Từ khi tôi làm chủ thực sự, tôi giàu lên một cách nhanh chóng. Mọi việc đều trở nên thuận lợi, suôn sẻ hơn rất nhiều và tôi nhìn thấy một tương lai tươi sáng trước mắt. Điều đó làm tôi luôn lạc quan.
Nhưng cũng từ khi tập tành Làm chủ, tôi mới ý thức được trước đây tôi đã hiểu sai hoàn toàn về hai chữ “Làm chủ”. Hai chữ hào nhoáng đầy ma mị đã quật ngã biết bao nhiêu người muốn chạm tay vào nó. Bởi rất nhiều trong chúng ta đã hiểu sai khái niệm “Làm chủ”. Tôi cũng đã từng như vậy và tôi đã phải trả giá.
Các bạn ạ, ngày xưa tôi thất bại nối tiếp thất bại vì đã sai lầm đánh đồng hai chữ “Làm chủ” và “Sở hữu”. Sự sai lầm này đến từ khao khát bản năng trong mỗi con người luôn hướng đến sự Sở hữu và được Tự do quyết định. Chính sai lầm này đã quật ngã chúng ta.
Bạn hãy tưởng tượng bạn đủ tiền để mua một chiếc Mercedes Class A. Khi đó bạn “Sở hữu” chiếc xe, bạn là chủ sở hữu nhưng nếu bạn chưa học lái xe thì bạn không thể “Làm chủ” chiếc xe. Khi ấy, nếu bạn vẫn quyết tâm nhảy lên “Làm chủ” chiếc xe thì kết cục chiếc xe là niềm khao khát, ước ao của bạn sẽ tan tành, tan nát trở thành đống sắt vụ sau khi gây thiệt hai cho biết bao nhiều người và chính bạn nữa. Theo lẽ thông thường, chúng ta sẽ học “Làm chủ” chiếc xe, trước khi “Sở hữu” chiếc xe phải không bạn?
Doanh nghiệp thường được ví là một con thuyền, một bộ máy, một tổ chức. Vì vậy làm kinh doanh ắt phải có khả năng “Làm chủ” doanh nghiệp. “Làm chủ” ở đây nghĩa là có khả năng lèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua những khó khăn. Giống như bạn làm chủ chiếc xe, lái qua những ghập ghềnh, ổ gà, ổ vịt trên đường. Nhưng người “Làm chủ” doanh nghiệp không nhất thiết phải là người sở hữu doanh nghiệp. Bằng chứng rõ rằng là rất nhiều CEO, kinh doanh (làm chủ) giỏi nhưng không là chủ doanh nghiệp. Họ kinh doanh bằng tiền người khác, “Làm chủ” giúp người khác. Và dĩ nhiên, lương, thưởng của họ rất cao. Cao hơn hàng trăm lần những ông chủ thét ra lửa ở một góc phố nào đó, trong đó có tôi. Tôi chỉ không thét ra lửa thôi.
Từ kinh nghiệm cá nhân, điều ý nghĩa nhất với tôi khi ra mở một doanh nghiệp của chính mình là tôi có thể học điều hành, quản lý một doanh nghiệp. Vì tôi chưa có kinh nghiệm nên chẳng ai tin mà thuê tôi làm chủ giúp họ. Dĩ nhiên rồi. Và tôi cũng sẵn sàng trả học phí cho việc học của mình bằng mồ hôi, công sức và chút mạo hiểm tài chính.
Qua năm tháng, tôi giàu kinh nghiệm hơn, giàu mối quan hệ hơn, giàu kiến thức hơn, giàu trách nhiệm hơn … từ đó mà giàu tiền hơn. Dù còn chưa là gì với các bậc doanh nhân lớn. Nhưng cuối cùng tôi hiểu rõ hai chữ “Làm giàu” và tôi tin mình đang đi đúng con đường. Tiền là sự chuyển hoá từ các nguồn lực của các cá nhân và doanh nghiệp gồm: nguồn lực trí tuệ, nguồn lực kinh nghiệm, nguồn lực vật chất nhà xưởng, nguồn lực con người, nguồn lực xã hội..vv. Khi đã giàu nguồn lực thì tiền tự nhiên hiển lộ. Làm giàu đích thực là làm giàu trí tuệ, giàu hiểu biết, giàu quan hệ chất lượng, giàu sự ủng hộ… Đó là làm giàu bền vững.
Muốn làm giàu, hãy làm chủ. Tôi đồng ý hoàn toàn theo cách hiểu trên về hai chữ “Làm giàu” và “Làm chủ”. Sau những năm tháng “Làm chủ” doanh nghiệp muôn hình vạn trạng, đủ những bấp bênh, gian truân và khó khăn tôi nhận ra rằng, bí quyết để “Làm chủ” doanh nghiệp tốt nằm ở khả năng “Làm chủ chính mình”.
Từ những hiểu biết và kinh nghiệm trên, tôi luôn mong xung quanh tôi có những con người có tư duy “Làm chủ”, sẵn sàng học để làm chủ. Nếu tự tin và sẵn sàng làm chủ, lúc đó tôi sẽ giúp họ sở hữu.
> Xem thêm: Tôi đã đứng dậy sau phá sản như thế nào?
—
Tạp chí Đàn ông Menback
Nguồn: Phan Viết Phong – CEO Obobun