Nhiều lúc đi làm không mệt, nhưng lại cực mệt khi gặp mặt thằng sếp. Lăn lộn ngoài đời chẳng xi nhê, nhưng về nhà đối diện với những con người trong đấy thì lại mệt mỏi vô cùng. Cho nên cái mệt mỏi nhất ở cuộc đời, chính là sự đối đãi giữa người với người.
Chúng ta cứ liên tục làm khổ nhau, rồi vòng nhân-quả cứ xoay tròn không dừng lại. Người này hành người kia rồi người kia lại hành người tiếp, cứ lây lan không hồi kết.
Đời này thú vị là vì chúng ta khác nhau, chính xác là cái ‘bản ngã’ của chúng ta khác nhau. Bản ngã, hay cái tôi, nói dễ hiểu nhất, là một hệ thống niềm tin và nhận thức của mỗi người.
Chúng ta tin cái này đúng, cái kia sai, tình huống A thì hành động thế này, tình huống B thì hành động thế kia… tạo ra một thế giới quan giữa mỗi người hoàn toàn khác nhau. Những niềm tin đó, do chính chúng ta tích lũy từ nhiều kiếp, rồi cả tiếp nối từ ông cha các đời trước, rồi kèm thêm những trải nghiệm cục bộ ở ngay kiếp này, tất cả tạo ra một ma trận niềm tin mà không ai giống ai được.
Tôi hay bảo vui, cái tôi hay bản ngã như những quả banh gai, rồi bỏ vài quả banh vào 1 phòng để làm chung, sống chung, thì y như rằng cũng đâm nhau loạn xa, tổn thương nhau đến tận cùng. Chỉ đến khi đau khổ quá mức thì bùm thôi, bye bye… hoặc ngược lại, chính chúng ta phải chuyển hóa cái tôi của mình cho bớt gai guốc lại, như 1 quả banh cao su, đâm không bể, không đau, linh hoạt và đàn hồi. Chúng ta có tu thân thì từ từ cái quả banh bản ngã đấy sẽ chuyển hóa.
Cái dễ thấy của sự tiến bộ, là khi quăng mình vào bất kỳ tình huống khó nào, thì độ bình tĩnh, kiên nhẫn, bao dung sẽ thể hiện ra rõ hơn, không cần cố, mà nó rất tự nhiên thì đồng nghĩa level của anh đã lên đô khá nhiều rồi.
Tâm còn chống đối, còn phản kháng kịch liệt thì bản ngã còn sâu dày lắm. Càng hiểu mình thì chúng ta sẽ càng hiểu người. Biết mình cũng có ‘bệnh’ nên cũng thông cảm cho người khác cũng có ‘bệnh’, từ đó cái ‘từ bi’ tự tánh sẽ phát sinh. Từ bi không thể cố gắng mà có được, mà khi chúng ta càng thấu hiểu, bớt tạo tác, nhìn mọi thứ sâu hơn thì từ bi tự tánh sẽ hé lộ ra.
Quay lại chuyện đối đãi, đó cũng là phần khó nhất (theo tôi) trong cuộc đời này.
Giải quyết được cái nội kết, mâu thuẫn với những con người xung quanh thì ắt cuộc sống hiện tại của chúng ta cũng nhẹ nhàng đi rất nhiều. Không phải hoàn cảnh bớt khó đi, mà tâm mình đã thông rồi nên không còn vướng, không còn chấp ‘cảnh’ nữa.
Khi bước vào 1 tình huống bất kỳ thì chúng ta nên hành động như thế nào cho trí tuệ?
Có ông thì bảo “im lặng là vàng”, nhưng có ông lại bảo “hành động là kim cương”. Vậy nên tiến hay nên lùi, nhịn hay múc? Thực ra trong cùng một tình huống, nhưng có lúc chúng ta nên im, nhưng có lúc lại phải ra tay ngay, nên hành động ‘đúng’ là kim chỉ nam. Có 2 điểm tựa mà chúng ta phải tự nhắc và tập thường xuyên trước khi đưa ra quyết định gì, cũng là cách tôi áp dụng bấy lâu nay:
1. Hãy hành động khi tâm không động, lúc tâm động thì hành động cũng như không. Ông bà ta dạy thế, và nó cực chuẩn.
Khi một tình huống xảy ra, nó không phải là chuyện cần quyết định làm gì tiếp theo mà việc đầu tiên phải làm là định tâm lại, bình tĩnh quan sát xem ‘tâm’ mình lúc đó thế nào. Nó chưa định, chưa yên thì đừng nên làm gì cả (còn tình huống cấp bách thì cố bình tâm nhiều nhất, nhanh nhất có thể rồi quyết).
Chứ khi tâm loạn thì đa phần hành động không thể nào sáng suốt được, đó là tại sao chúng ta hay làm tổn thương lẫn nhau. Cái bản ngã nó dẫn ta đi, nó làm chúng ta sân hận lên, cảm xúc lên quá rồi nên quất thôi… chứ chưa kịp quán xét trước sau gì cả.
Nên chỉ cần khắc ghi, chỉ hành động khi tâm không động. Im lặng luôn tốt là vậy, nhưng im lặng một thời gian thôi, còn khi đúng thời, đúng lúc thì nên ra tay hành động thật linh hoạt.
2. Làm sao để biết hành động đó là do tiếng nói của bản ngã dẫn dắt hay do chính cái tâm trong sáng chỉ lối? Có 1 cách kiểm tra điều đó cực kỳ hiệu quả, hãy xem hành động của mình có thỏa điều kiện: ‘Lợi mình’, ‘lợi người’, và ‘lợi xã hội’ (chúng sanh) hay không?
Trước tôi đi làm, có ông đồng nghiệp hay lấy máy in công ty để in sách, tầm vài trăm tờ, tôi có hỏi sao không ra ngoài in, thì ông bảo, công ty năm rồi có thưởng gì cho ổng đầu, thằng sếp thì đối xử không fair, nói chung ổng chỉ ‘lấy lại’ những gì thuộc về ổng, nên in giấy chùa, mực chùa từ công ty. Tất nhiên cũng vài người làm thế, in ấn cá nhân trên công ty, nên không ai nói ai.
Thoạt nghe thì ông anh đấy cũng không hẳn sai nhưng cơ bản vòng nhân quả chẳng bao giờ trả xong, kiểu mày tệ với tao nên tao chơi mày lại. Việc lấy giấy công ty (chưa được cho phép), nói đúng, nó như ăn cắp vậy. Nó lợi mình, không lợi người khác và cả không lợi cho cả công ty. Vì sao? Vì ai cũng in như ổng thì thất thoát rất lớn, có lần tôi cần in gấp giấy tờ mà do trước khi ổng về, in sạch mực, nên tôi phải chạy đi cả tối để in gấp ở ngoài. Đó là lợi mình, mà không lợi người.
Thường xuyên làm những gì lợi mình, lợi người, lợi chúng sanh thì lâu ngày chúng ta sẽ quyết định sắc bén hơn.
Bữa có chị hỏi tôi, sau hôn nhân 10 năm, chị ấy quá mệt mỏi, giờ chị không biết nên tiếp hay ly dị, vì rất thương 2 đứa con, chứ ông chồng thì quậy phá, lăng nhăng hết nấc.
Tôi cũng chỉ cách trên, bình tâm quan sát lại tất cả, rồi hãy quyết xem hành động tiếp theo sẽ lợi được phần nào nhiều nhất?
Ly dị, chưa hẳn đã xấu, vì nó cũng có lợi cho người (là ông chồng), để có cơ hội thất tỉnh lại, lợi mình thì tùy gia đình, tùy hoàn cảnh, tùy tài chính, còn có lợi cho các con, lợi cho ba mẹ hai họ hay không… lại quán xét tiếp.
Nếu quyết định nào thỏa được cả 3 cái lợi thì quá tốt rồi, hoặc ít nhất, có sự cân bằng giữa cả 3. Nhưng trên trải nghiệm của tôi thì luôn luôn có một quyết định lợi được cả 3, chẳng qua là mình có đủ tỉnh táo để nhìn ra hay không.
Hãy thực hành thật nhiều vào, quan sát cái bản ngã lâu ngày thì nó sẽ ngoan ngoãn hơn, bớt quậy hơn.
Hãy hành động khi tâm không động, lúc tâm động thì hành động cũng như không. Định tâm lại, rồi quan sát từng bên, mình, người và bên thứ 3. Lợi được tất cả thì đó là tuyệt vời nhất, không thì bớt mỗi nơi một ít.