Không phải việc được rèn luyện trí tuệ, không phải thỏa mãn thể chất, tôi nghĩ yếu tố chính khiến ta tham gia các trò chơi phổ biến (như thể thao, đánh cờ hay game) vì chúng giúp ta được sống thêm một lần nữa. Hay nói đúng hơn, nó giúp ta sống một cuộc đời khác đơn giản hơn và kiến tạo cho ta cơ hội để thành công bên trong ấy.
Bài viết này là một ý tưởng mới, bắt nguồn từ ý tưởng cũ cho rằng cuộc đời của chúng ta, không hơn không kém chỉ là một trò chơi được thiết kế với những luật lệ phức tạp và chính người chơi phải trải nghiệm trực tiếp những gì nhân vật họ chơi trải qua.
1. Xã hội chúng ta đang sống là một trò chơi lớn
Đây không phải ý tưởng mới mẻ, và tuyệt nhiên không phải ý tưởng của người viết, khi cho rằng cuộc đời là một cuộc chơi. Trong đó, chúng ta sở hữu một nhân vật và điều khiển nhân vật ấy đến với đích đến cuối cùng. Hay nói cách khác, cuộc đời này có thể xem là một bản mở rộng phức tạp hơn của những trò chơi như… cờ tỷ phú.
Bên trong trò chơi này, nhiệm vụ chính của người chơi là khám phá thế giới và đi tìm nguồn gốc bản thân. Song song với đó, người chơi phải làm những nhiệm vụ phụ để sinh tồn hay duy trì cốt truyện. Chẳng hạn, họ phải kiếm tiền, tham gia các cuộc thi, thực hiện nhiệm vụ đi tìm bạn đời, nuôi dạy con cái, xây nhà, duy trì các mối quan hệ… Tuy là “nhiệm vụ phụ” nhưng chúng khá rối rắm và phức tạp. Đôi khi các nhiệm vụ phụ còn khiến nhân vật của chúng ta quên mất nhiệm vụ chính. Nhiều người khác lại chọn bỏ qua hàng loạt nhiệm vụ phụ và tận hưởng không gian trò chơi tạo ra.
Bên trong trò chơi này, sẽ có những giới hạn cứng do các định luật vật lý đã được lập trình sẵn (tùy map, ở đây là map Trái Đất). Những luật cứng này thường là bất khả vượt, chẳng hạn như không thể đi xuyên tường, không thể nhảy từ trên cao xuống cũng như không thể bay. Tuy vậy, trò chơi này còn có cả những luật mềm khác theo kiểu “không phải không làm được nhưng làm rồi phải chịu hậu quả nghiêm trọng” được quy định bằng luật pháp và đạo đức. Như việc tát vào mặt bố mẹ, bắt cóc người dám từ chối lời tỏ tình của mình… đó không phải là điều không thể, nhưng chúng ta vẫn không làm (đôi lúc vẫn có người làm).
Trò chơi này cũng có những thuật toán tự động được cài đặt sẵn để tăng trải nghiệm cho người chơi mới (nhưng khá phiền phức với người chơi lâu năm), chẳng hạn tư duy cảm tính, vô thức hay khả năng thực hiện những hành vi thông thường như đi đứng, chạy nhảy… Những thuật toán này đảm bảo giúp mọi thứ vẫn chuyển động ngay cả khi tâm trí ta (người điều khiển chính) đã rệu rã hoặc bị phân tán.
Trong trò chơi này, phần thưởng được đặt bên trong mỗi nhân vật của chúng ta. Sau mỗi lần hoàn thành một nhiệm vụ phụ (hoặc các bước để hoàn thành nhiệm vụ ấy), người chơi sẽ được thưởng những phần thưởng về cảm xúc như buồn, vui, hạnh phúc, tuyệt vọng. Phần thưởng khi hoàn thành nhiệm vụ chính chắc chắn đáng để đạt được hơn, nhưng đến nay vẫn chưa ai biết đó chính xác là gì. Trò chơi này cũng khiến người ta nhầm lẫn giữa phần thưởng thực sự là sự thỏa mãn về mặt cảm xúc, với những trang bị đạt được từ mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ.
Chẳng hạn, sau khi hoàn thành nhiệm vụ “đậu trường đại học số 1 ở quốc gia bạn sống”, phần thưởng bạn có được là cảm xúc hạnh phúc, chứ không phải sự vinh danh từ những người chơi khác hay suất học ở trường đại học số 1 ấy. Vì thực chất suất học ở trường đại học số 1 chỉ là cánh cửa mở ra cho những nhiệm vụ khác phức tạp hơn và thậm chí có thể tác động tiêu cực với bạn. Tuy vậy, hoàn thành nhiệm vụ này có thể giúp nhân vật của bạn nhận được những vật phẩm (bằng đại học ở trường đại học số 1 chẳng hạn) giúp hoàn thành các nhiệm vụ phụ khác dễ hơn.
Điều độc đáo trong trò chơi này nằm ở chỗ, hệ thống nhiệm vụ phụ của mỗi người mỗi khác, nhưng phần thưởng đạt được lại có nhiều điểm tương đồng. Chẳng hạn, niềm vui của một người nông dân trong một buổi nhậu ở ven bờ ruộng, không khác mấy so với niềm vui của các nam thanh nữ tú trong một buổi tiệc sôi động ở bờ biển. Khác biệt có lẽ nằm ở tần suất nhận được phần thưởng, vì một số người lựa chọn những hệ thống nhiệm vụ phụ chi chít chằng chịt hơn, trong khi số khác dành phần lớn thời gian để khám phá bản đồ và bản thân (nhiệm vụ chính).
Càng về “late game” (giai đoạn sau của trò chơi), nhân vật của bạn càng trở nên yếu đi và khó khăn hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ chính. Tuy vậy, ở “mid game” (giai đoạn giữa của trò chơi), phần lớn lại tốn thời gian cho nhiệm vụ phụ. Vì thế, trong suốt hơn chục nghìn năm lịch sử tồn tại và nhiều tỷ người chơi từng tham gia, rất ít người được nhắc đến như một người chơi đã hoàn thành xuất sắc trò chơi này, hoàn thành xong nhiệm vụ “hiểu về thế giới và hiểu về bản thân”.
Cho đến nay, bí ẩn lớn nhất của trò chơi vẫn là câu hỏi “trước trò chơi là gì” và “sau trò chơi là gì”. Những người chơi ở “server” phương Đông cho rằng chúng ta sẽ được chơi lại nếu chẳng may lần này thất bại, những người phía Tây cho rằng mọi người sẽ được chuyển qua map khác (cực tốt hoặc cực tệ) tùy vào thái độ chơi ở map này và sẽ có trọng tài quyết định điều ấy.
Tuy là “trò chơi”, nhưng không phải mọi trải nghiệm trong đây đều tuyệt. “Meta” của game thay đổi liên tục, nên nhiều người (phần lớn) không thích nghi kịp và dần tụt lùi so với người khác. Họ không thể hoàn thành các nhiệm vụ phụ một cách xuất sắc, không biết nhiệm vụ chính là gì và dần căm thù sự tồn tại của bản thân trong trò chơi.
Tuy nhiên, vẫn còn cơ hội cho họ, đó là những trò chơi khác nhỏ hơn, bên trong trò chơi lớn ấy.
> Xem thêm: Nếu muốn thành công, bạn cần phải có nguyên tắc sống cho riêng mình
2. Và bóng đá là một “cuộc đời” nhỏ hơn
Thực ra ý tưởng về việc cuộc đời này là một trò chơi không mấy mới mẻ và có thể tạo cảm giác như “ôi thằng này ảo game mẹ nó rồi”. Nhưng sự tồn tại của chúng ta trước nay đã có rất nhiều ý tưởng diễn giải, như cho rằng toàn bộ nhân loại thực chất là một và đều sinh ra từ quả trứng hay vũ trụ này chỉ là một chương trình giả lập cũng… ảo không kém. Còn có quan điểm cho rằng thực ra sự tồn tại của ta chẳng có ý nghĩa gì (chủ nghĩa hư vô), và thế có vẻ hơi chán.
Bản thân ý tưởng về trò chơi được mô tả ở trên cũng tồn tại một vài khuyết điểm, như sự tuyên bố về nhiệm vụ chính là “khám phá thế giới và bản thân” hay hệ thống phần thưởng thực chất là “sự thỏa mãn về mặt cảm xúc” tương đối chủ quan, hay đôi chỗ còn tạo ra sự so sánh, phân loại giai cấp con người. Những hạn chế này chúng ta có thể cùng bàn luận thêm ở bên dưới phần bình luận.
Bỏ qua những hạn chế ấy, tôi muốn mượn ý tưởng trên để đưa ra một ý tưởng mới: chúng ta thích những trò chơi phổ biến như bóng đá vì chúng là một dạng “cuộc đời” nhỏ hơn.
Khi tham gia một buổi bóng đá, tâm trí của người tham gia sẽ được khoanh vùng và nhận diện bản thân đang nằm trong một cuộc chơi nhỏ hơn. Hệ thống nhiệm vụ chính và nhiệm vụ phụ được tinh giản, luật chơi rõ ràng dễ hiểu, số dữ kiện cần xử lý, quan tâm ít hơn rất nhiều so với cuộc sống thực.
Cụ thể, nhiệm vụ chính của chúng ta là chiến thắng trận đấu, hệ thống nhiệm vụ phụ bao gồm đánh chặn, chuyền bóng, kèm người, sút… (tùy vào vị trí bạn chơi) nhằm giúp hoàn thành nhiệm vụ chính. Hệ thống luật chơi rất đơn giản, giữ bóng trong khu vực vạch vôi, không phạm lỗi và đưa bóng vào lưới. Mọi dữ liệu cần xử lý chỉ xoay quanh việc điều khiển trái bóng dựa trên phân tích các yếu tố vật lý.
Về cơ bản là thế.
Trong tâm thế của một người tập trung, tôn trọng luật chơi, khi chúng ta tham gia đá bóng, thế giới ta sống sẽ thu bé lại chỉ còn bằng một sân bóng. Hay nói cách khác, tâm thế của ta trong trận bóng ấy cũng như đang thực sự sống một cuộc đời. Một trận bóng có thể đem đến gần như toàn bộ cảm xúc bạn có được trong cuộc sống thực, từ vui, buồn, thất vọng, chán nản cho đến sợ hãi.
Điểm cộng ở đây, “cuộc đời ngắn hạn” này được tinh giản đi đáng kể, nên trải nghiệm của người chơi tương đối tốt hơn so với cuộc sống thực. Thậm chí nó còn khiến một số người cảm thấy họ “sống hơn” mỗi khi bước vào trận bóng, vì họ cảm thấy mình phù hợp với luật chơi ở trong sân bóng hơn cuộc sống phức tạp ngoài kia. Chúng ta thậm chí còn không nhận ra rằng bản thân đã hoàn toàn quên đi sự tồn tại của cuộc sống sôi động ngoài kia mỗi khi tập trung vào trận bóng. Nếu không tin, lần tới bạn có thể thử chú ý điều này một cách chủ động.
Nhưng như đã đề cập rõ từ đầu, chúng ta phải bước vào mỗi trận bóng với tâm thế tập trung và tôn trọng luật chơi, mới có thể tận hưởng toàn vẹn tính “đời” của trò chơi ấy. Ta phải tôn trọng việc bóng đá không được dùng tay, bất kể rằng ta có thể vung tay chụp bóng bất cứ lúc nào nếu thích và mỗi khi bóng ra khỏi đường biên phải được đưa trở lại sân bằng cách ném từ biên, dù cho chúng ta hoàn toàn có thể chạy ra khỏi đường biên để đá bóng vào sân trở lại.
Việc con người ngoan ngoãn chạy trong “chiếc hộp vô hình” chỉ là những đường vôi được tô dưới nền đất, hay cách chúng ta có những hình phạt với những kẻ trái luật trong bóng đá… thực chất chả khác đời thực là mấy. Những luật lệ trong bóng đá giúp nó trở thành bóng đá, cũng như luật pháp và hệ thống luân lý đạo đức giúp xã hội trở thành xã hội. Không ai thắc mắc vế sau, nhưng lại luôn tò mò về vế trước.
Tương tự với bóng đá, những trò chơi phổ biến với đại chúng, kéo dài lâu đời trong lịch sử như cờ, game kinh điển… có thể đạt được vị thế ấy nhờ vào tính “đời” của chúng. Những ai thắc mắc vì sao quân mã trong bàn cờ lại đi hình chữ L mà không đi thẳng, hay vì sao quân hậu có thể đi khắp bàn cờ, có lẽ họ cũng nên tập thắc mắc xem vì sao một người lại nắm mọi quyền lực chỉ vì họ được công nhận là vua, hay vì sao chúng ta không được phép đấm người già dù hoàn toàn có thể làm thế.
Vì luật quy định vậy, và mọi người đều đồng ý với luật lệ ấy.
Quả thực, những trò chơi dạng “cuộc đời thu nhỏ” trở nên hấp dẫn hơn và đem lại hạnh phúc cho người tham gia vì chúng đơn giản cũng như giúp người chơi dễ dàng tập trung (mindfulness), vì đã có bằng chứng cho thấy những người mất tâm trung hoặc bị phân tán bởi nhiều thứ có xu hướng ít hạnh phúc hơn. Hay chúng ta vẫn nghe về trạng thái hạnh phúc “vào flow” mỗi khi tập trung làm việc và quên hết những thứ gây phân tán. Cơ chế của thiền định, thực chất cũng đề cao giá trị của sự tập trung, và cho rằng tâm trí sẽ trở nên thanh thản, thoải mái hơn nếu ta loại bỏ được những nhiễu loạn.
(Tôi cũng từng đọc được một và ý tưởng khác, tuy thiếu nhiều bằng chứng, nhưng cũng nghe chừng hợp lý, về việc ta ngồi nặn mụn hay làm tình và cảm thấy sướng vì đó là những lúc ta thực sự tập trung).
Tôi nghĩ tham gia những trò chơi như bóng đá hay đánh cờ là một cách hay để ta đặt bản thân vào một “cuộc đời mới” ấy và tận hưởng sự tuyệt diệu của việc tập trung (mindfulness) sống, dù chỉ trong ngắn hạn. Bí quyết là phải có tâm thế nghiêm túc và tôn trọng luật chơi ngay từ đầu.
Nhưng thông điệp chính của bài viết này, thực ra không phải nhằm khuyên mọi người hãy chăm chỉ tham gia các trò chơi như bóng đá (dù việc này đúng là tốt thật), hay hãy xem cuộc đời như một trò chơi nên không chơi nữa thì nghỉ.
Ý tôi muốn truyền tải, không hơn gì, bài viết này chỉ là một ý tưởng. Đôi khi chúng ta cần những ý tưởng mới mẻ để có thể chiêm nghiệm cuộc sống một cách nhẹ nhàng hơn.
> Xem thêm: Định luật Festinger: bí quyết để sống hạnh phúc
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Nguồn: Monster Box