Qua thương vụ mua lại EMC vào năm 2015, Michael Dell cho thấy nếu chấp nhận rủi ro cao, có tầm nhìn, kế hoạch rõ ràng, thuyết phục được người khác cùng chiến đấu thì hoàn toàn có thể “nuốt cá lớn”.
Bài viết để thể hiện sự ngưỡng mộ với Michael Dell từ trang cá nhân của anh Lê Văn Thành, người từng làm việc tại EMC và Dell ở giai đoạn này.
Vào một buổi sáng tháng 10 năm 2015, như thường lệ chúng tôi có buổi họp đầu tuần. Chị gái LN từ Sài gòn bay ra, bước vào phòng họp chia sẻ tin về việc Dell sẽ mua lại EMC.
Sếp của chúng tôi trấn an rằng tin đồn này có từ lâu nhưng việc đó không bao giờ xảy ra. Lý do là cá bé không thể nuốt cá lớn được. Gọi là cá bé vì khi đó Dell là công ty tư nhân, giá trị ước tính khoảng 24 tỷ đô. Trong khi đó EMC có giá trị thị trường ước tính 35 tỷ đô, chưa kể EMC còn sở hữu khoảng 80% cổ phần của Vmware có giá trị thị trường khoảng 23 tỷ đô nữa.
Tối hôm đó tức là đầu giờ sáng bên Mỹ, 2 công ty chính thức thông báo về thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử công nghệ giữa Dell và EMC với giá 67 tỷ đô. Thương vụ này khiến giới công nghệ ngã ngửa vì không ai dám tin thương vụ “nuốt cá lớn” lại trở thành sự thực.
Hàng loạt bài viết, phân tích mổ xẻ về thương vụ này. Các số liệu trên báo cáo tài chính và các lý thuyết M&A đều không đánh giá đây là một thương vụ nên làm. Giới đầu tư, tài chính đều rất quan ngại về số nợ khổng lồ, 48.6 tỷ đô, mà Michael Dell và cộng sự phải gánh nếu thực hiện thương vụ này. Ở tuổi 50 tóc bạc phủ nửa đầu, Michael vẫn quyết theo đuổi thương vụ tới cùng.
31 năm về trước, khi đó Michael là một sinh viên năm nhất 19 tuổi. Ở cái tuổi tiền thì thiếu nhưng khát khao và hoài bão có thừa, anh đã khởi nghiệp chỉ với 1.000$ trong căn phòng ký túc xá tại đại học Texas lập lên hãng máy tính Dell.
Sinh nhật thứ 23, anh Sinh viên năm nhất đã trở thành tỷ phú trẻ nhất lãnh đạo công ty Fortune 500, tạo ra 1 đế chế mới trên thị trường máy tính. Năm 2001, Dell vượt mặt Compaq để trở thành thương hiệu máy tính lớn nhất thế giới.
Làn sóng công nghệ đã nhanh chóng đẩy cậu SV năm nhất vượt qua các tỷ phú trong các lĩnh vực khác để trở thành người giàu thứ 4 nước Mỹ tuổi 40 trong thời hoàng kim của máy tính cá nhân (PC).
Nhưng rồi, sóng sau xô sóng trước, tạo ra nhiều đế chế công nghệ khác như Amazon (1994), Google (1998), Salesforce (1999), Facebook (2004).
Năm 2007, Michael Dell trở lại cương vị CEO dẫn dắt Dell trong cuộc suy thoái PC.
Năm 2011, Michael Dell chỉ còn sở hữu 12% cổ phần trong chính công ty mà mình đã sáng lập. Giá trị ước tính của số cổ phiếu này khoảng 3.5 tỷ đô. Các nhà đầu tư không còn mặn mà với phần cứng (hardware) nữa mà chạy theo hơi thở của thời đại là phần mềm, di động và điện toán đám mây.
Trong một nỗ lực cứu lấy đứa con tinh thần của mình, năm 2013 Michael Dell đã quyết định mua lại toàn bộ cổ phiếu của Dell trên thị trường để biến Dell thành công ty tư nhân. Giá trị của thương vụ đó khoảng 24.4 tỷ đô la. Là công ty tư nhân ông sẽ có nhiều sự kiểm soát và theo đuổi những giá trị lâu dài hơn so với việc đáp ứng những yêu cầu ngắn hạn từ các cổ đông phố Wall lúc nào cũng đói cổ tức và lợi nhuận.
2 năm sau (2015) ông đưa ra quyết định mạo hiểm nhất trong đời là mua lại EMC với giá 67 tỷ đô, thương vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử công nghệ thế giới. Với số nợ 48.6 tỷ đô, thương vụ này được giới đầu tư đánh giá không khác gì một canh bạc, rất mạo hiểm và đầy rủi ro.
Khi được hỏi, Michael Dell đã trả lời rằng:
“Tôi rất hào hứng và vui vẻ chấp nhận rủi ro” ông còn nói thêm “Một vấn đề của các công ty lớn về quan điểm kinh doanh là họ cho rằng rủi ro là điều phải tránh. Nhưng nếu bạn muốn đổi mới, sáng tạo, làm những thứ mới thì bạn phải chấp nhận ôm lấy rủi ro”.
Sự khác nhau giữa đầu tư và đánh bạc là bạn có thể hành động để thay đổi kết quả. Michael Dell sớm nhìn ra những viên ngọc trong đá ở đây. EMC có lượng tiền mặt lớn, sở hữu nhiều bằng phát minh sáng chế, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, và cả con ngỗng đẻ trứng vàng Vmware. Michael Dell đã thuyết phục thành công các cộng sự và 11 tổ chức ngân hàng tài chính (J.P Morgan, Barclays, Goldman Sach, Credit Suisse, Deutsche Bank, Merrill Lynch, etc) chung tay thực hiện thương vụ này.
Chỉ một năm sau, 2016 Dell và EMC hoàn tất thương vụ sáp nhập trở thành công ty Dell Technologies gồm 7 công ty thành viên: Dell, DellEMC, RSA, Pivotal, Virtustream, Boomi và Vmware.
Giới công nghệ và học thuật vẫn luôn dõi theo thương vụ sáp nhập có 1 không 2 này trong suốt 6 năm qua. Nhiều bài phân tích, đánh giá và đồn đoán khác nhau về tương lai của nó.
Sáng nay 1/11/2021 (giờ Mỹ), Dell đã hoàn tất việc tách Vmware ra khỏi Dell Technologies (spinoff) để trở thành công ty phần mềm độc lập với giá trị thị trường khoảng 64 tỷ đô. Phần còn lại của Dell có giá trị thị trường ước tính 33 tỷ đô.
Sau thương vụ Spinoff này, giới đầu tư lại một lần nữa ngả mũ trước Michael Dell. Sau một loạt động tác mua bán, sáp nhập, tách ra rất phức tạp. Tài sản của Michael Dell đã tăng từ 19.8 tỷ (2016) lên 55.1 tỷ (2021), gần gấp 3 lần.
Nếu chấp nhận rủi ro cao, có tầm nhìn, kế hoạch rõ ràng, thuyết phục được người khác cùng chiến đấu thì hoàn toàn có thể “NUỐT CÁ LỚN”.
Xem thêm:
- 10 mô hình kinh doanh mới đã làm thay đổi thế giới
- Hormone Dopamine – Điểm chung của doanh nhân và tội phạm
- 5 năng lực cốt lõi trong trí tuệ cảm xúc của lãnh đạo tổ chức
–
MENBACK.COM