Ông nội tôi mất cách hôm nay tròn 13 năm. Biến cố ấy là sang chấn lớn trong tôi. Ông tôi mất đi, và tôi sống một cuộc đời hoàn toàn khác, một cuộc đời ám ảnh với trách nhiệm hơn, và dĩ nhiên, ám ảnh với sự ra đi, sự kết thúc. Người ta nói, quên hay nhớ không bao giờ là sự lựa chọn.
Nhưng việc không thể vượt qua sang chấn quá khứ lại là lựa chọn của tôi. Vì mỗi lần phải vượt qua một thử thách, mỗi lần có may mắn, có niềm vui và nỗi buồn, tôi giữ được quyền nghĩ rằng mình có một người bạn song hành vô hình.
Tôi có quyền tin rằng ông vẫn ở đó với tôi, trong làn gió se lạnh thổi qua khung cửa, trong chiếc lá tình cờ đáp xuống người tôi trên phố, trong từng sợi nắng chải trên ban công mà mỗi lần hoà mình trong đó, tôi đều nghĩ về tuổi thơ. Tôi cũng gặp ông trong mọi cơn mơ.
Tuổi thơ của tôi thực ra chưa bao giờ là xứ sở thần tiên. Tôi yêu ông tôi, nhưng nhiều lúc cũng sợ ông. Là người có nhiều bất mãn cuối đời, ông tôi thường xuyên uống rượu say.
Tôi nhớ một buổi tối nọ, khi cơn say đã chiếm lấy ông, ông từng chĩa kéo vào mặt tôi và nói tôi không phải cháu ông. Bà nội tôi vẫn thường thủ thỉ với tôi rằng lúc đó, men rượu là người đã đe doạ tôi, chứ không phải ông.
Vì cho đến sáng hôm sau, khi ông đã tỉnh lại, ông vẫn mua keo 502 và sửa giúp tôi con robot đồ chơi bị gãy. Vì ông vẫn là người hàng ngày đưa đón tôi đến trường, từ ngày tôi học mẫu giáo cho đến ngày ông mất 7 năm sau đó. Ông từng đến trường và quên mất phải đón tôi vì say, tôi cũng thích thú trong việc tráo chai rượu của ông bằng chai nước suối mà ông không hề nhận ra.
Ngày nọ, có người ông trẻ qua nhà tôi chơi. Chiều tối, tôi dẫn ông trẻ đi chơi và bị lạc. Ông bà nội tôi lúc ấy đã hốt hoảng đi tìm cháu. Người chạy về hướng vườn hoa Lenin, người chạy về hướng Hàng Bông-Cửa Nam.
Khi đã gặp lại được ông bà, tôi thấy áo ông tôi ướt đẫm mồ hôi. Tôi biết ông yêu tôi, và việc ông mất là điều tôi không thể chấp nhận được.
Gần đây, người ta nhắc nhiều đến cụm từ “độc hại” trong quan hệ gia đình. Tôi phải công nhận rằng việc mình được sống trong một mái ấm theo đúng nghĩa của nó là một đặc quyền quá lớn.
Tôi có nhiều người bạn phải lớn lên với một quá khứ gia đình mà họ ước rằng được quên đi. Nhưng những lý thuyết về sự “độc hại” không nên hướng tới việc tách những người máu mủ ra khỏi nhau, mà phải là hàn gắn và hướng tới sự thấu hiểu.
Đôi lúc khi nghĩ lại chuyện quá khứ, tôi nhận ra quan hệ của tôi với ông nội tôi không tốt đến thế. Ông tôi thì luôn say, còn tôi thì cũng chẳng phải một đứa cháu quá ngoan ngoãn.
Nhưng thời gian dần hàn gắn, và tôi nhận ra dù lúc thì ông ở trạng thái không tỉnh táo, lúc thì ông lại yêu tôi hết mực, điều then chốt và ông thuộc về một “thực tại”, một “cái bình thường” mà tôi không muốn đánh mất.
Ông hay đọc cho tôi câu chuyện này ngày tôi vẫn còn ăn bột. Đó là sự tích về tháp Babel. Nôm na là con người cố gắng xây một toà tháp cao tới tận thiêng đàng để thách thức quyền năng của Thượng Đế. Vậy là Thượng Đế hoá phép để mỗi người nói một thứ ngôn ngữ khác nhau. Khi không còn có thể hiểu nhau nữa, công trình vươn tới trời xanh mãi mãi nằm trong tro tàn của lịch sử.
Gần đây tôi mới hiểu câu chuyện đó nói lên nhiều về cuộc đời ông, về những năm tháng cuối đời của ông thế nào. Sự thấu hiểu ấy thật muộn màng vì người đã ra đi và người thì ở lại. Nhưng cái chết là thứ trao thẩm quyền cho người kể chuyện được kể, vượt qua lằn ranh của cái chết, không còn ai kể về họ và thế giới nữa, chỉ còn sự im lặng.
Ông tôi là một người kể chuyện giỏi, và lời của ông được trao tới tôi, để tôi tiếp tục kể về những tâm sự của ông, và về thế giới vẫn liên tục chuyển động mà tôi muốn ông được nhìn thấy.
Tác giả: Vũ Hoàng Long.
- Tận hưởng sự vô thường của cuộc đời
- 13 cách để yêu thương bản thân mình
- Vì sao các cặp vợ chồng ngày càng ly hôn nhiều hơn?