Có nhất thiết phải dưỡng ẩm cho da hay không? Có phải da dầu chỉ cần cấp nước, da khô, da nhạy cảm chỉ cần dưỡng ẩm như nhiều người vẫn nói?
Chia sẻ của bạn Lê Yến sau đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về việc chăm sóc da và phân biệt được:
- Dưỡng ẩm là gì?
- Những yếu tố cơ bản cấu thành nên quá trình dưỡng ẩm của da?
- Các bài trên internet ngày nay đều so sánh cấp nước và dưỡng ẩm, đúng hay sai?
- Có phải da dầu chỉ dùng các sản phẩm cấp nước, da khô bắt buộc phải giữ ẩm?
Mình viết bài này khi thấy mọi người và nhiều bài viết quá cứng nhắc trong việc dưỡng ẩm của da. Theo mình, việc skincare cho làn da đẹp là phải tùy người, tùy môi trường và tùy thói họ đang sử dụng. Bài này mình sẽ viết kĩ hơn để mọi người phân biệt và tự xây dựng cho mình 1 chu trình dưỡng ẩm phù hợp nhất cho làn da của mình nhé!
Bạn nên đọc: Làm thế nào để đẹp trai hơn?
Dưỡng ẩm là gì?
Đầu tiên chúng ta sẽ lướt sơ qua các khái niệm nhé. Ẩm là hơi nước, độ ẩm được tạo ra từ nước, nói ẩm hay nước đều được. Dưỡng ẩm (Moisturizing) là quá trình cung cấp và duy trì lượng ẩm trong da đủ mức cần thiết, là bước chăm sóc da cơ bản hàng ngày, đặc biệt là khi có sự thay đổi “hàng rào” biểu bì và giảm hàm lượng nước trong biểu bì. Dưỡng ẩm bao gồm quá trình cấp ẩm và khóa ẩm cho da.
Cấp/hút ẩm cho da hay còn gọi là cấp nước (Humectant hoặc Hydrating/hydrator)
Đây là quá trình mà các hoạt chất giúp giữ (cấp) ẩm (nước), giúp da ngậm nước, bù nước nếu da bị thiếu nước. Bạn sẽ cần bù nước cho nó bằng các thành phần giúp nó tạo nên các liên kết hydro nên có thể giữ lại với các phân tử nước.
Các hoạt chất nổi tiếng trong quá trình cấp ẩm gồm: Hyaluronic Acid (HA), Sodium Hyaluronate (HA ở dạng muối), Panthenol (vitamin B5), rượu đường (Glycerol, Sorbitol,…), Urea, Betaine, gel lô hôi, Acid Lactic…
Da thiếu nước (thường do chế độ ăn uống hoặc do yếu tố môi trường, hay thậm chí do các sản phẩm bạn đang sử dụng như retinoids, lưu huỳnh…). Cho nên không có một sự khẳng định rằng da dầu chỉ cần cấp ẩm và da khô thì không cần.
Giả sử bạn da khô nhưng hay ngồi máy lạnh, hoặc độ ẩm trong mùa này thấp… đều làm tình trạng da chúng ta bị mất nước. Bất cứ làn da nào cũng thiếu nước, chỉ khác nhau là nhiều hay ít thôi. Việc cấp nước cho tất cả các loại da là điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, bạn cấp nhiều hay ít là tùy thuộc vào làn da, ngưỡng chịu đựng của da mong muốn.
Các hình thức cơ bản của việc cấp nước:
- Uống đủ nước.
- Đắp mặt nạ hoặc lotion mask, vỗ toner dưỡng ẩm (lưu ý chọn đúng loại toner), đa số trong các sản phẩm này là chứa HA, B5 và nước. Theo lý thuyết 1 phân tử HA có thể ngậm 1000 phân tử nước, nước được bổ sung trong các sản phẩm này khá nhiều, ngon – bổ – rẻ. Bạn đừng quá trông chờ vào độ ẩm trong không khí mà các hoạt chất này có thể hút được, nước rẻ mà, ngại gì không cấp luôn cho nó. Nước và HA ở sản phẩm nào rẻ, chính là toner hoặc các mặt nạ giấy đấy.
Vậy các tin đồn hiện tại cho rằng “Da khô chỉ cần dưỡng ẩm, không cần cấp nước” thật khó hiểu. Cấp nước chính là dưỡng ẩm, nhưng nó là một phân mục nhỏ của dưỡng ẩm mà thôi. Nếu mình da khô nhưng đang điều trị mụn bằng retinol/adapalene/tretinoin, hay nhà ai thích mở máy lạnh liên tục 24/24, sống ở mấy vùng lạnh vào mùa đông… thì sao?
Theo kinh nghiệm của mình và anh chị em bạn dì mình quen, da khô hay da dầu đều có nguy cơ thiếu nước, chỉ là thiếu nhiều hoặc ít, tùy mùa tùy thói quen thôi. Chưa kể việc thiếu nước trong thời gian dài, làn da dễ bị nhạy cảm hơn (rõ nhất ở các bạn da yếu, da mụn, da dính kem trộn hay rượu thuốc đó), đủ thì mới khỏe được, nên nhiều khi bạn thấy da yếu nhưng cấp ẩm 1 thời gian da cũng sẽ khỏe lên, ít kích ứng hơn nữa. Phải chăng ý các bạn/bài báo đó nói về việc khóa ẩm chăng?
Khóa ẩm cho da
Khóa ẩm là hoạt động giúp làn da không bị mất nước qua hai quá trình sau đây:
1. Khóa ẩm cho da bằng chất tạo màng (Occlusives)
– Hiểu nôm na là bọn này vừa tạo 1 lớp màng film để tránh hiện tượng mất nước trong da, một số hoạt chất có tính năng làm mềm cho da.
– Một số loại chất tạo màng thường gặp như: mineral oil, sáp ong, bơ hạt mỡ, lanolin, một số loại dầu có độ oleic acid cao (dầu dừa, oliu, jojoba,…), các loại silicones…
2. Khóa ẩm cho da bằng chất làm mịn (Emollients)
– Chúng giúp lấp đầy các “lỗ trống” giữa các tế bào sừng của da, chúng cũng có khả năng làm mềm da. Và thậm chí một số hoạt chất còn có khả năng phục hồi làn da nữa.
– Một số loại chất làm mịn thường gặp như: collagen, ceramides, squalene, cồn béo, acid béo, colloidal oatmeal và một số loại dầu có độ linoleic acid cao (dầu hoa hồng, dầu hemp, dầu hạt nho…).
Da khô thiếu dầu vì nó tạo ra ít bã nhờn hơn, có nghĩa là nó không có đủ lipid béo để duy trì hàng rào bảo vệ. Bạn sẽ cần bổ sung dưỡng chất cho da bằng các sản phẩm giàu dầu, ceramides… Nhưng việc khóa ẩm tùy thuộc mức độ khô, thói quen chăm sóc da và môi trường sống.
Có nhiều bạn từ nhỏ đã nói rằng: “Tao da khô nên bôi dầu dừa để dưỡng ẩm cho da từ nhỏ đến lớn” nhưng lại không mụn, đó là nó đủ cho bạn ấy, có thể bạn sống ở môi trường lạnh hoặc da bạn ấy quá khô, không đủ lipid béo bảo vệ da. Trong khi mình học theo bôi lại mụn mặc dù cũng là da khô, đó là dư cho mình, nó tạo lớp film bọc lại da nên dễ gây bí tắt sinh mụn.
Còn da dầu cần khóa ẩm không? Câu trả lời là tùy tình trạng da, thậm chí nói riêng dimethicone (một loại silicone, không đề cập đến việc bạn bị dị ứng nó, nó không hề xấu) còn có khả năng kiềm dầu, làm mịn và ít nhờn dính trong một số sản phẩm, giúp chất sản phẩm có kết cấu “nhẹ” hơn. Hoặc bạn có thể tham khảo các chất làm mịn, chúng sẽ đỡ “bí” hơn cho da dầu.
Mà da dầu, mụn yếu, hàng rào lipid có vấn đề thì chơi ceramides, ngày sau chơi colloidal oatmeal kết hợp lại cũng xịn xò lắm. Như trường hợp da mình da dầu, sử dụng retinol, ceramide và squalene oil kết hợp, nó giúp khỏe và dày da hẳn. Chính vì dùng retinol và adapalene thường xuyên khiến làn da thiếu ẩm, dễ bong tróc, nên mình vẫn có thể bổ sung các loại kem dưỡng ẩm vào routine.
Mình rất thích bôi Eucerin urea, nó là một sản phẩm tuyệt vời khi có urea cấp ẩm, ceramide khóa ẩm, nhưng bôi sẽ có thể gây nhờn, không được khô thoáng như nhiều loại kem khác, có thể sáng dậy bạn bị đổ dầu nhẹ nữa, nhưng với mình chuyện đổ dầu nó rất bình thường, chỉ việc làm sạch là xong, quan trọng các chất mà da mình được “ăn” trong tối hôm đó, và mình bôi không bị mụn là được.
Đó là quan điểm của mình, còn nhiều bạn chỉ thích bôi thấy ráo nhanh, hay bạn không thích nhờn dính, da nhờn là lên mụn, thì lựa chọn các loại gel, hoặc kem có thêm dimethicone để tạo độ ráo nhanh cho sản phẩm khi ở trên da, hoặc thay thế bước khóa ẩm bằng 1 số loại facial oils chuyên dụng cho da dầu (Lapis oil hãng H, UFO hãng S, Daily Reviving Concentrate hãng K…) nhiều lắm. Điều quan trọng là phải thử mới biết loại nào hợp với da của bản thân.
Bạn nên đọc: Cách cải thiện ngoại hình cho nam giới luôn tự tin và cuốn hút
Lưu ý khi lựa chọn kem dưỡng ẩm cho da
Trên thị trường hiện tại đa số sản phẩm đều không thuộc dạng thuần cấp ẩm hay thuần khóa ẩm cả (trừ cái kiểu dầu dừa nguyên chất, HA nguyên chất, hay vaseline… Vì sao mình lại nói vậy?
– Thứ nhất chỉ riêng về vitamin B5, chúng có khả năng cấp ẩm và tự có khả năng khóa ẩm, nên liệu serum B5 là cấp ẩm thuần túy? Hoặc toner, mặt nạ giấy có chứa B5 không thể khóa ẩm?
Tuy nhiên khóa ẩm ở B5 không mạnh như collagen hay dimethicone… Nhưng chúng sẽ ĐỦ cho tình trạng da dầu mùa hè nóng bức, chỉ cần sự khóa ẩm nhẹ nhàng, nhưng có thể không đủ cho các bạn da khô mùa thu đông khi B5 được thêm ở dạng serum, toner.
Việc này giải thích cho nhiều bạn da dầu không cần kem dưỡng trong một số mùa nóng nực, nồm ẩm ở Việt Nam hen. Nhiều lúc trời nóng bung đầu chỉ vỗ 2-3 lớp toner hay đắp 1 cái mặt nạ kèm serum là da mình đã đủ ẩm rồi.
– Hay việc formulate các sản phẩm còn dựa vào tỉ lệ W/O (water in oil). Việc này cũng ảnh hưởng đến kết cấu sản phẩm (W/O của cream có thể là 1:1, ointments là 80% oil: 20% nước…. Tỉ lệ thường gia giảm và phối trộn tùy thuộc vào nhà sản xuất, hoặc để nhẹ nhàng hơn mà có nhiều hãng ra dạng cream-gel cho da khô nếu bạn bôi cream bị bí lên mụn, bị dư ẩm… nên việc lựa chọn sản phẩm cũng rất quan trọng tùy thuộc vào tình trạng da.
Vậy gel dưỡng, kem dưỡng có khả năng cấp ẩm không? Câu trả lời là có nhưng lượng nước không nhiều. Chúng thiên về khả năng khóa ẩm cho da hơn.
Tổng kết
“Da khô” và “da dầu” là một loại da thực tế, trong khi “da mất nước” là tình trạng tạm thời mà bất cứ ai cũng có thể gặp phải – ngay cả những người có da dầu hay da khô. Nên skincare cứ canh đủ với da là được, còn việc như thế nào là đủ thì chắc do cảm nhận của từng người. Không phải kiểu “tao bôi 10 lớp mới vip hơn mày”.
Nhiều ngày lười mình chỉ vỗ toner đi ngủ vì thấy đủ rồi thì thôi. Dư thì mai nó mụn đầu trắng hoặc đổ thật sự quá nhiều dầu mà da không chịu nổi thì hôm sau bớt đi.
Hãy chăm sóc da như nấu ăn, hãy nghe theo lời tổ tiên mách bảo!!! Áp dụng một lịch trình, hay 1-2 loại kem dưỡng nào đó áp dụng cho đại đa số 1 loại da là điều viễn vông. Nhà sản xuất chỉ đề loại da để khuyến cáo rằng bạn có thể hợp, da dầu dùng kem dưỡng da khô được không? Được chứ, chả sao cả.
Việc dịch các thuật ngữ chăm sóc da sang tiếng Việt có thể không chuẩn với từng người. Có người dịch rằng việc cấp ẩm cũng là hành động giúp giữ, kéo nước/ẩm cho da, hoặc có người dịch rằng việc giữ ẩm chính là giữ lại các phân tử nước, không cho chúng thoát ra, đồng nghĩa với sự khóa ẩm. Nên hiểu rõ bản chất thì sản phẩm đó có đề cái gì mình cũng hiểu được nhé.
Hướng dẫn cách chăm sóc da mặt cho nam giới
–
MENBACK.COM