Không có bậc làm cha làm mẹ nào muốn con cái mình thất bại trong cuộc sống. Cha mẹ thành đạt dĩ nhiên mong muốn con mình thành đạt giống mình còn cha mẹ không thành công chắc chắc không muốn con cái lặp lại sai lầm của mình để tiếp tục thất bại. Có rất nhiều tiêu chí về sự thành công nhưng hầu như chẳng ai đưa ra một tiêu chí nào cho sự thất bại.
Tuy nhiên những tiêu chí về sự thành công của xã hội hiện nay chỉ là những tiêu chí thành công về vật chất, tiền bạc, địa vị và danh vọng, những thứ vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài con người khiến người ta thường nghĩ về thành công một cách hết sức phiến diện. Sự phiến diện này khiến cho con người không bao giờ biết thỏa mãn với những gì mình đang có hoặc thậm chí không biết mình muốn gì. Thật ra muốn hiểu được thành công là gì, bạn phải định nghĩa như thế nào là thất bại. Và khi bạn hiểu được thế nào là thất bại, bạn mới hiểu rằng thành công không lúc nào cũng nhất thiết là tiền tài và danh vọng.
Sự thất bại của con người ở từng độ tuổi
Ở mỗi một độ tuổi, con người sẽ có những năng lực, nhu cầu cũng như trách nhiệm đối với bản thân và với cộng đồng khác nhau. Vì thế muốn đánh giá một người là thành công hay thất bại một cách khách quan nhất, chúng ta nên đánh giá theo từng độ tuổi bắt đầu từ tiểu học khi con người bắt đầu gánh vác những trách nhiệm đầu đời cho tới lúc qua đời.
1. Ở độ tuổi học hết tiểu học
Ở độ tuổi này, một đứa trẻ gọi là thất bại khi chưa thể đọc viết thông thạo tiếng mẹ đẻ và làm tốt bốn phép tính cộng trừ nhân chia. Ngoài ra, đứa trẻ đó được coi là thất bại khi chưa biết cách giữ vệ sinh cá nhân, chưa biết tự dọn dẹp phòng ngủ, bàn học hoặc đồ chơi của mình sau khi dùng xong cũng như chưa biết tự soạn cặp sách cho mình đi học ngày hôm sau. Cũng sẽ là một thất bại khi đứa trẻ đó chưa bao giờ phụ giúp bố mẹ làm việc nhà hoặc hoàn thành một nhiệm vụ đơn giản mà cha mẹ giao cho. Lúc này trách nhiệm lớn nhất về sự thất bại của trẻ là thuộc về cha mẹ.
2. Sau khi học hết trung học
Ở độ tuổi này, sự thất bại của một đứa trẻ thể hiện ở chỗ chưa thể viết được một đoạn văn ngắn không sai lỗi chính tả và ngữ pháp để diễn đạt được một cách súc tích suy nghĩ của mình. Sẽ là thất bại khi đứa trẻ đó vẫn còn phải nhờ cha mẹ đánh thức vào mỗi buổi sáng, chuẩn bị quần áo và đồ ăn sáng cho rồi đưa đến trường học. Nếu tới cấp ba mà vẫn chưa có một hứng thú hoặc năng khiếu nổi trội nào để có thể định hướng được nghề nghiệp trong tương lai, đó cũng xem như là một thất bại. Không có được một người bạn thân hoặc không hòa đồng được với các bạn bè trong lớp cũng là một thất bại ở lứa tuổi thiếu niên.
3. Trong thời gian học đại học
Ở độ tuổi này, một sinh viên bị xem là thất bại khi chưa bao giờ cảm thấy yêu thích chuyên ngành của mình nhưng cũng chẳng biết được chuyên ngành nào mới thực sự thích hợp với mình. Bám víu vào việc học đại học để kéo dài thời gian chơi bời trong bốn năm thay vì dũng cảm lập nghiệp cũng là một thất bại. Càng thất bại khi người sinh viên đó không biết tự nấu cho mình một bữa cơm đơn giản hoặc biết tự chăm sóc lấy bản thân mình khi không có cha mẹ bên cạnh. Chưa bao giờ dám chủ động nói thích một ai đó hoặc chưa bao giờ tự mua cho mình món đồ mình thích bằng đồng tiền mình kiếm được tới thời điểm này cũng là thất bại.
4. Từ lúc bắt đầu đi làm cho tới năm 30 tuổi
Có tấm bằng đại học mà ngoại ngữ vẫn chưa đủ để giao tiếp cơ bản là một thất bại. Có bằng đại học nhưng phải nhờ các mối quan hệ quen biết hoặc lo lót để có công việc đầu tiên là thất bại thứ hai. Chưa bao giờ dám tranh luận với cha mẹ để bảo vệ chủ kiến của mình, thuận theo mọi sự sắp đặt của cha mẹ là thất bại thứ ba. Thu nhập không đủ chi tiêu, vẫn phải ngửa tay xin tiền cha mẹ để ăn xài chơi bời là thất bại thứ tư. Tới ba mươi tuổi vẫn chưa từng trải qua một mối quan hệ nghiêm túc cũng như chưa có bất kỳ một trải nghiệm nào về tình dục là thất bại thứ năm ở lứa tuổi này.
- Tâm sự đàn ông tuổi 25: thay đổi trước những áp lực vô hình
- Những lời khuyên cứu vãn sự nghiệp cho đàn ông tuổi 25 đến 30
5. Từ 30 đến 40 tuổi
Ở độ tuổi 30-40, nếu chưa có một đóng góp hoặc thành tích nào trong công việc là một thất bại. Thay đổi quá nhiều công việc/chỗ làm cũng thể hiện sự yếu kém của bản thân về chuyên môn cũng như sự thiếu kiên nhẫn trong công việc.
Nếu chưa lập được gia đình vì chưa ổn định được tài chính hoặc không thể duy trì một mối quan hệ để dẫn tới hôn nhân cũng là một thất bại. Nếu đã có gia đình mà không có kế hoạch tài chính để lo cho con cái sau này nhưng lại muốn sinh thêm con vì áp lực gia đình hoặc xã hội là người vô minh và thiếu bản lĩnh.
Ở tuổi 30-40, vợ chồng sống với nhau như khách trọ, sau giờ làm không về nhà với gia đình mà vẫn lê la quán nhậu với đồng nghiệp tới khuya cũng là thất bại. Còn nữa, nếu có con cái mà không chú tâm dạy dỗ con, việc giáo dục con cái bỏ mặt cho nhà trường và xã hội là thất bại về trách nhiệm là cha mẹ.Cuối cùng, thất bại to lớn nhất ở độ tuổi này là sự thờ ơ và ngây thơ về chính trị, không muốn nghe, không muốn biết và không muốn hiểu gì về thực trạng của xã hội.
- Đàn ông tuổi 30, thanh xuân đã kết thúc?
- 17 điều thay đổi của người đàn ông tuổi 30
- 10 điều đàn ông cần thay đổi khi bước sang tuổi 30
6. Ở độ tuổi 40-50
Ở độ tuổi này, thất bại của một người thể hiện ở chỗ không có được một khoản thu nhập ổn định và một khoản để dành đề phòng bất trắc hoặc chuẩn bị cho việc nghỉ hưu. Gia đình vợ chồng bất hoà không dạy được con cái , không hiểu được con cái là thất bại lớn nhất của người làm cha làm mẹ. Tới tuổi này vẫn chưa biết quan tâm tới sức khoẻ, không biết cách tập thể dục và ăn uống điều độ mà vẫn sa đà ăn nhậu rượu chè cũng là thất bại.
7. Ở độ tuổi về hưu
Về hưu rồi mà vẫn còn chưa hiểu lẽ vô thường mà vẫn còn tham lam vật chất, sắc dục, còn thích tranh hơn tranh thua từng lời ăn tiếng nói, còn tham quyền cố vị, chưa hề biết nghĩ đến những việc sai trái mình đã làm trong đời để buông bỏ, sám hối và tu tâm dưỡng tính để đức cho con cháu, thậm chí trước khi chết còn quan tâm tới việc xây lăng mộ cho hoành tránh đó là thất bại trong việc làm người.
8. Khi nhắm mắt xuôi tay
Khi nằm xuống rồi mà không có tiền để lo hậu sự dĩ nhiên là thất bại. Nhưng nằm chết trên đống vàng mà con cháu tranh giành xâu xé nhau, không ai than khóc thì lại càng thất bạn lớn hơn. Đến khi chết không có một người thân bên cạnh để khóc thì thật là chua xót. Nhưng nếu đám ma cho dù tổ chức long trọng như đế vương mà người đời chẳng ai thương tiếc trái lại còn nguyền rủa, tiếng xấu còn lưu lại cho con cháu nhục lây, đó là thất bại của cả đời người vậy.
Hãy cho con cái phạm sai lầm để chúng đừng thất bại
Chúng ta hay đánh đồng hai khái niệm “sai lầm” và “thất bại” và chính vì thế chúng ta thường có khuynh hướng tránh cho con cái chúng ta phạm sai lầm bằng mọi giá vì nghĩ rằng mỗi lần phạm sai lầm là một lần thất bại.
Có người sẽ dùng những hình thức phạt cực kỳ nghiêm khắc để cho con sợ và không dám tái phạm sai lầm. Có người sẽ dùng kinh nghiệm bản thân để đón đầu trước những khả năng phạm sai lầm của con để ngăn chặn chúng xảy ra hoặc bảo bọc con thật kỹ trong vòng tay của mình cho tới khi không còn sức bảo bọc nữa.
Họ quên một chân lý rằng chúng ta trưởng thành nhờ việc phạm sai lầm và học hỏi rút ra những kinh nghiệm từ những sai lầm đó. Là cha mẹ, trách nhiệm của chúng ta là hướng dẫn con cái đứng dậy sửa sai và rút kinh nghiệm sau mỗi khi vấp ngã chứ không phải là bảo vệ con khỏi vấp ngã. Một đứa trẻ không phạm sai lầm lúc nhỏ sẽ trở thành một người lớn thất bại trong tương lai.
Một quan niệm sai lầm nữa mà các bậc phụ huynh cần khắc phục trong cách dạy con của mình là bệnh thành tích. Đừng ham điểm số và những thành tích ảo ở trường nếu chúng không phản ánh khách quan và trung thực năng lực học tập của con bạn. Thay vì bắt con bạn lúc nào cũng phải đạt danh hiệu học sinh giỏi, hãy chấp nhận những điểm yếu của con trong học tập và giúp bé phát huy những điểm mạnh. Sự thành công của con người không chỉ dựa vào điểm số hoặc bằng cấp. Một đứa trẻ chỉ học vì điểm số nhưng không có kiến thức vẫn là một đứa trẻ thất bại trong học tập. Đáng buồn thay, trách nhiệm này thuộc về cha mẹ.
Nếu con bạn thực sự tài giỏi ở một lĩnh vực nào đó, cứ cho chúng thử sức với những cuộc thi năng khiếu hoặc tài năng nhưng đừng tạo áp lực về thành tích. Vẫn biết khi thi đấu, thành tích là quan trọng và một khi đã thi đấu thì phải cố gắng hết sức mình. Nhưng nếu con bạn ra về tay trắng, hãy tận dụng cơ hội này để dạy cho con hiểu rằng mình giỏi thì vẫn có người giỏi hơn đồng thời cùng con phân tích những nguyên nhân khiến con không đạt được kết quả mong muốn để mà rút kinh nghiệm cho lần sau.
Đôi khi chúng ta học được nhiều từ việc thua hơn là thắng. Một đứa trẻ ngủ quên trong những lời tung hô và vinh quang chiến thắng sẽ trở nên tự cao tự đại và quên đi việc rèn luyện bản thân. Và khi lớn lên, chúng sẽ không chịu nổi những cú shock khi thất bại và từ đó đánh mất bản thân mình.
Cuối cùng, qua bài viết này tôi muốn các bậc cha mẹ nghiêm khắc nhìn lại những thất bại trong cuộc đời của mình để thay đổi và khắc phục nếu còn có cơ hội đồng thời dạy dỗ con mình đừng đi theo vết xe đổ của bản thân. Rất nhiều những thất bại của con cái trong suốt cuộc đời chúng đều là kết quả của việc nuôi dạy con sai lầm của các bậc cha mẹ. Đừng nghĩ đơn giản rằng chỉ có sự nuông chiều của cha mẹ mới làm hư con. Sự khắc nghiệt trong giáo dục, sự bảo thủ trong tư duy và sự lệch lạc về nhân sinh quan của các bậc phụ huynh vẫn có thể tạo ra những đứa con thất bại cả một đời.
Xem thêm:
- Tiền nhiều để làm gì?
- Cha mẹ độc hại là gì? Biểu hiện và những kiểu cha mẹ độc hại
- Cách phạt con hiệu quả không dùng đòn roi