Nhiều bạn đi nước ngoài thời gian chưa đủ một vụ trồng hành lá nhưng lại cố từ bỏ thanh âm quen thuộc mấy mươi năm.
Bữa giờ rộn cả làng Facebook câu chuyện lai-chym bắn song ngữ “sự thật thì luôn luôn đơn giản nhưng people make it complicated…” của bạn gì quê Hà Nội xinh xinh hay hát sau khi sang Mỹ sinh sống, lao động và học tập đằng đẳng suốt hơn 336 tiếng đồng hồ.
Cộng đồng mạng phản ứng vụ này khá dễ thương và thú vị bữa giờ nên tranh thủ cuối tuần tôi biên mấy dòng câu like cho đỡ mốc meo.
Thật ra chuyện pha ngoại ngữ (tiếng Anh) vào hội thoại là vấn đề không mới. Tiếng Việt mà chúng mình nói chuyện hàng ngày cơ bản cũng vay mượn rất nhiều từ các ngôn ngữ khác.
Tiếng Việt ta giàu và đẹp (hehe hài lòng rồi nhé) nhưng có những trường hợp cụ thể thì nó chỉ đạt hiệu suất có 30-40% so với ngôn ngữ khác vì thế để miêu tả một thứ đơn giản thì chúng ta phải dùng câu rất dài (xem phim nước ngoài sẽ thấy thỉnh thoảng lời thoại nhân vật ít và ngắn nhưng thuyết minh thì rất dài là vậy).
Thậm chí có những chữ rất khó để dịch ra tiếng Việt sao cho ngắn gọn và đủ nghĩa, điển hình là chữ “Marketing”, nếu dịch là “tiếp thị” thì sẽ rất gượng ép vì thế hiện nay các anh chị vẫn phải dùng từ gốc Marketing trong các bài báo cáo, thuyết trình.
Một số từ quen thuộc nữa là: hello, bye, post, status, like, share… vẫn được chúng mình thường xuyên dùng trong những câu tiếng Việt. Khi tiếng Anh ngày càng phố biến ở Việt Nam ta thì vấn đề này cũng càng trở nên phố biến, nhất là trong giới trẻ.
Tuy nhiên, như tôi đã nói ở trên, việc vay mượn ngôn ngữ phải đảm bảo yếu tố phổ biến và ngắn gọn. Chứ như chị gì bắn rap song ngữ mà từ đi mượn còn dài quá mấy lần từ thuần Việt thì nó không khác gì thịt nướng chấm nước cốt dừa và tráng miệng bằng phô mai sợi.
Ngoài những trường hợp đặc biệt sống ở nước ngoài quá lâu, ít có điều kiện sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp thì việc pha sinh tố nửa Việt – nửa Anh như thế là thiếu tôn trọng với người nghe và thiếu tôn trọng với chính cả 2 ngôn ngữ mà họ đem đi pha trộn.
Tôi có cô bạn đồng hương là người yêu cũ, sang Mỹ mấy chục năm nhưng về Việt Nam vẫn bắn tiếng Quảng Ngãi rần rần, mỗi lần mình say say, giả điên kiếm cớ nắm cái tay thì cô ấy vẫn đọc câu thần chú mà 99.69% em Quảng Ngãi nào cũng thuộc đó là “Thôi đi choa, choa lồm céi gì dẫy choa?” (Thôi đi cha! Cha làm cái gì vậy cha?).
Tất nhiên, thỉnh thoảng trong quá trình nói những câu chuyện dài, nhiều anh chị Việt kiều vẫn quên đi ít nhiều những từ vựng cụ thể nhưng họ sẽ ngay lập tức khựng lại, tìm cách khắc phục hoặc thậm chí lịch sự hỏi ngược lại chính người đối diện để ôn lại ngôn ngữ quê hương.
Những người Việt xa quê càng lớn tuổi thì họ càng khát khao được nói tiếng Việt, được giữ gìn vốn ngôn ngữ quý giá, ít ỏi còn lại trong đầu để dạy cho con, cho cháu.
Ngược lại, nhiều bạn đi nước ngoài thời gian chưa đủ một vụ trồng hành lá nhưng lại cố từ bỏ thanh âm quen thuộc mấy mươi năm. Cố hình thành thoái quen “loạn ngữ” để tỏ ra cấp tiến, thức thời và cá tính. Đó là điều đáng tiếc. Dù có biện minh dưới bất kỳ điều gì đi nữa, thì cũng là đáng tiếc.
À quên! Không phải tiếc cho quê hương, mà tiếc cho chính bạn, mà thôi.
Xem thêm: “Người phán xử” và sự hài hước của điện ảnh Việt
–
MENBACK.COM