dối trá. Tôi biết rất nhiều bạn trẻ về nhà trước mặt cha mẹ thì tỏ ra ngoan hiền, ngây thơ nhưng khi ra ngoài đường thì trốn học, tụ tập với bạn bè xấu, hút thuốc, đánh bài. Nhiều bậc cha mẹ vốn rất tự hào vì “chúng tôi rất nghiêm khắc với con cái” hoặc “ba nó rất dữ đòn” đã phải ngã ngửa vì bất ngờ khi con cái mình dính vào ma túy hoặc có thai ngoài ý muốn.
Hãy khoan trách móc những đứa trẻ đó là hư đốn hoặc bất hiếu với cha mẹ. Bản chất của trẻ vị thành niên là tò mò vì mọi thứ xung quanh chúng đều rất mới lạ và hấp dẫn. Nếu chúng có thể cởi mở hỏi cha mẹ hoặc giả sử nếu có mắc phải sai lầm nhưng không phải vì quá sợ hãi sự trừng phạt của cha mẹ, chúng sẽ không học những điều sai trái từ bạn bè xấu, tìm cách nói dối để che đậy và tiếp tục lún sâu vào sai trái đến mức gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Những nghiên cứu về tâm lý học trẻ vị thành niên đã chỉ ra rằng mức độ nghiêm khắc của cha mẹ tỷ lệ thuận với độ tinh vi trong khả năng nói dối của con cái ở độ tuổi dậy thì. Cha mẹ càng dữ đòn thì con cái càng có khuynh hướng nói dối bài bản và che giấu thành thạo. Ngược lại cha mẹ càng cảm thông cởi mở thì con cái càng trung thực và ít giấu giếm.
Nỗi sợ bị đảo lộn
Trong tâm lý học, nỗi sợ có tác dụng giúp con người đề phòng và không để mình rơi vào những hoàn cảnh nguy hiểm như một bản năng sinh tồn. Tuy nhiên, việc gieo rắc nỗi sợ vào đầu những đứa trẻ từ nhỏ khiến cho những khái niệm về nỗi sợ bị đảo lộn: chúng ta rất sợ những thứ không đáng phải sợ như quyền lực, bạo lực nhưng lại thờ ơ trước những nguy hiểm thực sự như ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, thực phẩm bẩn và rất nhiều những điều sai trái khác trong xã hội… Sự lệch lạc về tư duy đó khiến cho con người chỉ có khái niệm về những điều “được phép làm” và “không được phép làm” chứ không có khái niệm “đúng” và “sai”.
Hãy cứ nhìn cách người Việt Nam chúng ta tham gia giao thông thì cũng có thể hiểu được nỗi sợ đã bị hiểu sai về bản chất như thế nào. Khi không có công an, họ sẵn sàng rú ga chạy bạt mạng bất chấp nguy hiểm đến an toàn tính mạng của bản thân và của người khác vì họ sợ “bị phạt” hơn là hiểu được hậu quả của việc gây ra tai nạn. Một khi nỗi sợ được lạm dụng như một hình phạt thì ranh giới đạo đức và tốt xấu thực sự sẽ bị xóa nhòa và đảo lộn đến mức không thể cứu vãn được nữa. Lúc đó cái xấu và cái ác sẽ thống trị và mỗi người chúng ta vừa là nạn nhân và cũng chính là thủ phạm.
Xem thêm:
- 4 kiểu cha mẹ đặc trưng và các kiểu con cái tương ứng
- Đừng nuôi dạy con như huấn luyện thú làm xiếc
- Những điều cha mẹ nên và không nên làm với con cái